Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp phát huy giá trị đặc sản địa phương qua các lễ hội

Chi tiết bài viết Tin tức

Đồng Tháp phát huy giá trị đặc sản địa phương qua các lễ hội

Quê hương Sen hồng tạo ấn tượng năm 2022 với sự khởi đầu của Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I có chủ đề "Sen Ngày mới".

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Lễ hội Quýt hồng lần thứ I - Năm 2023

Sự kiện diễn ra từ ngày 19 đến ngày 21/5/2022 - đúng vào dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Bác Hồ, nhằm tôn vinh hoa Sen, phát huy giá trị văn hoá - kinh tế cho các sản phẩm chế biến từ cây Sen Đồng Tháp. Với qui mô tổ chức cấp Tỉnh, Lễ hội có nhiều hoạt động văn hoá, du lịch ấn tượng như chương trình nghệ thuật "Sen trong tôi" trình diễn áo dài, áo bà ba; hội thảo "Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm Sen Đồng Tháp"; xác lập kỷ lục 200 món ăn chế biến từ Sen; diễu hành, thi xe hoa Sen... Lần đầu tiên được tổ chức, Lễ hội thu hút hơn 100.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm, góp phần kết nối thương mại, du lịch, phát huy giá trị kinh tế và chiều sâu văn hoá của Sen - biểu tượng cho khát vọng phát triển vươn xa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.

Xoài là một trong năm ngành hàng chủ lực thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tỉnh với trên 13.000 ha xoài, sản lượng trên 130.000 tấn/năm, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ mới vào sản xuất xoài được thực hiện như: Rải vụ thu hoạch (70% diện tích), bao trái (90% diện tích), sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Toàn Tỉnh có 353ha xoài chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 55 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm 2013, Tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu "Xoài Cát Chu Cao Lãnh" và "Xoài Cao Lãnh"… Sự kiện xuất khẩu lô xoài đầu năm 2022 của Đồng Tháp sang thị trường châu Âu là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của Tỉnh trong việc triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu nông sản và cũng là điều kiện để khai thác có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU.

Nhằm tôn vinh ngành hàng xoài, các sản phẩm chế biến từ xoài, phát huy giá trị văn hóa - kinh tế, quảng bá du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương, tối ngày 06/7/2022, Lễ hội Xoài Cao Lãnh lần đầu tiên đã được khai mạc tại Công viên Hai Bà Trưng, Phường 2, thành phố Cao Lãnh. Với chủ đề "Xoài nào ngon bằng Xoài Cao Lãnh", lần đầu tiên, Uỷ ban nhân dân thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh phối hợp tổ chức Lễ hội Xoài. Đây cũng là hai địa phương có diện tích trồng xoài nhiều nhất của tỉnh Đồng Tháp, với hơn 7.500 ha (sản lượng hàng năm khoảng trên 70.000 tấn). Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn: Ra mắt thành lập Chi hội Xoài (trực thuộc Hiệp hội Rau quả Việt Nam); khu trưng bày, giới thiệu và quảng bá thương hiệu "Xoài Cao Lãnh", giới thiệu sản phẩm "Cây Xoài nhà tôi" và các cây xoài giống, sản phẩm từ xoài; khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, gian hàng giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp và sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong Tỉnh... Lễ hội đã thu hút khoảng 500.000 lượt khách tham quan, là cơ hội để Đồng Tháp quảng bá, tiếp tục phát triển chuỗi giá trị ngành hàng xoài. 

Tiếp nối thành công của Lễ hội Sen và Lễ hội Xoài, từ ngày 16 đến ngày 17/12/2022, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ hội Cá Tra tại thủ phủ cá tra Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp lần thứ I tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Hồng Ngự với chủ đề "Lễ hội Cá Tra - Vươn ra biển lớn", thu hút trên 20.000 lượt khách tham quan. Sự kiện được tổ chức nhằm cổ vũ, động viên, ghi nhận sự đóng góp tích cực của ngành hàng cá tra trong nền kinh tế của địa phương và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; giới thiệu và tôn vinh hình ảnh, sản phẩm cá tra, ngành nghề truyền thống của địa phương, khẳng định giá trị, nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu cá tra Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng. Lễ hội gồm các hoạt động chính: Hội nghị tổng kết ngành thuỷ sản năm 2022; Hội nghị chuỗi nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ, ký kết hợp tác; toạ đàm của ngành khuyến nông; tour Famtrip "Về Hồng Ngự thăm thủ phủ cá tra"; Yến tiệc trình diễn các món ăn độc đáo từ sản phẩm cá tra; cuộc thi "Thăng hoa cùng món ngon cá tra Hồng Ngự"; hoá trang - diễu hành; thả Ngư đăng, thả cá ra tự nhiên trên sông Hồng Ngự - Vĩnh Hưng; tham quan các hoạt động nuôi trồng, sản xuất, chế biến cá tra kết hợp tham quan các điểm du lịch. Lễ hội dự kiến sẽ được tổ chức định kỳ nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu cá tra Việt Nam; viết nên câu chuyện con cá tra của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng - câu chuyện mang tính chất lịch sử của ngành hàng chủ lực tỷ đô cấp quốc gia.

Những ngày đầu năm 2023, quê hương Sen hồng tiếp tục rộn ràng với Lễ hội Quýt hồng lần thứ I với chủ đề "Khát vọng vươn lên", diễn ra từ ngày 05 - 08/01 tại Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện Lai Vung. Đây là lần đầu tiên Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh thương hiệu quýt hồng, đồng thời thổi ngọn gió lành, góp phần hồi sinh “vương quốc” quýt hồng nổi tiếng ở vùng đất Chín Rồng. Những hoạt động trải nghiệm không gian sản xuất quýt hồng; các hội thảo, toạ đàm, hội thi; hoạt động trưng bày và giới thiệu các sản phẩm của địa phương; các chương trình văn nghệ và trò chơi dân gian đã thu hút trên 40.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm tại Lễ hội này. Đáng chú ý, qua hội thảo và toạ đàm, các diễn giả, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà cung ứng chuỗi tiêu thụ, phân phối và dịch vụ lữ hành đã gợi mở nhiều ý tưởng thiết thực, tạo điều kiện để gắn kết sản xuất sản phẩm quýt hồng với nhu cầu thị trường, đồng thời kết nối du lịch bền vững nhằm tạo dựng hình ảnh địa phương... Theo Bí thư Huyện uỷ Lai Vung Võ Hoàng Cương, Lễ hội Quýt hồng mở ra cho nông dân cơ hội mới từ nhận thức đến sản xuất trong con đường phát triển: "Hãy biết tạo ra những sản phẩm xã hội cần chứ không thể chỉ biết làm ra những gì mà mình vốn quen và thành truyền thống".

Trong những ngày này, thành phố hoa bên dòng Sa Giang trở nên nhộn nhịp hơn bởi lượng khách đổ về tham quan, trải nghiệm tại Tuần lễ Du lịch gắn với Lễ hội Hoa xuân Sa Đéc. Sự kiện được tổ chức gồm chuỗi các hoạt động đặc sắc từ ngày 05 - 14/01/2023, tiêu biểu như: Lễ tri ân và tôn vinh nghề trồng hoa kiểng; Giới thiệu và trưng bày 102 món ăn và các loại bánh dân gian; Diễu hành đường phố; Hội thi Hoa hồng đẹp và Bonsai Mai vàng; Hội chợ triển lãm và thương mại dịch vụ; Gian hàng Ẩm thực đường phố; Hội thi trang trí cụm tiểu cảnh check-in du lịch. Cùng với chuỗi hoạt động trên, từ 21/01/2023 - 29/01/2023 tại thành phố Sa Đéc còn diễn ra nhiều hoạt động mừng Đảng - mừng Xuân Quý Mão 2023 và kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố Sa Đéc (14/10/2013 - 14/10/2023). Điểm nhấn là Chương trình nghệ thuật đặc biệt đón chào năm mới và kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố Sa Đéc sẽ bắt đầu vào lúc 19 giờ, ngày 21/01/2023 (đêm 30 Tết) tại Quảng trường tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh - Công viên Sa Đéc với màn bắn pháo hoa đặc sắc, hấp dẫn phục vụ bà con nhân dân và du khách gần xa.

Được biết, từ năm 2013 đến nay, Lễ hội Hoa Xuân được thành phố Sa Đéc duy trì tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân và khai thác tốt các tiềm năng phát triển du lịch Sa Đéc.

Có thể nói, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, mọi mặt kinh tế - xã hội đều bị tác động bởi đại dịch Covid-19 trong thời gian dài, toàn hệ thống chính trị tỉnh Đồng Tháp đã vào cuộc, nỗ lực thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục hồi du lịch, phát huy giá trị đặc sản địa phương, thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh địa phương, qua đó, góp phần xây dựng văn hoá và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo.

Vy An