Asset Publisher

null Phát động thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời

Post details Tin tức

Phát động thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời

Sáng ngày 10/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Lễ phát động Phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến dự. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Phát động thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời

Sáng ngày 10/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Lễ phát động Phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến dự.

Đề án "Xây dựng xã hội học tập" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai từ năm 2005. Tính đến nay, việc triển khai Đề án này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.

Hiện cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 71 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 619 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; 10.469 trung tâm học tập cộng đồng; 5.642 trung tâm ngoại ngữ - tin học; 658 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống. Đến nay, có 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 và 46/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Trong 04 mục tiêu chính của Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020", đã đạt được 02 mục tiêu lớn là "Xoá mù chữ và phổ cập giáo dục", "Học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn".

Phát biểu tại Lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ban, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; cần huy động sự chung tay đóng góp của toàn xã hội để tạo sức mạnh tổng hợp cả về nguồn lực, về vật chất, ý chí và quyết tâm, tạo đột phá trong phát triển xã hội học tập; khuyến khích phát triển bình đẳng, theo quy định của pháp luật đối với các loại hình đào tạo, không phân biệt giữa công lập với ngoài công lập, liên doanh, liên kết; tập trung củng cố hệ thống thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa; hình thành các thư viện cố định và di động ở từng khối xóm, khu phố; khuyến khích văn hóa đọc ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân; phát triển các trung tâm học tập cộng đồng, hệ thống giáo dục thường xuyên; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin...

2. Giải thể dục dưỡng sinh vô địch các CLB tỉnh Đồng Tháp năm 2023 tại huyện Lấp Vò thành công tốt đẹp

Vừa qua, tại nhà thi đấu thể thao huyện Lấp Vò đã tổ chức khai mạc giải thể dục dưỡng sinh vô địch các Câu lạc bộ (CLB) tỉnh Đồng Tháp năm 2023. Tham gia giải có 13 CLB sinh đến từ 9 huyện, thành phố trong Tỉnh, với 200 vận động viên. Các đội cùng nhau tranh tài với các bài múa: Tự chọn tay không; bài thể dục tự chọn có dụng cụ và nội dung bài quy định của Ban Tổ chức, với sự chuẩn bị chu đáo của các CLB đã đem đến giải những bài múa cùng với nền nhạc phù hợp, tạo sự cuốn hút người xem và chinh phục được Ban Giám khảo.

Kết quả chung cuộc, đối với nội dung tự chọn tay không, CLB thể dục dưỡng sinh Trung tân Vân hóa - Thông tin và Truyền thanh thành phố Sa Đéc đạt giải Nhất; giải nhì CLB thể dục dưỡng sinh xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười. Bài thi thể dục tự chọn có dụng cụ, giải Nhất thuộc về CLB thể dục dưỡng sinh thành phố Cao Lãnh, giải Nhì CLB thể dục dưỡng sinh huyện Lấp Vò, giải Ba CLB thể dục dưỡng sinh Tỏa Sáng, huyện Thanh Bình. Đối với nội dung bài thi quy định, giải Nhất thuộc về CLB thể dục dưỡng sinh thành phố Cao Lãnh; giải Nhì CLB thể dục dưỡng sinh huyện Lấp Vò, giải Ba CLB thể dục dưỡng sinh Hoa Hướng Dương, huyện Tân Hồng.

3. Khởi động giải chạy Đất Sen hồng Marathon - Đồng Tháp năm 2023

Giải chạy bộ Đất Sen Hồng Marathon - Đồng Tháp 2023 chính thức quay trở lại mùa 2, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10/2023, với sự tham gia của khoảng 5.000 vận động viên trong và ngoài nước. Giải sẽ mở cổng đăng ký từ ngày 06/6.

Dự kiến chủ đề của giải chạy năm nay là "Nâng tầm - Bứt phá", được tổ chức vào ngày 14 - 15/10/2023 (ngày đua chính 15/10/2023) tại thành phố Cao Lãnh, với 04 cự ly: 5km, 10km, 21km và 42km dành cho tất cả các vận động viên không chuyên, chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Dự kiến, giải còn tổ chức các cự ly dành cho trẻ em (Kid Run) nhằm khuyến khích tinh thần thể thao và phát triển những tài năng chạy bộ trong trẻ em.

Đặc biệt, đường chạy tại mùa giải năm nay nâng cấp hơn và chính thức được chứng nhận bởi Hiệp hội Marathon Quốc tế (AIMS). Tham gia giải đấu, các vận động viên có thể sử dụng kết quả để đăng ký lấy suất tham dự các giải chạy danh giá trên thế giới (World Six Majors: Tokyo, Boston, Berlin, London, Chicago, New York City Marathon).

Cổng vé Actiup sẽ chính thức được mở giai đoạn đăng ký siêu sớm (Super Early Bird) vào 00 giờ ngày 06/6/2023 và kéo dài 48 giờ đến hết ngày 07/6/2023. Đối với mỗi vé chạy mua trong giai đoạn này sẽ được tặng thêm kèm 1 vé dành cho Kid Run nhằm khuyến khích tinh thần thể thao của các bé.

Giai đoạn 1 (Early Bird) từ 08/6/2023 - 20/7/2023; giai đoạn 2 (Regular) từ 21/7/2023 - 28/9/2023 và giai đoạn 3 (Late) từ 29/9/2023 - 13/10/2023.

4. Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa có Công văn gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống đuối nước trẻ em; yêu cầu các sở, ngành Tỉnh, uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh về đảm bảo quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, trong đó, chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em, phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước trẻ em cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên và trẻ em; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại các địa phương, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng trên.

Uỷ ban nhân dân Tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với cha mẹ trẻ, học sinh, học viên tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cha, mẹ, gia đình quản lý chặt chẽ học sinh tại nhà, nhất là trong thời gian nghỉ hè; tăng cường công tác dạy bơi an toàn cho học sinh, hướng dẫn cho học sinh kỹ năng bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; kiến thức, kỹ năng chủ động phòng, tránh tại nạn thương tích, đuối nước khi tham gia sinh hoạt trong đời sống hằng ngày; kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với học sinh.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành, địa phương triển khai chương trình bơi an toàn cho trẻ em (chú ý kỹ năng bơi sinh tồn); cung cấp tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình bơi an toàn cho trẻ em tại các địa phương và tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát chất lượng kết quả dạy bơi cho trẻ em.

Cùng với đó, Uỷ ban nhân dân Tỉnh yêu cầu uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo ngành chức năng địa phương phối hợp với các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho cha mẹ, trẻ em, học sinh và cộng đồng dân cư, hộ gia đình có trẻ em, chú ý tập trung các hộ gia đình có trẻ em dưới 06 tuổi; đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc trông giữ, giám sát trẻ em, đặc biệt trong thời gian trẻ không đến trường, nhất là dịp nghỉ hè; tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các bến đò, các vùng nước sâu nguy hiểm, các công trình đang xây dựng...

5. Tích cực hưởng ứng chiến dịch "Chống ô nhiễm nhựa"

Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa ban hành Công văn yêu cầu thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Văn phòng hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 05/6 với chủ đề "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa" bằng các hành động thiết thực như: Hạn chế sử dụng túi ni lông, các sản phẩm từ nhựa, nhất là sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần.

Đồng thời, mỗi công chức, viên chức, người lao động phải tích cực tuyên truyền đến người thân, cộng đồng dân cư cùng tham gia hưởng ứng chiến dịch "Chống ô nhiễm nhựa", cùng nhau xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; tăng cường tái sử dụng, tái chế nhằm hạn chế rác thải nhựa thải bỏ ra môi trường; hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa, nhựa sử dụng một lần đối với các trang, thiết bị, dụng cụ sử dụng tại văn phòng; nghiên cứu, đề xuất thực hiện phân loại rác thải tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

6. Không miễn phí điều trị Covid-19, Bảo hiểm Y tế (BHYT) sẽ chi trả

Chiều 14/6, tại cuộc tọa đàm trao đổi về truyền thông y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, đối với dịch Covid-19 khi chuyển từ dịch truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B thì việc điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ không miễn phí nữa nhưng nếu người bệnh có thẻ BHYT sẽ được thanh toán theo quy định của BHYT. Đây chỉ là thay đổi trong thanh toán, còn phác đồ và phương thức điều trị Covid-19 vẫn như bình thường không phân biệt dịch nhóm A hay B, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Bộ Y tế và Bộ Tư pháp đang tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có quyết định chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, dự kiến sẽ trong tháng 6/2023.

Trong khi đó, ông Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam luôn giám sát đồng bộ về tình hình dịch bệnh. Do đó khi chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm cho thấy, phân loại dựa trên bệnh học là chủ yếu. Tại Việt Nam, dịch bệnh ở nhóm A việc phòng chống chủ yếu là các biện pháp về hành chính xã hội, khi sang nhóm B thì bỏ các hoạt động kiểm soát về hành chính xã hội. Hay nói cách khác là nếu nhóm A thì ngoài ngành Y tế sẽ có các bộ, ngành cùng tham gia chống dịch nhưng khi sang nhóm B thì chủ yếu là ngành y tế triển khai các biện pháp phòng chống.

Theo Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 85.000 ca mắc Covid-19. Trung bình, mỗi tháng nước ta có 17.000 ca, giảm 8,5 lần so với năm 2021 và giảm 48 lần so với năm 2022. Cả nước cũng ghi nhận 20 ca tử vong do Covid-19, tỷ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02% (năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%). Toàn quốc cũng đã tiêm chủng được trên 226 triệu liều vaccine Covid-19 các loại. Tỷ lệ tiêm liều cơ bản cao hơn 1,4 lần so với trung bình của thế giới. Tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại cao hơn 2 lần so với trung bình thế giới.

7. Đồng hành trong công tác bảo vệ môi trường

Thời gian qua, Đồng Tháp quan tâm thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường. Qua đó, công tác bảo vệ môi trường của Tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được cải thiện, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các ngành, các cấp và người dân được nâng cao; lồng ghép bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của địa phương. Đối với các dự án đầu tư mới đều được thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định...

Về phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, Uỷ ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung tăng cường thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước mặt, không khí, đất, nước ngầm, trầm tích để theo dõi, giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn Tỉnh. Qua đó, chỉ đạo thực hiện tốt quy định về phân vùng xả thải nước thải, từng bước cải thiện công tác quản lý, kiểm soát, phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm môi trường nước tại các lưu vực sông, các kênh, rạch chính trên địa bàn Tỉnh. Hướng đến bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên kiểm soát, ngăn ngừa xử lý các hành vi vi phạm đối với tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép các loài động, thực vật quý hiếm, ưu tiên bảo vệ các loài động vật hoang dã trên địa bàn Tỉnh.

Công tác bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được Tỉnh quan tâm với nhiều chính sách ưu tiên cho việc bảo tồn kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại 4 khu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan gồm: Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích lịch sử Xẻo Quít, Khu di tích Gò Tháp. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn Tỉnh là 12.386ha. Trong đó, tổng diện tích đất có rừng là 6.161ha (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất).

Đồng Tháp hiện có 20 đô thị với tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh ước tính 140.530 m3/ngày. Đến nay, trên địa bàn Tỉnh có 1 hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung thành phố Cao Lãnh với công suất 10.000m3/ngày, đêm, đối với các đô thị còn lại chỉ được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại (đối với hộ gia đình) trước khi thoát vào các nguồn tiếp nhận.

Đồng Tháp có 3 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động gồm: KCN Sa Đéc, KCN Sông Hậu và KCN Trần Quốc Toản và 1 KCN đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (KCN Tân Kiều). Các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh đều được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung để thu gom, xử lý nước thải phát sinh từ hoạt động của các nhà máy trong khu công nghiệp.

Về phát triển thị thường và thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường, hiện nay, Tỉnh ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư các dự án về bảo vệ môi trường, nhất là các dự án xử lý chất thải theo công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường.

Thời gian tới, Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển ngành công nghiệp môi trường; triển khai các hoạt động hỗ trợ, trợ giúp doanh nghiệp hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường; chú trọng kêu gọi nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo, dụng cụ, thiết bị bảo vệ môi trường... tại các khu, cụm công nghiệp của Tỉnh theo quy hoạch. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại; phát triển dịch vụ môi trường; phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm... Thường xuyên rà soát, kiểm tra, giám sát các khu, cụm công nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, cải tạo, nâng cấp các công trình bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm những đơn vị không khắc phục triệt để; các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường...

8. Hội nghị sơ kết kế hoạch phối hợp giữa các Hội Khoa học và Kỹ thuật với Sở Khoa học và Công nghệ

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị sơ kết Kế hoạch phối hợp số 50/KH-LHH-SKHCN về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2020-2024 (gọi tắt là Kế hoạch phối hợp số 50).

Qua hơn 03 năm triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp số 50, cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu. Các nội dung của chương trình đều được triển khai thực hiện một cách tích cực và có hiệu quả, đã góp phần nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn Tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, sự phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin định kỳ giữa các đơn vị chưa được thường xuyên. Việc kiểm tra, định hướng, đôn đốc, tổng hợp tình hình triển khai nội dung phối hợp hàng năm chưa kịp thời và hiệu quả.

