资产发布器

null Hội thảo khoa học giải pháp triển khai phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Chi tiết bài viết Tin tức

Hội thảo khoa học giải pháp triển khai phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Chiều ngày 29/11/2023, tại Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 13-NQ/TW).

Chủ trì Hội thảo có GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Thị Kim Loan, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp; TS. Phan Công Khanh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; PGS.TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ. Đại biểu tham dự hội thảo có các đại diện thường trực tỉnh uỷ, ban tuyên giáo và trường chính trị các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 50 tham luận của các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học đến từ các tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và một số trường đại học, cơ quan nghiên cứu ở trong và ngoài khu vực.

Tại hội thảo, các đại biểu trình bày nhiều tham luận, thảo luận tập trung làm rõ nội dung của Nghị quyết số 13-NQ/TW, ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết này đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội vùng, trong đó là xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; liên kết vùng trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển của toàn vùng và từng địa phương trong vùng; vấn đề biến đổi khí hậu gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; việc "cởi trói" cho đội ngũ nghiên cứu khoa học, công nghệ để đội ngũ nghiên cứu tận tâm tận lực phục vụ cho địa phương, cho vùng; an ninh nguồn nước, vấn đề cấp bách trong phát triển vùng; phát triển bền vững nền nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long…

Phát biểu kết thúc và bế mạc hội thảo, TS. Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện khu vực IV cho rằng, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp mang tính chiến lược phù hợp với tình hình thực tế tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là vai trò của Chính phủ trong xây dựng hoàn thiện phát triển kinh tế vùng, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước; tư duy phát triển liên kết vùng, trong đó thành phố Cần Thơ là Trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò là nơi kết dính của vùng; ứng dụng công nghiệp 4.0 trong phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo; kết nối giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp; đầu tư có trọng tâm trọng điểm nhằm tạo động lực cho phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.

Công Thành