Xuất bản thông tin

null Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940) - Thực tiễn sinh động về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân

Chi tiết bài viết Lịch sử

Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940) - Thực tiễn sinh động về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân

Khởi nghĩa Nam Kỳ đã ghi đậm dấu ấn một giai đoạn lịch sử sục sôi khí thế cách mạng, nồng nàn, tinh thần yêu nước và lòng tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mặc dù diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng Khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm lục tỉnh Nam Kỳ năm 1867. Tuy thất bại nhưng Khởi nghĩa Nam Kỳ có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Tháng 6/1940, Pháp đầu hàng phát xít Đức. Lợi dụng cơ hội này, cuối tháng 9/1940, phát xít Nhật kéo quân vào Đông Dương, từ đây nhân dân ta lâm vào tình thế "một cổ hai tròng". Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ bảy khóa I (từ ngày 06 đến ngày 08/11/1939) tại Bà Ðiểm (Hóc Môn, Gia Ðịnh) nhận định: Nhật sẽ xâm chiếm Đông Dương và Pháp sẽ đầu hàng Nhật, cách mạng Đông Dương sẽ bùng nổ, do vậy, phải đoàn kết thực hiện bằng được nhiệm vụ chính cốt là đánh đổ đế quốc, giải phóng dân tộc; chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp, giai cấp, dân tộc và các cá nhân yêu nước.

Tháng 3/1940, Ban Thường vụ Xứ uỷ Nam Kỳ do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư thảo ra Đề cương chuẩn bị bạo động. Ðến giữa tháng 11/1940, Xứ uỷ Nam Kỳ quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 21/11/1940, Thường vụ Xứ uỷ ra thông báo cho các cấp bộ Đảng nhất loạt phát động nhân dân nổi dậy vào lúc 24 giờ ngày 22/11/1940. Thời điểm hành động nhất loạt ở các tỉnh Nam Kỳ là lúc 0 giờ ngày 22, rạng 23/11/1940, hiệu lệnh là đèn Sài Gòn tắt hoặc có tiếng súng nổ.

Hội nghị Trung ương Ðảng họp tại Ðình Bảng, Bắc Ninh (từ ngày 06 đến 09/11/1940) nhận định điều kiện khởi nghĩa ở Nam Kỳ và trong cả nước chưa chín muồi, đề nghị Xứ uỷ Nam Kỳ chưa nên phát động khởi nghĩa. Trung ương phái đồng chí Phan Đăng Lưu trở về truyền đạt quyết định của Trung ương cho Xứ uỷ Nam Kỳ. Nhưng khi đồng chí Phan Ðăng Lưu về đến Sài Gòn thì lệnh khởi nghĩa đã ban hành đến các địa phương không thể thu hồi; một số cán bộ chủ chốt của Xứ uỷ đã bị địch bắt, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra theo kế hoạch.

Khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt tại hầu hết các tỉnh Nam Kỳ với tinh thần quyết liệt, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Lực lượng vũ trang và quần chúng nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường... Tại một số xã, quận, chính quyền địch hoang mang, tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập. Lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng và trong nhiều cuộc biểu tình. Bọn phản cách mạng bị xét xử. Ruộng, thóc của địa chủ phản động được chia cho dân cày nghèo.

Hoà chung khí thế của cuộc khởi nghĩa, ngày 23/11/1940, tại quận Cao Lãnh, để hưởng ứng Khởi nghĩa Nam Kỳ, các chi bộ Phong Mỹ, Tân An tổ chức rải truyền đơn, treo băng rôn, khẩu hiệu. Riêng ở Mỹ Quý, qua liên hệ với Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho, chi bộ đã huy động quần chúng kéo đến cảnh cáo hội tề, địa chủ, đập phá cống do địa chủ độc quyền quản lý, để lấy nước làm mùa.

Ở tổng Phong Thạnh Thượng, thi hành lệnh khởi nghĩa của Quận uỷ Chợ Mới, các chi bộ đảng đã thành lập Uỷ ban khởi nghĩa thống nhất do đồng chí Sửu và Tráng phụ trách. Sáng ngày 23/11/1940, lực lượng khởi nghĩa chiếm đồn An Phong, thu được một súng trường. Phát huy thắng lợi, lực lượng khởi nghĩa chia thành hai mũi, một mũi đi hỗ trợ cho Tân Thạnh, Tân Phú... một mũi sang sông, phối hợp với các làng thuộc quận Chợ Mới đánh chiếm nhà dây thép (bưu điện) và dinh quận Chợ Mới. Vì Khởi nghĩa Nam Kỳ bị lộ từ trước, bọn cầm quyền ở Chợ Mới đã đề phòng, tình thế trở nên bất lợi, Uỷ ban khởi nghĩa ra lệnh rút lui, kế hoạch đánh chiếm quận lỵ Chợ Mới không thành. Ở làng Tân Huề, đêm 23/11/1940, chi bộ đã tập hợp 100 đảng viên và quần chúng cốt cán định đánh chiếm đồn Tân An nhưng bị lộ nên phải giải tán.

Ở quận Hồng Ngự, các chi bộ Hồng Ngự, Long Khánh, Thường Thới thi hành lệnh khởi nghĩa của Tỉnh uỷ Châu Đốc, ráo riết chuẩn bị lực lượng. Do địch đã bí mật bắt một số đảng viên và quần chúng cốt cán trong Uỷ ban khởi nghĩa, chi bộ Hồng Ngự và chi bộ Long Khánh mà chi bộ Thường Thới không biết nên vẫn tiến hành theo kế hoạch. Đêm 23/11/1940, chi bộ Thường Thới huy động quần chúng, có 45 hội viên Hội ái hữu và Hội nhà giàng làm nòng cốt, rầm rộ bao vây dinh quận Hồng Ngự. Tại đây, địch đã chuẩn bị đối phó và nổ súng vào lực lượng khởi nghĩa, Uỷ ban khởi nghĩa ra lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng.

Tính từ ngày 22/11/1940 đến ngày 31/12/1940, thực dân Pháp gây ra hơn 5.000 vụ bắt bớ, hàng ngàn người bị xử tử, tù đày, tra tấn vô cùng tàn bạo. Tháng 12/1940, Xứ uỷ Nam Kỳ họp ở Bà Quẹo, Gia Định quyết định rút lui cuộc khởi nghĩa để tránh tổn thất, đưa lực lượng còn lại xây dựng căn cứ U Minh và Đồng Tháp Mười.

Sau cuộc khởi nghĩa, ở một số làng thuộc tổng Phong Thạnh Thượng, địch đốt hàng trăm căn nhà, bắt và kết án hàng trăm người, đa số là đảng viên (43 người ở An Phong, 13 người ở Bình Thành, 18 người ở Tân Phú - Tân Thạnh, 30 người ở Tân Huề,...). (1) Ở An Phong, Chủ quận Chợ Mới Trần Văn Mẩng và xếp Hiến đã huy động lực lượng đàn áp, phối hợp với hương chức, hội tề khủng bố man rợ phong trào cách mạng, bắt những người tham gia khởi nghĩa hoặc bị tình nghi. Bọn tay sai lợi dụng cơ hội để trả thù, vơ vét, cướp bóc tài sản của nhân dân. (2) Ở quận Hồng Ngự, xếp mật thám Cung khủng bố dã man dân làng Thường Thới, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa. Hàng trăm ngôi nhà bị đốt, nhiều tài sản bị cướp đoạt, 40 đảng viên và quần chúng bị bắt. (3) Ở quận Cao Lãnh, tuy chỉ có một ít địa phương hưởng ứng cuộc khởi nghĩa nhưng Chủ quận Đỗ Văn Cung đã tung lực lượng vây ráp từng vùng, kiểm tra, kiểm soát người lạ mặt, truy lùng đảng viên, bắt bớ, tra tấn những người cầm đầu các hội hợp pháp được tổ chức trong thời kỳ 1936 - 1939; đồng thời, ra lệnh cho làng lính được quyền bắt bất cứ ai bị tình nghi hoạt động cộng sản.

Do bị tổn thất nặng nề, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên, qua cuộc khởi nghĩa đã giúp cho các chi bộ có thêm kinh nghiệm về sử dụng bạo lực và khả năng khởi nghĩa giành chính quyền; về tình thế cách mạng, thời cơ và nghệ thuật khởi nghĩa, làm cho quần chúng ý thức sâu sắc về tinh thần và khả năng đấu tranh cách mạng; đồng thời, cũng là đợt diễn tập cho cao trào khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Tỉnh.

Phát huy tinh thần Khởi nghĩa Nam Kỳ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp quyết tâm xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thành nguồn sức mạnh và động lực to lớn để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hội nhập quốc tế và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tăng cường củng cố, xây dựng lực lượng quốc phòng - an ninh vững chắc; nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng; đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến" "tự chuyển hoá", tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiên phong, gương mẫu, trước hết là người đứng đầu; nêu cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…

THANH TÀI

Tài liệu tham khảo

1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp Tập 1 (1927 - 1954).

2. Công văn số 24-CV/BTGTU ngày 04/11/2020 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2020).