Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 4 năm 2020

Chi tiết bài viết Tin tức

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 4 năm 2020

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập giới thiệu nội dung thư ngõ của Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan: “Bí thư Tỉnh uỷ kêu gọi người dân Đồng Tháp chung tay chống Covid-19”, đăng trên Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp.

Kính thưa: Nhân dân Đất Sen hồng!

Vậy là, cơn đại dịch Covid-19 đã chuyển sang trạng thái đầy khó khăn trên cả thế giới. Việt Nam chúng ta đang thành công bước đầu trong kiểm soát dịch bệnh và đã được thế giới ca ngợi, tuy nhiên, những ngày gần đây tình hình diễn biến lại rất khó lường. Con vi rút như kẻ thù tàng hình đang rình rập ở mọi hang cùng, ngõ hẻm. Đồng Tháp thân yêu của chúng ta cũng không là ngoại lệ!

Cả đất nước đang đi vào trận chiến mới - "Chống dịch như chống giặc"!

Xin cảm ơn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế Đất Sen hồng! Các bạn là những chiến sĩ áo trắng, đang ngày đêm thầm lặng chiến đấu bằng cả tinh thần, sức lực, kiến thức chuyên môn để bảo vệ sức khoẻ cho người dân quê mình. Các bạn không chỉ làm hết trách nhiệm người thầy thuốc, mà còn bằng nghĩa vụ công dân lúc quê hương gặp khó khăn nhất.

Xin cảm ơn lực lượng Quân sự, Biên phòng, Công an và tất cả lực lượng tham gia phòng, chống dịch trong thời gian qua đã phối hợp kịp thời cùng với cấp uỷ, chính quyền, ngành chuyên môn góp phần hạn chế ở mức độ thấp nhất ảnh hưởng của cơn dịch này đối với sức khoẻ của mỗi người dân.

Xin cảm ơn các lực lượng xã hội, bằng khả năng và tinh thần nhân ái của mình, đã tự nguyện chung tay đóng góp để địa phương có thêm nguồn lực phòng, chống dịch. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" là vậy. "Lá lành đùm lá rách" là vậy!

Xin cảm ơn các người trong diện phải cách ly đã chấp hành và hợp tác tốt với đội ngũ chức năng, góp phần bảo vệ sức khoẻ cho mình và tránh lây lan cho gia đình, người thân và cộng đồng. Bị tách biệt một phần so với cuộc sống bình thường chắc chắn gặp phải những vấn đề tâm lý, gây lo lắng cho người thân.

Thưa bà con!

Đã có những khó khăn trong nền kinh tế tỉnh nhà. Nông sản tiêu thụ khó khăn, một vài chủng loại rớt giá. Nhiều cửa hàng mua bán ế ẩm, nhiều khách sạn, nhà trọ, khu điểm du lịch, vui chơi giải trí vắng khách, thậm chí phải đóng cửa. Một số doanh nghiệp gặp khó nguyên liệu cả đầu vào lẫn thị trường đầu ra.

Đã có những xáo trộn trong cuộc sống hằng ngày. Trường học phải tạm nghỉ, học sinh không được đến trường, thầy cô giáo không được đứng trên bục giảng. Việc đi lại gặp khó khăn, nhất là các vùng có nguy cơ dịch bệnh. Những cuộc gặp mặt đông người đã chuẩn bị phải tạm hoãn...

Trong tình hình đó, đa số bà con mình đã bình tĩnh nghe theo những nguồn thông tin chính thức, tuân thủ những khuyến cáo từ các cơ quan chức năng. Bà con chấp nhận những khó khăn vì nhận thức được rằng, khó là khó chung, phải hy sinh một phần lợi ích vì sự an toàn cho mình và cộng đồng!

Tuy nhiên, vẫn có những bất an, đã có những hoảng sợ, thậm chí là hoảng loạn nhất định trong xã hội. Dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh có tính chất lây lan và nguy hiểm như dịch Covid-19 hiện nay, chắc chắn ai cũng phải lo lắng, đề phòng rủi ro lây nhiễm cho mình bất kỳ lúc nào, nơi nào. Nhưng như khuyến cáo của các cơ quan chức năng, "càng hoảng loạn càng làm khó khăn hơn cho công tác phòng, chống dịch bệnh"!

Bên cạnh sự cảm thông, chia sẻ của đa số người dân, cũng đã xuất hiện đây đó tình trạng kỳ thị, định kiến với người bệnh và gia đình, thậm chí là người chỉ mới được cách ly, chưa xác định có nhiễm bệnh. Một khi bị kỳ thị, định kiến, dễ gây ra những tiêu cực khác, như: giấu bệnh, lãng tránh, mặc cảm với cộng đồng, xóm làng bị chia rẽ. Những tổn thương về mặt tinh thần có khi còn nặng nề hơn là tổn thương do dịch bệnh gây nên.

Trong thời gian qua, đã xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc, thêu dệt vì mục đích xấu, gây bất ổn xã hội, thậm chí chỉ vì mục đích thể hiện cái tôi của mình. Tất cả điều đó đều không có lợi cho công tác phòng, chống dịch bệnh trước mắt và sự phát triển của tỉnh nhà về lâu dài. Những việc cần làm trong lúc này là tất cả chúng ta chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh cá nhân để hạn chế bị nhiễm bệnh và lây lan cho người khác.

Chúng ta không chủ quan nhưng cũng đừng quá hoang mang về dịch Covid-19. Trong thời điểm khó khăn này, mong rằng mỗi người dân Đất Sen hồng nên suy nghĩ rằng mình có thể làm điều gì đó trong khả năng để góp phần đẩy lùi dịch bệnh thay vì vô cảm, phê phán hay chỉ trích.

Thưa bà con,

"Nghĩa đồng bào" là lúc này đây! "Tình đồng loại" cũng là lúc này đây! Mỗi chúng ta nghĩ cho người khác, nhất là trong lúc khó khăn, thì rồi người khác cũng sẽ nghĩ cho chúng ta. "Cho đi như thế nào thì sẽ nhận lại thế ấy"! "Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại"!

Giờ là lúc mọi người dân Đồng Tháp thể hiện tinh thần đoàn kết, vượt lên chính mình, cùng thể hiện hình ảnh: "Tôi, công dân Đất Sen hồng"!

"Sau cơn mưa trời lại sáng"! Người Đồng Tháp luôn năng động, nghĩa tình, chắc chắn dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi. Chúc mọi điều tốt lành nhất đến với mọi người, mọi nhà, mọi miền quê hương chúng ta!

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Hạn chế đến mức thấp nhất việc tập trung đông người

Trước tình hình dịch bệnh covid-19 đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong nhân dân, cộng đồng và xã hội, để phòng ngừa dịch bệnh hạn chế đến mức thấp nhất việc tập trung đông người, ngày 19/3/2020, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số: 638/SVHTTDL-QLVH về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh covid-19 trong tình hình mới. Cụ thể là phối hợp tuyên truyền, khuyến khích, vận động người dân khi tổ chức đám tiệc (cưới, tang, giỗ chạp và các loại hình đám tiệc khác) nên tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, hạn chế mời đông khách đến tham dự; khuyến khích vận động hộ gia đình nên hoãn các đám cưới trong thời gian này nhằm tránh tập trung đông người để hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm covid-19. Đối với các đám tiệc như giỗ chạp, tang... bắt buộc phải tổ chức nên tiến hành đơn giản, hạn chế mời khách dự, tổ chức phải thông báo cơ quan chức năng tại địa phương để được hướng dẫn khai báo y tế, kiểm tra và giám sát nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm covid-19. Việc tổ chức các hoạt động cưới, tang, lễ hội trên địa bàn Tỉnh phải thực nghiệm theo Quyết định số 01/2020/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu giảm quy mô (hoặc tạm dừng) tổ chức các hoạt động lễ hội, giải thi đấu thể thao để hạn chế tập trung đông người.

2. Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan động viên lao động Đồng Tháp ở nước ngoài

Trước tình hình dịch bệnh covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đã có thư ngỏ thông tin tình hình và động viên tinh thần người lao động Đồng Tháp đang học tập và làm việc ở nước ngoài. Đảng và nhà nước ta cũng rất quan tâm đến người lao động đang học tập và làm việc ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các cơ quan khác đều có phương án hỗ trợ cần thiết cho người lao động. Tại mỗi nước đều có Ban Quản lý lao động Việt Nam, cán bộ đại diện của Công ty Xuất khẩu lao động hỗ trợ cho người lao động trong trường hợp cần thiết. Các cháu cũng có thể thông tin về cho Trung tâm Dịch vụ việc làm của Tỉnh để được hỗ trợ kịp thời. Cuối thư, Bí thư Tỉnh ủy nhắn nhủ: “Bác và chính quyền tỉnh Đồng Tháp cùng gia đình, người thân luôn ở bên cạnh để hỗ trợ cho tất cả các cháu an tâm học tập và làm việc ở nước ngoài. Các cháu hãy cố gắng học tập, lao động để tích lũy kiến thức, tay nghề và thu nhập để có cơ hội giúp gia đình và quê nhà”.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới và tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nhiều nước đối tác lớn của Việt Nam. Ở trong nước, tính đến ngày 26/3/2020, đã có 148 ca mắc Covid-19, trong đó đã có 17 ca được chữa khỏi và chưa có trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát mạnh đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách, nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, lưu trú, ăn uống, giải trí, nhất là du lịch bị ảnh hưởng rõ rệt. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất bước đầu bị ảnh hưởng, có nơi thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trên địa bàn có dịch phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.

Để tập trung phòng chống, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, quán triệt sâu sắc và thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 29/01/2020, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/02/2020, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020 và các công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch đang bùng phát, lan rộng ở nhiều quốc gia. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Ba là, các cơ quan truyền thông kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động, đồng bộ, quyết liệt phòng, chống, ứng phó với diễn biến của dịch; tăng cường truyền thông các chủ đề “Sống an toàn”, “Việt Nam an toàn”; phát động toàn dân nâng cao ý thức, tăng cường các hoạt động tự bảo vệ sức khỏe…

2. Xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT). Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu trong xây dựng CPĐT. Nổi bật là Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) đã hoạt động từ tháng 6/2019 Cổng dịch vụ công quốc gia tháng 12/2019 là một dấu mốc quan trọng trong xây dựng CPĐT, tạo một kênh giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, một số nội dung triển khai CPĐT chưa được như mong đợi, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng CNTT nền tảng phục vụ phát triển CPĐT còn chậm, bảo mật, an toàn, an ninh thông tin thấp, chưa kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin

Một số giải pháp trong thời gian tới

- Hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển CPĐT, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số. Đẩy mạnh xây dựng các đề án về các giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương.

- Xây dựng nền tảng công nghệ phát triển CPĐT phù hợp với xu thế phát triển CPĐT trên thế giới.

- Thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ, thực hiện chuyển đổi số quốc gia hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số. Xây dựng các hệ thống thông tin Chính phủ không giấy tờ; Hệ thống điện tử về tham vấn chính sách; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia tiến tới xây dựng Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

- Rà soát, sắp xếp lại và huy động mọi nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ ưu tiên phát triển CPĐT, điều chỉnh cơ chế đầu tư đặc thù cho CNTT, tăng cường xã hội hóa để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư; tổ chức đào tạo, tập huấn, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp.

- Phát huy vai trò người đứng đầu, nâng cao hiệu quả thực thi và trách nhiệm giải trình. Các nhiệm vụ triển khai CPĐT cần được đánh giá gắn liền với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu từng bộ, ngành, địa phương và được đo lường qua bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả, đo lường chất lượng kết quả xây dựng CPĐT.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Kết quả Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM) lần thứ 26 được tổ chức ngày 10/3/2020, tại thành phố Đà Nẵng. Đây là hội nghị thường niên cấp Bộ trưởng phụ trách kinh tế đầu tiên trong năm, tại hội nghị đã thông qua 12 đề xuất về sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, tập trung vào các lĩnh vực: thương mại điện tử, thương mại hàng hóa, năng lượng, công nghệ thông tin, nông nghiệp, phát triển bền vững, tài chính, thống kê, đổi mới sáng tạo...

Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN để đối phó với Covid-19” theo sáng kiến đề xuất của Việt Nam. Trong bối cảnh thế giới, ASEAN và Việt Nam đang đối mặt với các khó khăn, thách thức và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội nghị AEM lần thứ 26 chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh này. Dù vậy, trong khoảng thời gian rất ngắn, Việt Nam đã chủ động cùng các nước trong ASEAN cũng như Ban Thư ký ASEAN hoàn tất công tác chuẩn bị bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch, cũng như môi trường an toàn chung cho tất cả đại biểu các nước ASEAN tham gia Hội nghị. Đặc biệt, việc Việt Nam chủ động đưa ra đề xuất để Hội nghị thông qua Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng đã được các nước thành viên ASEAN đánh giá cao, sẽ giúp ASEAN ứng phó và có những biện pháp hành động tập thể để đạt được mục tiêu của mỗi nước, mục tiêu chung của ASEAN, góp phần duy trì ASEAN như là một trung tâm kết nối, tạo dựng những khung phù hợp, hiệu quả trong khung khổ hợp tác của các nước trong khu vực ASEAN với các đối tác khác trên thế giới.

2. Tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút cô-rô-na (covid-19) gây ra đến nền kinh tế toàn cầu

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Đáng chú ý là, trong khi Trung Quốc tuyên bố đã kiểm soát và dập dịch thành công với số ca nhiễm mới trong ngày càng ít, thì Italy, Mỹ, Iran, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Tây Ban Nha đang trở thành “tâm dịch” với số ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng nhanh chóng. Còn tại Việt Nam, tính đến ngày 26/3/2020 đã có 148 ca mắc Covid-19, trong đó 17 ca đã được điều trị khỏi và chưa có trường hợp nào tử vong.

Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị gián đoạn do Trung Quốc là đối tác cung cấp hàng hóa đầu vào quan trọng cho nhiều quốc gia và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm mạnh trong quý I/2020. Chỉ số thương mại hàng hóa toàn cầu của WTO (tháng 02/2020) đã giảm mạnh xuống chỉ còn 95,5 điểm (so với 96,6 điểm tháng 11/2019). Các nền kinh tế tiếp tục đối mặt với khó khăn trong tình hình diễn biến dịch Covid-19 kéo dài. Dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ tới thị trường chứng khoán, dầu mỏ của thế giới. Ngoài ra, giá dầu mỏ và giá vàng thế giới cũng đã giảm mạnh do tác động của dịch.

Để ứng phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Trung ương nhiều nước (như Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan, Brazin,…) đã và đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng như hạ lãi suất cơ bản, hạ dự trữ bắt buộc, hạ giá đồng nội tệ… để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Một số nước khác dùng chính sách tài khóa đã có gói kích thích kinh tế (3-5 tỷ USD) nhằm hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp.Nhiều tổ chức tài chính quốc tế cũng đã có biện pháp để giúp vực dậy nền kinh tế toàn cầu.

 Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Ngày 04/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước tập trung phòng, chống, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân. Giới chuyên gia dự báo, dịch bệnh Covid-19 có thể tác động tiêu cực lâu dài đến nền kinh tế toàn cầu và tạo lực cản đáng kể với nhiều nền kinh tế của các khu vực. Việc đối phó với dịch Covid-19 không chỉ của riêng Trung Quốc mà của tất cả các chính phủ cũng như của mọi người dân và cần phải được đồng thời tiến hành trên cả bốn phương diện: y tế, chính trị, kinh tế và con người. Mỗi quốc gia tự xác định mức độ thích hợp nhất, đồng thời sẵn sàng ứng phó với khủng hoảng, tăng cường nghiên cứu và trao đổi kết quả nghiên cứu, thông tin kịp thời, chuẩn xác và đầy đủ, hỗ trợ lẫn nhau về tài chính và kinh nghiệm.

                                            Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp