Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 02 năm 2024

TAI LIEU SINH HOAT CHI BO Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 02 năm 2024

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: "Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị" của PGS. TS. Trần Thị Minh Tuyết, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền được đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Học tập và làm theo gương Bác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là trường hợp hiện hữu của lịch sử khi đã "trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống", thời gian càng lùi xa, sức sống và giá trị trong tư tưởng của Người càng tỏa sáng.

Việc luận giải sức sống bất hủ của tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn, vững tin hơn vào nền tảng tư tưởng của Đảng mà tự thân những giá trị to lớn trong tư tưởng của Người là sự phủ nhận hữu hiệu đối với các ý kiến lệch lạc, xuyên tạc Hồ Chí Minh của các phần tử cơ hội chính trị. Mặt khác, việc khẳng định những giá trị trường tồn trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách giúp cán bộ, đảng viên phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị và những biểu hiện lười nhác, xem nhẹ việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

1. Nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phù hợp với quy luật phát triển của thời đại

Khát vọng tự do là đặc tính của con người nên khi chủ nghĩa thực dân đẩy vô số dân tộc vào vòng nô lệ, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc là xu thế tất yếu của thời đại. Ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh trở thành đại diện của các dân tộc bị áp bức đấu tranh cho quyền được làm người, quyền được sống trong bình đẳng và tự do.

Được trang bị phương pháp luận khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin và bằng trải nghiệm thực tiễn, Hồ Chí Minh đưa ra những phát kiến ở tầm thời đại về con đường cứu nước và phương hướng dựng nước của dân tộc Việt Nam: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản" và "chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ".

Hồ Chí Minh có hệ thống quan điểm hết sức sáng tạo về phương thức giải phóng, đó là cách mạng thuộc địa phải tiến hành một cách chủ động, sáng tạo, không thụ động trông chờ vào cách mạng chính quốc và sẽ thành công trước cách mạng chính quốc. Thực hiện tư tưởng của Người, dân tộc Việt Nam không chỉ giành được độc lập, tự do mà thắng lợi của nhân dân Việt Nam còn góp phần làm tan vỡ hệ thống thuộc địa trên quy mô toàn thế giới. Vì thế, Hồ Chí Minh được mệnh danh là người đã đẩy bánh xe lịch sử theo hướng tiến bộ. Nhà bác học người Anh Béctơrăng Rútxen đã viết: "Sự nghiệp vô tư và quên mình của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho nền độc lập và thống nhất của Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ nay đã làm cho Người trở thành không những là lãnh tụ của dân tộc Việt Nam mà còn là kiến trúc sư nổi tiếng của thế giới đã thoát khỏi chủ nghĩa thực dân".

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh kết tinh những giá trị vĩnh hằng của nhân loại là hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội

Thế giới tôn vinh Hồ Chí Minh là Nhà văn hóa hòa bình bởi Người luôn nỗ lực giải quyết xung đột với dân tộc khác bằng con đường đối thoại văn hóa, khi buộc phải tự vệ thì Người chủ động hạn chế không gian chiến tranh ở Việt Nam để bảo vệ hòa bình khu vực và thế giới. Hồ Chí Minh rất yêu chuộng hòa bình nhưng đó phải là hòa bình thực sự - hòa bình trong độc lập, tự do bởi đúng như Người đã tuyên bố: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".

Với Hồ Chí Minh, độc lập, tự do không chỉ là mục tiêu chính trị mà còn là giá trị đạo đức. Một con người yêu nước, một dân tộc có lòng tự tôn sẽ không cam tâm sống cuộc đời nô lệ. Khi thế giới còn đầy rẫy sự bất công, tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của Hồ Chí Minh đã trở thành chân lý lớn của thời đại.

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện khát vọng đoàn kết và hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên khẳng định: "Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mạng thế giới. Ai làm cách mệnh trên thế giới đều là đồng chí của dân An Nam". Có thể coi đây là khởi phát của chiến lược đoàn kết quốc tế của Người. Cần nhấn mạnh rằng, chiến lược ấy ra đời không chỉ vì mục tiêu chính trị mà còn xuất phát từ tình cảm đồng loại: "Quan sơn muôn dặm một nhà, Vì trong bốn biển đều là anh em". Tình cảm ấy ở người cộng sản Nguyễn Ái Quốc hết sức sâu đậm nên từ năm 1923, nhà thơ Xô viết Ôxip Manđenxtam đã cảm nhận: "Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy được ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới".

Khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: Việt Nam sẵn sàng "làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai". Người không ngừng giáo dục nhân dân về tình hữu nghị, về đạo lý "giúp bạn là tự giúp mình". "Chiến tranh lạnh" đẩy các quốc gia vào thế "đối đầu" nhưng Hồ Chí Minh vẫn kiên trì khẳng định: "Các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được". Hồ Chí Minh là người luôn tìm cách quy tụ thay cho loại trừ, luôn nỗ lực tìm ra "mẫu số chung" chứ không "khoét sâu" sự khác biệt. Với tinh thần "tìm sự thống nhất trong đa dạng", Hồ Chí Minh không chỉ là người có tư duy quốc tế hiện đại, tinh thần khoan dung văn hóa mà còn là đại sứ của Việt Nam trên toàn cầu.

4. Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần đổi mới và hội nhập - xu thế lớn của thời đại ngày nay

Hồ Chí Minh là người đặc biệt nhạy bén với cái mới. Người định nghĩa cách mạng cũng từ góc độ này: "Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt". Trung thành với Chủ nghĩa Mác nhưng Người vẫn đặt câu hỏi: "Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử Châu Âu. Mà Châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại". Từ nhận thức đó, Hồ Chí Minh không chỉ vận dụng mà còn phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin bằng một loạt luận điểm mới, phù hợp với cách mạng Việt Nam. Lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người căn dặn cán bộ tuyệt đối không được giáo điều, bảo thủ. Trong "Di chúc" để lại, mặc dù không trực tiếp sử dụng khái niệm "đổi mới" nhưng Người đã phác thảo một chiến lược đổi mới trên nét lớn và căn dặn: "Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi".

Hồ Chí Minh cũng là người đặt nền móng cho chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Ngay khi nhà nước cách mạng mới ra đời và chưa được quốc gia nào công nhận, chủ trương mở cửa, kêu gọi đầu tư đã được Người khẳng định trong "Lời kêu gọi Liên hợp quốc" (tháng 12/1946). Trong thương mại quốc tế, Hồ Chí Minh tuyên bố: "Việt Nam sẽ giao dịch với tất cả các nước nào trên thế giới muốn giao dịch với Việt Nam một cách thật thà". Ngày nay, hội nhập quốc tế toàn diện đã trở thành xu thế tất yếu nhưng vào thập niên 1940, chủ trương của Hồ Chí Minh về hợp tác kinh tế với các nước có sự khác biệt về ý thức hệ và thể chế chính trị, thực sự là tư duy hết sức mới mẻ, tiến bộ.

5. Tư tưởng văn hóa - đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc mà còn để lại hình mẫu về văn hóa làm người

Với Hồ Chí Minh, văn hóa không phải là cái gì quá cao siêu mà phải trở thành "văn hóa đời sống", tức là văn hóa phải góp phần loại bỏ những gì lạc hậu, dốt nát, phù hoa, xa xỉ trong tập tục và nâng cao dân trí để mỗi người giải phóng hết "năng lực người" của mình.

Hồ Chí Minh rất sâu sắc khi cho rằng, việc tiếp thu văn hóa nhân loại phải song hành với việc quảng bá văn hóa dân tộc vì ngoài vấn đề lợi ích thì đó còn là sự dâng hiến theo tinh thần "mình đã hưởng cái hay của người thì cũng phải có cái hay cho người ta hưởng". Hàm chứa những quan điểm hết sức sâu sắc, cho nên, UNESCO đánh giá: Tư tưởng Hồ Chí Minh "là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc".

Hồ Chí Minh còn là nhà tư tưởng đặc biệt quan tâm đến đạo đức. Nói về tầm quan trọng của đạo đức, Hồ Chí Minh luôn khẳng định đạo đức là cái gốc của con người, là sức mạnh của người cách mạng và Đảng cách mạng, là điều kiện để con người vươn tới tài năng, là nhân tố tạo nên sức hấp dẫn của học thuyết cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cao nhất chính là suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân và nhân loại.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh giàu sức thuyết phục không chỉ bởi đặc tính khoa học, nhân văn mà còn vì cuộc đời "trong như ánh sáng" và sự hiến dâng trọn vẹn cho dân, cho nước của Người. Không chỉ nhân dân Việt Nam, các trí tuệ lớn của thời đại cũng đã thừa nhận: "Nói tới một con người mà cả cuộc đời mình đã để lại ân tình sâu nặng cho nhân dân thì không có một ai khác ngoài Hồ Chí Minh". Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức và đạo đức Hồ Chí Minh - mẫu mực điển hình về sự trong sáng, cao thượng, luôn hòa quyện trong nhau và có ý nghĩa thời sự rất lớn đối với một thế giới nhiều nghịch lý hiện nay.

