Xuất bản thông tin

null Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Người Cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng

Tài liệu tuyên truyền Tài liệu tuyên truyền

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Người Cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 01/01/1914, tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế). Cuộc đời cách mạng của Đại tướng là một chuỗi những tháng năm đấu tranh vô cùng gian khổ nhưng đầy nhiệt huyết. Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị khác nhau, dù ở bất cứ cương vị nào, Đại tướng luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và Nhân dân lên trên hết, quyết tâm suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống yêu nước, khi mới 17 tuổi, Nguyễn Vịnh được giác ngộ cách mạng, tham gia đấu tranh chống lại bọn cường hào ở địa phương và sau đó tham gia phong trào đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ những năm 1936 - 1939; tháng 7/1937, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1938, Đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên. Thực hiện chỉ thị của Xứ uỷ Trung Kỳ, tháng 9/1938, Đồng chí đã lãnh đạo quần chúng cách mạng đấu tranh làm thất bại dự án tăng thuế của thực dân Pháp và chính quyền Nam triều. Sau cuộc đấu tranh, cuối năm 1938, Đồng chí bị bắt và được thả, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhiều cuộc mít-tinh, biểu tình của nhân dân đấu tranh ngăn chặn các cuộc đàn áp, khủng bố của thực dân Pháp.

Vào giữa năm 1939, Đồng chí bị bắt lần thứ hai và kết án khổ sai, giam ở các nhà lao Thừa Phủ, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, dù bị tra tấn dã man nhưng Đồng chí luôn kiên cường, bất khuất, gan dạ, giữ vững khí tiết người cộng sản. Đầu năm 1942, Đồng chí đào thoát khỏi Nhà đày Buôn Ma Thuột, bí mật về Quảng Điền, cùng một số đồng chí khác thành lập Tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Thừa Thiên. Tháng 7/1943, trên đường đi công tác, Đồng chí bị địch bắt lần thứ ba và đưa trở lại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, Đồng chí được trả tự do và tiếp tục hoạt động cách mạng ở Trung Bộ.

Tháng 8/1945, Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Nguyễn Chí Thanh, ngày 31/8/1945 đồng chí Nguyễn Chí Thanh được bầu làm Bí thư Xứ uỷ Trung Bộ. Cuối năm 1946 đến năm 1949, Đồng chí được chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên, Bí thư Phân khu uỷ Bình - Trị - Thiên, Bí thư Liên khu uỷ khu IV.

Trên cương vị Bí thư Xứ uỷ Trung Bộ, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên, Bí thư Phân khu uỷ Bình - Trị - Thiên rồi Bí thư Liên khu uỷ khu IV, Đồng chí đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng vào thực tiễn chiến trường Thừa Thiên; bình tĩnh, sáng suốt đánh giá tình hình, đưa ra những giải pháp về công tác tư tưởng, chiến tranh nhân dân, chỉ đạo nhiều vấn đề cụ thể về lực lượng vũ trang bám đất, bám dân, phát triển chiến tranh du kích. Đồng chí đã trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến ở Bình - Trị - Thiên khói lửa, xứng đáng với danh hiệu "Vị tướng du kích" mà Bác Hồ trao tặng.

Đầu năm 1950, Đồng chí được phân công phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương; tháng 02/1950, được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam. Tháng 7/1950, Đồng chí được điều động vào Quân đội, giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Chính uỷ. Tháng 02/1951, Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 7/1951 đến cuối năm 1960, Đồng chí được cử làm Giám đốc Trường Chính trị Trung cấp Quân đội, nay là Học viện Chính trị. Trong năm 1959, Đồng chí được phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đến năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương. Năm 1961, miền Bắc đang trong quá trình hợp tác hoá mạnh mẽ, nông nghiệp trở thành mặt trận hàng đầu, Đồng chí được giao nhiệm vụ Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương - lãnh đạo, chỉ đạo một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã thể hiện tư duy của một nhà lãnh đạo trên lĩnh vực kinh tế thông qua tổ chức thực tiễn, bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học và biết dựa vào Nhân dân. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhiều lần nhấn mạnh rằng không sức mạnh nào có thể so sánh nổi sức mạnh của quần chúng trong lao động sản xuất. Phát hiện, tin và dựa vào sức mạnh, tài trí của Nhân dân đã làm nên một Nguyễn Chí Thanh với cách gọi trìu mến của Bác Hồ là "Đại tướng nông dân".

Cuối năm 1964, chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" bị phá sản, đế quốc Mỹ chuẩn bị trực tiếp đưa quân vào xâm lược nước ta, Đồng chí được điều động vào miền Nam công tác, giữ chức vụ Bí thư Trung ương cục kiêm Chính uỷ quân giải phóng miền Nam. Đồng chí đã góp phần xác định đúng việc chuyển hướng chiến lược của Mỹ từ "Chiến tranh đặc biệt" sang "Chiến tranh cục bộ" (1965 - 1968), đưa ra những đánh giá, phân tích khoa học và biện chứng về thực chất sức mạnh của Mỹ, so sánh lực lượng giữa ta và địch, tìm ra những mâu thuẫn, chỗ yếu của đối phương, từ đó khẳng định quyết tâm đánh Mỹ và niềm tin đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng và dân tộc ta mãi mãi khắc ghi tư tưởng chỉ đạo tác chiến mang đậm dấu ấn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như "nắm thắt lưng địch mà đánh", "cứ đánh Mỹ khắc tìm ra cách đánh hay" và lập các "vành đai diệt Mỹ"… Những phân tích, nhận định, đánh giá tình hình chiến trường miền Nam của Đại tướng đã góp phần cùng Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương đánh giá đúng sức mạnh thật sự của đế quốc Mỹ, sự phát triển của cách mạng miền Nam, từ đó hoạch định đường lối kháng chiến. Nhiều quan điểm, tư tưởng của Đại tướng thể hiện chiến lược tiến công với niềm tin nhất định thắng Mỹ, cùng với những phương châm chỉ đạo tác chiến độc đáo được Ban Chấp hành Trung ương nghiên cứu, chắc lọc đưa vào các Nghị quyết Trung ương 11, 12 khoá III, kế hoạch cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Tháng 6/1967, theo yêu cầu của Trung ương, Đồng chí ra Hà Nội để báo cáo tình hình, kế hoạch hoạt động của các chiến trường và nhận thêm chỉ thị mới. Ngày 06/7/1967, đúng vào ngày lên được trở lại chiến trường miền Nam, Đồng chí đột ngột qua đời sau một cơn đau tim nặng.

Với 53 năm tuổi đời, hơn 30 năm cống hiến cho Đảng và Nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương sáng ngời của một người cộng sản kiên trung, mẫu mực; một nhà lãnh đạo tài năng; một người con ưu tú của dân tộc; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do có nhiều đóng góp xuất sắc đối với cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Nhà nước tặng, truy tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 - 01/01/2024), một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta, một người chỉ huy mưu lược, tài trí, dũng cảm của lực lượng vũ trang, một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến to lớn của Đại tướng đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, lịch sử, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, khơi dậy khát vọng xây dựng, phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Thanh Tài