Xuất bản thông tin

null Một số vấn đề đặt ra đối với dạy học trực tuyến

Chi tiết bài viết Tin tức

Một số vấn đề đặt ra đối với dạy học trực tuyến

Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, hơn 300 ngàn học sinh Đồng Tháp chưa thể học theo phương thức dạy học trực tiếp. Do đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà đã linh hoạt tổ chức dạy và học theo hình thức trực tuyến, góp phần đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cô Nguyễn Thị Bửu Châu, Giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Trường THCS Mỹ Đông, huyện Tháp Mười

Để triển khai nhiệm vụ năm học mới (2020 - 2021) theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình, mục tiêu chất lượng giáo dục; tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp tổ chức dạy học, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid-19 và các tình huống phát sinh đối với các bậc học, cấp học; thực hiện dạy học trực tuyến từ lớp 5-12 là lựa chọn thích ứng phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Dạy và học trực tuyến là giải pháp được nhiều quốc gia và nhiều địa phương trên cả nước thực hiện trong thời kỳ Covid-19; đã, đang và sẽ trở thành xu hướng được tăng cường, củng cố và dần trở thành một xu thế tất yếu, nhiệm vụ chính trong các nhiệm vụ triển khai năm học để thích ứng với tình hình mới. Dạy và học trực tuyến có nhiều ưu điểm nhưng cũng đặt ra không ít thách thức mà ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà đã và đang nỗ lực khắc phục, vượt qua. Nhất là hiện nay khi năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Tỉnh còn hạn chế. Trong thời gian đầu, việc triển khai hình thức dạy và học trực tuyến còn sự lúng túng. Cán bộ quản lý, giáo viên chưa được tập huấn hình thức dạy học mới; học sinh chưa được chuẩn bị tâm thế. Điều kiện hạ tầng kỹ thuật còn tự phát, chưa đồng bộ. Nhiều học sinh không có máy tính, điện thoại thông minh, nhà chưa nối mạng Internet, đường truyền không đảm bảo để duy trì giờ học được ổn định, có khi cả phụ huynh và học sinh chưa biết sử dụng điện thoại thông minh, máy vi tính… đã tác động không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến. 

Với phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm. Sở Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức triển khai dạy và học trực tuyến, đánh giá kết quả học tập của học sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để các em học ở mọi nơi, mọi lúc và bảo đảm công tác phòng, chống dịch, thích ứng với tình hình của dịch bệnh Covid-19.

Để nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến, trong thời gian tới, cần chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác truyền thông để quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tuyên truyền mục đích, yêu cầu việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 trên địa bàn Tỉnh áp dụng việc dạy và học trực tuyến; thông tin kịp thời phương án dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, lịch phát sóng các bài học để giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh phối hợp thực hiện.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ngành Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu của các phương thức dạy học mới. Tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho đội ngũ giáo viên. Giáo viên tăng cường giao nhiệm vụ cho học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, xem video, thí nghiệm mô phỏng để tiếp nhận và vận dụng kiến thức trả lời các câu hỏi, bài tập được giao thực hiện ở nhà hoặc qua mạng; tổ chức cho học sinh thảo luận, luyện tập, thực hành, kết quả tự học của mình phù hợp trên môi trường mạng…

Thứ ba, các cơ sở giáo dục và đào tạo chủ động điều chỉnh, tinh giản nội dung, thay đổi phương thức và cập nhật nội dung giáo dục và đào tạo; phát triển kho học liệu điện tử, các video hỗ trợ việc giáo dục học sinh để sử dụng hiệu quả trong việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; khai thác, chia sẻ hiệu quả các công cụ hỗ trợ, kho tài liệu, học liệu trực tuyến.

Thứ tư, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục trao đổi với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn Tỉnh: Hỗ trợ các nhà trường, học sinh, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng; miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, học viên và giáo viên, giá cước sử dụng giải pháp phục vụ giáo dục, đào tạo và quản lý giáo dục cho các cơ sở giáo dục; chế độ ưu đãi dịch vụ mua tài khoản học trực tuyến cho học sinh, học viên... tiếp tục xem xét, miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, giáo viên…

Thứ năm, các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục có các giải pháp ưu tiên nguồn lực bảo đảm điều kiện cho việc dạy học trực tuyến, có chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh, khó khăn không có phương tiện để dạy và học trực tuyến, tiếp cận phương thức dạy học mới. Huy động các nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà trường, gia đình học sinh, giáo viên gặp khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để trang bị thiết bị dạy và học tối thiểu phục vụ học tập và giảng dạy trực tuyến, phù hợp phương thức dạy học mới.

Hồ Nhẫn