Thế giới ngày càng giàu có và hiện đại nhưng do sự phát tán thái quá của chủ nghĩa cá nhân, sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng giữa các tầng lớp và dân tộc, không ít người đã rơi vào khủng hoảng lẽ sống, niềm tin. Điều đó dẫn đến sự gia tăng bạo lực và lối sống lệch lạc của một bộ phận dân chúng. Đến mức, có người dùng cụm từ "dã man trong văn minh" để nói về thế giới hiện đại. Sinh thời, Thủ tướng Ấn Độ Nêru đã kết luận rất đúng rằng: "Thế giới ngày nay đang trải qua một cuộc khủng hoảng... Cái cần bây giờ là tiếp cận hòa bình, hữu nghị và tình bạn. Hồ Chí Minh là biểu tượng cho sự tiếp cận đó". Tư tưởng nhân văn - đạo đức Hồ Chí Minh với triết lý nhân sinh "chính tâm và thân dân" sẽ đánh thức phần "thiện" trong mỗi con người, giúp họ tìm ra lẽ sống đúng đắn và cách hành xử hợp đạo lý để có được hạnh phúc đích thực.

Năm tháng trôi qua nhưng Hồ Chí Minh "không phải là một kỷ niệm của quá khứ. Người là một con người diệu kỳ cho tất cả mọi thời đại". Đó là sự đánh giá xác đáng mà nhân loại đã dành cho Bác Hồ của chúng ta.

PHẦN B: THÔNG TIN THỜI SỰ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2024

Hoạt động thương mại ước tính đạt 8.570 tỷ đồng, tăng 1,99% so với tháng 12/2023 và tăng 3,28% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh đạt 139.243 ngàn USD, tăng 1,38% so với tháng trước và tăng 31,08% so với tháng cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 86.078 ngàn USD, tăng 1,17% so với tháng trước và tăng 31,87% so với cùng kỳ năm trước.

Dự án Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1: Thành phần 1 (16 km thuộc tỉnh Đồng Tháp) với tổng mức vốn đầu tư 3.640.000 triệu đồng. Giá trị thi công tính đến tháng 01/2024 ước đạt 909.231 triệu đồng, đạt 24,98% tổng mức vốn đầu tư. Dự án nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự giai đoạn 3: Tổng giá trị thực hiện từ khi khởi công đến cuối tháng 01/2024 ước đạt 557.919/912.326 triệu đồng, đạt 61,15% tổng mức vốn đầu tư.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng ước tính 10.788 tỷ đồng, tăng 2,16% so với tháng trước và tăng 3,63% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân tăng doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là do nhu cầu tiêu dùng tăng vào dịp lễ, tết của người dân.

Dự báo nhu cầu tiêu dùng của dân cư vào các ngày tết Nguyên đán năm 2024 tăng khoảng 10% so với Tết năm 2023. Nguồn cung hàng hóa tương đối ổn định, dù nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm tiếp tục duy trì xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu sẽ giúp người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa chất lượng, giá phù hợp.

2. Đồng Tháp tiếp tục tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức xét tuyển

Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số: 15/KH-UBND ngày 17/01/2024 tuyển sinh lớp 10, lớp 10 chuyên năm học 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, đối với lớp 10 tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển cho tất cả trường trên toàn tỉnh, ngoại trừ 02 trường chuyên: Trung học phổ thông Nguyễn Quang Diêu và Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu.

Về cách tính điểm xét tuyển, dựa vào kết quả rèn luyện, học tập 04 năm học bậc Trung học cơ sở của học sinh đủ điều kiện tuyển sinh vào lớp 10. Thời gian xét tuyển, nộp hồ sơ từ ngày 01 - 05/6/2024, thông báo kết quả trúng tuyển trước ngày 10/7/2024. Về chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển 70% số học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở trong tỉnh vào học lớp 10 các trường trung học phổ thông. Đối với những học sinh không trúng tuyển vào lớp 10, các em sẽ học nghề hoặc học chương trình Giáo dục thường xuyên tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, tại trường trung học phổ thông có tổ chức dạy học theo chương trình Giáo dục thường xuyên.

Đối với tuyển sinh lớp 10 chuyên sẽ tổ chức thi từ ngày 07 - 09/6/2024. Học sinh sẽ thi 03 môn cơ sở còn gọi là môn không chuyên gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và 01 môn chuyên hoặc 02 môn chuyên. Mỗi môn chuyên tuyển 01 lớp/trường chuyên. Riêng đối với lớp chuyên Toán, chuyên Tiếng Anh và chuyên Tin học tuyển sinh không quá 02 lớp/trường chuyên. Mỗi lớp chuyên tuyển không quá 35 học sinh/lớp.

3. Phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

Ngày 19/01/2024, UBND Tỉnh ban hành Công văn số 44/UBND-KT về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Thực hiện Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ, UBND Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương có kế hoạch chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2023 - 2024. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với cơ quan chuyên môn và địa phương tiến hành kiểm tra, dự báo, xác định mức độ ảnh hưởng để tham mưu UBND Tỉnh các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế.

Công ty cổ phần Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, xây dựng kế hoạch ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Tiêu chuẩn xét danh hiệu gia đình văn hoá, thôn, tổ dân phố văn hoá; xã, phường, thị trấn tiêu biểu

Ngày 07/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 86/2023/NĐ-CP quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa; xã, phường, thị trấn tiêu biểu như sau:

Khung tiêu chuẩn đạt danh hiệu gia đình văn hóa: (1) Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. (2) Tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương. (3) Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng.

Tuy nhiên, thành viên trong gia đình vi phạm một trong các trường hợp sau thì không xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa": Bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ nộp thuế; bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn; vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về trật tự công cộng; hành vi đánh bạc trái phép; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phòng, chống bạo lực gia đình.

Khung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Thôn, tổ dân phố văn hóa": (1) Đời sống kinh tế ổn định và phát triển. (2) Đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú. (3) Môi trường an toàn, thân thiện, cảnh quan sạch đẹp. (4) Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ vững trật tự, an toàn xã hội; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương. (5) Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. Tuy nhiên, thôn, tổ dân phố vi phạm một trong các trường hợp sau thì không xét tặng danh hiệu "Thôn, tổ dân phố văn hóa": Có khiếu kiện đông người và khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật; có hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật.

Khung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu": (1) Thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giao. (2) Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển. (3) Đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú. (4) Môi trường an toàn, thân thiện, cảnh quan sạch đẹp. (5) Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, xã, phường, thị trấn vi phạm một trong các trường hợp sau thì không xét tặng danh hiệu "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu": Để xảy ra tụ điểm phức tạp về hình sự, ma túy, tệ nạn xã hội; tỷ lệ tội phạm, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông, cháy, nổ không được kiềm chế, tăng so với năm trước, gây hậu quả nghiêm trọng; để công dân cư trú trên địa bàn lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, biểu tình, tuần hành, khiếu kiện vượt cấp; để xảy ra hoạt động chống Đảng, chống chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết.

2. Một số nhiệm vụ, giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số

Ngày 26/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1690/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số ở Trung ương và địa phương theo quy định tại Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử và các văn bản pháp luật khác. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương.

(1) UBND cấp tỉnh tăng cường thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại các sở, ban, ngành; bố trí bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị; kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường biên chế từ nguồn biên chế được giao của địa phương cho đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin và bổ sung nguồn lực kịp thời đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số; quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số;… (2) UBND dân cấp huyện bố trí bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND dân cấp huyện; tăng cường vai trò, nhiệm vụ và biên chế cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện để thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số tại địa phương. (3) UBND dân cấp xã quan tâm và tăng cường thực hiện nhiệm vụ về chuyển đổi số thuộc phạm vi quản lý của xã; bố trí cán bộ, công chức tham gia mạng lưới chuyển đổi số.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Một số thành tựu nổi bật của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam năm 2023

Năm 2023 và nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thuộc tất cả các châu lục, trong đó có 6 đối tác chiến lược toàn diện, 12 đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 đối tác.

Năm 2023, xuất nhập khẩu đạt trên 680 tỷ USD, thu hút FDI đạt 36,6%, tăng 32,8%. Lần đầu tiên GDP của nước ta vượt 400 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 3 trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

Thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, bảo hộ công dân cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là công tác bảo hộ công dân được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Việc sơ tán an toàn hơn 6.000 công dân Việt Nam, kiều bào tại Ukraine ra khỏi các khu vực chiến sự; tiếp nhận và đưa về 1.200 công dân bị cưỡng bức lao động tại Campuchia; có biện pháp bảo hộ phù hợp với công dân Việt Nam tại nhiều địa bàn.

2. Một số sự kiện thế giới đáng chú ý

- Hoạt động thương mại trên toàn thế giới từ tháng 11 đến tháng 12/2023 đã sụt giảm 1,3% trong bối cảnh lực lượng Houthi ở Yemen tấn công tàu thương mại đi qua biển Đỏ khiến lượng hàng hoá vận chuyển qua tuyến vận tải huyết mạch kết nối châu Âu và châu Á giảm mạnh. Mỹ đã thành lập liên minh hải quân mang tên "Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng", để bảo vệ an ninh cho tuyến đường biển quan trọng vốn chiếm khoảng 12% hoạt động thương mại hàng hải toàn cầu.

- Ngày 11/01/2024, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố báo cáo cho thấy trong năm 2023, công suất năng lượng tái tạo trên thế giới đã tăng 50% so với năm trước đó. Sự tăng trưởng lớn nhất về năng lượng tái tạo là Trung Quốc khi tăng 60%. Dự báo tại Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Brazil, việc phát triển năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió trên bờ đến hết năm 2028 sẽ hơn gấp đôi so với 5 năm qua.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp