Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 7 năm 2023

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 7 năm 2023

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết "Nâng cao chất lượng xây dựng Đảng về tư tưởng trong thời kỳ mới" của PGS. TS. Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Để hoàn thành thắng lợi sứ mệnh lịch sử trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, Đảng phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Thống nhất nhận thức về tư tưởng và công tác tư tưởng

Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện là nhiệm vụ then chốt, là vấn đề quyết định đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Theo đó, xây dựng Đảng về tư tưởng giữ vai trò trọng yếu trong quá trình hoạt động của Đảng. Muốn xác định đúng nhiệm vụ và những giải pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng xây dựng Đảng về tư tưởng trong thời kỳ mới, trước hết cần thống nhất nhận thức.

Một là, về tư tưởng.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, mọi tư tưởng đều được rút ra từ kinh nghiệm; là sự phản ánh đúng đắn hay phản ánh xuyên tạc hiện thực. Nhưng tư tưởng không đơn thuần là sự phản ánh thế giới khách quan, mà trên cơ sở phản ánh thế giới khách quan, tư tưởng xác định con đường để cải tạo thế giới. Vì vậy, nội dung của bất kỳ tư tưởng nào cũng bao hàm những mục đích và những nhiệm vụ của hoạt động thực tiễn. Đó là sự khác nhau căn bản giữa tư tưởng với các hình thức phản ánh khác.

Trong công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trước hết là xây dựng Đảng về tư tưởng chính trị. Người cho rằng chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin mới là "cái cẩm nang thần kỳ" để đưa cách mạng đến thành công. Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu Đảng phải coi trọng công tác xây dựng Đảng về tư tưởng. Theo đó, giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng phải là công việc quan trọng hàng đầu: "Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là "mù chính trị" thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng"; "Phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, trước hết trong những cán bộ cốt cán của Đảng". Xây dựng Đảng về tư tưởng không chỉ làm cho lý luận, thế giới quan và phương pháp luận Mác - Lênin thấm nhuần trong toàn Đảng, giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, mà còn làm cho Đảng và mỗi đảng viên không ngừng nâng cao ý chí phấn đấu, củng cố niềm tin vào con đường cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đấu tranh không khoan nhượng với các luận điệu xuyên tạc, phản động...

Xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng không ngoài mục đích làm cho toàn Đảng thống nhất một ý chí, đoàn kết, cùng toàn dân đồng lòng thực hiện thắng lợi cương lĩnh, đường lối, chính sách... Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức là trọng trách của công tác tư tưởng.

Hai là, về công tác tư tưởng.

Công tác tư tưởng là hoạt động có mục đích của một giai cấp, một chính Đảng nhằm hình thành, phát triển, truyền bá hệ tư tưởng trong quần chúng, thúc đẩy quần chúng hành động vì lợi ích của chủ thể hệ tư tưởng.

Đối với Đảng ta, công tác tư tưởng là một bộ phận cấu thành rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động cách mạng của mình; cùng với công tác tổ chức trực tiếp góp phần xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tiến hành công tác tư tưởng nhằm vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng cơ sở khoa học, thực tiễn để hình thành cương lĩnh, đường lối, chính sách trong từng thời kỳ; đem lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân sự giác ngộ về thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cộng sản, biến nó thành niềm tin, lý tưởng, thành nguyên tắc đạo đức, tình cảm cách mạng; cổ vũ, động viên tính tích cực, tự giác, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Cần tiếp tục xác định rõ nội hàm xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định những nội dung liên quan đến xây dựng Đảng về tư tưởng. Trong đó, công tác tư tưởng phải kết hợp giữa "xây""chống", lấy "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, làm cho tư tưởng tiến bộ tích cực thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, có tác dụng uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, cải tạo những tư tưởng lạc hậu... Cần xác định rõ nội hàm xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng trong thời kỳ mới là:

Thứ nhất, theo Hồ Chí Minh, Đảng muốn vững mạnh về tư tưởng chính trị thì phải "có chủ nghĩa làm cốt", trong Đảng ai cũng phải hiểu, phải theo chủ nghĩa ấy. Đại hội VII của Đảng đã xác định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho cách mạng. Do đó, nội hàm xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng trong thời kỳ mới là phải làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như thế giới quan, phương pháp luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thấm nhuần trong toàn Đảng và giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên không những thấm nhuần mà còn biết vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng, xác định, hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách.

Thứ hai, phải tiếp tục xây dựng, triển khai thực chất, hiệu quả, sâu, rộng những giải pháp, biện pháp làm cho toàn Đảng thực sự là một ý chí vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, đồng lòng cùng toàn dân thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng. Phải tăng cường về "chất" công tác giáo dục, hướng dẫn đảng viên thường xuyên tu dưỡng rèn luyện, trau dồi tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; thực sự nghiêm túc, tự giác trong tự phê bình và phê bình; thực sự làm gương, nêu gương trước quần chúng.

Thứ ba, trong hệ thống 4 nhiệm vụ giải pháp xây dựng Đảng về tư tưởng, phần giải pháp còn định tính. Vì vậy, cần định lượng từng biện pháp, xác định rõ tổ chức, cơ quan nào phải thực hiện, thời hạn hoàn thành. Muốn xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng thì phải có giải pháp đột phá trong củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan tham mưu về công tác tư tưởng từ Trung ương đến cơ sở; có giải pháp khả thi về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham mưu công tác tư tưởng; chú trọng giải pháp tổng thể trong quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ lý luận, giảng viên lý luận, báo cáo viên, phóng viên - biên tập viên báo chí, văn nghệ sĩ...

Thứ tư, đề nghị Ban Bí thư xem xét, có quyết định về việc: Các cấp uỷ thực hiện giao ban tư tưởng định kỳ và đột xuất để nắm tư tưởng, phối hợp chỉ đạo các "binh chủng" tiến hành các hoạt động tư tưởng phục vụ nhiệm vụ chính trị; đồng thời chỉ đạo xử lý các tình huống, điểm nóng tư tưởng… Định kỳ, các đồng chí thường trực cấp uỷ phải xuống cơ sở để nắm tư tưởng và đối thoại với nhân dân.

Thứ năm, trong đổi mới nội dung, phương thức nâng cao chất lượng công tác tư tưởng cần bổ sung nguyên tắc: Toàn Đảng làm công tác tư tưởng, trước hết là bí thư cấp uỷ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023

Tính chung 6 tháng đầu năm: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu
dùng ước tính đạt 63.309 tỷ đồng bằng 114,07% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 769.454 ngàn USD giảm 16,45% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 357.351 ngàn USD giảm 16,72% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành Y tế tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để người dân thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, bệnh tay - chân - miệng và các bệnh truyền nhiễm khác. Để chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024, ngành Giáo dục đang chuẩn khẩn trương triển khai công tác xây dựng, sửa chữa trường lớp, chuẩn bị sách giáo khoa. Bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên các cấp đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá đội ngũ giáo viên. Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã tổ chức được 18 phiên giao dịch việc làm, có 197 đơn vị trực tiếp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh và có 4.901 lao động đến tham dự; có 15.450 lao động được giải quyết việc làm, đạt 51,5% kế hoạch.

2. Đồng Tháp khởi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu kết nối Đồng bằng sông Cửu Long

Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 đồng loạt diễn ra vào sáng ngày 25/6. Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1, dài 27,43 km, tổng mức đầu tư là 5.886 tỷ đồng, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang. Trong đó, dự án thành phần 1 có chiều dài khoảng 16 km, thuộc tỉnh Đồng Tháp, sơ bộ tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng. Đây là tuyến cao tốc mơ ước của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp, giải quyết "điểm nghẽn" về giao thông trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của địa phương.

Tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đây là tuyến đường quan trọng trong mạng lưới giao thông của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, hình thành kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược liên vùng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả khu vực, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Dự án thành phần 1 có thời gian thi công 840 ngày, chiều dài tuyến 16 km. Quy mô giai đoạn hoàn thiện, cao tốc có mặt cắt ngang 04 làn xe, vận tốc khai thác 100km/h.

3. Định hướng tuyên truyền nhân Ngày bảo hiểm y tế Việt Nam([1])

- Tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của chính sách BHYT, nhất là BHYT hộ gia đình, BHYT học sinh, sinh viên, BHYT hộ cận nghèo.

- Tuyên truyền về việc tăng mức đóng BHYT từ ngày 01/7/2023 theo mức lương cơ sở mới tại Nghị định số 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

- Truyền thông về tiện ích khi sử dụng căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VssID-BHXH số trên điện thoại thông minh thay thế thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh.

- Truyền thông cảnh báo các hành vi vi phạm, những hình thức trục lợi của tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách BHYT và các biện pháp chế tài theo quy định của pháp luật.

- Truyền thông những cải cách hành chính của ngành BHXH về chuyển đổi số, thực hiện giải quyết chế độ BHYT và thanh toán BHYT qua ứng dụng số, dịch vụ công trực tuyến của Ngành BHXH Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ BHYT của người dân.

* Việc tăng mức đóng BHYT từ ngày 01/7/2023 theo mức lương cơ sở mới tại Nghị định số 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ cụ thể như sau:

- Mức đóng người thuộc hộ gia đình cận nghèo

+ Người cận nghèo tự đóng 10% là: 97.200 đồng/năm (mức cũ là 80.460đồng/năm).

+ Được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 90%: 874.800 đồng/năm (1.800.000đ x 4,5% x 12 x 90% = 874.800 đồng/năm).

 (Trong đó: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 70%, ngân sách Tỉnh hỗ trợ 20%)     

- Mức đóng người thuộc hộ gia đình

+ Mức đóng đối với người thứ nhất: 972.000 đồng /năm (1.800.000đ x 4,5% x 12 = 972.000; mức cũ là 804.600 đồng/năm).

+ Từ người thứ hai trở đi giảm mức đóng theo quy định.

- Những trường hợp đã đóng tiền tham gia BHYT trước ngày 01/7/2023 thì áp dụng theo mức đóng cũ, không phải đóng theo mức đóng mới.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá

Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ) với các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới; quy định mức giá bán tối thiểu các sản phẩm thuốc lá, nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của phương án tính thuế các sản phẩm thuốc lá trên giá bán lẻ để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Hạn chế, kiểm soát chặt chẽ việc bán các sản phẩm thuốc lá tại cửa hàng miễn thuế. Đề xuất ban hành quy định về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng; việc bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên hoặc trẻ vị thành niên bán thuốc lá theo Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới.

Tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá, trong đó có các hình thức quảng cáo, khuyến mại trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số, Internet. Xây dựng, ban hành các quy định, quy chế lồng ghép hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá vào các chương trình y tế quốc gia về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các chương trình y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng và hoạt động chuyên môn của các cơ sở y tế trong toàn quốc; phát triển dịch vụ tư vấn cai nghiện thuốc lá. Tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Xây dựng chương trình, kế hoạch thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng giai đoạn; thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá với các hình thức đa dạng, phù hợp đặc điểm từng vùng, địa phương, từng nhóm đối tượng; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá. Cập nhật thường xuyên tài liệu, thông tin về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới; lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá, môi trường sống không có khói thuốc lá; chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

2. Một số tình hình, kết quả và nhiệm vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới

Ngày 05/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. Ngày 06/5/2023, Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp với Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và các đơn vị liên quan. Tại cuộc họp, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam, đó là:

Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan tới việc công bố hết dịch; tiếp tục nghiên cứu các khuyến cáo của WHO, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, xây dựng kế hoạch phòng, chống COVID-19 phù hợp tình hình mới, nhất là tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng và huy động, sử dụng nguồn lực; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân, nhất là những người chịu hậu quả, tác động của đại dịch, đặc biệt là hàng nghìn trẻ em mồ côi; tôn vinh, khen thưởng những người có công, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách với những người tham gia phòng, chống dịch và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm, trục lợi.

Bộ Y tế tiến hành tổng kết công tác phòng, chống dịch, từ đó rút ra các bài học chống dịch cho những năm tới nếu có đại dịch để không bị động, bất ngờ chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra và dịch COVID-19 có thể quay lại; tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin phòng, chống COVID-19 phù hợp tình hình, nghiên cứu việc tiêm vắc-xin COVID-19 hằng năm trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát tình hình dịch bệnh, công bố dịch, công bố hết dịch trên địa bàn theo thẩm quyền. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thành xử lý các vấn đề, các công việc tồn đọng liên quan công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao cảnh giác, làm rõ vấn đề khác nhau giữa dịch nhóm A và nhóm B để có biện pháp phù hợp.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Hội nghị cấp cao an ninh khu vực châu Á (Shangri-La) lần thứ 20

Đối thoại Shangri-La là một trong những diễn đàn an ninh cấp cao hàng đầu thế giới, thu hút được sự quan tâm, tham gia của nhiều quốc gia. Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 diễn ra từ ngày 02 - 04/6/2023 tại Singapore với sự tham dự của gần 600 đại biểu của hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đối thoại lần này tập trung thảo luận các nội dung: Xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương cân bằng và ổn định; tác động an ninh của cạnh tranh công nghệ và cạnh tranh số; tình hình Ukraine, bán đảo Triều Tiên và Sudan, eo biển Đài Loan và biển Đông; trách nhiệm tập thể, tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, đặc biệt trong giải quyết các điểm nóng... Việc Nga vắng mặt, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc không gặp nhau và sự hiện diện của đoàn đại biểu Liên minh châu Âu (EU) là những sự kiện đáng chú ý tại Đối thoại lần thứ 20. 

Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La, đoàn Việt Nam do Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã tham dự đầy đủ các phiên họp toàn thể và nhiều cuộc gặp gỡ song phương. Qua đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao đối với các vấn đề quốc tế, khu vực; thể hiện thiện chí, mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác trong giải quyết những thách thức chung.

2 Một số tình hình thế giới thời gian gần đây

- Hoa Kỳ và các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ra tuyên bố chung. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng và triển vọng hứa hẹn của các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy hội nhập và kết nối khu vực, góp phần vào sự ổn định và thịnh vượng của Trung Đông. Mỹ tái khẳng định cam kết đối với an ninh khu vực, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực trong nền kinh tế toàn cầu và thương mại quốc tế. Hai bên nhất trí đẩy mạnh an ninh và tự do hàng hải trong khu vực, cũng như chống lại các hành động bất hợp pháp trên biển có thể đe dọa các tuyến hàng hải, thương mại quốc tế và các cơ sở khai thác dầu trong khu vực vùng Vịnh. Hai bên cũng đồng thuận ủng hộ duy trì Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và tiếp tục kêu gọi Iran hợp tác đầy đủ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

-  Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác, gọi tắt là OPEC+ quyết định tiếp tục cắt giảm sản lượng. Theo đó, sản lượng khai thác ở mức 40,46 triệu thùng/ngày trong cả năm 2024. OPEC+ cho rằng, sự thay đổi trên nhằm duy trì sự ổn định và đưa ra định hướng dài hạn cho thị trường dầu mỏ. Theo giới quan sát, đợt cắt giảm mới này có thể sẽ đẩy giá dầu lên cao trong ngắn hạn, nhưng tác động sau đó sẽ phụ thuộc vào việc Saudi Arabia có quyết định gia hạn việc cắt giảm hay không. Giá dầu tăng quá cao có thể thúc đẩy lạm phát, làm giảm sức mua của người tiêu dùng và đẩy các ngân hàng Trung ương như Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hướng tới tăng lãi suất hơn nữa - nguyên nhân có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.

                                        Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

 

([1]) Công văn số 780/BHXH-TT ngày 21/5/2023 của Bảo hiểm xã hội Tỉnh về nội dung định hướng tuyên truyền nhân Ngày bảo hiểm y tế Việt Nam 01/7/2023.