Xuất bản thông tin

null Niềm vui và kỳ vọng từ Cuộc thi chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Niềm vui và kỳ vọng từ Cuộc thi chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tỉnh Đồng Tháp tổ chức Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng (BVNTTT) của Đảng là để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng cho các lực lượng, từ đó hình thành mạng lưới rộng khắp trên địa bàn tỉnh để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ.

Thầy Lê Văn Xuân - Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Thanh Bình 2, huyện Thanh Bình 

ĐA DẠNG CHỦ ĐỀ DỰ THI

Hưởng ứng Cuộc thi chính luận về BVNTTTcủa Đảng lần thứ Tư năm 2024 do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 5/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 149-KH/BTGTU tổ chức Cuộc thi chính luận về BVNTTT của Đảng năm 2024; đồng thời phát động đến các cấp uỷ địa phương, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tích cực tham gia.

Sau gần 3 tháng phát động, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã nhận được 1.310 tác phẩm dự thi của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ,giảng viên, giáo viên, học viên, học sinh, sinh viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội, phóng viên, biên tập viên, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh...

Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo Cuộc thi, các thí sinh lựa chọn chủ đề dự thi phong phú, đa dạng, đảm bảo 3 nhóm chủ đề do Ban Tổ chức Cuộc thi định hướng về: Bảo vệ, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay. Bảo vệ, lan tỏa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay; nhận diện và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Thực tiễn, kinh nghiệm tổ chức BVNTTT của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Hội đồng Giám khảo làm việc tập trung cao, dân chủ, khách quan, thống nhất lựa chọn 25 tác phẩm xuất sắc thuộc các loại hình để trao giải cá nhân, gồm 3 giải A, 5 giải B, 7 giải C và 10 giải Khuyến khích; trao 3 giải Tập thể xuất sắc cho Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Bình, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành và Ban Tuyên giáo Thành ủy Sa Đéc có nhiều tác phẩm dự thi, trong đó có ít nhất 1 tác phẩm đạt giải A.

NIỀM VUI TỪ CUỘC THI

Đồng chí Nguyễn Thị Trúc Linh, viên chức Trung tâm Chính trị huyện Châu Thành 

Phấn khởi khi nhận giải A với tác phẩm “Lệch chuẩn” ở trường Trung học phổ thông - Hậu quả khôn lường”, thầy Lê Văn Xuân - Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Thanh Bình 2, huyện Thanh Bình, chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 tôi tham gia Cuộc thi. Lần này, bản thân nghiên cứu rất kỹ để rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế từ khâu lựa chọn đề tài đến phác thảo bố cục, lựa chọn ngôn từ, cách diễn đạt để hoàn thành bài viết tốt nhất.

Sau nhiều lần tham gia, bản thân nhận thấy,Cuộc thi có ý nghĩa rất quan trọng, giúp bản thân tự rèn luyện về phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị và năng lực phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Với đề tài ““Lệch chuẩn” ở trường Trung học phổ thông - Hậu quả khôn lường” có thể vận dụng thường xuyên trong nghề dạy học của mình. Nếu mỗi giáo viên và học sinh không quan tâm đến việc “Lệch chuẩn” và sớm khắc phục, có thể dẫn đến những “hậu quả khôn lường” về sau. Bởi vì, “Lệch chuẩn” trong hành vi, ngôn ngữ dần dần biến thành thói quen ở người giáo viên và có thể gây ảnh hưởng đến rất nhiều học sinh; đây là nguyên nhân sâu xa gây ra hiện tượng vi phạm chuẩn mực đạo đức truyền thống, vi phạm pháp luật của giới trẻ trong xã hội hiện nay… Với vai trò Phó Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, tôi sẽ tuyên tuyền, lan toả nội dung bài viết của mình đến đồng chí, đồng nghiệp; đề xuất lãnh đạo nhà trường triển khai bài viết đến toàn thể giáo viên và trên các trang thông tin của trường để mỗi giáo viên, học sinh tự nhận diện và điều chỉnh bản thân càng ngày tốt hơn; giúp giáo viên làm tốt nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả trong “dạy chữ, dạy người”.

Đồng chí Nguyễn Thị Trúc Linh, viên chức Trung tâm Chính trị huyện Châu Thành, thí sinh đồng giải A, phấn khởi cho biết: “Đây là lần thứ 2 tham gia Cuộc thi. Tôi chủ đề bài dự thi “Phản bác luận điệu xuyên tạc mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia từ dự án kênh đào Phù Nam Techo” với mong muốn là nghiên cứu, tập hợp những minh chứng chân thực nhất, khách quan nhất về mối quan hệ lịch sử keo sơn, bền chặt giữa hai nước Việt Nam - Campuchia trên tất cả các lĩnh vựcđể làm cơ sở phản bác lại những luận điệu xuyên tạc; đồng thời bảo vệ và phát triển mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Bởi vì, trong bối cảnh quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp và chịu nhiều tác động hiện nay thì mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Campuchia luôn được coi trọng và không ngừng củng cố. Tuy nhiên, đã có những thông tin sai lệch về mối quan hệ này khi Chính phủ Campuchia tiến hành dự án kênh đào Phù Nam Techo. Những luận điệu xuyên tạc về dự án kênh đào Phù Nam Techo không chỉ nhằm mục đích chia rẽ, gây mất lòng tin giữa hai quốc gia mà là âm mưu phá hoại những thành quả hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia đã đạt được. Nhìn lại lịch sử hơn 55 năm hợp tác, dù trải qua không ít thăng trầm, nhưng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia vẫn không ngừng được vun đắp và phát triển, trở thành “tài sản chung quý báu của hai dân tộc và là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước”.

Đồng chí Lâm Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông  

Mặc dù biết đến Cuộc thi chính luận từ nhiều năm, nhưng đây là lần đầu tiên đồng chí Lâm Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp tham gia và đạt giải C với chủ đề tác phẩm “Những khuyết tật của mô hình kinh tế thị trường tự do và tính ưu việt của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”. Chia sẻ về chủ đề và bài viết của mình, đồng chí Lâm Trọng Nghĩa cho biết: “Về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là vấn đề tôi cảm thấy hứng thú và dành nhiều thời gian để tìm hiểu trong suốt quá trình công tác; những kiến thức học được đã giúp ích rất nhiều trong công việc tôi đang phụ trách. Những lý luận về kinh tế thị trường có sự can thiệp của nhà nước nói chung, hay kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là những khái niệm mới và còn nhiều ý kiến khác nhau. Đó là cơ sở để các thế lực thù địch đưa ra những lập luận nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, bằng những dẫn chứng và cơ sở khoa học vững chắc, tôi có đầy đủ niềm tin để tuyên truyền và thuyết phục về tính đúng đắn của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, góp phần bảo vệ một trong những nền tảng tư tưởng quan trọng nhất của Đảng…”

QUYẾT TÂM BVNTTT CỦA ĐẢNG

Khi được hỏi về những kỳ vọng và quyết tâm của bản thân tham gia Cuộc thi chính luận về BVNTTT của Đảng, các thí sinh đều phấn khởi chia sẻ nhiều tâm tư, tình cảm rất tâm huyết.

Thầy Lê Văn Xuân cho rằng: “Qua các Cuộc thi đã giúp bản thân tự tin hơn, tạo động lực để tiếp tục tìm hiểu, thấm nhuần hơn nữa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, lan toả những giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa Mác - Lênin; những bài học cao quý về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tự tin chia sẻ kinh nghiệmđể đồng chí, đồng nghiệp tích cực tham gia Cuộc thi chính luận trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn cả số lượng và chất lượng... góp phần nghiên cứu, nhận diện và đấu tranh phản bác hiệu quả các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta”.

Là viên chức, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị tại Trung tâm Chính trị huyện Châu Thành, đồng chí Nguyễn Thị Trúc Linh mong muốn: “Bản thân luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống trong sáng; rèn giũa lý tưởng cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; thường xuyên nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, xem công tác giảng dạy lý luận chính trị không chỉ là trách nhiệm mà còn là bổn phận để lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng dựng xây đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Thiết nghĩ, những bài giảng, bài viết, công trình nghiên cứu khoa học về lý luận chính trị được thực hiện bài bản, chỉn chu chính là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần tích cực trong công tác BVNTTTcủa Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Đồng chí Lâm Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ tâm huyết của mình, đó là: “Bản thân đang công tác trong ngành nông nghiệp tại huyện Tam Nông, mặc dù vậy, thiết nghĩ rằng mỗi cá nhân, đơn vị dù đang làm bất cứ nhiệm vụ chính trị nào cần góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Với bản thân, tôi sẽ tiếp tục học tập và nghiên cứu các lý luận về nền tảng tư tưởng của Đảng, không chỉ những kiến thức được quán triệt trong nước mà bao gồm những tri thức của thế giới. Chỉ khi chúng ta có đầy đủ kiến thức và thật sự tường minh về những vấn đề lý luận nền tảng thì mới có thể đủ bản lĩnh phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch. Với những kiến thức hạn hữu của bản thân, tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến với mọi người xung quanh để tất cả cùng hiểu và chung tay BVNTTTcốt lõi của Đảng ta”

Đánh giá và kỳ vọng từ Cuộc thi, đồng chí Lê Thị Kim Loan - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết: “Qua Cuộc thi cho thấy, tinh thần trách nhiệm cao của các cấp uỷ, tổ chức đảng trong công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt, động viên; sự hăng hái tham gia Cuộc thi của cán bộ, đảng viênvà các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Các bài viết, tác phẩm dự thi trên các loại hình đã tạo nguồn sản phẩm phongphú, chất lượng, có tính chiến đấu cao, phục vụ trực tiếp công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân góp phần bảo vệ vững chắc công cuộc xây dựng, phát triển quê hương Đồng Tháp. Đây là cơ sở, dữ liệu quan trọng để Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu, đề xuất BanThường vụ Tỉnh uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả hơn nữa công tácBVNTTT của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, góp phần xây dựng quê hương Đất Sen hồng ngày càng giàu đẹp, văn minh; xây dựng hình ảnh và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo”.

                                                                                                                                    Phú Nghĩa