Xuất bản thông tin

null Đồng chí Đào Duy Tùng - Người chiến sĩ cộng sản xuất sắc

Chi tiết bài viết Tin tức

Đồng chí Đào Duy Tùng - Người chiến sĩ cộng sản xuất sắc

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Đào Duy Tùng đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, dù ở vị trí nào, đồng chí cũng luôn thể hiện là một người cộng sản hết mực trung thành, tận tụy, một nhà lãnh đạo cấp cao với tư duy đổi mới, tầm trí tuệ cao và đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đồng chí Đào Duy Tùng sinh ngày 20/5/1924 tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội trong một gia đình nhà nho yêu nước. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, yêu nước và cách mạng, đồng chí đã sớm nuôi dưỡng trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, đồng chí đã tham gia lãnh đạo phong trào Việt Minh ở xã từ tháng 4/1945. Trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, đồng chí tham gia lãnh đạo nhân dân giành chính quyền tại địa phương, xây dựng chính quyền cách mạng và các tổ chức chính trị - xã hội quần chúng ở các xã trong huyện. Tháng 9/1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và cuối năm 1945 khi Chi bộ xã Cổ Loa được thành lập, đồng chí được giao làm Bí thư Chi bộ xã.

Tháng 6/1946, đồng chí là Thường vụ Huyện uỷ, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Tháng 02/1947, đồng chí là Tỉnh uỷ viên kiêm Bí thư Huyện uỷ Kim Anh, sau đó được giao phụ trách Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Phúc Yên. Tháng 9/1948, đồng chí là Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Phúc Yên. Tháng 7/1949, là Phó Bí thư Tỉnh uỷ Phúc Yên.

Tháng 02/1950, đồng chí được điều về công tác ở Khu uỷ, tham gia Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng. Trong chiến dịch Biên giới 1950, đồng chí là Phó Chỉ huy Ban huy động dân công. Tháng 9/1951, đồng chí là Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.

Tháng 01/1953, đồng chí được cử đi học tại Trường lý luận Mác - Lênin ở Trung Quốc. Ở đây, đồng chí được học các môn triết học, kinh tế, phong trào cộng sản quốc tế và chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc,... Kết thúc lớp học, đồng chí được giữ lại làm công tác hướng dẫn học tập của nhà trường.

Tháng 5/1955, đồng chí về công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng. Trong hơn 30 năm hoạt động trên lĩnh vực công tác tư tưởng, đồng chí đã lần lượt giữ các cương vị: Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Huấn học (1956 - 1962), Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng (tháng 12/1962) kiêm Tổng biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) - Cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng (1965 - 1982). Đồng chí luôn được tín nhiệm giao trình bày các quan điểm cơ bản của nghị quyết các hội nghị Trung ương và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Trong mỗi nghị quyết, đồng chí nêu rõ yêu cầu khách quan, đặt ra cần giải quyết, những căn cứ, cơ sở lý luận, thực tiễn của những quan điểm, chủ trương, giải pháp; phê phán chính xác những ý kiến, quan điểm, tư tưởng lệch lạc, sai trái. Các bản báo cáo của đồng chí giàu sức thuyết phục bởi tính khoa học và tính thực tiễn, cách lập luận chặt chẽ, sắc sảo, ngôn ngữ giản dị, trở thành định hướng cho công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng. Đồng thời, trong 17 năm (1965 - 1982) làm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), đồng chí Đào Duy Tùng đã góp phần quyết định đưa Tạp chí - Cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976), đồng chí được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến tháng 11/1980, đồng chí là Viện trưởng Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin. Tháng 11/1981, đồng chí được bầu là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức vụ Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phụ trách công tác tư tưởng và khoa giáo. Đồng chí được bầu làm Uỷ viên Bộ Chính trị tháng 5/1988.

Nhiều năm liền trên cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, đồng chí đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, xây dựng các luận cứ khoa học để góp phần hình thành Cương lĩnh, đường lối của Đảng; vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Những cuốn sách có giá trị lý luận sâu sắc của đồng chí như Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta, Một số vấn đề công tác tư tưởng của Đảng, Sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực kinh tế,... đã thể hiện tư duy đúng đắn, khoa học, sáng tạo đối với việc nhận thức chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện mới. Bước vào thời kỳ đổi mới và trong suốt những năm đất nước tiến hành đổi mới, đồng chí đã cùng tập thể những nhà lãnh đạo, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu thực tiễn, tìm tòi, phát hiện cái mới để xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt là đóng góp vào việc hình thành lý luận đường lối đổi mới.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư và Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư cho đến tháng 6/1996. Ở đồng chí Đào Duy Tùng luôn tỏ rõ phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cộng sản đó là sự trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng có bản lĩnh chính trị và năng lực chỉ đạo thực tiễn, đổi mới, trung thực, liêm khiết và ý thức tổ chức kỷ luật cao. Với cương vị là Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư xử lý các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí đã trung thực chắt lọc, ghi nhận những ý kiến thống nhất hình thành quan điểm của Đảng, không lồng ý kiến cá nhân của mình vào nghị quyết của Đảng, làm ảnh hưởng đến tính tập thể và chân thực của nghị quyết. Vì thế, đồng chí luôn được các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng tin tưởng, đánh giá cao.

Đồng chí Đào Duy Tùng là tấm gương sáng về tinh thần tự học, tự rèn luyện. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí luôn tỏ rõ đức tính khiêm nhường, trung thực, giàu lòng vị tha, nhân hậu, đức độ, gắn bó mật thiết với nhân dân, sống giản dị, nghĩa tình, gần gũi với mọi người và tinh thần hăng hái làm việc tới hơi thở cuối cùng. Trong công việc, đồng chí luôn phát huy dân chủ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của mọi người, đặt niềm tin vào đồng chí, đồng nghiệp, đã giao việc cho ai thì tin tưởng, động viên, tạo điều kiện và sâu sát đôn đốc, kiểm tra kết quả công việc.

Bảy mươi tư năm tuổi đời, hơn năm mươi năm hoạt động cách mạng liên tục; bằng tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm hoạt động cách mạng phong phú, dạn dày, đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Ở đồng chí, niềm tin lý tưởng cách mạng luôn dựa trên nền gốc đạo đức vững chắc và một tầm trí tuệ cao, suốt đời phấn đấu không mệt mỏi cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Với những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp cách mạng và phẩm chất cao quý, đồng chí Đào Duy Tùng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng, là dịp để chúng ta tôn vinh những cống hiến, đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; qua đó giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Thanh Tài

Tài liệu tham khảo

Hướng dẫn số 107-HD/BTGTU ngày 11/4/2024 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về tuyên truyền kỷ niệm 100 Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024)