Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 10 năm 2023

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 10 năm 2023

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết "Khắc phục bệnh giáo điều trong cán bộ, đảng viên và nhân dân" của  GS. TS. Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Nghiên cứu.

Muốn chống được giáo điều phải hết sức chú trọng giáo dục tư duy khoa học, tư duy lý luận, thấm nhuần để thực hành phép biện chứng duy vật, thống nhất hữu cơ với quan điểm duy vật biện chứng. 

1. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh trong chủ đề Đại hội, tiếp tục đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc để dân tộc cường thịnh, trường tồn. Nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hướng tới mục tiêu đến năm 2045, vào giữa thế kỷ XXI, Việt Nam phải trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Muốn đổi mới sáng tạo, muốn đạt tới mục tiêu tổng quát nêu trên, trước hết phải khắc phục triệt để bệnh giáo điều, từ nhận thức đến hành động, từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp, các ngành, ở Trung ương, địa phương và cơ sở đến các cộng đồng dân cư trong xã hội, đến từng người. Bệnh giáo điều là một căn bệnh đã có từ lâu, tồn tại dai dẳng, bám sâu vào tư duy, vào cách ứng xử, vào các thói quen xấu trong nếp nghĩ, thâm nhập vào trong lối sống hằng ngày, vào các mối quan hệ: Với mình, với người, với công việc và tổ chức bộ máy. Cùng với các bệnh khác, bệnh giáo điều gây ra những hậu quả tiêu cực, những hệ lụy xã hội phức tạp, thực sự là một lực cản xã hội ngăn trở chúng ta phát triển tới trình độ hiện đại.

Giáo điều là bệnh thuộc về tư duy, ý thức, nhận thức. Đó là lối suy nghĩ cứng nhắc, máy móc, rập khuôn theo những công thức đã có sẵn, không thích ứng với biến đổi mau lẹ trong thực tiễn cuộc sống, thoát ly khỏi những điều kiện lịch sử cụ thể. Do nhận thức giáo điều, dựa trên những phạm trù tĩnh nên hành động và ứng xử thường cứng nhắc, lệ thuộc vào những kết luận có sẵn trong sách vở, coi nó như một cái tuyệt đối, không thay đổi. Người mang bệnh giáo điều không thể linh hoạt, cản trở sự tìm tòi sáng tạo, không thích ứng với cái mới, ngại đổi mới thậm chí còn cố níu kéo cái cũ, dù đã tỏ ra lỗi thời, bị thực tiễn cuộc sống vượt qua từ lâu, sinh ra trì trệ, bảo thủ, chống lại cái mới và sự đổi mới, dù là không tự giác.

Bệnh giáo điều thường đi liền với bệnh giản đơn, hình thức, chủ nghĩa kinh nghiệm thực dụng, tư duy siêu hình.

Xét về mặt văn hóa dân chủ, người giáo điều thường hành động xa lạ với dân chủ (không quen đối thoại, thảo luận, tranh luận, phản biện) để cùng tìm tòi chân lý.

Xét về mặt đạo đức, người giáo điều dễ rơi vào hẹp hòi, đố kỵ, nhất là khi người đó lại có quyền hành và quyền uy, nếu mất bình tĩnh sáng suốt, thiếu tinh thần khách quan, tôn trọng khoa học và thực tiễn thì họ rất dễ mắc sai lầm về việc đàn áp tư tưởng, nhất là với giới trí thức sáng tạo. Xét về lãnh đạo của Đảng đối với trí thức, văn nghệ sĩ, lãnh đạo phải hiểu trí thức, nhất là với trí thức khoa học và nghệ thuật vì họ có cá tính mạnh, có nhu cầu lớn về tự do và sáng tạo, coi trọng khẳng định cái tôi - bản ngã độc lập nên khi dân chủ bị vi phạm, trí thức rất dễ tổn thương về tinh thần và các giá trị tinh thần. Lãnh đạo trí thức mà không dân chủ, không đủ sức thuyết phục họ về học thuật, tư tưởng và đạo đức thì tự nó tạo ra rào cản, thiếu sự đồng cảm, hợp tác và tin cậy lẫn nhau, khoa học thì thiếu động lực để phát triển và chính trị cũng không tiếp nhận được xung lực từ khoa học để "khoa học hóa" chính mình.

Một trong những tác hại của bệnh giáo điều, ở những người giáo điều là, dù không tự giác, không cố ý, họ cũng rơi vào sự kìm hãm dân chủ và tự do tư tưởng, có nguy cơ trở thành độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ và làm phương hại tới sự trong sạch, trong sáng của môi trường đạo đức, văn hóa đạo đức. Hệ lụy của nó là tạo ra những kẻ hở, những mảnh đất dung dưỡng cho thói dân chủ hình thức, đoàn kết hình thức, "giả đạo đức" và "giả khoa học", "giả chính trị", "giả cách mạng". Kẻ cơ hội và chủ nghĩa cơ hội sẽ lợi dụng triệt để tình trạng này để thực hiện những ý đồ, những hành vi bất minh, bất chính để vụ lợi và trục lợi.

2. Một cách cụ thể và trực tiếp, muốn chống được giáo điều phải hết sức chú trọng giáo dục tư duy khoa học, tư duy lý luận, thấm nhuần để thực hành phép biện chứng duy vật, thống nhất hữu cơ với quan điểm duy vật biện chứng. Đây là giải pháp cơ bản, hàng đầu. Hiểu biết hời hợt là đồng minh của giáo điều. Cần làm cho người học, nhất là sinh viên chuyên ngành có ý thức và nhu cầu tự trau dồi trí thức triết học, không chỉ tồn tại ở các nguyên lý như cái kết luận được thừa nhận mà phải biết, phải hiểu "cái lịch sử" để nắm vững thực chất của "cái lô-gíc". Phải khắc phục định kiến của không ít người trong chúng ta về "tri thức hàn lâm", do đó dẫn đến sự hiểu biết hời hợt, thậm chí tầm thường hóa thực tiễn ứng dụng, tách rời thực tiễn với lý luận. Để chống giáo điều biệt phái, kinh nghiệm và siêu hình, cần ghi nhớ và thực hành chỉ dẫn của Người qua các luận điểm điển hình:

+ Thứ nhất, "Thống nhất giữa lý luận với thực tiễn là bản chất, là nguyên tắc tối cao của chủ nghĩa Mác-Lênin". "Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành".

Nghiên cứu, học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là thuộc lòng từng câu từng chữ như một con vẹt mà phải nắm lấy thực chất, tiếp thu tinh thần và phương pháp Mác-Lênin để độc lập sáng tạo giải quyết những vấn đề đặt ra, để ứng xử với con người và công việc cho đúng. Chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ là khoa học mà còn là đạo đức. Đọc hàng trăm hàng nghìn quyển sách Mác-Lênin mà ăn ở với nhau không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu Mác-Lênin được.

Phương Tây có gì hay cũng học. Phương Đông có gì hay cũng học. Học để làm phong phú chính mình. Học để biết, để hành cho đúng, cho sáng tạo. Tiếp thu có chọn lọc với tinh thần phê phán, không bắt chước, không sao chép máy móc… Ta và Liên Xô rất khác nhau... Ta có thể đi con đường khác với Liên Xô để tiến tới chủ nghĩa xã hội… Phải thấy đặc điểm to nhất của nước ta là bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, từng bước quá độ tới chủ nghĩa xã hội…

+ Thứ hai, phải hiểu đúng "bệnh sách vở" và xử lý đúng căn bệnh sinh ra giáo điều này và vượt qua nó. Bệnh sách vở như chúng ta thường gọi có biểu hiện là lệ thuộc hoàn toàn vào sách, nhất nhất tuân theo như những giáo điều. Những tín điều, sinh ra mù quáng, không có khả năng phê phán, tiếp thu cái gì, sàng lọc và từ bỏ cái gì (cái sai, cái lỗi thời) và phải đối xử với sách, với tri thức sao cho đúng, không rơi vào tư biện, không "coi khinh lý luận", không "lý luận suông".

+ Thứ ba, phải có tinh thần dân chủ, khiêm tốn, thực sự cầu thị, rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên cả về tri thức (học vấn, chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ), về tình cảm và đạo đức cách mạng, bồi dưỡng niềm tin khoa họckỹ năng thực hành và văn hóa giao tiếp ứng xử. Theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, phải ra sức "phê bình và sửa chữa" bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và thói ba hoa được nêu trong "Sửa đổi lối làm việc".

+ Thứ tư, tiếp tục đổi mới sáng tạo, nuôi dưỡng tinh thần cống hiến, để thực hiện khát vọng phát triển bằng ý chí và hành động sáng tạo thực sự có hiệu quả thì phải tiếp tục đề cao, coi trọng "đổi mới tư duy". Phải đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý và quản trị sao cho phù hợp với yêu cầu đặt ra của thời đại đang bùng nổ thông tin, xã hội đang chuyển đổi mạnh mẽ sang "xã hội số", "kinh tế số", "chính phủ điện tử", "trí tuệ nhân tạo", "thế giới phẳng" và "công dân toàn cầu"... với không ít điều mới lạ, tác động tới tâm lý, ý thức, lối sống, lựa chọn giá trị mới…

+ Thứ năm, phải đổi mới thật sự triệt để, toàn diện, đồng bộ mọi lĩnh vực công tác và hoạt động của ngành Tuyên giáo, giáo dục và văn hóa, thông tin truyền thông.

