Xuất bản thông tin

null Giải trình nội dung góp ý đối với Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI

Chi tiết bài viết Tin tức

Giải trình nội dung góp ý đối với Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI

Sáng ngày 19/10/2020, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục ngày làm việc thứ 2.

Đồng chí Lê Thành Công, UVBTVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Tỉnh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình tại Đại hội

Mở đầu buổi làm việc của Đại hội, đồng chí Lê Thành Công, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình những nội dung qua thảo luận còn có ý kiến khác nhau đối với Văn kiện trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI.

Thực hiện quy trình lấy ý kiến đóng góp Văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, các Đoàn đại biểu đã tổ chức Hội nghị thảo luận bảo đảm thời gian, chất lượng, yêu cầu đặt ra, không khí thảo luận sôi nổi, ý kiến đóng góp thẳng thắn, tập trung, trách nhiệm cao. Qua tổng hợp ý kiến thảo luận tại 14 Đoàn đại biểu, có 254 lượt ý kiến đóng góp vào Văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nhìn chung, có nhiều ý kiến phân tích, làm sáng tỏ, sâu sắc thêm và bổ sung nhiều nội dung quan trọng trên từng lĩnh vực cụ thể, đề xuất bổ sung một số nhận định, đánh giá, đặc biệt có nhiều ý kiến bổ sung các giải pháp thiết thực để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả trong nhiệm kỳ tới. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến khác nhau, chủ yếu là trên lĩnh vực kinh tế và các chỉ tiêu chủ yếu.

Đối với nhóm ý kiến về câu từ, Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho nghiên cứu tiếp thu đưa vào Nghị quyết, giao Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI hoàn chỉnh ban hành Báo cáo chính trị.

Đối với nhóm ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp cụ thể trên một số lĩnh vực, Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội giao Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI, nghiên cứu cụ thể hoá vào các nghị quyết, chương trình hành động được ban hành vào đầu nhiệm kỳ và trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong suốt nhiệm kỳ

Đối với ý kiến đề nghị đánh giá thêm một số mặt công tác và bổ sung hạn chế, Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho tiếp thu ý kiến của đại biểu, giao Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI nghiên cứu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ tới, gồm các nội dung:

Đề nghị đánh giá đúng thực chất hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở chưa đủ mạnh, còn hạn chế về chuyên môn, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

Công tác đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên hàng năm thực hiện còn khó khăn, bất cập; điều chỉnh, bổ sung nội dung mô hình tổ chức của Đảng chậm được hoàn thiện, có lúc còn hình thức, hiệu quả chưa cao; nguyên nhân của hạn chế trong công tác quản lý, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao; công tác xử lý vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe.

Về các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025

Đối với chỉ tiêu số (1): "Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt 7,5%", đa số ý kiến cho là phù hợp với điều kiện của Tỉnh. Nhưng, có ý kiến khác cho rằng trong điều kiện bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều thay đổi, có nhiều yếu tố khó dự báo nên đặt chỉ tiêu hàng năm thay vì 5 năm.

Đối với chỉ tiêu này, Đoàn Chủ tịch xin có ý kiến như sau: Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI đã đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 nên bắt buộc phải đề ra chỉ tiêu cho cả nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh sẽ đề ra chỉ tiêu cho từng năm để phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra. Nhìn chung, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025 tăng bình quân 7,5%/năm đối với Tỉnh trong tình hình khó khăn như hiện nay là còn cao, vì trong 02 giai đoạn gần đây đều chưa đạt 7,0% (giai đoạn 2010 - 2015 là 6,7%; giai đoạn 2015 - 2020 là 6,44%). Tuy nhiên, với một số thuận lợi cơ bản và nền tảng kinh tế đã đạt được trong thời gian qua là tiền đề quan trọng để phát triển trong giai đoạn tiếp theo, cùng với sự quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, duy trì kết quả chỉ số PCI của Tỉnh trong nhóm dẫn đầu cả nước, công tác cải cách hành chính đi vào chiều sâu, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế, thì phương án tăng trưởng GRDP giai đoạn 2020 - 2025 đạt 7,5% có tính khả thi. Mặt khác, với tinh thần quyết tâm gia tăng quy mô nền kinh tế, nâng cao thu nhập người dân, rút ngắn khoảng cách với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, thì Tỉnh cần phải có sự nỗ lực, phấn đấu từ bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung của cả nước (tăng trưởng GDP giai đoạn 2020 - 2025 là 7,0%). Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho giữ như Báo cáo chính trị.

