Asset Publisher

null Nhiều ý kiến thảo luận, kiến nghị tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Post details Tin tức

Nhiều ý kiến thảo luận, kiến nghị tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Sáng ngày 24/02/2023, tại Hội trường Khối MTTQ, các đoàn thể và các tổ chức hội tỉnh, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy/ Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Tỉnh Lê Thành Công cùng các  Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Tỉnh chủ trì hội nghị, cùng  tham dự Hội nghị có Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Tỉnh, đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Tỉnh, HĐND, UBND các sở, ban, ngành Tỉnh, các Hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam Tỉnh; các tổ chức chính trị - xã hội Tỉnh; các vị chức sắc, chức việc đại diện các tôn giáo trên địa bàn tỉnh; một số chuyên gia, nhân sĩ trí thức và các chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố.

Kể từ ngày 29/11/2013, sau hơn 9 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai trên địa bàn Tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua có một số tồn tại, hạn chế như quy hoạch sử dụng đất ở một số địa phương còn có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường; chưa theo hướng tiếp cận quy hoạch không gian, dựa vào hệ sinh thái, tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, không theo quy hoạch còn xảy ra, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Chủ trì hội nghị nêu những nội dung mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời gợi ý lấy ý kiến các đại biểu căn cứ theo tiểu mục 1 (về đối tượng lấy ý kiến) và khoản c tiểu mục 2 (nội dung lấy ý kiến) Mục II Kế hoạch ban hành kèm Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tập trung vào một số nội dung trọng tâm: (1) Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; (2) Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; (3) Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (4) Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; (5) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; (6) Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; (7) Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; (8) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; (9) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; (10) Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Đại diện Hội Luật gia Tỉnh và các đại biểu thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm tham gia phát biểu nhiều vấn đề, lĩnh vực, trong đó nhấn mạnh: Đề nghị điều chỉnh thời hạn quy hoạch từ 5 năm xuống còn từ 2-3 năm, nếu hết thời hạn không thực hiện được thì nên hủy quy hoạch, không nên kéo dài thời gian ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân; thực hiện giải phóng mặt bằng giá bồi thường phải tương đương giá thị trường (có thể chế, tiêu chí khi giao đất cho nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng) để người bị thu hồi đất có cách lựa chọn đến ở nơi nhà nước bố trí khu tái định cư hoặc nhận đủ tiền tự chọn nơi ở khác thích hợp với nhu cầu, đời sống nhân dân; về hộ gia đình sử dụng đất, tán thành nội dung Dự thảo Luật quy định theo hướng bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất, chuyển đổi từ chủ hộ gia đình sang cá nhân. Vì hiện nay việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất mà trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình.

Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu những nội dung có liên quan nêu trong Luật Đất đai phải tương đồng, thống nhất với các văn bản Luật khác để dễ thực hiện, tránh hiểu sai, khó áp dụng; kiến nghị thay đổi việc người dân có quyền lựa chọn 2 hình thức khiếu kiện tranh chấp đất đai thông qua Tòa án nhân dân hoặc Uỷ ban nhân dân giải quyết, còn 1 hình thức giao quyền cho Tòa án nhân dân giải quyết. Bởi, nếu người dân chọn hình thức khiếu kiện thông qua UBND, nếu UBND cấp huyện giải quyết người dân không chấp nhận thì tiếp tục khiếu nại lên UBND cấp tỉnh; nếu UBND Tỉnh giải quyết không thành thì người dân có quyền khiếu kiện sang Tòa án nhân dân thực hiện theo trình tự. Như vậy, việc giải quyết tranh chấp đất đai của công dân phải qua quá nhiều trung gian, dẫn đến mất thời gian, công sức, chi phí cho công dân và các cơ quan chức năng...

Trần Thắng