Xuất bản thông tin

null Tìm hiểu về Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng và sự ra đời của Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Sa Đéc (nay là Đồng Tháp)

Chi tiết bài viết Lịch sử

Tìm hiểu về Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng và sự ra đời của Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Sa Đéc (nay là Đồng Tháp)

Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930) có ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hóa sâu sắc, là lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của Đảng ta.

(Ảnh minh hoạ, Nguồn: Internet)

Về Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng

Lịch sử Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng gắn liền với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cứu nước vào Việt Nam của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Sau Hội nghị thành lập Đảng (06/01 - 07/02/1930), Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền - cơ quan tham mưu, chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng với nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, về Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng; cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng.

Đặc biệt, ngày 01/8/1930, nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày quốc tế đỏ 1/8”. Đây là Tài liệu duy nhất và sớm nhất còn lưu giữ đến nay đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Ngay sau khi phát hành, Tài liệu đã tạo được tiếng vang lớn, có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng nước ta đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Từ đó, ngày 01/8 trở thành một mốc son lịch sử, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa đối với công tác tuyên giáo của Đảng.

Đánh giá cao sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (Khoá VIII) quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi hợp nhất Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

Ngày 01/8/1930 được chọn là Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng nhưng trên thực tế, công tác tuyên giáo đã có từ trước khi thành lập Đảng, từ khi Nguyễn Ái Quốc bắt đầu các hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cứu nước vào Việt Nam.

Về tên gọi Ban Tuyên giáo qua các thời kỳ

Ngay sau khi ra đời, Đảng ta thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền - tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I (10/1930) đã ra nghị quyết lập Bộ Tuyên truyền, Bộ Tổ chức và Bộ Công nhân vận động. Đầu năm 1944, Bộ Tuyên truyền cổ động Việt Minh ra đời. Ban Tuyền truyền cổ động Trung ương là cơ quan tham mưu cho Bộ. Năm 1950, Ban Tuyên truyền Trung ương và Ban Giáo dục Trung ương được thành lập. Năm 1951, Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương.

Năm 1959, thuật ngữ công tác tuyên giáo ra đời. Thời điểm đó, do yêu cầu tổ chức bộ máy lãnh đạo, Trung ương Đảng quyết định hợp nhất Ban Tuyên huấn Trung ương và Ban Văn giáo Trung ương thành Ban Tuyên huấn Văn giáo Trung ương, gọi tắt là Ban Tuyên giáo Trung ương.

Năm 1968, Bộ Chính trị quyết định tách Ban Tuyên giáo Trung ương thành Ban Tuyên huấn Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương. Năm 1989, Bộ Chính trị quyết định hợp nhất Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương (thành lập năm 1980) với Ban Tuyên huấn Trung ương, lấy tên là Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Năm 2007, Bộ Chính trị quyết định hợp nhất Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương.

Trải qua 93 năm xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác Tuyên giáo của Đảng có những tên gọi khác nhau và có những lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mỗi giai đoạn cách mạng, nhưng trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, lĩnh vực Tuyên giáo luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng.

Sự ra đời của Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Sa Đéc (nay là Đồng Tháp)

Đến cuối tháng 11/1929, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (ngày nay) có 3 chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ra đời, đó là: Chi bộ Đảng ở Cao Lãnh của tỉnh Sa Đéc, Chi bộ Đảng ở Lấp Vò của tỉnh Long Xuyên Chi bộ Đảng ở Phong Hoà của tỉnh Cần Thơ. Sự kiện này đánh dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng của phong trào cách mạng tỉnh Đồng Tháp. Đến năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập thì các chi bộ này đổi thành chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay sau khi ra đời, các chi bộ Đảng đã luôn coi trọng và đẩy mạnh công tác tư tưởng, chính trị, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, lý tưởng cộng sản được đặt lên hàng đầu. Phương thức tuyên truyền chủ yếu là rỉ tai truyền miệng và rải truyền đơn.

Trong những năm 1931 - 1935, địch đánh phá ác liệt phong trào cách mạng, một số chi bộ Đảng bị tan vỡ. Nhiều đoàn thể quần chúng và tổ chức công khai cũng bị đánh phá. Trước tình hình đó, các chi bộ Đảng đẩy mạnh công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhằm củng cố tổ chức, khôi phục phong trào cách mạng.

Trong giai đoạn đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ 1936 - 1939, thông qua các tổ chức, hội đoàn công khai của quần chúng như: Các nghiệp đoàn nghề nghiệp, các hội ái hữu, tương tế, thể thao, đờn ca... công tác tuyên truyền, giáo dục được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Trong giai đoạn này, báo chí tiến bộ trở thành công cụ sắc bén góp sức tuyên truyền giáo dục tư tưởng trong quần chúng, đồng thời phản ánh được nguyện vọng của nhân dân, bênh vực, hướng dẫn nhân dân, nhất là nông dân, đấu tranh đạt nhiều thắng lợi. Qua từng cuộc đấu tranh thắng lợi, các chi bộ Đảng lại tiếp tục giáo dục, động viên, mở rộng tổ chức, làm cho quần chúng tin tưởng vào sức mạnh của mình, từ đó lãnh đạo các phong trào đấu tranh để làm nên thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, công tác tuyên huấn được thực hiện trên hai lĩnh vực tuyên truyền và huấn luyện phục vụ yêu cầu xây dựng chính quyền, phát triển đoàn thể, bổ sung đội ngũ đảng viên. Sôi động nhất là công tác tuyên truyền, cổ động được tổ chức bằng nhiều hình thức như: khẩu hiệu, băng cờ, mít tinh, diễn thuyết… lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia thực hiện các chủ trương bài trừ mê tín dị đoan, xây dựng đời sống mới, xóa mù chữ...

Khoảng giữa năm 1947, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Sa Đéc được thành lập với 03 cán bộ. Đồng chí Nguyễn Tấn Hưng (bí danh Hồng Kỳ) - Tỉnh ủy viên được phân công làm Trưởng ban. Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ là cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy về công tác chính trị, tư tưởng. Bộ phận làm công tác tuyên huấn quận, xã và đơn vị vũ trang, đoàn thể dần dần được hình thành và phát triển theo yêu cầu phục vụ kháng chiến. Việc học tập, quán triệt đường lối kháng chiến, lý luận sơ giải về chủ nghĩa cộng sản… được tổ chức theo trường, lớp. Trước yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến, các bộ phận trực thuôc Ban Tuyên huấn Tỉnh lần lượt ra đời như Nhà in, Nhiếp ảnh, Hội họa, Báo chí, Đoàn văn công… Có thể khẳng định, sự ra đời của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Sa Đéc là sự kiện lịch sử quan trọng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của Đảng bộ tỉnh Sa Đéc, cũng là mốc đánh dấu sự lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh Sa Đéc.

Tạ Quang Trung