Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 5 năm 2020

Chi tiết bài viết Tin tức

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 5 năm 2020

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Nội dung “Câu chuyện khóm, ấp” của tác giả Xích Lô, đăng trên Báo Đồng Tháp, mục suy ngẫm:

Thường thì, ngồi một chỗ mà nhận định, đánh giá, phán xét, thì dễ rơi vào chủ quan, sai lầm, vô cảm, thiếu sự thấu hiểu, cảm thông, trân trọng. Mỗi người, do những điều kiện, hoàn cảnh, được xã hội phân công, người dân giao phó đứng ở cương vị này, ngồi vào vị trí nọ, là lẽ thường. Mỗi người đều đóng góp những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, địa phương, đất nước, miễn là, làm hết trách nhiệm của mình, làm bằng cái tâm của mình!

Có dịp ngồi hàn huyên với các anh chị ở trụ sở một khóm trong mùa chống dịch Covid-19, có nhiều điều thật đáng suy ngẫm. Một khóm cũng như một ấp thì nhỏ thôi, tưởng rằng đâu có gì là lớn lao, phức tạp. Chỉ vỏn vẹn trên dưới một cây số vuông, khoảng vài trăm nóc nhà, đi một vèo là giáp cả, thì có gì to tát lắm đâu, cực nhọc lắm đâu?!? Công việc hàng ngày thì có phường, xã ấn định xuống phải làm gì, cần làm gì. Nhưng tưởng vậy, mà đâu phải như vậy! 

Trong hệ thống của mình, đơn vị ấp khóm không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn. Có lẽ, quan niệm như vậy nên từ chế độ chính sách, công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ khóm ấp chưa thực sự được chú trọng. Nói nào ngay, đối với các anh chị làm ở khóm ấp thì "hậu cần" là có một chút phụ cấp, cộng với "cơm nhà áo vợ"; còn "vũ khí" là lòng nhiệt tình công tác xã hội, cộng với ý thức đảng viên. Vậy là, lao vào công việc. Vậy là, lặn lội ngày đêm. Vậy là, có mặt đầu trên xóm dưới...

Tưởng rằng đơn giản nhưng đâu phải vậy! Đối với ấp khóm thì không có khái niệm nhóm đối tượng này, thành phần kia, mà là người nào, hộ nào, ở xóm nào, đường nào, hẻm nào, thậm chí là ngõ ngách nào. Rồi hộ đó ai là chủ, gia cảnh ra sao, sinh sống bằng nghề gì, con cái học hành đến đâu, có ai tật nguyền, già cả "nay đau mai yếu" không? Các anh chị biết hết, hiểu tường tận cả! Mà đâu chỉ nắm danh sách, tên tuổi không đâu, các anh chị còn biết cả tính nết từng người. Ai là người tử tế, thân thiện với hàng xóm; ai là người "rượu chè bê tha", hay xích mích trong gia đình, "câu mâu" với cộng đồng. 

Cấp trên thường hay nhắc nhở phải "đi tận ngõ, gõ tận nhà" có khi là chung chung thôi, nhưng các anh chị thì chắc khỏi phải nhắc, vì ngày nào cũng vậy, tuần nào cũng vậy và tháng nào cũng vậy. Sáng ngồi uống nước trà với nhà này, tối đến lại thăm hỏi nhà kia. Có sâu sát như vậy, mới biết nhà nào khó khăn để mà đề đạt lên phường xã hoặc vận động những nhà hảo tâm giúp đỡ. Khi thì gạo thóc cho cả nhà, khi thì học bổng, tập vở cho học sinh nghèo vượt khó, khi thì thuốc thang, bảo hiểm... Rồi vận động "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nay vá ổ gà chỗ này, mai lấp úng ngập chỗ kia. Nội chuyện nhắc nhở giữ gìn vệ sinh môi trường cho sạch, không để dịch bệnh, hay nhắc đổ rác đúng nơi đúng chỗ cũng đâu có dễ dàng gì. Khổ nhất là xem xét chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn. Sót một người, chậm một chút là "lời ra tiếng vào", là trách móc, là thưa kiện. Người giận, kẻ hờn! Đúng là: "Trăm dâu đổ đầu tằm"!

Làm gì cũng có niềm vui, và cũng có nỗi buồn! Gặp người thông hiểu, vận động hưởng ứng chấp hành thì vui, gặp người tích cực còn được động viên, chia sẻ thì mát cả bụng, nhẹ cả lòng. Nhưng gặp không ít trường hợp quay lưng, cau có, thậm chí còn bị xiên xỏ, bóng gió, thì sao tránh khỏi nặng lòng. Con người cả mà, ai cũng có tự trọng, cũng biết tự ái, cũng còn sĩ diện. Có anh làm ở khóm phân trần thấy thương quá. Ảnh nói: "Nhiều khi tức anh ách luôn, nhưng lại tự nhủ, cũng vì mình chấp nhận làm cán bộ khóm ấp thì phải ráng chịu chứ biết sao bây giờ"! Thì đó, mới chiều hôm trước gặp nhau còn bị lớn tiếng, nặng lời, sáng hôm sau đã "giả lả" như hổng có chuyện gì xảy ra. "Bàn tay có ngón ngắn, ngón dài" mà, trong cộng đồng cũng vậy thôi, cũng có người thế này người thế kia! Nhưng, trong những lúc như vậy biết tỏ cùng ai? Ai sẽ là người đến động viên, chia sẻ? Hay mình chỉ biết than với ta, rồi ta lại động viên chính mình? 

Ngay trong mùa dịch Covid-19 mới càng thấy vai trò quan trọng của cấp dưới cơ sở. Khóm, ấp thì làm gì có ban này, ngành kia, chỉ vài ba người thôi mà dang tay gánh vác hết. Chỉ đạo cũng bao nhiêu con người đó, mà tổ chức thực hiện cũng bao nhiêu con người đó. Nào là, tuyên truyền chủ trương phòng chống dịch, thông tin các khuyến cáo của ngành Y tế. Nào là, lập danh sách các gia đình có người thân ở nước ngoài, đi về từ các vùng dịch. Nửa đêm mà nghe tin báo có người lạ đến thì cũng phải quàng vội chiếc áo, xỏ nhanh đôi dép để kịp đến tận nhà, rồi thông báo cho cơ quan chức năng, cho người chịu trách nhiệm. Rồi thực hiện chủ trương phòng chống dịch, hộ này thì không còn bán vé số, hộ kia thì kinh doanh ế ẩm, họ khác thì bị mất việc làm... . Vậy là phải trăm mối lo giúp cho bà con qua cảnh ngặt nghèo trong mùa chống dịch này. 

Trong hệ thống của mình, mỗi khi có thành tích gì, xin đừng quên biểu dương các cán bộ khóm ấp nhé! Một lời tri ân dành cho các anh chị, những người “làm dâu trăm họ”.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Thành lập Khu công nghiệp Tân Kiều tại huyện Tháp Mười

Ngày 15/4/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số: 471/QĐ-UBND-HC thành lập Khu công nghiệp Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, chủ đầu tư dự án phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tân Kiều là Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp. Khu công nghiệp Tân Kiều có ranh giới được xác định như sau: Phía Đông giáp đất dân dọc theo kênh Nhì; phía Tây giáp đất dân dọc theo kênh Cô Hai; phía Nam giáp đường ĐT846 và kênh Nguyễn Văn Tiếp; phía Bắc giáp Quốc lộ N2. Diện tích quy hoạch Khu công nghiệp Tân Kiều khoảng 148ha, tổng vốn đầu tư gần 1.270 tỷ đồng.

2. Xử lý nghiêm hành vi mua bán sổ bảo hiểm xã hội

Hiện nay, một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, công nhân mất việc làm, thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội nhằm trục lợi. Mới đây, các đối tượng đã lập trang facebook mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội Bình Dương để rao mua bán. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, ngày 16/4/2020, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Công văn số: 173/UBND-THVX yêu cầu Công an tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý nghiêm các hành vi mua gom sổ bảo hiểm xã hội, siết chặt quy trình chi trả để ngăn chặn các đối tượng trục lợi.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước trong quý I/2020 đạt một số kết quả chủ yếu: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019, thấp hơn dự kiến và thấp nhất trong nhiều năm qua; Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2020 ước tính đạt 311,3 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán năm; Tổng chi ngân sách Nhà nước ước bằng 15,9% dự toán năm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2020 đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7%; Tổng kinh phí cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong quý I ước tính hơn 4,8 nghìn tỷ đồng, hơn 17,5 triệu thẻ bảo hiểm y tế/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng...

Một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện Lời kêu gọi chống dịch Covid-19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; tích cực, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo phương châm “vừa chống dịch, kiên quyết không để lây lan, vừa đảm bảo các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra".

Thứ hai, chăm lo thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống của người dân bởi tác động dịch Covid-19; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công trên mọi lĩnh vực.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh việc áp dụng các hình thức lao động, làm việc, học tập thông qua sự hỗ trợ của công nghệ thông tin trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Thứ tư, tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, quản lý tốt dân cư trên địa bàn. 

Thứ năm, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19; các biện pháp ứng phó dịch bệnh của các cơ quan chức năng; biểu dương gương người tốt, việc tốt... Kiểm soát có hiệu quả thông tin trên mạng, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thông tin sai sự thật về dịch bệnh gây hoang mang trong xã hội.

2. Điểm mới trong hướng dẫn về một số vấn đề cụ thể thực hiện quy chế bầu cử trong Đảng

Ngày 20/3/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Hướng dẫn số 03-HD/TW về một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng. Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 04-HD/TW ngày 06/10/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trong đó, có một số nội dung mới chủ yếu sau:

(1) Về đối tượng và phạm vi điều chỉnh: Khi chuẩn bị nhân sự là cấp ủy viên, đảng viên để giới thiệu ứng cử, bầu vào các chức danh lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở thì thực hiện theo Điều 13, Quy chế bầu cử trong Đảng và các quy định, hướng dẫn có liên quan.

(2) Về số lượng và danh sách đoàn chủ tịch (chủ tịch) đại hội: Cấp ủy triệu tập đại hội dự kiến số lượng và danh sách đoàn chủ tịch (chủ tịch) đại hội, trình đại hội biểu quyết thông qua.

(3) Về cơ quan tiếp nhận hồ sơ ứng cử, đề cử của đảng viên: Cấp ủy triệu tập đại hội giao ban tổ chức của cấp ủy tiếp nhận, hướng dẫn đảng viên hoàn thiện thủ tục, hồ sơ ứng cử, đề cử.

(4) Về thủ tục hồ sơ ứng cử, đề cử:

- Việc ứng cử, đề cử ở đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở: Đảng viên chính thức không phải là đại biểu đại hội nếu ứng cử cấp ủy thì làm đơn ứng cử nộp đảng ủy cơ sở. Đại biểu chính thức của đại hội đề cử đảng viên chính thức không phải là đại biểu của đại hội để bầu vào cấp ủy thì chuẩn bị phiếu đề cử nộp cho đoàn chủ tịch đại hội; phiếu đề cử phải có ý kiến đồng ý của người được đề cử.

- Việc ứng cử, đề cử ở đại hội đảng bộ từ cấp huyện và tương đương trở lên: Đại biểu chính thức ở đại hội ứng cử để bầu vào cấp ủy thì làm đơn ứng cử nộp đoàn chủ tịch đại hội. Đảng viên chính thức không phải đại biểu đại hội nếu ứng cử để bầu cấp ủy thì thì nộp đơn ứng cử cho cơ quan tổ chức của cấp ủy triệu tập đại hội chậm nhất 15 ngày trước ngày khai mạc đại hội.

- Nếu việc ứng cử, đề cử được tiến hành ở các đoàn đại biểu thì trưởng đoàn đại biểu tổng hợp danh sách ứng cử, được đề cử nộp đoàn chủ tịch đại hội.

- Việc ứng cử, đề cử cấp ủy viên từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương thực hiện theo Điều 13, Quy chế bầu cử trong Đảng.

(5) Về trách nhiệm của người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy tại đại hội: Người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy tại đại hội phải chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn, điều kiện của người mình đề cử. Sau đại hội, nếu xác minh người mình đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tùy theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

(6) Việc cho rút và không cho rút khỏi danh sách bầu cử:

 Đoàn chủ tịch tổng hợp danh sách những người ứng cử, được đề cử tại đại hội và những người xin rút khỏi danh sách bầu cử; đề xuất cho rút khỏi danh sách bầu cử những người vi phạm Điều 13, Quy chế bầu cử trong Đảng, những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo đại hội xem xét, quyết định bằng hình thức bỏ phiếu hoặc giơ tay.

(7) Việc lấy phiếu xin ý kiến đối với những người ứng cử, được đề cử tại đại hội:

Đoàn chủ tịch lập tổ giúp việc kiểm phiếu xin ý kiến là những thành viên đoàn thư ký. Trường hợp cần thiết có thể chọn một số đại biểu chính thức (ở đại hội đại biểu) hoặc một số đảng viên chính thức (ở đại hội đảng viên) không có tên trong danh sách ứng cử, đề cử tham gia tổ giúp việc kiểm phiếu.

(8) Về số dư và danh sách bầu cử:

- Trường hợp cần bầu 01 người thì danh sách bầu cử là 02 người. Trong trường hợp này thì cấp ủy triệu tập đại hội chỉ nên chuẩn bị và giới thiệu 01 người. Trường hợp cấp ủy giới thiệu 01 người và tại đại hội không có người ứng cử, được đề cử thêm thì đoàn chủ tịch xin ý kiến đại hội biểu quyết thông qua danh sách bầu cử là 01 người.

- Trường hợp cấp ủy giới thiệu 01 người và tại đại hội có người ứng cử, được đề cử thêm vượt quá 02 người thì đoàn chủ tịch lấy phiếu xin ý kiến đại hội về những người ứng cử, được đề cử thêm tại đại hội để lựa chọn nhân sự lập danh sách bầu cử tối đa là 02 người.

- Việc bầu ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện có số dư như bầu cấp ủy.

(9) Về lấy phiếu giới thiệu bí thư cấp ủy:

Sau khi đại hội bầu được cấp ủy khóa mới, Đoàn chủ tịch đại hội chủ trì việc lấy phiếu giới thiệu của đại hội đối với nhân sự bí thư cấp ủy trong số các đồng chí vừa trúng cử cấp ủy viên. Ban kiểm phiếu của đại hội tổ chức kiểm phiếu, báo cáo kết quả với Đoàn chủ tịch đại hội và cấp ủy cấp trên; bàn giao biên bản kiểm phiếu, phiếu giới thiệu cho cấp ủy khóa mới để công bố kết quả giới thiệu của đại hội về nhân sự bí thư tại phiên họp đầu tiên của cấp ủy khóa mới và thực hiện quy trình bầu bí thư theo quy định. Nếu kết quả giới thiệu của Đại hội khác với phương án nhân sự được duyệt thì báo cáo cấp ủy cấp trên cho ý kiến chỉ đạo trước khi bầu bí thư cấp ủy. Đối với những nơi trực tiếp bầu bí thư cấp ủy tại đại hội thì thực hiện theo Hướng dẫn số 34-HD/BTCTWW ngày 08/10/2009 của Ban Tổ chức Trung ương.

(10) Những trường hợp không triệu tập dự đại hội và việc thay thế đại biểu:

- Những trường hợp không triệu tập dự đại hội gồm: những đảng viên ở đại hội đảng viên, những cấp ủy viên và đại biểu ở đại hội đại biểu mà trước thời điểm đại hội bị đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, bị khởi tố bị can, bị truy tố; những đại biểu được bầu nhưng không đúng nguyên tắc, thủ tục bầu cử. Những cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội đã có quyết định nghỉ hưu hoặc thông báo nghỉ hưu mà thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm khai mạc đại hội; hoặc đã chuyển công tác ra ngoài đảng bộ trước thời điểm khai mạc đại hội.

- Về việc thay thế đại biểu: Đại biểu chính thức do đại hội cấp dưới bầu mà không thể tham dự suốt thời gian đại hội thì cấp ủy cử đại biểu dự khuyết thay thế. Những đại biểu đã chuyển sinh hoạt đảng ra ngoài đảng bộ (cấp triệu tập đại hội) thì tổ chức đảng nơi đó được cử đại biểu dự khuyết thay thế. Nếu không có đại biểu dự khuyết thay thế, nếu có điều kiện thì bầu bổ sung đại biểu. Đại biểu chính thức vắng mặt những ngày đầu đại hội, đã có đại biểu dự khuyết thay thế, nhưng thời gian cuối đại hội có điều kiện tham dự đại hội, nếu được Đoàn chủ tịch đại hội đồng ý thì mời dự theo tư cách đại biểu mời.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Kết quả Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới về ứng phó dịch Covid-19

Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên trong lịch sử Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về ứng phó với dịch Covid-19 đã kết thúc ngày 26/3/2020. Hội nghị thông qua Tuyên bố chung gồm 4 nội dung chủ yếu: (1) Hợp tác chống đại dịch: G20 cam kết trao đổi dữ liệu dịch tễ học và các tài liệu cần thiết cho nghiên cứu và phát triển các vật tư thiết yếu; mở rộng sản xuất hàng hóa y tế; các bộ trưởng Y tế G20 sẽ xây dựng một gói biện pháp chống lại đại dịch; (2)Các biện pháp phòng ngừa: G20 cam kết hợp tác thúc đẩy nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị và vắc-xin, tận dụng công nghệ kỹ thuật số hiệu quả hơn và tăng cường hợp tác khoa học quốc tế; (3) Bảo vệ nền kinh tế thế giới: Các thành viên G20 lên kế hoạch chi 5 nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu; (4) Hỗ trợ các nước đang phát triển: G20 cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển, đặc biệt ở châu Phi, để đối phó với khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra. Tuyên bố chung đã thể hiện quyết tâm và sự đoàn kết của các nhà lãnh đạo G20 trong cuộc chiến chống Covid-19.  

Với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sự đoàn kết, hợp tác và phối hợp toàn cầu và khu vực là rất quan trọng; khẳng định quyết tâm, cam kết của Việt Nam trong chống dịch Covid-19; nhấn mạnh, Việt Nam kiên trì thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Từ thực tiễn kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo G20 nhiều biện pháp ứng phó dịch Covid-19, như: tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật trong xét nghiệm, kiểm soát và điều trị; sự hợp tác của người dân, các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang; tập trung chống dịch đi đôi với thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế, duy trì sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống người dân; hợp tác bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam và các nước ASEAN đang sinh sống ở các nước G20.

2. Phản ứng của Việt Nam và một số nước về vụ tàu cá của Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm tại Biển Đông

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, vừa qua tàu cá QNg 90617 TS và các ngư dân Việt Nam đang hoạt động đánh bắt thủy sản hợp pháp tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì ngày 02/04/2020 bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm. Đến ngày 03/4/2020, 08 ngư dân Việt Nam trên tàu QNg 90617 TS đã được tiếp nhận an toàn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Ngày 03/04/2020, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.

Nhiều nước trên thế giới bày tỏ sự quan tâm, quan ngại về các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông:

- Ngày 08/4/2020, Bộ Ngoại giao Phi-líp-pin (DFA) ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ một tàu đánh cá của Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm tại Biển Đông. Phi-líp-pin khẳng định luôn coi trọng việc giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông và cho rằng, những vụ việc như trên làm suy yếu triển vọng xây dựng một mối quan hệ khu vực sâu sắc và đáng tin cậy giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc. Trong bối cảnh các cuộc thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang trên đà thuận lợi, việc tránh những vụ việc như trên là rất cần thiết và các bên cần giải quyết những khác biệt theo cách cải thiện lòng tin. Phi-líp-pin khẳng định không ủng hộ các hành động gây hấn trên Biển Đông, đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid-19 như hiện nay. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Phi-líp-pin nhấn mạnh, việc liên tục củng cố các mối quan hệ trong khu vực đặc biệt cần thiết trong bối cảnh các bên đã tham gia cam kết chung ASEAN - Trung Quốc về ứng phó với cuộc khủng hoảng từ đại dịch Covid-19, như Tuyên bố của Hội nghị đặc biệt các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc về dịch Covid-19, ban hành ngày 20/2/2020.

- Ngày 06/4/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về hành động của Trung Quốc trong vụ đâm chìm tàu cá Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông và kêu gọi Trung Quốc tập trung vào việc ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với đại dịch toàn cầu Covid-19, đồng thời chấm dứt việc mở rộng các tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.

- Ngày 09/4/2020, Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin về việc một tàu hải cảnh Trung Quốc đã va chạm và đâm chìm một tàu cá của Việt Nam tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa. “Hành vi của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều được bảo đảm chủ quyền, không bị ép buộc và có quyền phát triển kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực của các đồng minh và đối tác nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

                                            Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp