Xuất bản thông tin

null Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy tinh thần tự lực qua góc nhìn lịch sử

Trang chủ Lịch sử

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy tinh thần tự lực qua góc nhìn lịch sử

Đầu năm 2024, Đồng Tháp triển khai sôi nổi đợt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nội dung chính là phát huy tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của nhân dân Đồng Tháp. Những nội dung này được thể hiện rõ nét qua hoạt động của Bác Hồ trong các tư liệu lịch sử, tư tưởng của Người được đúc kết trong quá trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Bác (19/5/1890 - 19/5/2024), bài viết nghiên cứu những vấn đề lịch sử, lý luận và liên hệ đến thực tiễn cuộc sống và công việc của mỗi cán bộ, đảng viên trong thời đại ngày nay.

(Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet)

1. Một số vấn đề lý luận

Tự lực được hiểu một cách đơn giản là sự nỗ lực của bản thân để tìm ra phương cách giải quyết những khó khăn trong công việc và cuộc sống. Sách Việt Nam tự điển (1954) định nghĩa Tự lực có nghĩa là “tự sức mình” như Tự lực làm nên[i]. Còn Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức thì định nghĩa Tự lực tương tự như Việt Nam tự điển là: “Với sức mình, không nhờ ai” như Tự lực làm nên. Nội dung này cũng có mối quan hệ với vấn đề Tự lực cánh sinh: “Lấy sức riêng mình mà vươn lên, mà vươn lên, mà tiến thêm trong đời sống tinh thần như vật chất”[ii]. Từ điển của Viện Ngôn ngữ học thì định nghĩa Tự lực: “(Làm việc gì) tự sức mình, với sức lực của bản thân, không nhờ cậy ai”. Ví dụ như: Tự lực giải quyết khó khăn. Tinh thần tự lực tự cường. Đồng thời đề cập đến phạm trù Tự lực cánh sinh: “Dựa vào sức lực mình để tự giải quyết những vấn đề khó khăn về đời sống, về kinh tế[iii].

Tinh thần Tự lực cũng không ít lần được Bác Hồ đề cập đến mà không hề xa lạ đối với nhiều người qua những vần thơ ngắn gọn nhưng súc tích mà Người làm tặng Thanh niên xung phong đang phục vụ Chiến dịch Biên giới (1950): “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.

Dựa vào tinh thần tự lực của mình là chính nên ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ rất coi trọng sự nỗ lực của bản thân trong công việc và đời sống hằng ngày. Tinh thần ấy của Bác được thể hiện rõ nét trước hết qua sự Tự lực trong học tập, đó là niềm khát khao học tập mãnh liệt, không ngừng nghỉ của Bác trong những năm tháng bôn ba nơi hải ngoại. Bằng sự cần cù và trí thông minh, Nguyễn Ái Quốc tạo được vốn kiến thức trên nhiều lĩnh vực như: xã hội, chính trị, khoa học, văn hóa, nghệ thuật…; thể hiện được kỹ năng về diễn thuyết, viết truyện, dựng kịch, vẽ tranh, làm thơ, làm báo; trang bị vốn kiến thức không ít về tư tưởng, triết học, văn hóa, nghệ thuật… Cũng bằng sự nỗ lực của bản thân, Nguyễn Ái Quốc đã tự học nhiều ngôn ngữ mỗi khi có thời gian, thông thạo nhiều thứ tiếng phục vụ có hiệu quả cho công việc và đời sống ở nơi đất khách quê người. Nhưng điểm đặc biệt chính là sự kiên định về con đường, mục tiêu, lý tưởng cách mạng mà bản thân Người đã lựa chọn, theo đuổi từ trước. Giáo sư Phong Lê trong tác phẩm của mình đã nhận định, bởi thực tế cho thấy dù giỏi như thế nhưng Người “không có ý định trở thành bất cứ một nhà gì trong số đó”, càng không bị các ham mê chi phối, mà biết kìm giữ niềm yêu thích vun đắp cho mình sự nghiệp riêng, dẫu bất cứ là nghề gì[iv].

Sau khoảng một thập niên bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ nhận ra nhiều bất công, bất bình đẳng trong xã hội ngay trong các nước tư bản và điều đó lại càng gay gắt hơn ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Thực tiễn lịch sử cho thấy ngay từ đầu thế kỷ XX đã xuất hiện sự khủng hoảng trong đời sống chính trị và văn hóa dân tộc, đặc biệt là sự bế tắc về đường lối cách mạng sau thất bại của nhiều phong trào kháng Pháp. Đồng thời, các xu hướng chính trị đầu thế kỷ XX đã cho thấy phong trào dân tộc dân chủ ở thuộc địa đang có nhiều chuyển biến, đặc biệt là phong trào Đông Du, Duy Tân đã thay đổi nhận thức về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của tầng lớp trong xã hội.

Hiểu được điều đó, Người nhận thức được rằng, độc lập tự do của dân tộc phải tự mình giành lấy chớ không thể nhờ cậy hoàn toàn vào nhân tố bên ngoài. Do đó, ngày 18/6/1919, Người đã gửi đến Chính phủ Pháp tại Hội nghị Versailles bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gồm 8 điểm (Bản yêu sách 8 điểm): “…1. Đại xá cho tất cả chính trị phạm bản xứ; 2. Cải cách nền tư pháp Đông Dương bằng sự ban bố cho người bản xứ những bảo đảm về pháp lý giống như đối với người Âu và xóa bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn những tòa án đặc biệt là những công cụ khủng bố và áp bức chống lại bộ phận lương thiện nhất của nhân dân Việt Nam; 3. Tự do báo chí và ngôn luận; 4. Tự do lập hội và hội họp; 5. Tự do di cư và đi ra nước ngoài; 6. Tự do mở trường và thành lập ở tất cả các tỉnh những trường dạy kỹ thuật và nghề nghiệp cho người bản xứ theo học; 7. Thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ pháp luật; 8. Phải có một phái đoàn dân cử thường trực của người bản xứ bên cạnh Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện Pháp luôn nắm được những nguyện vọng của người bản xứ...”[v].

Đến năm 1921, Người tham gia sáng lập “Hội Liên hiệp thuộc địa” và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội, ra “Tuyên ngôn” do Người soạn thảo. Đây là một tổ chức tập hợp những người yêu nước ở các thuộc địa trên thế giới, lãnh đạo nhân dân các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh chống xâm lược, vì độc lập tự do của các dân tộc bị áp bức. Tinh thần tự lực của Người cũng được thể hiện rõ nét trong sự kiện lần này khi Người nhấn mạnh: công cuộc giải phóng này “Vận dụng công thức của Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”[vi]. Tất cả sự kiện quan trọng đó chứng tỏ Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị khá đầy đủ để tiếp thu chủ nghĩa Lênin, hẳn không phải là việc ngẫu nhiên, thình lình không có chuẩn bị[vii].

Đến giữa thế kỷ XX, một lần nữa tinh thần tự lực của Hồ Chí Minh tiếp tục được phát huy, vận dụng vào hoàn cảnh lịch sử thực tế trước sự tái xâm lược của thực dân Pháp vào Nam Bộ. Điều đó được đúc kết cô đọng trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946): “…Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước…”[viii]. Lời kêu gọi cho thấy sự gắn kết giữa tinh thần tự lực và tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất mà Người đã khơi dậy, truyền tải đến toàn dân bằng những từ ngữ có sức lay động mãnh liệt để kêu gọi họ đứng lên chống giặc ngoại xâm. Vì nhận thức được khả năng vốn có của dân tộc, của chiến tranh toàn dân, chiến tranh nhân dân nên Người chủ trương dựa vào tiềm năng, nhất là vũ khí có sẵn, đặc biệt là truyền thống tự lực tự cường là vốn quý báu của dân tộc để làm sức mạnh chống giặc.

2. Vận dụng vào thực tiễn tình hình hiện nay

Trong thực tiễn hiện nay, xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế chính nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, đặc biệt là tình hình an ninh trật tự, quốc phòng toàn dân, tranh chấp lãnh thổ và biển đảo ngày càng gay gắt. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần nhận thức sâu sắc, phát huy sức mạnh toàn dân và hệ thống chính trị trong việc bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Để đạt được hiệu quả trong công tác này cần chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, và nhất là nêu cao ý chí tự lực, tự cường của toàn dân; xây dựng xã hội dân chủ; luôn đặt lợi ích của đất nước, của tập thể và nhân dân lên trên hết. Qua đó tạo động lực to lớn để để phát huy mọi tiềm lực vật chất và tinh thần trong sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam[ix].

Lịch sử cho thấy ngay từ năm 1947, Bác Hồ đã đề cập đến nhiều thực trạng tồn tại trong lực lượng đội ngũ đảng viên trong “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ”. Trong đó, Người nêu lên nhiều khuyết điểm tồn tại như: “chủ nghĩa địa phương”, “óc bè phái”, “óc hẹp hòi”. Cụ thể về “chủ nghĩa địa phương”, Người cho biết những biểu hiện như: “chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích toàn bộ… Làm việc ở bộ phận nào chỉ biết bênh vực, vun đắp cho bộ phận ấy…”, đồng thời lên án “óc bè phái”: “ai hầu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hầu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe[x]... Do đó, trong thời đại ngày nay cũng không ngừng xây dựng và chỉnh đốn Đảng về mọi mặt, làm cho Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh, góp phần lãnh đạo có hiệu quả nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. Thực tế việc này đã được đẩy mạnh thực hiện một cách thường xuyên, liên tục trong những năm qua góp phần thay đổi nhận thức, hành động và tư tưởng của cán bộ, đảng viên theo hướng tích cực. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế là bên cạnh đó vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên còn tư tưởng cầu an, dựa dẫm, ỷ lại, thậm chí sợ khó, sợ khổ trong công việc được giao, dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ trong công tác chung và lợi ích của tập thể. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần tích cực, chủ động hơn nữa - trong khả năng tự lực của bản thân đến mức tối đa có thể để hoàn thành tốt công việc được giao, phát huy hiệu quả của năng lực cá nhân lên mức cao nhất.

Qua nghiên cứu Tinh thần tự lực ngay trong bản chất của nó đã có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều yếu tố khác như đoàn kết, hợp tác. Nhưng ngược lại, nếu chỉ dựa vào sự đoàn kết, hợp tác mà thiếu đi tinh thần tự lực, tự vận động để tìm ra hướng giải quyết vấn đề thì sẽ mang lại kết quả không như mong đợi. Bởi vì nếu chỉ tập trung duy nhất vào sự hợp tác mà không có sự nỗ lực cá nhân thì dễ xuất hiện xu hướng ỷ lại, trông chờ, dựa dẫm mà không có sự phấn đấu cần thiết trong công việc lẫn cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, để sự hợp tác phát huy hiệu quả một cách tốt nhất thì trước hết bản thân chúng ta cần có sự nỗ lực của cá nhân, tinh thần vươn lên, kiên trì vượt khó để tìm ra hướng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đề ra.

Cuối cùng, để phát huy tinh thần tự lực trong mỗi cán bộ, đảng viên, thiết nghĩ mỗi người cần không ngừng nâng cao tinh thần tự học, thường xuyên trau dồi về kiến thức và khả năng chuyên môn để đáp ứng tốt nhất công việc được giao. Vì chỉ có tự trang bị cho mình nền tảng kiến thức vững chắc, kỹ năng chuyên môn đầy đủ trong công việc mới có thể giúp cho cá nhân đủ tin tưởng, tự tin để phát huy tinh thần tự lực lên mức cao nhất. Sự nỗ lực của cá nhân trước hết đó là sự tự học, chủ động, sáng tạo ra cách làm hay, mô hình mới phù hợp với thực tiễn công việc; không ngừng tích cực học tập và rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tinh thần tự lực. Đồng thời, không quên kết hợp chặt chẽ giữa tinh thần tự lực với sự đoàn kết, hợp tác giữa các cá nhân, cơ quan, đơn vị để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đó cũng là một trong những nỗ lực góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp về xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo./.

Th.S. Lê Thành Thuận

(Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp)

 

CHÚ THÍCH

[i] Hội Khai trí Tiến Đức (1954), Việt Nam tự điển, Văn Mới, tr.542.

[ii] Lê Văn Đức (1970), Việt Nam tự điển, Nhà sách Khai Trí, tr.1481.

[iii] Viện Ngôn ngữ học (2002), Từ điển tiếng Việt, NXB.Đà Nẵng, tr.1076.

[iv] Phong Lê (2019), Nửa thế kỷ văn thơ Hồ Chí Minh (Từ yêu sách của nhân dân An Nam đến Di chúc Bác Hồ), NXB. Thông tin và Truyền thông, tr.12.

[v] Phong Lê, Sđd, tr.274-275.

[vi] Hồ Chí Minh (tái bản, 2011), Toàn tập, Tập 2, NXB.Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.138;

[vii] Trần Văn Giàu (2010), Hồ Chí Minh chân dung một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại, NXB.Tổng hợp TP.HCM tr.163.

[viii] Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (2014), Hồ Chí Minh và 5 Bảo vật Quốc gia, NXB. Thông tin và Truyền thông, tr.235.

[ix] Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (2014), Sđd, tr.247.

[x] Trần Bạch Đằng (2004), Đến với Tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB.Trẻ, tr.150-151. Xem thêm: Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 5, tr.87-92.