Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 11 năm 2023

TAI LIEU SINH HOAT CHI BO Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 11 năm 2023

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết "Thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy"" của Thượng tá, ThS Nguyễn Chí Khoa, Trưởng Ban Khoa học quân sự, Bộ Tư lệnh 86; Thiếu tá, TS Nguyễn Phùng Nhân Khoa, Chỉ huy tham mưu, Học viện Lục quân  đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương: Bối cảnh tình hình mới cần phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết mới của Trung ương về nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng là bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (Hội nghị). 

Theo đó, Hội nghị đánh giá, trong giai đoạn phát triển mới hiện nay và sắp tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; đặc biệt, xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh mới, làm thay đổi môi trường chiến lược, tác động sâu sắc, toàn diện tới Việt Nam. Ở trong nước, tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; sự xuống cấp về các giá trị văn hoá, đạo đức, lối sống; những mâu thuẫn, bức xúc trong xã hội còn diễn biến phức tạp; phân cực giàu - nghèo có xu hướng ngày càng tăng.

Trên một số vùng chiến lược, địa bàn trọng điểm còn tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định. Tranh chấp biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng... là những nguy cơ lớn luôn có thể xảy ra. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước câu kết với nhau tăng cường các hoạt động "diễn biến hoà bình", "phi chính trị hoá" lực lượng vũ trang với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, công khai và trực diện hơn.

Trước bối cảnh đó, tại Hội nghị thống nhất ban hành Nghị quyết với tên gọi Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Quân đội nhân dân Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, quán triệt tinh thần của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII là luôn luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; dựa vào dân, lấy "dân là gốc", khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hoá, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng "thế trận lòng dân", lấy "yên dân" là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tạo ra sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Quân đội nhân dân Việt Nam cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho cả hệ thống chính trị và toàn dân nhận thức sâu sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, của đất nước, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải toàn diện, song cần tập trung cụ thể hóa mục tiêu, quan điểm, phương châm, phương thức, nguyên tắc, nhiệm vụ, giải pháp của các chiến lược làm cơ sở để vận dụng phù hợp với đặc điểm, điều kiện, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trên cơ sở nhận thức đúng, làm cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và toàn dân nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết phải bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Đây chính là thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy". Đồng thời, nhận thức được mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,… Từ đó, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, trách nhiệm đối với sự nghiệp giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ địa bàn và chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.

Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trên cơ sở nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, cấp uỷ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và cấp uỷ, chỉ huy các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chiến lược, nhằm đạt được mục tiêu đề ra là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Cần chú trọng quán triệt, vận dụng đúng mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, khâu đột phá và tư tưởng chỉ đạo, phương châm, nguyên tắc, phương thức tiến hành các chiến lược vào nghị quyết lãnh đạo nhiệm kỳ và hằng năm bảo đảm phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị mình làm cơ sở để tổ chức thực hiện. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang, sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

Thứ tưphát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang, trực tiếp là Quân đội nhân dân trong tổ chức thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Công tác quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp chung của cả hệ thống chính trị và toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt và Quân đội là lực lượng chủ yếu, trực tiếp. Trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp hiện nay, nhất là việc tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên biển Đông, cùng sự chống phá quyết liệt của cả các thế lực thù địch, đòi hỏi phải phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân, trọng tâm là Quân đội nhân dân. Trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ, Quân đội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung các chiến lược, phối hợp với các lực lượng liên quan nắm chắc tình hình thế giới, khu vực, trong nước, dự báo chính xác xu hướng vận động, phát triển của tình hình, tham mưu cho Đảng, Nhà nước các đối sách, giải pháp chiến lược, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của các chiến lược đề ra; xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh, không để bị động, bất ngờ cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.

Toàn quân đề cao cảnh giác, nắm chắc tình hình, phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc. Tiếp tục tổ chức xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số lực lượng được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, đảm bảo cho Quân đội ta có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao theo hướng tinh, gọn, mạnh, phù hợp với khả năng, điều kiện của đất nước, đủ sức bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Thứ nămđẩy mạnh tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong hình hình mới.

Thực tiễn luôn vận động, biến đổi, do vậy, cần chú trọng làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Thông qua tổng kết thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự, rút ra những bài học kinh nghiệm, góp phần bổ sung, phát triển lý luận ở trình độ cao hơn, phù hợp với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trên cơ sở đó quay trở lại chỉ đạo hoạt động thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực.

"Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" là kế sách, mưu lược bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy"; là kết tinh truyền thống yêu nước của dân tộc với ý Đảng, lòng dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chiến lược này là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, nòng cốt là lực lượng quân đội, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao khả năng phòng thủ đất nước, sẵn sàng chiến thắng mọi hình thái chiến tranh trong tình hình mới.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2023

Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023 phát triển khá so với cùng kỳ năm 2022, với một số kết quả nổi bật: Ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 5,54%; thu ngân sách nhà nước đạt 5.776 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội huy động hơn 16.400 tỷ đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,3%, trong đó lao động được đào tạo nghề đạt 53,3%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 91,47%; tỷ lệ chất thải rắn nguy hại được xử lý đạt 95%. Toàn Tỉnh có: 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao và 5 sao; trong đó, có 275 sản phẩm đạt 3 sao, 81 sản phẩm đạt 4 sao và 01 sản phẩm đạt 5 sao (Hạt Sen sấy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nam Huy Đồng Tháp); có 109 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 94,78%) và 18 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 03 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (thành phố Sa Đéc, thành phố Cao Lãnh và thành phố Hồng Ngự), 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh).

Có thêm 09 hợp tác xã thành lập mới và 08 Hội quán nông dân ra mắt. Hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động của 142 hội quán với 7.200 thành viên, trong đó, đã có 35 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập từ mô hình Hội quán. Triển khai thực hiện hỗ trợ đưa 154 lao động trẻ về làm việc tại 90 tổ chức kinh tế tập thể (82 hợp tác xã nông nghiệp, 05 hợp tác xã phi nông nghiệp, 03 tổ hợp tác).

Kịp thời hỗ trợ cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em nghèo trong dịp lễ, tết với số tiền hơn 20,85 tỷ đồng; dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, đã thăm tặng quà 37.905 suất, với số tiền trên 15,3 tỷ đồng. Thành lập Trung tâm Điều dưỡng Người có công Tỉnh tại thành phố Cao Lãnh. Rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và triển khai các chính sách, dự án, tiểu Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn Tỉnh. Có 8.948 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền hơn 144,2 tỷ đồng.

2. Tiếp tục quan tâm thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội

Ngày 24/10/2023, Uỷ ban nhân dân (UBND) Tỉnh ban hành Công văn số 128/UBND-VX về việc tiếp tục quan tâm thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội, theo đó yêu cầu yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường quan tâm, chỉ đạo và triển khai các hoạt động tín dụng chính sách xã hội; quan tâm, hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm giao dịch, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra, rà soát, xác định đối tượng có nhu cầu thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, nhất là trong các lĩnh vực đào tạo nghề, tạo việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… làm cơ sở áp dụng chính sách cho vay tín dụng đạt hiệu quả.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; tuyên truyền, vận động để huy động sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội bằng hình thức phù hợp…

2. Đồng Tháp có 02 nông dân xuất sắc và 01 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu cho 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023" và biểu dương 63 Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc diễn ra vào tối 13/10, tại Hà Nội do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương tổ chức. Tỉnh Đồng Tháp có 02 nông dân xuất sắc và 01 Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh. Cụ thể, có nông dân Nguyễn Văn Bé Hai (sinh năm 1956) xã Tân Bình, huyện Châu Thành và nông dân Cao Văn Hùng (sinh năm 1954) xã Phong Hoà, huyện Lai Vung. Đây là 02 nông dân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Trong số 63 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc, tỉnh Đồng Tháp có Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh) được biểu dương. Những năm qua, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới đã liên kết tiêu thụ xoài với các doanh nghiệp, siêu thị; liên kết cung ứng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho thành viên Hợp tác xã; cung ứng máy nông, ngư cơ phục vụ cho thành viên và nông dân, mỗi năm trên 300 máy các loại. Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn liên kết với doanh nghiệp để sản xuất bao trái xoài và cung ứng mỗi năm trên 4.000 thùng cho thành viên, giá thấp hơn bên ngoài 30%.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn

Chính phủ ban hành Nghị định 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó quy định tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn (viết tắt Ban Thanh tra nhân dân) như sau:

Thành viên Ban Thanh tra nhân dân được bầu tại cuộc họp của cộng đồng dân cư. Trên cơ sở đề nghị của Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã xem xét, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân; hướng dẫn bầu, bổ sung thành viên Ban Thanh tra nhân dân. Số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân được xác định trên cơ sở tương ứng số lượng thôn, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã nhưng không ít hơn 5 thành viên. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã quyết định số lượng cụ thể thành viên Ban Thanh tra nhân dân theo nguyên tắc bảo đảm mỗi thôn, tổ dân phố có đại diện tham gia là thành viên Ban Thanh tra nhân dân. Đối với xã, phường, thị trấn có dưới 5 thôn, tổ dân phố thì được bầu tối đa 5 thành viên Ban Thanh tra nhân dân. Ban Thanh tra nhân dân có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các uỷ viên. Số lượng Phó Trưởng ban do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã quyết định căn cứ vào số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân nhưng không quá 02 người.

Ban Thanh tra nhân dân xây dựng kế hoạch hoạt động để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 38 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo từng quý, 06 tháng, hằng năm và nhiệm kỳ. Ban Thanh tra nhân dân tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị trực tiếp hoặc qua hòm thư góp ý của tổ chức, cá nhân có liên quan đến phạm vi kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân.

2. Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 25/9/2023 của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ mục tiêu chung là làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm, đồng thời đảm bảo sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người, động vật, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Xây dựng Khung hành động chung làm nền tảng cho sự hợp tác đa ngành, điều phối, triển khai, giám sát các hành động theo trách nhiệm cụ thể của mỗi ngành. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai phòng, chống kháng thuốc trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, lồng ghép vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và ưu tiên phân bổ kinh phí hằng năm để thực hiện…

Rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, chẩn đoán và điều trị, sử dụng thuốc kháng vi sinh vật, an toàn sinh học trong y tế, nông nghiệp. Truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về các nguyên nhân gây kháng thuốc, hậu quả của kháng thuốc và các biện pháp phòng, chống kháng thuốc; duy trì cam kết của cá nhân và xã hội đối với thay đổi hành vi để sử dụng thuốc kháng vi sinh vật có trách nhiệm, ngừng lạm dụng và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật sai mục đích; thúc đẩy các hành vi lành mạnh để ngăn ngừa nhiễm trùng và sự lây lan của chúng...

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Về cuộc xung đột Israel - Hamas

Phong trào Hồi giáo Hamas - lực lượng nắm quyền kiểm soát Dải Gaza, ngày 07/10/2023 đã tiến hành cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào các thị trấn của Israel nằm kề bên Dải Gaza. Ngay sau cuộc tấn công, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel, Itamar Ben-Gvir, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trên cả nước, đồng thời ra lệnh huy động tất cả các nhân viên cảnh sát tình nguyện và yêu cầu trang bị đầy đủ vũ khí cho tất cả lực lượng an ninh. Israel cũng đã tiến hành các vụ không kích đáp trả vào các vùng lãnh thổ Palestine. Đến nay, xung đột đã khiến nhiều người dân Palestine và Israel thiệt mạng. Đây được xem là đợt leo thang căng thẳng gây thương vong nặng nề nhất trong cuộc xung đột hàng thập niên qua giữa người Palestine và Israel.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ mang lại sự hỗ trợ "vững chắc" và các viện trợ phòng thủ cho Israel và mô tả hành vi của nhóm Hamas ở Palestine là "các cuộc tấn công khủng bố", "một thảm kịch khủng khiếp". Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres nêu rõ tình trạng bạo lực hiện nay có nguyên nhân gốc rẽ là cuộc xung đột lâu dài từ hàng chục năm trước và "chưa có hồi kết chính trị". Guterres bày tỏ phản đối các cuộc tấn công của Hamas và lo ngại về các hành động đáp trả của Israel và hết sức quan ngại về cuộc "bao vây hoàn toàn" khu vực này của Israel, có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 2,3 triệu dân tại đây. Nga kêu gọi cả Palestine và Israel "lập tức thực thi một lệnh ngừng bắn", đồng thời cho biết đang liên lạc với các phía Israel, Palestine và các nhà nước Arab để thảo luận về tình hình bạo lực.

Trước tình hình xung đột leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam quan tâm theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, gây nhiều thương vong cho thường dân. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, sớm nối lại đàm phán giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đảm bảo an toàn và các lợi ích chính đáng của thường dân".

2. Một số sự kiện thế giới đáng chú ý

- Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2023. Trong bối cảnh thương mại hàng hóa liên tục sụt giảm từ quý IV/2022, ngày 05/10/2023, WTO cho biết thương mại và sản lượng của thế giới đã bất ngờ giảm trong quý IV/2022 do ảnh hưởng của tình trạng lạm phát kéo dài, cũng như việc Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều nền kinh tế triển khai chính sách tiền tệ thắt chặt. Dự kiến thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2024, GDP tăng trưởng ở mức chậm nhưng ổn định. WTO dự báo, GDP thực tế sẽ tăng 2,6% trong năm 2023 và 2,5% vào năm 2024. Cùng ngày, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định nhu cầu dịch vụ ngày càng lớn và những tiến triển trong kiềm chế lạm phát đang giúp nền kinh tế toàn cầu thêm cơ hội thoát khỏi suy thoái, song cảnh báo vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

- Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) khuyến nghị các chính phủ xây dựng chính sách để giảm thất thoát và lãng phí lương thực: Ngày 06/10/2023, FAO cho biết, giá đường trên thị trường toàn cầu trong tháng 9/2023 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 13 năm qua, sau khi sản lượng tại Thái Lan và Ấn Độ giảm bởi ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino. Giá dầu thô tăng trên thị trường toàn cầu cũng góp phần khiến giá đường tăng. FAO cho rằng thế giới còn một chặng đường dài phía trước để đạt được mục tiêu đến năm 2030 chấm dứt hoàn toàn nạn đói khi số người bị đói trên thế giới hiện nay đang cao hơn tới 745 triệu người so với năm 2015. Thế giới chưa ghi nhận tiến bộ trong thực hiện mục tiêu giảm 50% lượng thực phẩm bị vứt bỏ, hiện vẫn ở mức 13% từ năm 2016 đến nay. Do vậy, FAO khuyến nghị các chính phủ xây dựng chính sách để giảm thất thoát và lãng phí lương thực.

                                        Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp