Xuất bản thông tin

null Phát huy giá trị văn hóa đình làng, nhà cổ tại thành phố Sa Đéc

Trang chủ Lịch sử

Phát huy giá trị văn hóa đình làng, nhà cổ tại thành phố Sa Đéc

Sa Đéc là trung tâm văn hóa của vùng đạo Đông Khẩu hai thế kỷ trước, với bề dày lịch sử và có nhiều công trình lâu đời, nhất là đình làng, nhà cổ được coi là biểu tượng cộng đồng của làng xã giai đoạn khai mở, lập làng, hình thành cộng đồng dân cư. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đình làng, nhà cổ tại thành phố Sa Đéc là gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống và phát huy vốn văn hóa cổ truyền trong thời đại mới.

Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê trong năm 2024 thu hút hơn 25.000 lượt khách đến tham quan

Thành phố Sa Đéc hiện có 02 đình làng (đình Vĩnh Phước, đình Tân Quy Tây), 02 nhà cổ (nhà cổ Trần Phú Cường, nhà cổ Tấn sĩ Giung), 01 chùa (Thất phủ Thiên hậu cung, tên thường gọi chùa Bà) được xếp hạng di tích cấp Tỉnh và 01 nhà cổ (nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê), 01 chùa (chùa Kiến An Cung, tên thường gọi chùa Ông Quách) được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Công trình văn hóa nổi tiếng của Sa Đéc từ lâu, thu hút gần 9.000 lượt khách trong nước và hơn 16.000 lượt khách quốc tế trong năm 2024 đến tham quan, là nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê gắn liền với tiểu thuyết nổi tiếng "Người tình" của nữ văn sĩ Marguerite Duras viết năm 1984 sau chuyển thể thành phim "L’Amant" năm 1992.

Để phát huy giá trị di sản văn hóa đình làng, nhà cổ kết hợp với phát triển du lịch, trong dịp Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc lần thứ 1 năm 2023, Uỷ ban nhân dân thành phố Sa Đéc phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh xây dựng các tour du lịch trải nghiệm như: "Theo dấu Người tình" tham quan nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê…; "Vương quốc hoa Sa Đéc - Hành trình di sản xanh" tham quan nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê, chùa Kiến An Cung…; "Sa Đéc - Không gian Văn hóa Phật giáo giữa lòng đô thị cổ" tham quan nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê, các chùa, nhà cổ trên địa bàn thành phố Sa Đéc cùng nhiều hoạt động tham quan, trải nghiệm tại một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh việc khai thác phục vụ khách du lịch, Uỷ ban nhân dân thành phố Sa Đéc còn ưu tiên tu bổ, phục hồi và phát huy các di sản văn hóa đình làng, nhà cổ được xếp hạng di tích cấp tỉnh và quốc gia, các di sản mang tính đặc trưng, bản sắc văn hóa như: hoàn chỉnh hồ sơ dự án tu bổ, bảo tồn, tôn tạo di tích nhà cổ Huỳnh Cẩm Thuận; nghiệm thu công trình tu bổ chùa Kiến An Cung (Đông lang, Tây lang)… tạo nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch địa phương. Đồng thời, các ngành chức năng còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội tại đình làng, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, nhất là lợi dụng lễ hội để trục lợi, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để các đối tượng lợi dụng lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh; tham gia các lớp tập huấn về nghi lễ truyền thống dân gian; lớp tập huấn về công tác quản lý, tổ chức lễ hội; quản lý và tu bổ di tích lịch sử - văn hóa …

Theo định hướng đến năm 2025, thành phố Sa Đéc sẽ xây dựng việc phát huy giá trị di sản văn hóa đình làng, nhà cổ vào kế hoạch phát triển du lịch, cụ thể gắn hệ thống các di tích, đình làng, nhà cổ với việc phát triển du lịch, kết nối với các tour, tuyến du lịch văn hóa tâm linh. Tiếp tục tăng cường quảng bá, giới thiệu hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, đình làng, nhà cổ của thành phố trên các phương tiện thông tin để phục vụ nhu cầu học tập, tham quan, nghiên cứu, du lịch, sinh hoạt tín ngưỡng của người dân và du khách.

Trương Bá Ý (Ban Tuyên giáo Thành uỷ Sa Đéc)