Để triển khai có hiệu quả Kế hoạch phối hợp số 50 trong thời gian tới, các đại biểu thống nhất tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả vào thực tiễn sản xuất; thường xuyên tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả kế hoạch phối hợp nhằm kịp thời đề ra định hướng hoạt động. Chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN

1. Tăng cường theo dõi người bệnh tay chân miệng

Ngày 12/6, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; y tế các bộ, ngành về việc tăng cường công tác điều trị bệnh tay chân miệng.

Để hạn chế đến mức thấp nhất số tử vong do bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn. Kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng.

Tăng cường công tác theo dõi người bệnh tay chân miệng đang nằm nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời khi ca bệnh có diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết. Phát hiện sớm, tổ chức hội chẩn và chuyển tuyến kịp thời khi người bệnh có diễn biến bất thường.

Đồng thời chỉ đạo, kiểm tra và giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc thu dung, điều trị người bệnh theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng ban hành kèm theo Quyết định số: 1003/QĐ-BYT ngày 30/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế và tham khảo các nội dung chuyên môn tại Cẩm nang chẩn đoán và xử trí bệnh Tay chân miệng ở trẻ em của Bộ Y tế.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện, phân tuyến điều trị, tổ chức sàng lọc, phân loại người bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú theo lưu đồ xử trí bệnh tay chân miệng và củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức bệnh tay chân miệng ở tuyến tỉnh.

Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tham mưu và trình uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng: công tác truyền thông, bảo đảm đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị…

2. Phòng, chống tai nạn, thương tích tại cộng đồng

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích tại cộng đồng trên địa bàn Tỉnh đến năm 2025, trong đó đề ra mục tiêu xây dựng thí điểm mô hình phòng chống tai nạn, thương tích ở các nhóm có nguy cơ cao theo đặc thù của từng địa phương; lồng ghép các hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, phòng chống đuối nước, tai nạn giao thông trong hoạt động xây dựng cộng đồng an toàn.

Kế hoạch còn hướng đến việc nâng cao năng lực của Trung tâm cấp cứu y tế 115 của Tỉnh, đảm bảo khả năng tiếp cận nạn nhân tai nạn, thương tích trong thời gian nhanh nhất kể từ khi nhận được thông tin yêu cầu cấp cứu. Đến năm 2025, có 50% cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện được kiểm tra về kiến thức và trang thiết bị y tế trong chăm sóc chấn thương thiết yếu đối với người bị tai nạn, thương tích và khả năng đáp ứng khi có thảm họa, thiên tai; 22 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn cộng đồng an toàn...

Để đạt mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra nhiều nội dung và giải pháp, trong đó nhân rộng mô hình cộng đồng an toàn tại các địa phương, tập trung vào các loại hình tai nạn, thương tích có tỉ lệ mắc và tử vong cao, ưu tiên các nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật; triển khai thí điểm mô hình phòng, chống ngã và phòng, chống bỏng cho các nhóm có nguy cơ cao trong nội dung xây dựng cộng đồng an toàn; duy trì và phát triển các trạm sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông trên các Quốc lộ trọng điểm; tiếp tục xây dựng và củng cố mạng lưới cộng tác viên sơ, cấp cứu tai nạn giao thông thông qua mạng lưới y tế tuyến xã; tổ chức các hình thức cấp cứu khác ngoài xe cứu thương như mô tô, thuyền...

3. Quy định mới về thu hút, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số: 05/2023/TT-BKHCN quy định chi tiết một số nội dung về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ. Trong đó, Thông tư quy định thành tích khoa học và công nghệ để xem xét áp dụng chính sách trọng dụng bao gồm:

- Bài báo khoa học đã được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong nước có uy tín hoặc sách chuyên khảo hoặc giáo trình đã được xuất bản theo quy định của pháp luật. Tạp chí khoa học quốc tế có uy tín được xác định là tạp chí quốc tế có uy tín theo quy định tại khoản 1 Điều 1a Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 01/10/2014 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ, được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Thông tư số: 01/2020/TT-BKHCN ngày 20/01/2020 và Thông tư số: 14/2022/TT-BKHCN ngày 11/10/2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tạp chí ISI có uy tín, tạp chí khoa học trong nước có uy tín, bài báo khoa học, sách chuyên khảo và giáo trình thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 và khoản 6 Điều 1a Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV.

- Giải thưởng về khoa học và công nghệ bao gồm: Giải thưởng uy tín trong nước, giải thưởng quốc tế về khoa học và công nghệ. Giải thưởng uy tín trong nước về khoa học và công nghệ là các giải thưởng theo quy định tại Nghị định số: 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ, được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số: 60/2019/NĐ-CP ngày 05/7/2019 của Chính phủ và thực hiện theo Danh mục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, bao gồm: Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; giải thưởng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, Uỷ ban nhân dân Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về khoa học và công nghệ (giải thưởng của Bộ, ngành, địa phương về khoa học và công nghệ); Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam; Giải thưởng Kovalevskaia và các giải thưởng uy tín trong nước khác về khoa học và công nghệ. Giải thưởng quốc tế về khoa học và công nghệ để xem xét, áp dụng chính sách trọng dụng thực hiện theo Danh mục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

- Sáng chế hoặc giải pháp hữu ích hoặc giống cây trồng đã được cấp văn bằng bảo hộ.

- Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu ở mức đạt trở lên. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ được xác định theo quy định tại Nghị định số: 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ.

- Dự án hoặc công trình hoặc đồ án thuộc chuyên ngành kỹ thuật là các dự án hoặc công trình hoặc đồ án phát triển, ứng dụng, triển khai công nghệ hoặc các nhiệm vụ khác thuộc phạm vi ngành kỹ thuật, kinh tế - kỹ thuật do cá nhân đảm nhiệm, được phân theo loại và cấp (nhóm) tại quy định của pháp luật chuyên ngành.

Điểm quy đổi thành tích khoa học và công nghệ được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 3a Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV. Thành tích khoa học và công nghệ là giải thưởng của Bộ, ngành, địa phương về khoa học và công nghệ được tính 1,5 điểm quy đổi, trường hợp là Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa được tính 2,5 điểm quy đổi; Giải thưởng Kovalevskaia được tính 2,5 điểm quy đổi; Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ được tính 3,5 điểm quy đổi; Giải thưởng Hồ Chí Minh được tính 04 điểm quy đổi. Điểm quy đổi của Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, các giải thưởng uy tín trong nước khác về khoa học và công nghệ và các giải thưởng quốc tế về khoa học và công nghệ được xác định theo Danh mục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/7/2023.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Đến ngày 29/5, thành phố Cao Lãnh có 41 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ước 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố vận động được 65/132 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng và có 91 lao động đang học giáo dục định hướng, trong đó có 53 lao động chờ lịch bay. Duy trì hiệu quả câu lạc bộ "Gia đình có con em đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" ở xã Mỹ Trà, thành lập mô hình "Tổ tư vấn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" ở Phường 3. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tổ chức phỏng vấn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản.

Trong 3 ngày 09, 10 và 12/6/2023, Trung tâm y tế thành phố Sa Đéc tổ chức Chiến dịch cho trẻ uống vitamin A tại Trạm y tế 9 xã, phường. Chỉ tiêu chiến dịch là có trên 98% trẻ em từ 06 - 35 tháng tuổi được uống vitamin A liều cao (100.000 - 200.000 đơn vị) 02 lần/năm. Hiện toàn thành phố có trên 3.700 trẻ em từ 6 đến 35 tháng tuổi cần uống Vitamin A đợt này. Chiến dịch cho trẻ uống vitamin A năm 22023 cũng kết hợp cân, đo đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (cả 03 thể: thấp còi, nhẹ cân và gầy còm). Các bà mẹ trong vòng 1 tháng sau sinh cần được uống một liều vitamin A (200.000 đơn vị). Ngoài ra, trẻ dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh sởi, viêm hô hấp cấp, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng ở cộng đồng cũng như trong bệnh viện, trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ đều được uống một liều vitamin A.

Vừa qua, tại huyện Hồng Ngự, Trung Tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp phối hợp cùng Công ty cổ phần xuất khẩu lao động Tracodi Labour và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Huyện tổ chức tư vấn hướng nghiệp việc làm ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn cho gần 200 em học sinh ở 03 trường THPT Hồng Ngự 2, THPT Hồng Ngự 3 và THPT Long Khánh A. Thị trường tuyển dụng là Nhật Bản với các đơn hàng đã được đại diện công ty tư vấn gồm: Điện tử, hoàn thiện nội thất, thủy sản và đóng gói thực phẩm và nông nghiệp tròng trọt, chăn nuôi… thu nhập hàng tháng  từ 28 đến 30 triệu đồng, chưa tính tăng ca được hỗ trợ nơi ăn nghỉ. Cùng với đó là các khoản chi phí xuất cảnh, chính sách của Huyện và Tỉnh. Tính từ đầu năm đến nay, huyện Hồng Ngự đã có 80 lao động xuất cảnh làm việc tại nước ngoài, trong đó thị trường Nhật Bản 76 lao động còn lại là thị trường Hàn Quốc.

Cuộc thi sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng huyện Tân Hồng năm 2023 đã thu hút 97 mô hình, sản phẩm của tác giả và nhóm tác giả là học sinh các trường tiểu học và trung học cơ sở, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tham gia, bao gồm lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập, phần mềm tin học, sản phẩm thân thiện với môi trường, dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ dùng đồ chơi trẻ em, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Điểm nhấn trong Cuộc thi lần này đó là có nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Qua vòng sơ loại, có 21/97 mô hình, sản phẩm có tính thực tế cao, có khả năng ứng dụng rộng rãi được Ban Giám khảo chọn để xếp loại trao giải. Đa phần các mô hình, sản phẩm dự thi được làm từ vật liệu, nguyên liệu có sẵn như: Que kem, ống hút, chai lọ qua sử dụng... Trong tổng số 21 mô hình, sản phẩm được chọn trao giải cấp Huyện, Ban Tổ chức Cuộc thi cũng đã chọn 10 mô hình sản phẩm tiêu biểu tham gia thi Sáng tạo Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Đồng Tháp năm 2023.

Sáng ngày 07/6/2023, tại huyện Tân Hồng, Sở VH, TT và DL tổ chức tập huấn công tác gia đình cho các đại biểu là phó chủ tịch  uỷ ban nhân dân; cán bộ văn hoá xã hội; các tổ phòng, chống bạo lực gia đình; thành viên đội kiểm tra liên ngành các xã, thị trấn trên địa bàn Huyện. Tại đây, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giới thiệu các nội dung của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Hướng dẫn thực hiện Chương trình Lễ ra mắt Câu lạc bộ và Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương. Ngoài ra các đại biểu còn được Phòng Văn hoá và Thông tin Huyện giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Qua đó, nhằm trang bị cho các đại biểu những kiến thức cơ bản và kỹ năng nghiệp vụ về xây dựng gia đình trong tình hình mới, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình ở địa phương, góp phần xây dựng gia đình đạt các tiêu chí no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023, huyện Tân Hồng bố trí 02 điểm thi, có 32 phòng thi, với 732 thí sinh dự thi. Trong đó: 01 điểm thi đặt tại trường Trung học phổ thông Tân Hồng, bố trí 19 phòng thi, với 439 thí sinh gồm: 397 thí sinh hệ Trung học phổ thông và 42 thí sinh Giáo dục thường xuyên; 01 điểm thi tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Tiệp, có 13 phòng thi, với 293 thí sinh hệ Trung học phổ thông. Kỳ thi sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 27/6 đến ngày 30/6/2023. Trong đó: 14 giờ chiều ngày 27/6/2023 thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến Quy chế thi, Lịch thi. Ngày 28/6/2023, buổi sáng thi môn Ngữ văn, buổi chiều thi môn Toán. Ngày 29/6/2023, sáng thi Tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc Tổ hợp khoa học xã hội; buổi chiều thi môn Ngoại ngữ. Ngày 30/06/2023 dự phòng.

Vừa qua, Hội LHPN huyện Thanh Bình phối hợp với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Huyện tổ chức tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH tự nguyện và Bảo hiểm Y tế (BHYT) hộ gia đình tại xã Tân Long, Tân Quới, Tân Thạnh, Bình Thành cho hơn 200 hội viên phụ nữ. Tại buổi đối thoại cán bộ, hội viên được lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Huyện và BHXH Huyện tuyên truyền một số nội dung của Luật BHXH, các chính sách liên quan đến BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và giải đáp thỏa đáng các ý kiến của đại biểu quan tâm. Dịp này, các Hội LHPN xã Tân Long, Tân Quới, Tân Thạnh, Bình Thành tổ chức ra mắt mô hình hùn vốn, tiết kiệm và gia đình tham gia BHXH tự nguyện, BHYT với 4 Tổ có 42 thành viên tham gia. Đây là hoạt động nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ, hội viên về quyền và nghĩa vụ khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình góp phần chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Sáng ngày 01/6/2023, huyện Thanh Bình tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề "Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em". Tham dự có ông Phan Văn Phụng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) Huyện cùng các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội Huyện, UBND các xã thị trấn cùng hơn 150 em học sinh. Tháng hành động vì trẻ em năm nay, các tổ chức cá nhân trên địa bàn Huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật chính sách, chương trình, kế hoạch về bảo vệ chăm sóc trẻ em. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khó khăn… Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.  Đảm bảo cho trẻ em được sống và phát triển trong môi trường vui tươi, an toàn, lành mạnh. Hiện toàn huyện có 33.882 trẻ em; trong đó, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 174 trẻ và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 3.436 trẻ. Tại Lễ phát động ông Phan Văn Phụng - Phó Chủ tịch UBND Huyện kêu gọi từng gia đình, cộng đồng cần nâng cao nhận thức trong  việc bảo vệ trẻ, có ý thức trách nhiệm chung tay cùng cộng đồng xây dựng và thực hiện một môi trường an toàn cho trẻ, để trẻ em được hưởng thụ quyền lợi chính đáng và có điều kiện vươn tới ước mơ cao đẹp. Cũng như đề nghị các ngành, các cấp cần triển khai thực hiện đồng bộ, nhiều hoạt động bảo vệ trẻ em, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng, chống trẻ em bị tai nạn thương tích, xâm hại. Dịp này, nhóm Mái ấm cũng đã trao tặng 41 xuất quà cho trẻ em mô côi trên địa bàn Huyện, mỗi phần 500 nghìn đồng gồm 300 nghìn đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm. Ngay sau khi diễn ra Lễ phát động, Huyện cũng tổ chức Hội thi "Tìm hiểu kiến thức và kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em".

Vừa qua, Hội Nông dân huyện Lai Vung phối hợp Hội Nông dân xã Hòa Thành, huyện Lai Vung đưa vào sử dụng 25 bồn chứa vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bố trí đều 5/5 ấp: Tân Thành, Tân Thạnh, Tân Bình, Tân Long, Tân Hòa với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Trong đó, cán bộ, hội viên nông dân vận động hiến đất và đóng góp ngày công trị giá hơn 138 triệu đồng; UBND xã Hòa Thành trích từ nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường (BVMT) hỗ trợ 62,5 triệu đồng. Đây là công trình của Hội Nông dân xã Hòa Thành và Hội Nông dân Huyện phối hợp thực hiện trên cơ sở Hội Nông dân Lai Vung chọn mô hình "Thu gom thuốc BVTV đã qua sử dụng" triển khai và thực hiện rộng khắp trên địa bàn 12 xã, thị trấn, trong đó có xã Hòa Thành để chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện Lai Vung và tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2023 - 2028. Việc xây dựng bồn chứa vỏ bao bì thuốc BVTV sẽ góp phần nâng cao nhận thức của bà con nông dân trong việc BVMT; đây cũng là giải pháp tiết kiệm, tuyên truyền hiệu quả; tạo sự chuyển biến tích cực trong ý thức BVMT, hạn chế việc vứt rác bừa bãi tại các tuyến đường nông thôn, bờ ruộng hoặc bỏ xuống ao, hồ, sông, rạch; hướng đến nền nông nghiệp an toàn, thân thiện, môi trường sống xanh - sạch - đẹp.

Ngày 09/6/2023, tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Đồng Tháp tổ chức Tập huấn an toàn thực phẩm cho người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật và thủy sản. Tham gia lớp tập huấn, người chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực sản phẩm động vật và thủy sản được tiếp thu các kiến thức về an toàn thực phẩm; đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và đối với cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh sản phẩm từ động vật, thủy sản. Phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Các quy định về đăng ký và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Quy định về trình tự công bố sản phẩm, hồ sơ, trình tự công bố sản phẩm; thực hành tốt an toàn thực phẩm trong sơ chế, chế biến thực phẩm. Lớp tập huấn nhằm cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm cho người chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực sản phẩm động vật và thủy sản. Từ đó, nắm vững các quy định về an toàn thực phẩm, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện chăn nuôi, sản xuất, chế biến sản phẩm đảm bảo an toàn, đồng thời góp phần thực hiện tiêu chí 18.4 về Tỷ lệ chủ thể hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hàng năm được tập huấn về an toàn thực phẩm; tiêu chí 18.5. Không để xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của xã và tiêu chí 18.6. Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận về an toàn thực phẩm trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao.

Chiều ngày 02/6/2023, UBND thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm đánh giá, công nhận "Công dân học tập" cho các tổ chức chính trị - xã hội Thị trấn, Chi hội Khuyến học các trường, Chi hội Khuyến học các khóm trên địa bàn Thị trấn. Bà Đỗ Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch Hội Khuyến học - Khoa học lịch sử Huyện đã triển khai bộ tiêu chí đánh giá, công nhận "Công dân học tập" giai đoạn 2021 - 2030 của Hội Khuyến học Việt Nam với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong việc số hóa các mô hình học tập. Bộ tiêu chí đánh giá, công nhận công dân học tập được áp dụng cho 3 nhóm đối tượng gồm: Nông dân, lao động nông thôn (nhóm I); công nhân lao động, tiểu thủ công, thợ sửa chữa thiết bị gia dụng (nhóm II); cán bộ, công chức, viên chức từ cấp xã trở lên (nhóm III). Qua buổi tập huấn, các đại biểu được trang bị kiến thức sử dụng phần mềm đánh giá, công nhận công dân học tập, quy trình đăng ký và tự đánh giá các tiêu chí công nhận "Công dân học tập", trang bị những kỹ năng cần thiết trong ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước nâng cao kiến thức về chuyển đổi số trong đời sống xã hội hiện nay. Kết thúc buổi tập huấn, ông Phạm Phi Long, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn yêu cầu các Chi hội Khuyến học trên địa bàn triển khai việc đăng ký và tự đánh giá theo từng nhóm đối tượng, giao Hội Khuyến học Thị trấn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các Chi hội trong triển khai thực hiện, đảm bảo thời gian theo kế hoạch đề ra.

Sáng ngày 05/6/2023, tại Trường Trung học cơ sở Nhị Mỹ, UBND huyện Cao Lãnh tổ chức Lễ phát động "Tháng hành động vì trẻ em và Phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2023" với chủ đề "Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em" nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và kêu gọi những hành động thiết thực, chăm sóc, bảo vệ và đảm bảo an toàn cho trẻ em. Hiện trên địa bàn huyện Cao Lãnh có 43.755 trẻ em, trong đó có 348 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, 4.933 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Phát biểu tại buổi lễ phát động, ông Nguyễn Minh Tuấn, UVBTV Huyện uỷ/Phó Chủ tịch UBND Huyện mong muốn các cấp, các ngành từ Huyện đến cơ sở, mỗi gia đình và cộng đồng có những hành động thiết thực hơn nữa để bảo vệ, đảm bảo an toàn cho trẻ em; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông; giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện… Dịp này, UBND Huyện đã trao tặng 15 suất học bổng cho trẻ em vượt khó học giỏi nhằm động viên tinh thần các em. Sau buổi lễ, các em học sinh Trường Trung học cơ sở Nhị Mỹ còn được giao lưu kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em.

Chiều ngày 07/6/2023, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống và phòng chống đuối nước trẻ em. Các hoạt động đã thu hút hơn 40 trẻ em cùng phụ huynh tham gia thi trả lời có thưởng về các kiến thức phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ, những nguy cơ dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ, giải pháp để phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ, tham gia thực hành kỹ năng cứu người bị tai nạn đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu và hướng dẫn sử dụng phương tiện cứu sinh (áo phao, phao nổi...). Được biết trong tháng 6/2023, tất cả 18 xã, thị trấn đoàn trên địa bàn Huyện đều có tổ chức ít nhất 01 hoạt động "Phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em" và 01 hoạt động phổ cập bơi cho trẻ em. Các hoạt động này nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng bổ ích cho các em học sinh cũng như phụ huynh biết cách bảo vệ an toàn bản thân và giúp đỡ người khác khi gặp sự cố về đuối nước.

Vừa qua, tại hồ bơi Châu Thành, UBND thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành tổ chức khai giảng lớp phổ cập bơi năm 2023 cho 25 em học sinh trên địa bàn Thị trấn. Trong thời gian học 15 buổi, các em sẽ được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về bơi lội; một số kiểu bơi thông dụng; kiến thức an toàn dưới nước; cách xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm dưới nước… Trong năm 2023, UBND Thị trấn sẽ mở 06 lớp dạy bơi cho khoảng 150 em học sinh nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết về bơi lội giúp các em rèn luyện nâng cao sức khỏe, thể chất, hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ em bị đuối nước có thể xảy ra nhất là trong kỳ nghỉ hè 2023 đang diễn ra.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