Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 3 năm 2020

Chi tiết bài viết Tin tức

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 3 năm 2020

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập giới thiệu tóm tắt bài viết “Học và làm theo Bác về gắn bó với nhân dân” của TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Bảo tàng Hồ Chí Minh đăng trên Trang điện tử Tuyên giáo, mục Theo Gương Bác.

GẮN BÓ MẬT THIẾT VỚI NHÂN DÂN - CỘI NGUỒN SỨC MẠNH CỦA ĐẢNG  

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động, chứ không mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào, của cá nhân nào”. Vì thế, gắn bó mật thiết với nhân dân là một trong những nguyên tắc quan trọng của công tác xây dựng Đảng Mác-xít, là yêu cầu khách quan, nhất quán đối với Đảng cầm quyền, là thiết thực dựa vào nhân dân để xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Qua đó, góp phần chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ” và “trong xã hội, không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”, cho nên mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên gắn bó với nhân dân và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Muốn phát huy năng lực sáng tạo của nhân dân để huy động “tài dân, sức dân để làm giàu cho dân” như Người đã nói, thì càng phải hướng về cơ sở, gần gũi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vì nhân dân phục vụ.

THẤM NHUẦN LỜI BÁC DẶN GẮN BÓ MẬT THIẾT VỚI NHÂN DÂN

Bản chất cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam khác với các đảng phái chính trị khác là ở chỗ “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” và cán bộ, đảng viên của Đảng phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân. Vì thế, khi cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, lãng phí, quan liêu, tham ô, tham nhũng, nói không đi đôi với làm thì họ đã làm mất uy tín, danh dự của Đảng, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng và khi đó, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân tan vỡ, sức mạnh và vai trò lãnh đạo của Đảng vì thế cũng không còn. 

 Trong hơn 30 năm đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, thì tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên với những biểu hiện: quan liêu, cửa quyền, tham ô, tham nhũng, sách nhiễu dân, nhóm lợi ích… đã trở thành vấn nạn trong hệ thống chính trị. Ở nhiều nơi, quyền làm chủ của nhân dân bị vi phạm, tệ nạn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, nhất là “tham nhũng vặt” vẫn còn không ít ở địa bàn cơ sở, đã làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đó không chỉ là trở lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ. Bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái này đã quên rằng, “chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ” thì Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là đầy tớ và làm đầy tớ cho dân, mà đầy tớ là “công bộc” của dân - nội hàm là hết lòng, hết sức gánh vác việc nước, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, chứ không phải là “ăn trên ngồi trốc”, là “cha mẹ dân”. 

Để khắc phục những hạn chế nêu trên và tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, các cấp ủy đảng chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, với Quy định về “Những điều đảng viên không được làm”, với các quy định về nêu gương.

Hai là, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân để không chỉ nắm vững tình hình, hiểu rõ tâm trạng, yêu cầu của nhân dân mà còn phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Đổi mới hình thức, nội dung và biện pháp để tuyền truyền, giáo dục nâng cao giác ngộ chính trị, đạo đức cách mạng, hiểu biết pháp luật cho nhân dân, để nhân dân thực hiện tốt vai trò “là chủ”, “làm chủ” của mình.

Ba là, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải hướng về cơ sở, gần dân, hiểu dân, trọng dân, tin dân, học dân, dựa vào dân và thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân. Đồng thời, gắn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, với“Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, địa bàn cơ sở. 

Bốn là, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, không để quyền làm chủ của nhân dân chỉ dừng lại ở khẩu hiệu mà phải tạo điều kiện thực tế, có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trên tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Năm là, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến của cá nhân và tập thể trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; khắc phục những hạn chế, yếu kém, sơ hở trong công tác cán bộ, để lựa chọn, quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm những cán bộ đủ đức, đủ tài theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”./. 

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Năm An toàn giao thông 2020 chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”

Ngày 18/02/2020, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch Số: 46-/KH-UBND về Năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, mục tiêu phấn đấu giảm từ 5 đến 10% số vụ, số người chết và bị thương so với năm 2019. Theo đó, đề ra 06 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường. (2) Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông. (3) Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn Tỉnh. (4) Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và giám sát để thu hút hành khách, hàng hóa sử dụng vận tải đường thủy nội địa; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng. (5) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. (6) Thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị.

2. Phòng ngừa, xử lý các hành vi lừa đảo, giả mạo văn bản

Thời gian qua, trên địa bàn Tỉnh xuất hiện nhiều văn bản giả mạo chữ ký của lãnh đạo, con dấu của Ủy ban nhân dân Tỉnh (văn bản trúng thầu và giám sát gói thầu thuộc dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 30, quyết định cấp giấy phép khai thác cát trên sông, quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại tỉnh Đồng Tháp). Để phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi lừa đảo, giả mạo văn bản, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động nêu cao tinh thần cảnh giác, trong quá trình khi xử lý công việc (đặc biệt có liên quan đến kinh tế, tài chính) cần xem xét thận trọng, nếu phát hiện nghi vấn thì trao đổi thông tin ngay đến các cơ quan có liên quan để xác thực thông tin và cung cấp các tài liệu có liên quan đến Công an tỉnh để phối hợp, xử lý. Các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công văn số 326/CV-UBND-TCD-NC ngày 06/11/2019 về tăng cường ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo trong xã hội và Công văn số: 390/UBND-TCD-NC ngày 20/12/2019 về việc phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2020 và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.

Trong nước, tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp, phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh đã tác động trực tiếp và gián tiếp tới toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đầu tư, vận tải, du lịch, đời sống, sinh hoạt và tâm lý của người dân... Với nỗ lực và chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong tháng đầu năm 2020 cơ bản vẫn giữ được sự ổn định: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 tăng 1,23% so với tháng 12/2019; Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 01 ước đạt 166,7 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 11% dự toán năm; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2020 ước tính đạt 38,1 tỷ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 19 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Văn hóa, xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Các chương trình văn hóa, nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân được tổ chức rộng khắp, tạo không khí vui tươi, phấn khởi gắn với yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phòng chống dịch bệnh... Tai nạn giao thông giảm cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với Tết 2019.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Trước bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước còn diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt tình hình thiên tai, dịch bệnh... Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, quyết liệt thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống COVID-19, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan rộng theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ; nắm bắt diễn biến, tình hình của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, tổ chức nghiên cứu, dự báo và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay để đảm bảo ổn định sản xuất đối với từng ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân.

 Thứ hai, theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước và thế giới, phân tích, tính toán, đề xuất các kịch bản điều hành giá, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát đã đề ra.

Thứ ba, triển khai nhanh công tác giao kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm.

Thứ tư, triển khai mạnh mẽ chủ trương hội nhập quốc tế, trong đó nâng cao hiệu quả tham gia, chủ động, tích cực đóng góp vào xây dựng, định hình các tổ chức, diễn đàn đa phương, đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Thứ năm, tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tổ chức triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách mới ban hành, chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; tập trung thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

2. Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA – Dấu mốc quan trọng trong hợp tác giữa Việt Nam và EU

Ngày 12/02/2020, tại Pháp, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Đây là các quyết định rất quan trọng, được 27 quốc gia thành viên EU (hầu hết là những nước có nền kinh tế phát triển) và Việt Nam (nước có nền kinh tế đang phát triển) hết sức trông đợi sau gần 8 năm, kể từ khi hai bên chính thức khởi động đàm phán EVFTA vào tháng 6/2012.

Việc EP phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả Việt Nam và EU, thể hiện: (1)  Thể hiện sự coi trọng, đánh giá cao của các nghị sỹ và các quốc gia thành viên EU về vai trò, vị thế của Việt Nam và quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU. (2) Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế từ Việt Nam và nâng lên 99% dòng thuế sau 7 năm; trong khi Việt Nam xóa bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hóa EU trong năm đầu tiên và nâng lên 91,8% số dòng thuế sau 7 năm. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các nước hết sức phức tạp, Hiệp định EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp chúng ta đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và đối tác, tạo chỗ đứng vững chắc hơn tại thị trường rất lớn EU. Người dân Việt Nam tiếp cận với hàng hóa, thiết bị mà Việt Nam không có. Hiệp định EVFTA và EVIPA góp phần thúc đẩy hơn nữa dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ EU, đi kèm với công nghệ, tri thức quản lý tiên tiến hàng đầu và những lĩnh vực mới của kinh tế số. (3) Bên cạnh các cam kết về kinh tế, EVFTA cũng bao quát nhiều cam kết mới về phát triển bền vững, ứng phó với biển đổi khí hậu, quản trị rừng bền vững, các tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường... Sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên trong thực thi các cam kết này sẽ góp phần tiếp tục thúc đẩy cải cách, tăng trưởng bền vững, nâng cao tiêu chuẩn lao động và đời sống của nhân dân.

Quốc hội Việt Nam sẽ tiến hành bỏ phiếu hai Hiệp định vào tháng 5/2020. Để khai thác được tối đa lợi ích mà hai Hiệp định này mang lại, các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Hiệp định; tuyên truyền, phổ biến các cam kết, quy định của thị trường EU; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất…

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Một số kết quả chủ yếu của diễn đàn kinh tế thế giới lần thứ 50

Từ ngày 21 - 24/01/2020 tại Đa-vốt (Thụy Sĩ) diễn ra Diễn đàn kinh tế thế giới lần thứ 50 (WEF-2020), với sự tham dự của gần 3.000 đại biểu đến từ 117 quốc gia. Với chủ đề “Các bên liên quan vì một thế giới gắn kết và bền vững”, WEF-2020 tập trung thảo luận các chủ đề: (1) biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học của hành tinh; (2) phát triển công nghệ mới và các nguy cơ tiềm tàng khi áp dụng các công nghệ mới; (3) phát triển kinh doanh trong bối cảnh thay đổi công nghệ và xã hội; (4) bảo vệ sức khỏe của cộng đồng; (5) phát triển nghề nghiệp và tương lai của thị trường lao động; (6) giải quyết xung đột quân sự tại các điểm nóng.

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dẫn đầu tham dự WEF-2020 đã nêu bật thành tựu phát triển kinh tế  - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua; truyền tải thông điệp về đường lối, định hướng, chính sách, biện pháp lớn của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 để thúc đẩy các nước, các đối tác, tập đoàn hàng đầu tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam. Tại phiên họp toàn thể, với chủ đề “Triển vọng chiến lược ASEAN” - một trong những điểm nhấn của WEF-50, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, với trọng trách kép là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Liên Hợp quốc nhằm đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới cũng như thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời nỗ lực thúc đẩy vai trò, tiếng nói của ASEAN tại các diễn đàn đa phương quan trọng khác nhằm góp phần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.

2. Bước tiến mới trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1

Sau gần hai năm căng thẳng thương mại với việc Mỹ và Trung Quốc áp thuế lẫn nhau gây tác động tiêu cực đến cả hai nước cũng như tới đầu tư và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ngày 15/01/2020, tại Nhà Trắng (Mỹ), Mỹ và Trung Quốc đã chính thức ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.

Theo thỏa thuận giai đoạn 1, Mỹ đồng ý giảm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc: Mỹ sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, đồng thời hạn chế một số mức thuế đã áp với hàng hóa Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc hủy kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ và đồng ý mua thêm hàng hóa Mỹ, với cam kết sẽ tăng nhập khẩu ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong 2 năm tới. Ngoài ra, Trung Quốc cam kết tăng nhập khẩu lúa mì và ngô của Mỹ. Đây hứa hẹn sẽ là bước nhảy vọt trong xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc thời gian tới. Thỏa thuận này cũng bao gồm nội dung về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ tại Trung Quốc, vấn đề mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của Trung Quốc, vấn đề cơ cấu nông nghiệp và tiền tệ.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm ca ngợi đây là một thỏa thuận lịch sử, một bước đi quan trọng tiến tới quan hệ thương mại công bằng và có đi có lại, đồng thời cho biết sẽ thăm Trung Quốc trong thời gian tới để thúc đẩy giai đoạn 2 của thỏa thuận. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đọc bức thư của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi đến buổi lễ. Trong thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định, hai nước có khả năng hành động dựa trên cơ sở bình đẳng, đồng thời bày tỏ hy vọng phía Mỹ sẽ đối xử công bằng đối với các công ty của Trung Quốc.

Đối với kinh tế thế giới, các chuyên gia nhận định, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 sẽ giúp giảm bớt các rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt, đồng thời thúc đẩy triển vọng kinh tế thế giới.

                                            Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp