Xuất bản thông tin

null Kỷ niệm 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023)

Chi tiết bài viết Tin tức

Kỷ niệm 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023)

Thấm thoát đã 48 năm trôi qua, ngày 30/4/1975, toàn dân tộc Việt Nam đã vỡ òa hạnh phúc khi lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc lập, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc vẻ vang chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian lao nhưng vô cùng anh dũng của dân tộc (1954 - 1975).

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt với nhiều hy sinh, mất mát nhưng vẻ vang, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, với những bước chuyển biến về tương quan lực lượng, cục diện chiến tranh để đến giai đoạn cuối cuộc kháng chiến đã tạo bước nhảy vọt lớn, đi đến giành thắng lợi hoàn toàn.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, mở màn là Chiến dịch Tây Nguyên đã làm cho địch bất ngờ và nhận lấy thất bại mang tính chiến lược, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.

Nhìn lại, cuối năm 1974, đầu năm 1975, tình hình cách mạng miền Nam có nhiều bước tiến đáng kể. Chiến thắng Phước Long (13/12/1974 - 06/01/1975) đã củng cố tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, mở ra thời cơ mới để Đảng chủ trương kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã nhấn mạnh "cả năm 1975 là thời cơ" và chỉ rõ "nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975". Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Nêu cao quyết tâm thống nhất nước nhà, thực hiện lời hiệu triệu "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào" của Bác cùng những nhận định sắc bén về thời cơ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã giành được thắng lợi vang dội tại chiến trường Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, tạo khí thế và thời cơ cách mạng cho chiến dịch mang tính chất quyết định - Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đúng 17 giờ, ngày 26/4/1975, quân ta nổ súng mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đến sáng ngày 30/4/1975, khi tình hình của Ngụy quyền Sài Gòn cực kỳ nguy ngập, quân ta theo kế hoạch đã tiến công vào Dinh Độc lập. 10 giờ 45 phút cùng ngày, chiếc xe tăng Type 59 số hiệu 390 xông tới húc tung cánh cổng chính, đại đội trưởng Bùi Quang Thận nhảy ra khỏi xe và chạy lên nóc Dinh Độc lập cắm lá cờ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đúng 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đến ngày 02/5/1975, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Hoà chung với khí thế sôi sục của cả nước, ngày 15 - 16/4/1975, Thường vụ Tỉnh uỷ Sa Đéc họp Hội nghị khẩn cấp tập trung thảo luận Nghị quyết đặc biệt và Mệnh lệnh Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa của Trung ương Cục, đề ra những biện pháp đặc biệt nhằm động viên tối đa tinh thần, lực lượng, tập trung tấn công địch liên tục, táo bạo và triển khai ngay cho toàn Đảng bộ Tỉnh. Đây là Hội nghị có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, là ánh sáng trực tiếp mở đường, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến toàn thắng. Trong toàn Tỉnh, các lực lượng vũ trang thực hiện phương châm xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, liên tục tấn công địch ở khắp nơi.

Khi Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, quân địch ở các nơi hoang mang rệu rã. Ban chỉ huy chiến dịch của Tỉnh điện lệnh cho Tiểu đoàn 502A và B thần tốc về giải phóng thị xã Sa Đéc, phối hợp cùng lực lượng địa phương, du kích và lực lượng chính trị của quần chúng từ nhiều mũi tiến vào nội ô thị xã. 7 giờ sáng ngày 01/5/1975 quân ta từ nhiều hướng tiến vào tiếp quản và làm chủ hoàn toàn thị xã Sa Đéc. Các vùng lân cận cũng nhanh chóng được giải phóng.

Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Quân và dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng tháng 12/1976 đã đánh giá: "Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".

Trong công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông đã chiến đấu hy sinh anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc và quân đội ta. Mỗi người dân Việt Nam nguyện tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Với những nỗ lực, phấn đấu của cấp uỷ đảng, chính quyền, quân và dân Đồng Tháp đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Với quyết tâm chinh phục Đồng Tháp Mười, vùng đất hoang hóa, dân cư thưa thớt, ngập lũ hằng năm, đất bị nhiễm phèn nặng, đời sống người dân rất khó khăn, được mệnh danh là "con hổ ngủ" đã được đánh thức, nhờ đó diện tích và sản lượng lúa gạo của Đồng Tháp tăng lên và đứng thứ 3 cả nước, góp phần quan trọng thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tỉnh; Việc khánh thành đưa vào sử dụng cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống, mở ra cơ hội chuyển mình cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để phát triển toàn diện và phát huy phẩm chất tốt đẹp của con người Đồng Tháp, nhất là thế hệ trẻ là một trong những mục tiêu quan trọng trong Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo; Quốc phòng, an ninh luôn được quan tâm, củng cố, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa Đồng Tháp và Prây-veng (Vương quốc Campuchia) luôn được duy trì và phát triển ngày càng tốt đẹp; Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, theo số liệu thống kê năm 2022, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng trưởng 9,11%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây (2012 - 2022), quy mô kinh tế lần đầu tiên đạt mốc 100.172 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người đạt 62,6 triệu đồng (tương đương 2.675 USD); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,2%, Đồng Tháp 15 năm liên tiếp  nằm trong top 5 địa phương có năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất cả nước… đây là một số kết quả rất đáng tự hào.

Ngày nay, đất nước ta bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Tự hào về truyền thống của lịch sử của dân tộc, Đồng Tháp đã và đang cùng cả nước phát huy tinh thần tổng khởi nghĩa, tổng tấn công trong những năm kháng chiến để phát triển toàn diện, đổi mới về mọi mặt, quyết tâm đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển vào hàng khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giữ vững quốc phòng, an ninh. Xây dựng quê hương Đồng Tháp giàu mạnh, văn minh, hiện đại, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo, vững bước đi lên trên con đường phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân quyết tâm, nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Tỉnh để góp phần cùng với cả nước xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì một Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Thanh Tài

Tài liệu tham khảo

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng tháng 12/1976.

2. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp tập II (1954 - 1975).