Xuất bản thông tin

null Nâng cao hiệu quả giáo dục lý luận chính trị của các Trung tâm Chính trị cấp huyện, thành phố góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Chi tiết bài viết Tin tức

Nâng cao hiệu quả giáo dục lý luận chính trị của các Trung tâm Chính trị cấp huyện, thành phố góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Giáo dục lý luận chính trị là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong công tác tư tưởng của Đảng, để qua đó tác động lên đối tượng tiếp nhận thông tin thông qua hàng loạt các thao tác, bao gồm quá trình cảm thụ, ghi nhớ, tư duy và nhận thức; nhằm mục tiêu truyền bá tri thức, tác động lên tình cảm và thúc đẩy đối tượng hành động theo một mục tiêu đã định.

(Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet)

Công tác giáo dục lý luận chính trị là nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, thông qua đó xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, tạo nên bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, niềm tin vững chắc vào mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Công tác giáo dục lý luận chính trị của các trung tâm chính trị huyện, thành phố trong Tỉnh, theo Quy định số 208-QĐ/TW ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện", trung tâm chính trị cấp huyện có chức năng, nhiệm đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện, không thuộc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ của địa phương; tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận theo yêu cầu của cấp uỷ.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, các trung tâm chính trị huyện, thành phố trong Tỉnh đã đảm nhiệm việc đào tạo, bồi dưỡng đối với chương trình sơ cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho các đối tượng phát triển Đảng, bồi dưỡng đảng viên mới, bồi dưỡng lý luận chuyên đề; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, bồi dưỡng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở... Nhìn chung, nội dung các chương trình cơ bản đáp ứng được nhu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở, đáp ứng được yêu cầu học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên ở cơ sở.

Trung tâm chính trị huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều nỗ lực, tập trung nghiên cứu, tìm các biện pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên cơ sở trên địa bàn huyện và đã đạt được những kết quả quan trọng, có thể nói, công tác đào tạo, bồi dưỡng ở trung chính trị huyện, thành phố trong Tỉnh dần đi vào nền nếp, có chiều sâu, cung cấp những kiến thức về lý luận và thực tiễn có hệ thống, giúp cho người học xây dựng tư duy mới, nhận thức, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Đồng thời, giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nắm vững đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.

Song nhìn chung, chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng chưa cao; nội dung chương trình chậm được đổi mới; một số giảng viên mới chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, ít tham gia các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức hoặc không tự cập nhật nên nội dung giảng lạc hậu. Trong giảng dạy, tuy có biết kết hợp các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhưng một số giảng viên còn lúng túng, chưa quen; công tác quản lý lớp học chưa nghiêm túc triệt để, thiếu giám sát học viên trong thời gian học tập, vẫn còn học viên tinh thần và ý thức học tập chưa cao.

Xuất phát từ thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên của các trung tâm chính trị huyện, thành phố trong Tỉnh thời gian qua và để đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời gian tới, các trung tâm chính trị huyện, thành phố trong Tỉnh cần thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, tích cực nghiên cứu lý luận, mạnh dạn đề xuất đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đối tượng.

Đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn, theo phương châm giảng dạy “cái” mà cán bộ “cần” chứ không phải cái mà giảng viên “có”. Tuy nhiên, việc đổi mới nội dung còn chậm, mặc dù có đề xuất. Thời gian qua, các trung tâm chính trị phải cập nhật và đề nghị giảng viên tự cập nhật để theo kịp sự vận động và phát triển của xã hội. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, viết: "Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đi vào nền nếp, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương"[1]. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực, phong cách làm việc hiệu quả đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hai là, tăng cường tính thực tiễn và khả năng thực hành trong nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Tính thực tiễn trong nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị thể hiện qua bài giảng. Bài giảng có sử dụng các sự kiện lịch sử hiện thực, các hiện tượng thực tế để minh họa khi phân tích hay lý giải và vận dụng lý luận để phân tích thực tiễn, có phê phán cái sai, nêu gương cái tốt trong tư tưởng nhận thức và trong việc làm, từ đó làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức cả lý luận và thực tiễn sâu hơn, đồng thời tự điều chỉnh nhận thức của mình. Tính thực tiễn còn thể hiện qua nội dung giảng dạy thường xuyên được cập nhật về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các thông tin khác. Qua đó giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nhận thức đúng, chấp hành tốt và tuyên truyền cho người thân, gia đình và nhân dân cùng thực hiện.

Ngoài ra, phối hợp với chi bộ, đảng bộ cơ sở giáo dục cán bộ, đảng viên nhận thức đúng vị trí, vai trò của lý luận và việc học tập lý luận chính trị. Chú trọng rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải toàn diện, cả về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và chuyên môn nghiệp vụ, kết hợp với năng lực thực tiễn.

Ba là, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị.

Trung tâm chính trị tổ chức thao giảng để lựa chọn, sàng lọc giảng viên đề xuất cấp uỷ đưa vào hoặc không đưa vào giảng viên kiêm chức. Giáo án của giảng viên phải thể hiện tư tưởng, nội dung chủ đề bài giảng, có phân chia thời gian để tránh được tình trạng cháy hoặc ướt giáo án.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa giảng viên chuyên trách với giảng viên kiêm chức, đồng thời thu hút cán bộ đã và đang làm công tác đảng, công tác chính quyền, đoàn thể, cán bộ quản lý trên từng lĩnh vực tham gia giảng dạy.

Trung tâm chính trị huyện, thành phố trên địa bàn Tỉnh tiếp tục kiện toàn đội ngũ giảng viên chuyên trách, có năng lực, năng khiếu giảng dạy. Đồng thời, cần có đội ngũ giảng viên kiêm chức, đáp ứng yêu cầu cao nhất về nội dung, chương trình và mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng đề ra.

Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, chú trọng tính hiệu quả, phương pháp dạy và học phải hướng tới phục vụ tốt nhất mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng. Không kéo dài thời gian trao đổi hoặc sử dụng các phương tiện trình chiếu chỉ để thay đổi phương pháp từ “đọc-chép” sang “nhìn - chép”, hoặc chiếu đọc, thậm chí là lạm dụng video, hiệu quả rất thấp. Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị viết: "Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, người học tham gia tích cực vào quá trình đào tạo; giúp học viên tiếp tục tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn"[2].

Bốn là, tăng cường và cải tiến, nâng cao chất lượng các buổi thảo luận.

Thông qua việc trao đổi, thảo luận, học viên có điều kiện bổ sung kiến thức cho nhau, nắm vững những kiến thức đã học, đồng thời phát huy được khả năng suy nghĩ, sáng tạo trong học tập. Chính vì vậy, muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả trong học tập lý luận chính trị cần phải mạnh dạn đổi mới cả về nội dung và hình thức của các buổi thảo luận. Về nội dung cần đưa ra các chủ đề mang tính vận dụng để kích thích sự nghiên cứu, sáng tạo của học viên, tránh nêu những chủ đề có sẵn trong bài giảng. Hình thức thảo luận có thể chia nhiều tổ, nhóm.

Năm là, tăng cường công tác quản lý học tập, kiểm tra và thi tốt nghiệp

Gắn liền với thực hiện các khâu trong phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, công tác quản lý việc học tập, kiểm tra, thi là một khâu quan trọng. Có phương pháp giáo dục đúng nhưng công tác quản lý lỏng lẻo, không hợp lý, thiếu khoa học thì chất lượng sẽ hạn chế. Công tác quản lý việc học tập tại trung tâm chính trị có nhiều mặt. Đó là tổ chức bố trí hợp lý các lớp học theo một kế hoạch chuẩn bị trong năm, việc sắp xếp theo dõi quản lý toàn bộ các khâu trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng; công tác tổ chức lớp, ban hành nội quy, quy chế, kiểm tra và thi tốt nghiệp... Đây là một công tác đòi hỏi phải hết sức khoa học nhằm tạo ra tính đồng bộ, hợp lý, chặt chẽ, hiệu quả giữa các khâu trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng.

Sáu là, từng bước hiện đại hoá điều kiện làm việc, trang thiết bị, hệ thống thông tin, tư liệu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng

Về cơ sở vật chất phục vụ cho làm việc, điều kiện sinh hoạt và học tập của học viên cần được quan tâm. Trung tâm chính trị hiện nay cơ bản đạt các yêu cầu của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Các phòng làm việc được trang bị máy tính bàn và kết nối mạng internet, phòng học được trang bị đầy đủ hệ thống camera, ánh sáng, loa máy, máy trình chiếu, máy điều hòa, bảng từ,…không gian trường lớp yên tĩnh, các phương tiện phục vụ học tập và sinh hoạt tối thiểu của học viên cũng được trang bị.

Bảy là, tăng cường đấu tranh phản bác có hiệu quả, kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch.

Trung tâm chính trị các huyện, thành phố trong Tỉnh cần thực hiện tốt các giải pháp của Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, cụ thể: "Đa dạng hoá hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin, chủ động nắm bắt âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị; chú trọng xây dựng luận cứ đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc; tạo sự thống nhất trong phối hợp giữa các cơ quan, ngành có liên quan. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ để cập nhật về nội dung và phương pháp đấu tranh; có cơ chế, chế độ phù hợp cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí hoạt động và hiện đại hoá các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật"[3] và quan điểm, chủ trương của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phn bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ[4]".

Giáo dục lý luận chính trị có vai trò hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Trải qua hơn 90 năm, công tác giáo dục lý luận chính trị được Đảng ta tiến hành liên tục, ngày càng sâu rộng đi vào nền nếp và có bước phát triển mới. Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành nhiều chương trình giảng dạy tại các trung tâm chính trị cấp huyện. Các trung tâm chính trị huyện, thành phố tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng lý luận chính trị để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục lý luận chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng./.

Nguyễn Hoàng Dũng

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, Tập 1, H.2021, tr.182-183.

[2] Bộ Chính trị: Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 "Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý".

[3] Ban Bí thư Trung ương Đảng: Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018, về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, Tập 1, H.2021, tr.183.