Hồ Chí Minh là bậc thầy trong lĩnh vực này mà ta cần học tập, làm theo. Càng không thể quên lời cảnh báo phê phán nghiêm khắc của Lênin về công tác này. Ông nói tới tác hại của giáo điều, sự xuyên tạc làm mất tín nhiệm của chủ nghĩa Mác cần phải thanh toán. Trong việc gây ra tội ác này, "những người Mác xít có môn bài" phải chịu phần trách nhiệm và ra sức sửa chữa.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh trong tháng 9 năm 2023

Trong tháng 9/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 10.642 tỷ đồng, tăng 0,90% so với tháng trước; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 138.003 ngàn USD, tăng 1,68% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 59.060 ngàn USD tăng 1,42% so với tháng trước. Số cas mắc bệnh truyền nhiễm tính từ đầu năm đến tháng 9/2023: Sốt xuất huyết 2.169 cas; bệnh lao phổi 140 cas; bệnh tiêu chảy 5.835 cas; hội chứng tay, chân, miệng 2.291 cas; bệnh quai bị 4 cas; bệnh sởi 4 cas. Từ đầu năm đến nay,  Tỉnh đã tổ chức 26 phiên giao dịch việc làm với 355 đơn vị tuyển dụng, tuyển   sinh: Có 8.128 lao động đến tham dự; toàn Tỉnh có 28.351 lao động được giải quyết việc làm, đưa 1.331 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 88,7% kế hoạch năm; số lao động đang học giáo dục định hướng, chờ xuất cảnh là 1.663   lao động.

2. Đảm bảo môi trường sống an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em

Ngày 25/9/2023, Uỷ ban nhân dân (UBND) Tỉnh ban hành Công văn số 96/UBND-VX về việc đảm bảo môi trường sống an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Theo đó, UBND Tỉnh chỉ đạo:

Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai có hiệu quả các văn bản của Trung ương và Tỉnh về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, thực hiện nghiêm các giải pháp về tạo lập môi trường sống an toàn.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng ngừa tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn, thương tích trẻ em như cháy nổ, đuối nước, giao thông... Cùng với đó, rà soát, đánh giá các tiêu chí về Ngôi nhà an toàn, Cộng đồng an toàn, Trường học an toàn để đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ em.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan báo chí trong Tỉnh tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, gia đình, cộng đồng dân cư về tạo lập môi trường sống an toàn, phòng ngừa tai nạn, thương tích trẻ em; đồng thời, thông tin rộng rãi các cá nhân, tổ chức, cơ quan, chính quyền thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

3. Chấn chỉnh tác phong, lề lối và thái độ làm việc của công chức

Ngày 19/9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh cải cách hành chính. Theo đó, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành và địa phương; gắn với các giải pháp của UBND Tỉnh về chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các văn bản có liên quan. Chủ tịch UBND Tỉnh chỉ đạo:

Xử lý nghiêm những công chức thực hiện công vụ còn lơ là, chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao, xử lý công việc còn chậm mang tính chủ quan; có tác phong, thái độ không chuẩn mực gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của đơn vị, địa phương.

Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện, giải quyết các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; giảm thiểu tỷ lệ trễ hạn, quá hạn trong giải quyết hồ sơ.

Các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh tác phong, lề lối và thái độ làm việc của công chức tại Bộ phận Một cửa; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là văn hóa ứng xử trong giao tiếp với người dân, doanh nghiệp.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Quy định về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan

Quy định số 117-QĐ/TW ngày 18/8/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan nêu rõ:

Đối tượng áp dụng: Tổ chức đảng bị kỷ luật oan (bao gồm cả tổ chức đảng đã giải tán, giải thể, kết thúc hoạt động, thay đổi do chuyển giao, chia tách, sáp nhập về tổ chức); đảng viên bị kỷ luật oan (bao gồm cả đảng viên không còn sinh hoạt đảng, đã qua đời, mất năng lực hành vi dân sự, tòa án tuyên bố mất tích); tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan (bao gồm cả tổ chức đảng giải quyết khiếu nại kỷ luật); tổ chức đảng giải quyết, xác định kỷ luật oan (cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra có thẩm quyền giải quyết đối với quyết định của tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan); các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nguyên tắc thực hiện: Thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải kịp thời, công khai, khách quan. Tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan chịu trách nhiệm tổ chức xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Chỉ thực hiện xin lỗi, phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan một lần khi có kết luận hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền xác định kỷ luật oan. Tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan phải chủ động, kịp thời báo cáo ban thường vụ cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra cấp trên trực tiếp; phối hợp với tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên; quyết định bãi bỏ, thu hồi quyết định kỷ luật oan; xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên tham mưu, quyết định kỷ luật oan.

Căn cứ để xin lỗi và phục hồi quyền lợi: Kết luận hoặc quyết định của tổ chức đảng có thẩm quyền xác định tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Kết luận, quyết định, bản án của cơ quan pháp luật xác định đảng viên bị điều tra, truy tố, xét xử oan dẫn đến tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan.

Đảng viên bị kỷ luật oan không được xin lỗi và phục hồi quyền lợi trong các trường hợp: Sau khi bị kỷ luật oan đã không giữ được tư cách, phẩm chất, tiêu  chuẩn đảng viên hoặc vi phạm bị kỷ luật. Nhận lỗi thay cho người khác dẫn đến bị kỷ luật oan. Từ chối việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Tự ý bỏ sinh hoạt đảng. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyền và trách nhiệm của đảng viên theo quy định tại Điều 8 Quy định này.

Trong thời hạn 90 ngày, tính từ ngày cấp có thẩm quyền ban hành kết luận hoặc quyết định xác định tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan thì tổ chức đảng đã kỷ luật oan, các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Trường họp bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh...) thì thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi…

2. Về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng động dân cư

Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Trong đó, Nghị định quy định một số nội dung về điều kiện công nhận hương ước, quy ước.

Phạm vi nội dung của hương ước, quy ước: Tùy theo yêu cầu tự quản, tình hình kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán ở từng địa phương, bảo đảm kế thừa có chọn lọc các nội dung phù hợp của hương ước, quy ước đã có và mục đích, nguyên tắc quy định tại các Điều 3 và 4, Nghị định 61/2023/NĐ-CP, cộng đồng dân cư lựa chọn một hoặc một số nội dung sau để đưa vào phạm vi của hương ước, quy ước: Các biện pháp, phương thức thích hợp giúp người dân trên địa bàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo đảm và phát huy quyền tự do, dân chủ của cộng đồng dân cư; động viên và tạo điều kiện để cộng đồng dân cư thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của công dân. Các phong tục, tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp, ăn, ở, đi lại, việc cưới, việc tang và lễ hội; phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng hạnh phúc gia đình;…

Hương ước, quy ước được thể hiện dưới hình thức văn bản, có chữ ký xác nhận của Trưởng thôn (Tổ trưởng tổ dân phố), Trưởng ban công tác Mặt trận ở cộng đồng dân cư và 2 đại diện của các hộ gia đình trong cộng đồng dân cư; khuyến khích đại diện là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Hương ước, quy ước sau khi được công nhận có đóng dấu giáp lai của Ủy ban nhân dân cấp xã. Việc lựa chọn tên gọi Hương ước hoặc Quy ước do cộng đồng dân cư thống nhất, quyết định.

Hương ước, quy ước bị bãi bỏ toàn bộ khi: Có nội dung trái với quy định của pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cộng đồng dân cư. Bị tạm ngừng thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 12 Nghị định này nhưng đã hết thời hạn phải hoàn tất các thủ tục soạn thảo, lấy ý kiến, thông qua để được công nhận quy định trong quyết định tạm ngừng thực hiện mà cộng đồng dân cư không hoàn tất các thủ tục này…

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

Tuyên truyền Hội nghị Nghị sĩ trẻ Toàn cầu lần thứ 9

Với chủ đề: "Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo", Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 được tổ chức từ ngày 14 - 17/9/2023 tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham dự của gần 500 đại biểu, trong đó có hơn 300 đại biểu quốc tế; chương trình hội nghị có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng; nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn như tọa đàm, triển lãm… 

Tuyên truyền khẳng định, việc Quốc hội Việt Nam đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là hoạt động thiết thực triển khai đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Việc đăng cai Hội nghị lần này góp phần khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động của Việt Nam trong IPU - tổ chức liên nghị viện lớn nhất thế giới; đồng thời cho thấy sự chú trọng, quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay.

Hội nghị góp phần thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam qua kênh nghị viện, đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế phát triển trong giai đoạn mới, trong đó có chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa, đất nước, con người, chính sách đối ngoại và thành quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; là cơ hội để tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều đối tác quan trọng, nhất là các nghị sĩ, thế hệ lãnh đạo trẻ của các quốc gia; tranh thủ sự ủng hộ của IPU, các nghị viện thành viên đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

                                         Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp