Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 6 năm 2024

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 6 năm 2024

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: "Đấu tranh chống chiêu trò lợi dụng tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm để chống phá Đảng và Nhà nước - Nhìn từ cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" của Nguyễn Thanh Sơn - Trịnh Xuân Thắng Học viện Chính trị khu vực IV đăng trên Tạp chí Cộng sản, mục Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch.

Trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu, làm rõ thực trạng cán bộ, công chức, viên chức sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; đồng thời vạch ra những nhiệm vụ, giải pháp để phòng trị, ngăn chặn thực trạng này. Đây là cơ sở lý luận và thực tiễn rất quan trọng để đấu tranh với những chiêu trò, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm để chống phá Đảng và Nhà nước; đồng thời là cẩm nang để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tâm, toàn ý phục vụ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Nhận diện, đấu tranh với chiêu trò lợi dụng tình trạng cán bộ, công chức, viên chức sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm để chống phá Đảng và Nhà nước ta

Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức là thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó để phục vụ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng. Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức không thực hiện hoặc chậm trễ trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình, làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, địa phương, đất nước. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch đã tung ra luận điệu xuyên tạc để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá Đảng và Nhà nước, vì thế, cần vạch rõ bản chất của âm mưu, thủ đoạn đen tối này để có giải pháp đấu tranh ngăn chặn hiệu quả.

Thứ nhất, đấu tranh phản bác luận điệu cho rằng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm là bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa

Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, bệnh sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm không phải mới có mà đã tồn tại từ lâu, mang tính bản chất của chế độ ta, từ đó, quy chụp bộ máy nhà nước ta biến chất, cần phải xây dựng một bộ máy nhà nước khác.

Sự thật là, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả hoạt động của nhà nước đều nhằm mục đích bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Với mục tiêu, lý tưởng cao đẹp đó, hàng triệu đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước các cấp không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thậm chí có người đã hy sinh cả tính mạng của mình vì lợi ích của đất nước, của nhân dân, của Đảng. "Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều cố gắng chăm lo đời sống nhân dân. Nhưng, bên cạnh những cán bộ, công chức, viên chức luôn giữ được phẩm chất, đạo đức cách mạng, cũng có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngại khó, ngại khổ, sợ trách nhiệm, nên không dám làm mà né tránh hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Tuy nhiên, không phải vì thế mà lấy hiện tượng để đánh giá bản chất, khi cho rằng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của chúng ta đều xấu, rằng "cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm là bản chất" của nhà nước ta, bởi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, "nếu xấu như vậy thì tại sao những năm qua chúng ta tiến hành sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu to lớn mà cả thế giới thừa nhận, vị thế nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao?". Đảng ta sẵn sàng nhìn nhận một cách khách quan, bên cạnh những thành tựu trong công tác xây dựng, phát triển đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, thời gian qua, vẫn còn một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm và đặt ra yêu cầu phải đấu tranh không khoan nhượng với những hạn chế, khuyết điểm đó.

Thứ hai, đấu tranh phản bác luận điệu cho rằng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm là do chế độ một đảng lãnh đạo

Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, do ở Việt Nam chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo nên quyền lực chính trị tập trung, hạn chế sự sáng tạo của các cá nhân, dẫn đến nhiều cán bộ, công chức, viên chức thụ động, không dám có sáng kiến, coi "ý đảng" đứng trên pháp luật. Từ đó, các thế lực thù địch cho rằng, cần thực hiện đa nguyên, đa đảng để quyền lực không còn tập trung, để có pháp luật bảo vệ.

Sự thật là, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam "là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội", "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Do đó, không có chuyện Đảng đứng trên pháp luật hay không theo pháp luật để lãnh đạo đất nước; nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước bảo đảm tính thống nhất, không mâu thuẫn với nhau, bởi pháp luật chính là sự thể chế hoá chủ trương, đường lối, quan điểm được thể hiện trong nghị quyết của Đảng và nghị quyết của Đảng cũng không thể trái pháp luật.

Thứ ba, đấu tranh phản bác luận điệu cho rằng, cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm là do đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá quyết liệt

Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ nhằm "đấu đá nội bộ, triệt phe cánh đối lập"; do Đảng ta xử lý kỷ luật mạnh tay những đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, tiêu cực, cả những cán bộ đã nghỉ hưu, lật lại những vụ tham nhũng, tiêu cực cách đây nhiều năm, nên nhiều cán bộ, công chức, viên chức sợ trách nhiệm vì mang tâm lý "làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm thì không sai", né tránh trách nhiệm để bảo đảm "an toàn".

Thực tế cho thấy, tình trạng sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm có một phần nguyên nhân từ sự yếu kém của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức do hạn chế về năng lực, phẩm chất, đạo đức hay đã từng mắc phải sai phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nay sợ bị phát hiện và bị xử lý, nên không dám làm hoặc làm "cầm chừng", "đối phó", né tránh trách nhiệm để mong được "an toàn". Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả góp phần làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước, giảm bớt sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân, doanh nghiệp, qua đó, ngày càng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Như vậy, rõ ràng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mang lại nhiều lợi ích, không hề "làm cản trở sự phát triển của đất nước" như các thế lực thù địch xuyên tạc.

Giải pháp phòng, trị bệnh sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm

Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm như một căn bệnh đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực đối với sự phát triển đất nước. Bệnh sợ trách nhiệm làm cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức thụ động trong công việc, đùn đẩy trách nhiệm.

Vì vậy, nhiều nhu cầu thiết thực, chính đáng của người dân, doanh nghiệp không được giải quyết kịp thời, dẫn đến sự suy giảm niềm tin đối với bộ máy công quyền. "Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho "đủ bổn phận", cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ. Vì sợ trách nhiệm mà đi đến bảo thủ". Đáng lo ngại hơn, bệnh sợ trách nhiệm còn làm cho những khuyết điểm trong thực thi công vụ không được chỉ ra, vì "người sợ trách nhiệm còn ngại "va chạm" trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới. Lấy cớ phải có tác phong "thận trọng, chín chắn", phải "giữ gìn đoàn kết", các đồng chí đó không thẳng thắn phê bình những người phạm khuyết điểm, không đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, những tư tưởng và việc làm trái với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước".

Để phòng, trị có hiệu quả những tác hại nghiêm trọng của căn bệnh sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bệnh sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm có một phần nguyên nhân là do hệ thống pháp luật hiện hành còn những bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, có thể cùng một vấn đề nhưng có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau, dễ sai phạm, nên nhiều cán bộ, công chức, viên chức né tránh việc thực hiện. Vì vậy, cần quan tâm nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ, đồng bộ, dễ hiểu, dễ triển khai thực hiện, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để cán bộ, công chức, viên chức tự tin thực thi trách nhiệm công vụ trong chức trách, thẩm quyền của mình.

Thứ hai, quy định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trong hoạt động công vụ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: "Hiện nay còn có những cơ quan, đơn vị vì phân công không rõ ràng, quy định không rành mạch về trách nhiệm và quyền hạn của từng người cho nên không thể đánh giá đúng ai làm tốt, ai làm không tốt; khi xảy ra việc làm sai gây tổn hại cho Đảng và Nhà nước thì chỉ có thể kiểm điểm tập thể chung chung, không biết quy trách nhiệm cụ thể về ai". Do đó, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương một người có thể làm nhiều việc nhưng công việc nào cũng phải có người phụ trách, quy định và phân biệt rạch ròi trách nhiệm cá nhân và tập thể, tránh trường hợp "tranh công đổ lỗi", khi thành công thì nhận thành tích cá nhân, khi thất bại, kém hiệu quả lại đổ lỗi cho tập thể. Đặc biệt, cần có những quy định xác định rõ trách nhiệm cá nhân không chỉ khi thực hiện sai quy định pháp luật mà còn cả khi không thực hiện đầy đủ theo thẩm quyền được giao, để công việc bị chậm trễ. Khi trách nhiệm cá nhân trong hoạt động công vụ rõ ràng sẽ hạn chế được tình trạng cán bộ, công chức, viên chức không dám làm, sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm.

Thứ ba, phát huy dân chủ trong thực thi công vụ. Tình trạng cấp trên bao biện, không chú ý lắng nghe ý kiến và trao quyền cho cấp dưới đã và đang xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, tạo ra một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thụ động, không dám làm, không dám quyết định và né tránh trách nhiệm. Tổng Bí thư đã chỉ rõ: "Có những cán bộ cấp trên không tôn trọng chức trách, quyền hạn của cấp dưới, đã không chú ý đề cao, phát huy tính chủ động sáng tạo của cán bộ cấp dưới, rồi tự cho mình là đi sâu đi sát, là có tác phong cụ thể. Cách làm việc như vậy thường khiến cho những cán bộ vốn ỷ lại, thụ động dễ dàng lẩn tránh trách nhiệm. Cũng có trường hợp người lãnh đạo ở cấp trên không khách quan lắng nghe ý kiến của cán bộ cấp dưới, chỉ muốn nghe những lời khen và đồng tình với mình, không thích những cán bộ có ý kiến trái với mình, cho nên không cổ vũ, khuyến khích cán bộ cấp dưới độc lập suy nghĩ, chủ động sáng tạo trong công việc và thẳng thắn phát biểu, đề đạt ý kiến. Thái độ đó của cấp trên thực tế là ủng hộ những cán bộ sợ trách nhiệm, những người "chỉ làm những việc mà người ta bảo làm"".

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Để trị tận gốc căn bệnh này, phải đổi mới toàn diện công tác cán bộ, trước hết là phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Khi đã một lòng, một dạ vì đất nước, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu, lý tưởng phấn đấu thì họ sẽ không ngại đương đầu với khó khăn, thử thách, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để thực hiện mục tiêu, lý tưởng mà mình đã lựa chọn. Từ đó, bệnh sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm sẽ khó có đất để tồn tại.

Gắn việc đánh giá với công tác khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, thay thế, điều động, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức. Những cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tinh thần đổi mới, sáng tạo cần được đánh giá khách quan, khen thưởng kịp thời, được đề bạt, bổ nhiệm lên vị trí cao hơn. Ngược lại, những cán bộ làm việc cầm chừng, cố tình đùn đẩy, né tránh trách nhiệm cần có hình thức xử lý thích hợp, thậm chí điều chuyển hoặc truy cứu trách nhiệm chính trị, pháp lý, kỷ luật, thay thế kịp thời.

Để khắc phục tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, cần vừa đấu tranh với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng hạn chế này để chống phá Đảng và Nhà nước, vừa phải quyết liệt đấu tranh với chính những tiêu cực, hạn chế từ trong nội bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Đảng và hệ thống chính trị. Ngăn chặn, hạn chế tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm là yêu cầu cấp thiết để thực hiện thành công chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ "7 dám" (dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung) mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

PHẦN B: THÔNG TIN THỜI SỰ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5/2024

Trong tháng 4/2024: Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng đạt 11.949 tỷ đồng, tăng 1,56% so với tháng trước; kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh đạt 172.785 ngàn USD, tăng 0,85% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu tháng 5/2024 ước tính đạt 62.857 ngàn USD, tăng 1,86% so với tháng trước. Nguyên nhân kim ngạch nhập khẩu tháng 5 tăng cao so cùng kỳ năm trước chủ yếu là do giá nhập khẩu của mặt hàng xăng dầu tăng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến 30/4/2024 ước đạt 3.582 tỷ đồng, đạt 38,66% dự toán năm và bằng 118,51% cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương tháng tính đến 30/4/2024 đạt 5.816 tỷ đồng, đạt 32,48% dự toán năm và bằng 98,01% cùng kỳ năm trước. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Đồng Tháp tổ chức 01 Hội đồng thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại Tỉnh, tổ chức vào các ngày 26 - 29/6/2024; toàn Tỉnh có khoảng 36 điểm thi, với 719 phòng thi, các điểm thi tập trung tại 12 huyện, thành phố, dự kiến có 16.505 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có 14.574 thí sinh lớp 12 hệ trung học phổ thông, 1.383 thí sinh lớp 12 hệ giáo dục thường xuyên, 548 thí sinh tự do. Hiện nay trên địa bàn Tỉnh đang trong tình trạng nắng nóng, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, là điều kiện thuận lợi các loại bệnh dịch bùng phát như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật bản, đậu mùa khỉ, bệnh dại (ở chó, mèo), virut cúm gia gầm H5N1... Để bảo vệ sức khoẻ người dân phòng và chữa bệnh trong mùa nắng nóng, ngành y tế đã khuyến cáo: Cần chủ động trong phòng bệnh, tuân thủ các biện pháp điều trị, dùng thuốc hợp lý và an toàn theo hướng dẫn của bác sĩ, không lạm dụng thuốc khi không cần thiết…

2. Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp khai trương Đơn vị can thiệp nội mạch

Sau 09 năm chuẩn bị, vừa qua Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp khai trương Đơn vị can thiệp nội mạch, thuộc Khoa Nội Tim mạch - Lão học. Đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị bệnh nhân bệnh lý mạch vành, bệnh lý rối loạn nhịp tim, các bệnh có chỉ định chụp mạch số xoá nền và các bệnh có chỉ định can thiệp nội mạch khác như: Mạch máu não, mạch tạng và các mạch máu ngoại biên. Khi đi vào hoạt động, đơn vị sẽ triển khai các kỹ thuật về tim mạch can thiệp như: Chụp động mạch vành; nong và đặt stent động mạch… Chụp động mạch vành và đặt stent động mạch vành là kỹ thuật khó trong chuyên khoa tim mạch. Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã sẵn sàng từ trang thiết bị đến đội ngũ y, bác sĩ và thực hiện những ca đầu tiên tại tỉnh với sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia đến từ Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đưa vào hoạt động Đơn vị can thiệp nội mạch sẽ mở ra nhiều cơ hội trong chăm sóc sức khoẻ và điều trị cho bệnh nhân.

3. Phát huy dân chủ trong công chức, viên chức, người lao động, nhân dân

Theo Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 22/5/2024 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị và xã, phường, thị trấn năm 2024, nhằm phát huy dân chủ trong công chức, viên chức, người lao động, nhân dân và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiếp tục triển khai, quán triệt thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương và của tỉnh về thực hiện dân chủ như: Nghị định số 59/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 61/2023/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư…

Đồng thời, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số 179/KH-UBND triển khai thực hiện quy chế dân chủ trong các tổ chức có sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2024. Yêu cầu việc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc phải được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, thường xuyên, thiết thực và có hiệu quả; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Tiếp tục đổi mới, phát triển giáo dục mầm non

Trong những năm qua, giáo dục mầm non đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhận thức của xã hội về giáo dục mầm non và tầm quan trọng của giai đoạn phát triển đầu đời còn nhiều hạn chế. Nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển giáo dục mầm non, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới như sau: Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non để tiếp tục hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo phục vụ phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn; tiếp tục thực thi đầy đủ, có hiệu quả cơ chế, chính sách; các nhiệm vụ theo các quy định của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách khuyến khích của Đảng và Nhà nước để thu hút nguồn lực, đầu tư phát triển giáo dục mầm non tại địa phương; rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn đối với giáo dục mầm non tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; ưu tiên bố trí biên chế, tuyển dụng giáo viên mầm non theo quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ em và chất lượng giáo dục mầm non.

2. Nâng cao năng lực cho đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở

Ngày 17/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030".

Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng năng lực, trình độ của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, tiến hành củng cố, kiện toàn tổ hòa giải, bầu bổ sung, thay thế hòa giải viên ở cơ sở, bảo đảm các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư, luật gia, Hội thẩm nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, người đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên phối hợp, hỗ trợ cho tổ hòa giải ở cơ sở. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Campuchia triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh "Việt Nam luôn coi trọng, dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia""luôn ủng hộ, vui mừng, đánh giá cao về những thành tựu Campuchia đã đạt được trong thời gian qua. Đối với dự án kênh đào Funan Techo, Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần của Hiệp định Mekong 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Uỷ hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước". Đồng thời, Việt Nam mong muốn "Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Uỷ hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong cùng các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước, tài nguyên nước sông Mekong, vì sự phát triển bền vững của lưu vực, tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông và tương lai của các thế hệ mai sau".

2. Phiên đối thoại về báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV của Việt Nam

Sau khi nộp báo cáo quốc gia, Việt Nam chính thức tham gia Phiên đối thoại về báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 07/5/2024. Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng đoàn Việt Nam tại phiên đối thoại, nhấn mạnh 04 thông điệp đối ngoại quan trọng của Việt Nam.

Thứ nhất, khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, độc lập dân tộc, quyền dân tộc tự quyết đối với với nỗ lực phát triển, thúc đẩy quyền con người. Thứ hai, trong lĩnh vực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, không có một mô hình đúng duy nhất. Mỗi quốc gia tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mình sẽ có thể lựa chọn con đường riêng; khẳng định tính đúng đắn và kiên định với con đường Việt Nam đã lựa chọn. Thứ ba, Việt Nam rất nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận của chu kỳ trước và đạt nhiều kết quả tích cực. Thứ tư, Việt Nam đã bảo vệ được sức khỏe, cuộc sống của người dân, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, vượt qua những khó khăn, thách thức trong đại dịch COVID-19 là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, đồng hành, đồng lòng của người dân.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp