Xuất bản thông tin

null Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi tỉnh Đồng Tháp năm 2022 thành công tốt đẹp

Chi tiết bài viết Tin tức

Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi tỉnh Đồng Tháp năm 2022 thành công tốt đẹp

Giải nhất Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi tỉnh Đồng Tháp được trao cho thí sinh Nguyễn Thanh Nga, Phó Giám đốc Trung tâm chính trị huyện Tháp Mười.

Ban Tổ chức và thí sinh Hội thi Giảng viên lý luận chính trị Giỏi tỉnh Đồng Tháp năm 2022 chụp hình lưu niệm

Thực hiện Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, trong hai ngày 14 - 15/4/2022, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp Trường Chính trị Tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi tỉnh Đồng Tháp năm 2022.

Hội thi diễn ra tại Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp, có 16 thí sinh là giảng viên chuyên trách của 12 Trung tâm chính trị huyện, thành phố trong Tỉnh (trong đó, 09 thí sinh là cán bộ lãnh đạo Trung tâm và 07 thí sinh là giảng viên chuyên trách). Về trình độ lý luận chính trị của các thí sinh: 07 Cao cấp (chiếm 43,7%), 09 Trung cấp (chiếm 56,25%); trình độ chuyên môn: 02 thạc sĩ (chiếm 12,5%); 14 đại học (chiếm 87,5%). Giảng viên nữ có 06 đồng chí (chiếm 37,75%); thí sinh dự thi trẻ tuổi nhất 33 tuổi, lớn tuổi nhất 57 tuổi. Thời gian tham gia giảng dạy lý luận chính trị của các thí sinh dự thi dài nhất là 25 năm, ngắn nhất là 01 năm.

Đồng chí Lê Thị Kim Loan, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi phát biểu

Phát biểu khai mạc Hội thi, đồng chí Lê Thị Kim Loan, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi cho biết: Hội thi vừa nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng giảng dạy của đội ngũ giảng viên chuyên trách, vừa tạo điều kiện để các giảng viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại Trung tâm chính trị các địa phương. Đồng thời, giúp cấp uỷ nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của Trung tâm chính trị, qua đó quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để các Trung tâm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của địa phương có chất lượng.

Theo chương trình, các thí sinh lần lượt trãi qua 03 phần thi: Giáo án; Giảng trực tiếp; Trả lời câu hỏi ứng xử. Trong đó, Giáo án hệ số 2, Giảng trực tiếp hệ số 3; Trả lời câu hỏi ứng xử hệ số 1.

Phần thi giảng trực tiếp của thí sinh

Phần thi giáo án: Thí sinh soạn giáo án theo mẫu, không quá 30 trang là 01 bài trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và chương trình bồi dưỡng chuyên đề dùng cho Trung tâm chính trị cấp huyện.

Phần thi giảng trực tiếp: Thí sinh lựa chọn phần trọng tâm trong giáo án đã đăng ký dự thi để trình bày trong thời gian 25 - 30 phút.

Phần trả lời câu hỏi ứng xử: Thí sinh trả lời câu hỏi do thành viên Ban Giám khảo đặt ra theo hình thức bắt thăm tại chỗ  (01 câu hỏi). Nội dung câu hỏi liên quan tới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị dành cho giảng viên giảng dạy các chương trình lý luận chính trị tại Trung tâm chính trị huyện. Thời gian trả lời câu hỏi không quá 05 phút.

Nội dung thi của các thí sinh tập trung 4 chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên ở cơ sở như: Chương trình Sơ cấp lý luận chính trị (01 bài); Bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng (08 bài); Bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới (05 bài), Chương trình bồi dưỡng chuyên đề giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam (02 bài).

16 bài dự thi của thí sinh được chia thành 03 nhóm: Nhóm bài về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (01 bài); nhóm bài về Đảng và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (09 bài); nhóm bài về đường lối và chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam (06 bài). Mỗi phần thi của thí sinh được 03 giám khảo chấm độc lập theo biểu điểm quy định. Điểm mỗi phần thi của thí sinh là điểm trung bình cộng của các thành viên Ban Giám khảo.

Theo Ban Tổ chức Hội thi, trình độ, khả năng giảng viên tham gia dự thi khá đồng đều, có sự nghiên cứu sâu nội dung bài giảng, tham gia với tinh thần cầu thị và trách nhiệm; tâm huyết vào nội dung bài giảng làm cho phần thuyết trình sinh động và hấp dẫn. Thí sinh xuất sắc nhất sẽ dự thi tại Khu vực III (các tỉnh uỷ, thành uỷ phía Nam), được tổ chức trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2022.

Đồng chí Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh trao Giấy khen cho thí sinh Nguyễn Thanh Nga, Phó Giám đốc Trung tâm chính trị huyện Tháp Mười đạt giải Nhất Hội thi

Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức trao giải cho 12 thí sinh xuất sắc, trong đó: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba, 06 giải Khuyến khích. Đồng chí Nguyễn Thanh Nga, Phó Giám đốc Trung tâm chính trị huyện Tháp Mười đạt giải Nhất.

Phát biểu bế mạc Hội thi, đồng chí Lê Thị Kim Loan, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cho rằng: Thành công của Hội thi chỉ là kết quả bước đầu, vấn đề quan trọng là làm sao để phát huy được kết quả Hội thi vào công tác thực tiễn giảng dạy; để công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên ngày càng chất lượng.

Để làm tốt nhiệm vụ nêu trên, ngay từ sau Hội thi, tiếp tục thực hiện một số vấn đề sau:

Thứ nhất, giảng viên tham dự Hội thi tiếp tục phát huy ưu điểm, kết hợp kinh nghiệm học tập tại Hội thi phấn đấu trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy, nhất là phương pháp và thực hiện tốt các nguyên tắc trong giảng dạy lý luận chính trị để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người giảng viên.

Thứ hai, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ có kế hoạch phối hợp Trường Chính trị Tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn, cập nhật kiến thức cho lực lượng giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, nhằm tạo điều kiện giảng viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tại Trung tâm chính trị cấp huyện.

Thứ ba, các huyện uỷ, thành uỷ tiếp tục quan tâm củng cố tổ chức bộ máy đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trung tâm chính trị huyện theo Quy định số 208-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương và Quyết định số 883-QĐ/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương, tạo điều kiện cho Trung tâm chính trị cấp huyện hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở; tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát về công tác giáo dục lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thứ tư, Ban tuyên giáo cấp huyện phối hợp Trung tâm chính trị các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động chia sẻ chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy lý luận chính trị như tổ chức thao giảng, dự giờ rút kinh nghiệm cho đội ngũ giảng viên... nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng cho đội ngũ giảng viên chuyên trách nói riêng và giảng viên kiêm chức nói chung, phục vụ ngày càng tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Thứ năm, Trường Chính trị Tỉnh, Trung tâm chính trị cấp huyện thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy lý luận chính trị; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp trong giảng dạy lý luận chính trị, lý luận gắn liền thực tiễn công tác, cuộc sống nhằm nâng cao tính giáo dục, thuyết phục.

Thứ sáu, Trung tâm chính trị các huyện, thành phố quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm chức đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ, kế thừa và phát huy sáng kiến, cách làm mới hiệu quả, tăng cường đổi mới phương pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng, hiệu quả nội dung bài giảng.

Giao Huỳnh