Đối với chỉ tiêu số (2): "Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người tăng gấp 1,7 lần so với năm 2020" có ý kiến đề nghị, nên điều chỉnh giảm chỉ tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế, vì chỉ tiêu đặt ra là quá cao. 

Đoàn Chủ tịch có ý kiến: Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2025 đạt 7,5%/năm, mức phấn đấu GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 ước đạt 92 triệu đồng (gấp 1,7 lần so với 2020) là phù hợp. Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho giữ chỉ tiêu này như Báo cáo chính trị.

Đối với chỉ tiêu số (8): "Đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% (dự kiến theo chuẩn mới)", có ý kiến đề nghị nên đề ra chỉ tiêu hàng năm giảm bình quân (1 - 1,5%).

Đối với chỉ tiêu này, Đoàn Chủ tịch có ý kiến: Thực tế việc thực hiện công tác giảm nghèo trong những năm qua cũng còn bất cập. Cụ thể, kết quả giảm nghèo 02 năm gần đây: Cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,11% xuống còn 4,28%, tương ứng với 19.077 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo tăng từ 6,04% lên 6,10%, tương ứng với 27.156 hộ. Cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,28% xuống còn 2,73%, tương ứng với 12.542 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo từ 6,26% giảm xuống còn 5,64%, tương ứng với 9.539 hộ. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,28%.

Kết quả cho thấy, mặc dù công tác giảm nghèo đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (1,5%/năm), song cũng chứng minh phần nào công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững, hiện tại tỷ lệ hộ cận nghèo vẫn còn ở mức cao, nguy cơ tái nghèo lớn. Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo của Tỉnh theo chuẩn mới sẽ điều chỉnh tăng từ 1,28% lên 6,5% nên rất khó giảm nhanh được. Từ những lý do trên, để bảo đảm công tác giảm nghèo bền vững, tránh chạy theo thành tích, nhất là vào những năm cuối nhiệm kỳ, số hộ nghèo còn lại đa phần là rất khó khăn; đồng thời để có sự đồng bộ trong lãnh đạo thực hiện giữa chỉ tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho giữ chỉ tiêu như Báo cáo chính trị.

Đối với chỉ tiêu (10): "Có 10,5 - 11 bác sĩ/01 vạn dân", có ý kiến đề nghị điều chỉnh thành có 10,5 bác sĩ/01 vạn dân. Ý kiến khác đề nghị điều chỉnh thành có 11 bác sĩ/01 vạn dân.

Đoàn Chủ tịch có ý kiến: Trên cơ sở nguồn lực và thực trạng hiện nay, đối với lực lượng bác sĩ, năm 2019, tỷ lệ bác sĩ/01vạn dân của Tỉnh là 09 bác sĩ (tổng số có 1.439 bác sĩ, tổng dân số là 1.599.504 người); dự kiến đến năm 2025, dân số trung bình của Tỉnh khoảng 1.605.000 người, tổng số bác sĩ dự kiến tuyển dụng mới khoảng 534 người, số lượng bác sĩ nghỉ hưu khoảng 175 người, tương ứng 35 bác sĩ/năm. Đồng thời định hướng trong giai đoạn tới, ngoài việc gia tăng về số lượng bác sĩ, còn phải tập trung cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ ngành Y tế, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn đội ngũ bác sĩ theo hướng chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, nên về cơ bản sẽ thực hiện đạt từ 10,5 - 11 bác sĩ/vạn dân. Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho giữ chỉ tiêu như Báo cáo chính trị.

Đối với chỉ tiêu số (11): "Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số", có ý kiến đề nghị điều chỉnh đạt trên 95%; ý kiến khác đề nghị tăng lên 100%.

Đoàn Chủ tịch có ý kiến: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ X đã đề ra chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến cuối năm 2020 đạt 80% dân số. Theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh được giao chỉ tiêu đến năm 2020 tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% dân số. Trong những năm qua, các ngành, địa phương trong Tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, tính đến tháng 9/2020 có 87,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Việc dịch chuyển lao động trong và ngoài Tỉnh diễn ra liên tục, nên việc quản lý người dân tham gia hiểm bảo y tế trên địa bàn Tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, sẽ rất khó đạt chỉ tiêu 100% tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trong 05 năm tới.

Mặt khác, theo Chương trình hành động số 59-CTr/TU ngày 08/02/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới có đề ra chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số, chỉ tiêu này đã được ngành chuyên môn tính toán trên cơ sở nguồn lực của địa phương và mức sống của người dân hiện nay. Đây là chỉ tiêu thể hiện sự phấn đấu và cần có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho giữ chỉ tiêu này như Báo cáo chính trị.

Đối với chỉ tiêu số (12): "Có 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã nông thôn mới nâng cao đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 05 đơn vị cấp huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới và 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao". Một số ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 100%, ý kiến khác đề nghị là 95%. Có ý kiến cho rằng, ở chỉ tiêu thành phần có 30% xã đạt nông thôn mới nâng cao, khả năng thực hiện khó đạt, đề nghị giảm còn 15 - 20%. Một số ý kiến đề nghị bỏ cụm từ "cơ bản" trong đoạn chỉ tiêu "có thêm 05 đơn vị cấp huyện cơ bản đạt chuẩn huyện nông thôn mới".

Đoàn Chủ tịch có ý kiến: Trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến đến cuối năm 2020, toàn Tỉnh có 96 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 83,5% (không tính 02 xã An Bình A và An Bình B đã được công nhận nông thôn mới và sau đó được thành lập phường An Bình A và phường An Bình B, để thành lập thành phố Hồng Ngự), có 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Sa Đéc, Cao Lãnh, Hồng Ngự), 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Tháp Mười, dự kiến thêm huyện Cao Lãnh). Qua cân đối nguồn lực và nhu cầu phát triển của Tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, toàn Tỉnh có 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao; có thêm 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và 01 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.

Qua rà soát mục tiêu phấn đấu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025: Có ít nhất 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Báo cáo số 02/BC-BCĐCTMTQG ngày 27/04/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia 2016 - 2020). Có thể thấy, chỉ tiêu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao của Tỉnh đề ra không có sự chênh lệch nhiều so với chỉ tiêu đề ra tại Báo cáo số 02/BC-BCĐCTMTQG. Cụ thể, Trung ương đề ra mục tiêu phấn đấu có ít nhất 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 92 xã), có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tương đương 37 xã). Tỉnh đưa ra mục tiêu có 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 104 xã), cao hơn 10% so với chỉ tiêu Trung ương đề ra; có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao (tương đương 31 xã).

Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho tiếp thu, điều chỉnh chỉ tiêu này như sau: "Có 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã nông thôn mới nâng cao đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao".

Đối với chỉ tiêu số (13): "Phấn đấu thành lập mới 35 hợp tác xã", một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc việc đặt chỉ tiêu này mà nên đưa vào giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Có ý kiến cho rằng, Tỉnh nên đặt chỉ tiêu theo hướng xác định tỷ lệ phần trăm đối với các huyện sẽ phù hợp hơn; xem xét bổ sung nội dung đến năm 2025, có 50% số hợp tác xã có ít nhất 05 dịch vụ hoạt động hiệu quả vào sau chỉ tiêu này. Đồng thời cũng có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ "hoạt động hiệu quả" vào chỉ tiêu này.

Đoàn Chủ tịch có ý kiến: Thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, trong quá trình xây dụng Báo cáo chính trị, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá X đã bổ sung nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thành lập, phát triển thêm các hợp tác xã, tổ hợp tác, coi trọng mở rộng quy mô thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã để lãnh đạo thực hiện trong thời gian tới. Mặt khác, khi thông qua dự thảo văn kiện, các đồng chí trong Bộ Chính trị, lãnh đạo các cơ quan Trung ương có đề nghị Tỉnh nghiên cứu bổ sung chỉ tiêu phát triển kinh tế tập thể vào Báo cáo chính trị trình tại Đại hội.

Về ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ "hoạt động có hiệu quả" vào sau chỉ tiêu "Phấn đấu thành lập mới 35 hợp tác xã". Đoàn Chủ tịch nhận thấy ý kiến nêu trên là phù hợp, đề nghị Đại hội cho điều chỉnh chỉ tiêu như sau: "Phấn đấu thành lập mới 35 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả".

Đối với chỉ tiêu số (14): "Tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 98%", có ý kiến cho rằng, đặt tỷ lệ 98% là khó thực hiện, đề nghị điều chỉnh giảm còn 95%, ý kiến khác đề nghị từ 90 - 95%, vì hiện nay nhiều tuyến dân cư nông thôn nhà ở rất thưa, rất khó đầu tư hệ thống nước; đề nghị xem xét điều chỉnh cụm từ "nước sạch" thành "nước đạt chuẩn" cho rõ hơn về tiêu chí.

Đoàn Chủ tịch có ý kiến: Theo đánh giá, tỷ lệ dân cư nông thôn trên địa bàn Tỉnh sử dụng nước sạch đến năm 2020 ước đạt 84,14% và mục tiêu phấn đấu cả nước đến năm 2025 có 95 - 100% dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh (theo Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 09/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025). Tỉnh có chủ trương đóng tất cả các trạm nước ngầm và chuyển sang khai thác nguồn nước mặt. Đặc biệt, với mong muốn cung cấp cho người dân nông thôn nước sinh hoạt có chất lượng tương đương chuẩn nước sạch của đô thị, đồng thời tiến hành quy hoạch lại mạng lưới cung cấp nước sạch trên địa bàn Tỉnh, để bảo đảm đến năm 2025 có 98% tỷ lệ dân cư nông thôn và 100% dân cư thành thị sử dụng nước sạch. Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho giữ chỉ tiêu như Báo cáo chính trị.

Đối với chỉ tiêu số (15): "Có 100% chất thải nguy hại được xử lý", một số ý kiến cho rằng, chỉ tiêu này là cao, thực hiện rất khó đạt, nhất là ở khu vực nông thôn, rác thải nguy hại bao gồm cả bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, rất khó thu gom và xử lý 100%, do vậy, nên điều chỉnh giảm cho phù hợp và khả thi. Ý kiến khác đề nghị điều chỉnh đối với đô thị có 90% rác thải được xử lý và đối với nông thôn có 50% rác thải được xử lý.

Đoàn Chủ tịch có ý kiến: Chất thải nguy hại là loại chất thải có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường cao. Do đó, cần phải được thu gom, xử lý triệt để nhằm hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường. Nội dung này được quy định tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho giữ chỉ tiêu như Báo cáo chính trị.

Đối với chỉ tiêu số (18): "Có 70% ban công tác mặt trận, chi đoàn, chi hội, Hội quán, Tổ Nhân dân tự quản hoạt động từ khá trở lên", một số ý kiến đề nghị cân nhắc, không nên đặt chỉ tiêu này, vì các nội dung này đã thể hiện rõ trong giải pháp thực hiện của nhiệm kỳ tới. Ý kiến khác cho rằng nên giữ chỉ tiêu này, vì phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đáp ứng nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong thời gian tới. Ngoài ra, có một số ý kiến đề nghị bỏ cụm từ "Hội quán, Tổ Nhân dân tự quản" vì đây là mô hình tự nguyện tham gia sinh hoạt của người dân.

Đoàn Chủ tịch có ý kiến: Qua Báo cáo của các tổ chức chính trị - xã hội Tỉnh, đến nay, chỉ có khoảng 60% ban công tác mặt trận, chi đoàn, chi hội hoạt động từ khá trở lên. Do đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội Tỉnh ngày càng hiệu quả hơn và đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân vào tổ chức. Vì vậy, cần giữ chỉ tiêu này để Đảng bộ Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát hơn. Đối với nội dung "mô hình Hội quán, Tổ Nhân dân dân tự quản" là tổ chức hoạt động tự nguyện, tự quản của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.  Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho giữ chỉ tiêu như Báo cáo chính trị.

Đối với chỉ tiêu số (19), (20): “Có 100% chi bộ bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Có 100% chi bộ xây dựng và thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát toàn khoá và hàng năm”.

Đa số ý kiến đề nghị cân nhắc, không nên đặt các chỉ tiêu này, vì các nội dung này đã thể hiện rõ trong giải pháp thực hiện của nhiệm kỳ tới; việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc xây dựng và thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ phải thực hiện của chi bộ theo quy định. Đoàn Chủ tịch nhận thấy, ý kiến góp ý trên là phù hợp, đề nghị Đại hội cho bỏ 02 chỉ tiêu này trong Báo cáo chính trị.

Về nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, có một số ý kiến đề nghị đầu tư, phát triển, khai thác hiệu quả cửa khẩu Mộc Rá, thành phố Hồng Ngự; phát triển khu du lịch Gò Tháp, huyện Tháp Mười; ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồng Ngự; khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Đoàn Chủ tịch cho rằng, các ý kiến của đại biểu là xác đáng. Tuy nhiên, các nội dung nêu trên đã được xác định trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển ngành, lĩnh vực trong Báo cáo chính trị. Đề nghị Đại hội giao cho Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI nghiên cứu, cụ thể hoá để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ tới.

M.P