Innehållspublicerare

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 4 năm 2024

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 4 năm 2024

PHẦN B: THÔNG TIN THỜI SỰ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3/2024

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 11.424 tỷ đồng, tăng 1,37% so với tháng trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 170.043 ngàn USD, tăng 1,22% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu tháng 3/2024 ước đạt 64.377 ngàn USD, tăng 1,23% so với tháng trước. Ngành y tế tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N1 (có thể lây sang người) nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đặc biệt là ở các huyện, thành phố biên giới giáp với tỉnh PrayVeng (Vương quốc Campuchia). Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức được 02 phiên giao dịch việc làm, có 41 đơn vị tham gia tuyển dụng, tuyển sinh có 965 lao động, học sinh tham dự. Toàn Tỉnh có 5.173 lao động được giải quyết việc làm: trong đó, 328 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, lao động trúng tuyển đang học ngoại ngữ - giáo dục định hướng và chờ xuất cảnh1.465 lao động. Ra quyết định cho 1.335 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền 23.998 triệu đồng.

2. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật

Ngày 16/3/2024, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Công văn số 161/UBND-KT về thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh các chương trình, kế hoạch phòng, chống bệnh Dại để bảo đảm phù hợp, đủ nguồn lực để thực hiện; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật, triển khai xây dựng vùng an toàn bệnh Dại trên động vật; tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Dại ở chó, mèo; phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh…

Sở Y tế xây dựng kế hoạch sử dụng vắc-xin phòng Dại cho người bị chó, mèo cắn, người có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh Dại; kiện toàn, mở rộng số lượng các điểm tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng Dại; đảm bảo đủ trang thiết bị, vắc xin và huyết thanh kháng Dại đã được cấp phép sử dụng.

Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền để người nuôi chó, mèo có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, mèo; không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại. Phải tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc-xin Dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2022 - 2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026 - 2030; hướng dẫn và yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh.

3. Tập trung ứng phó đợt hạn hán, xâm nhập mặn cao điểm

Đó là yêu cầu của Uỷ ban nhân dân Tỉnh đối với các sở, ban, ngành Tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Công ty Cổ phần Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp theo Công văn số 154/UBND-KT ngày 14/3/2024 nhằm thực hiện Công điện số 19/CĐ-TTg ngày 08/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Uỷ ban nhân dân Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành Tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động bố trí nguồn lực, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, sẵn sàng triển khai các biện pháp cần thiết theo thực tế, đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân; thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, đảm bảo phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023 - 2024.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 135/QĐ-TTg ngày 31/01/2024 về Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, trong đó có một số nội dung chủ yếu sau:

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW khóa XII, Kết luận số 64-KL/TW và Nghị quyết số 104/2023/QH15; quán triệt thống nhất nhận thức, đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Báo cáo cấp có thẩm quyền thông qua danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.

Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành Danh mục chức danh, chức vụ tương đương thuộc phạm vi quản lý để làm căn cứ thực hiện chính sách tiền lương mới, gồm: Xây dựng Danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy trong lực lượng vũ trang; rà soát sắp xếp các chức danh, chức vụ theo phân cấp quản lý cán bộ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Danh mục Bộ Chính trị ban hành tại Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị; bảo đảm kế thừa, ổn định trong tổ chức bộ máy; chỉ điều chuyển những vị trí thực sự bất hợp lý hoặc chưa được sắp xếp; một người đảm nhiệm nhiều chức vụ thì lấy chức vụ cao nhất để xác định chức danh tương đương.

Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo gắn với cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

2. Đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; để tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai, thực hiện Đề án 06 trong năm 2024, tạo tiền đề hoàn thành các mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tại Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 11/02/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quán triệt và thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Xây dựng Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân; cung cấp các tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên ứng dụng VNeID, đặc biệt là quản lý xã hội như tố giác tội phạm, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng; tích hợp ứng dụng VNeID với các dịch vụ cho người dân như dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, tiện ích cho đối tượng yếu thế; xây dựng Nghị định về 02 dịch vụ công liên thông "đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú trợ cấp mai táng phí" theo trình tự thủ tục rút gọn; nghiên cứu, xây dựng phương án cấp "Tài khoản an sinh xã hội" để mỗi người dân Việt Nam có tài khoản an sinh xã hội gắn với số định danh cá nhân trên ứng dụng VNeID được nhận chi trả an sinh xã hội qua tài khoản theo yêu cầu…

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy cấp tài khoản an sinh xã hội cho các đối tượng hưởng chính sách chưa có tài khoản; chỉ đạo chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho 100% người dân đã có tài khoản; chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai đào tạo tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức địa phương về an ninh an toàn thông tin; tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trong phạm vi địa phương, bảo đảm kết nối, tích hợp, liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai các mô hình, giải pháp ứng dụng tiện ích từ nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử; đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu, đặc biệt đối với các lĩnh vực hộ tịch, đất đai, lao động việc làm.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Australia

Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Australia từ ngày 07 - 09/3/2024. Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hữu nghị và Đối tác Chiến lược hai nước. Đặc biệt, Việt Nam và Australia nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện và ra Tuyên bố chung đó là:

Thứ nhất, làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị, quốc phòng - an ninh và tư pháp giữa hai nước. Theo đó, Việt Nam và Australia nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao; duy trì các cơ chế hợp tác song phương; nâng cấp hợp tác gìn giữ hòa bình lên Đối tác Gìn giữ hòa bình và nâng cấp Đối thoại an ninh cấp thứ trưởng hiện nay lên cấp bộ trưởng. Hai bên cam kết thúc đẩy hợp tác thực thi pháp luật, hợp tác tình báo thông qua hợp tác chặt chẽ hơn giữa lực lượng cảnh sát, cơ quan hàng hải và biên giới của hai nước; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực, như: Công nghiệp quốc phòng - an ninh hàng hải, chia sẻ thông tin và tình báo.

Thứ hai, thúc đẩy gắn kết kinh tế. Việt Nam và Australia cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn; công nhận nhu cầu xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và hướng tới đa dạng hóa thương mại để tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế. Hai bên tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia, bổ trợ bằng việc triển khai Chiến lược kinh tế Đông Nam Á tới năm 2040 của Australia.

Thứ ba, xây dựng tri thức và kết nối nhân dân. Việt Nam và Australia công nhận vai trò then chốt của giao lưu nhân dân; tăng cường hợp tác giáo dục và đào tạo thông qua đối thoại, cơ chế hợp tác, liên kết thể chế; tái khẳng định cam kết thúc đẩy và bảo vệ quyền con người phù hợp với luật pháp quốc tế và duy trì đối thoại chân thành, thẳng thắn và xây dựng. Hai bên thừa nhận tầm quan trọng của hợp tác văn hóa trong việc làm sâu sắc hơn giao lưu nhân dân giữa 2 nước và sẽ tìm kiếm những cơ hội để tăng cường trao đổi và hợp tác văn hóa thông qua các loại hình nghệ thuật và các viện bảo tồn văn hóa.

Thứ tư, tăng cường hợp tác về khí hậu, môi trường và năng lượng. Việt Nam và Australia tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng khả năng chống chịu của môi trường, nông nghiệp thích ứng với khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, khoa học biển cho phát triển bền vững, giảm ô nhiễm nhựa, an ninh lương thực và nguồn nước, đặc biệt là ở khu vực Mekong, bao gồm thông qua cơ chế Đối tác Mekong - Australia. Hai bên tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên; tiếp tục phát triển chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo mới nổi, bền vững, đa dạng thông qua tích hợp giải pháp công nghệ giúp cả hai nước đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Thứ năm, hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Việt Nam và Australia sẽ tăng cường hợp tác xây dựng năng lực trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới sự phát triển bền vững và bao trùm của hệ thống nghiên cứu và đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam. Hợp tác sâu sắc trong lĩnh vực chuyển đổi số và hội nhập kỹ thuật số; hai bên tái khẳng định cam kết chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ Việt Nam và Australia nhằm tăng cường chuyển đổi chính phủ số và đạt được các mục tiêu của chính phủ số.

Thứ sáu, củng cố hợp tác khu vực và quốc tế. Việt Nam và Australia nhất trí tiếp tục ủng hộ lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; ủng hộ thượng tôn pháp luật quốc tế ở khu vực và giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác lâu dài để hỗ trợ sự hội nhập và phát triển bền vững của tiểu vùng.

2. Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - New Zealand

Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính thăm chính thức New Zealand từ ngày 09 -11/3/2024.

Tại hội đàm, hai Thủ tướng tái khẳng định mối quan hệ hữu nghị và Đối tác Chiến lược sâu sắc, bền chặt giữa Việt Nam và New Zealand, được củng cố bằng giao lưu nhân dân mạnh mẽ và hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại - đầu tư, giáo dục, lao động, khoa học và công nghệ.

Thủ tướng Christopher Luxon đánh giá quan hệ hai nước đã được tiếp thêm xung lực mới kể từ khi được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược vào năm 2020; khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của New Zealand ở khu vực Đông Nam Á, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ hài lòng việc triển khai Chương trình Hành động Đối tác Chiến lược giai đoạn 2021 - 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, quốc phòng - an ninh, giáo dục, lao động…; đề nghị tăng cường trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tích cực triển khai các cơ chế hợp tác song phương hiện có, tạo cơ sở cho việc nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới trong thời gian tới.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp