Học Bác từ sự tận tuỵ, yêu nghề và truyền lửa đam mê
Gần 15 năm công tác trong ngành giáo dục - thầy Bùi Văn Ngoãn, giáo viên Bộ môn Hóa, Trường Trung học Cơ sở Phú Thuận B (xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) được ví như một tấm gương về học tập theo gương Bác từ sự tận tụy với nghề, hết lòng yêu thương học sinh và luôn truyền lửa để các em tiếp tục viết tiếp ước mơ con đường học vấn của mình.
Thầy Bùi Văn Ngoãn nghiên cứu thêm tài liệu trong những giờ ra chơi, rảnh rỗi
Học Bác từ sự tận tụy với nghề
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của giáo dục của đất nước. Theo Người, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; cả cuộc đời, Người chỉ có “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập... đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Thấm nhuần lời dạy ấy, thầy giáo Bùi Văn Ngoãn không quên “sứ mệnh” của người láy con thuyền tri thức. Luôn nỗ lực từng ngày để hoàn thiện bản thân, để có thể chuyên môn tốt và giảng dạy tốt.
Xuất thân từ gia đình nhà nông chất phát, thật thà quanh năm với ruộng đồng, cuộc sống khá khó khăn, vất vả, con đường đến trường của những năm tháng ấy cũng không dễ dàng với chàng trai chân lắm tay bùn. Quyết tâm thay đổi cuộc sống, chọn cho mình hướng đi riêng, thầy Bùi Văn Ngoãn nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ sau khi hoàn thành chương trình Trung học phổ thông. May mắn không gọi tên - thầy Bùi Văn Ngoãn chọn học Sư phạm Hóa Sinh - tại Trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp nay là Trường Đại học Đồng Tháp.
Với tính tình hiền lành, giọng trầm ấm và sự tận tụy của mình trong học tập, cậu học trò Bùi Văn Ngoãn được bạn bè trong lớp mến phục, thầy cô cũng có nhiều thiện cảm. Những buổi trưa dưới những hàng ghế đá sân trường, cách phượng rơi đầy sân và phía trong phòng thí nghiệm, hình ảnh của chàng sinh viên vùng quê nghèo, vẫn cần mẫn thực hành, thử lại nhiều lần thao tác thí nghiệm, đây là cách mà thầy Ngoãn tích lũy kinh nghiệm, là vốn kiến thức và kỹ năng quý báu để truyền đạt cho các em học sinh của mình sau này.
Căn phòng thư viện trường với không gian đầy ấn tượng, nhiều loại tài liệu được soạn ngăn nắp, nơi đây là người bạn đồng hành của thầy Ngoãn sau những giờ ra chơi hay những lúc rảnh rỗi. Nhớ về những tháng ngày qua, thầy Ngoãn kể, năm 2010 sau khi tốt nghiệp Thủ khoa, anh được phân công về Trường THCS Thường Phước 2 đến năm 2013 được luân chuyển về Trường THCS Phú Thuận B. Nơi đây được xem là “ngôi nhà thứ 2” đã gắn bó với anh suốt 10 năm qua.
“Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” - lời dạy của Bác vẫn còn khắc sâu trong tâm trí của thầy giáo trẻ. Để mỗi tiết dạy của mình thêm sinh động, thầy Ngoãn thường xuyên tìm tòi những thông tin trên mạng xã hội, trong sách báo, tài liệu, đồng nghiệp cùng chuyên môn. Với thầy Ngoãn, kiến thức là vô tận, mỗi người đều có những nét hay riêng của riêng mình, muốn hoàn thiện thì phải cập nhật kiến thức mới, chịu khó học và đọc thêm nhiều tài liệu, lắng nghe đồng nghiệp và cả học sinh của mình để có thể truyền đạt kiến thức, định hướng để các em học tốt môn Hóa học ở trường và ứng dụng nó trong cuộc sống.
Người thầy luôn truyền lửa
Thư viện đầy ắp những loại sách báo, tài liệu, ly cà phê cũng đã tan hết đá, thầy Ngoãn vẫn còn đắn đo suy nghĩ về những bài tập mà các em đã trò đang thực hiện. Vừa hướng dẫn các em học sinh chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi, vừa chia sẻ kinh nghiệm về cuộc đời, sự nghiệp giáo dục của riêng mình. Thầy Ngoãn như rất lâu mới được tâm sự, mới được bày tỏ và chia sẻ những điều mà mình ấp ủ bấy lâu nay. Theo thầy, Bác đã dạy, học và hành là hai khâu của quá trình nhận thức gắn bó khăng khít với nhau, chỉ khi học đi đôi với hành, học tập kết hợp với lao động sản xuất thì người học mới rèn luyện được cả tri thức và kỹ năng, mới gắn tri thức với thực tiễn xã hội.
Riêng thầy Ngoan, mỗi học sinh muốn giỏi môn Hóa học phải có 3 yếu tố: Thực hành - Thực tế - Đam mê. Phải biết thực hành, thí nghiệm, thao tác từ những vốn kiến thức và phải quan sát tự tế xã hội để vận dụng một cách sáng tạo, hơn hết là niềm đam mê học hỏi, khám phá, chinh phục. Nói thì nói như vậy nhưng để có những bạn học sinh giỏi thì cần cả một quá trình và mỗi thời điểm, mỗi năm sẽ có những lứa học trò khác nhau - thầy Ngoãn vui vẻ nói.
Với tính ham học và thích nghiên cứu, thầy Ngoãn đã tiếp tục học Cao học, nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm cùng các giáo viên dạy giỏi Hóa toàn quốc, luôn truyền lửa và là tấm gương sáng để các em học sinh noi theo. Với những nỗ lực không ngừng thầy Ngoãn dành về cho mình những phần thưởng cao quý như: danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện; nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; Bằng khen của UBND tỉnh về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đồng tác giả của nhiều loại sách tham khảo, bồi dưỡng học sinh giỏi Hóa lớp 8 và 9.
Thắc mắc và đặt nhiều câu hỏi vì sao nhiều thế hệ học sinh luôn đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi Hóa cấp huyện và tỉnh. Thầy Ngoãn mĩm cười và chia sẻ, chẳng có gì ngoài việc kiên trì, chọn lựa học sinh để bồi dưỡng ngay từ khi các em mới vào học tại Trường. Thầy Ngoãn sẽ chọn 1 “đội tuyển” từ khi các em học lớp 6 - 7, mỗi tuần các em sẽ được bồi dưỡng kiến thức từ 3 - 4 buổi và những lúc rảnh rỗi. Các em học sinh tham gia sẽ được ôn luyện kiến thức cơ bản, tham gia giải các đề thi thử, đề thi của các năm học trước. Thầy Ngoãn cho biết thêm, Bác từng dạy, người học phải là trung tâm sáng tạo. Mỗi thầy cô giáo phải bám sát, hiểu rõ đặc điểm đối tượng người học từ đó có phương pháp dạy phù hợp nhằm đảm bảo tính vừa sức. Giáo viên cần phải có phương pháp dạy sao cho phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo của người học. Cần phải thực hành dân chủ trong giáo dục. Đối với mọi vấn đề thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt.
Chính sự tận tâm và đạo đức trong sáng của người thầy giáo chân chính đã cho “ra đời” nhiều thế hệ học sinh thành đạt, nhiều em đạt giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện; nhiều em sinh viên ra trường đạt kết quả thủ khoa và có việc làm ổn định. Tiếng trống trường làm tôi giật cả mình và thầy Ngoãn vộ vã chuẩn bị cho một tiết học mới, nụ cười của nhà giáo trẻ và những lời cảm ơn đã làm tôi thấy thật hạnh phúc, xứng đáng với câu nói “nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả những nghề cao quý”. Bước chân vội và tiếng hò reo của các em học sinh cũng khép lại khi tiết học mới bắt đầu. Hành trang kiến thức của các em vẫn còn rất nhiều và dài nhưng các em thật hạnh phúc khi luôn có những tấm gương nhà giáo ngờ sáng, tận tụy và hết tâm với nghề.
Nói đến đây, tôi lại nhớ về điều Bác dạy mà tôi từng đọc qua, mỗi thầy giáo, cô giáo phải là những người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục; là “những người vẻ vang nhất, là những người anh hùng vô danh”. Bác cũng luôn có sự tin tưởng và mong muốn các thế hệ học sinh không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện tốt để mai sau trở thành những người có ích cho Tổ quốc.
Tôi tin tưởng rằng, với sự tận tụy của một nhà giáo chân chính như thầy Bùi Văn Ngoãn sẽ sớm chinh phục được chân trời tri thức của mình và luôn là tấm gương sáng để các em học sinh và đồng nghiệp noi theo.
CHÍ TRUNG