Ngày này năm xưa: 50 năm - Quân và dân Cao Lãnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh góp phần giải phóng quê hương
Ngày này năm xưa: 50 năm - Quân và dân Cao Lãnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh góp phần giải phóng quê hương
Chiến thắng 30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta nói chung, quân và dân Cao Lãnh nói riêng. Đó là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam.
Ông Võ Hồng Nhân - Bí thư Thị uỷ Cao Lãnh đọc diễn văn khai mạc buổi mít tinh mừng chiến thắng 30/4/1975
Quán triệt Nghị quyết số 227-NQ/TW ngày 13/10/1973 Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết tâm của Bộ Chính trị (Hội nghị Bộ Chính trị từ ngày 30/9 đến ngày 07/10/1974 và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18/12/1974 đến ngày 08/01/1975) và kế hoạch 2 năm giải phóng miền Nam, Tỉnh uỷ Sa Đéc chỉ đạo các đơn vị, địa phương học tập thư của Bộ Chỉ huy Miền, Khu uỷ và Bộ Chỉ huy quân khu. Các huyện, thị xã triển khai Chỉ thị của Tỉnh uỷ về "Tổng kiểm tra lực lượng" chuẩn bị bước vào mùa khô 1975 theo chỉ thị của Trung ương cục miền Nam.
Thực hiện kế hoạch mùa khô 1975, Tỉnh uỷ Sa Đéc chủ trương thành lập Ban Chỉ huy mặt trận (Tiền phương) và Ban Chỉ huy các khu vực, lập đài vô tuyến điện báo và đài điện báo lưu động cho Ban Chỉ huy Tiền phương…
Từ ngày 20/12/1974 thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, toàn miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy. Chiến dịch Xuân Hè 1975 bắt đầu.
Ở tỉnh Sa Đéc, cao điểm I từ ngày 20/12/1974 đến ngày 20/1/1975, hoạt động của quân dân Sa Đéc đạt kết quả thấp vì lực lượng Tiểu đoàn 502 chưa triển khai xong sang Nam sông Tiền. Dù thành tích chưa cao, song ta đã tạo khí thế tấn công mới, nhất là khu vực phía Nam sông Tiền. Địch tiếp tục sa sút, bị căng kéo và chuyển vào thế co thủ.
Bước vào cao điểm II từ ngày 20/01 đến ngày 20/02/1975, khu vực phía Nam sông Tiền Tiểu đoàn 502A, Tiểu đoàn 1 Vĩnh Long và bộ đội các huyện, du kích hoạt động khá, các huyện, thị xã phía Bắc tự lực tấn công vì Tỉnh điều Tiểu đoàn 502B cho phía Nam.
Riêng Biệt động thị xã Cao Lãnh đánh tiêu hao nặng bót kinh Cụt, đánh sập cầu kinh Cụt, pháo kích trận địa pháo Quảng Khánh ở khu 2 (Mỹ Trà), phá hỏng 4 khẩu pháo 105 ly và 155 ly. Du kích khu 2 gài mìn diệt 1 xe GMC từ Chi khu Cao Lãnh vào Quảng Khánh.
Theo đề nghị từ chiến trường, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đặt tên cho chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ngày 15 và 16/4/1975, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sa Đéc họp mở rộng khẩn cấp đã tập trung thảo luận Nghị quyết đặc biệt và nhận mệnh lệnh Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa của Trung ương Cục. Hội nghị nhất trí với nhận định thời cơ chiến lược giành toàn thắng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, giải phóng Tỉnh nhà.
Được Bộ Chính trị phê chuẩn, lúc 17 giờ ngày 26/4/1975 chiến dịch Hồ Chí Minh tức cuộc Tổng công kích đồng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn miền Nam, mà trọng điểm là đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định bắt đầu.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện và được phát sóng trên đài phát thanh Sài Gòn.
15 giờ ngày 30/4/1975, mũi tấn công 1 từ rạch Ông Tơ xã Nhị Mỹ bắt đầu tiến quân về An Bình ra dưới Tắc Thầy Cai vượt sông Cao Lãnh tiến về nội ô thị xã Cao Lãnh. Mũi 2, lúc 15 giờ từ Cả Đụng đã hành quân đi tắt qua rạch Bà Vại, chia 2 cánh: Cánh 1 từ rạch Bà Vại ra rạch Ông Hổ tiến về phân chi khu Mỹ Ngãi + đồn Quế Ụt; cánh 2 tiếp quản khu hậu cần, khu gia binh, trụ sở tề Mỹ Trà.
21 giờ đến 22 giờ ngày 30/4/1975, ta tiếp quản Toà hành chánh, tiểu khu Kiến Phong và phát thanh phổ biến chính sách của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là thời điểm giải phóng thị xã Cao Lãnh, đến 24 giờ các lực lượng của ta đã tiếp quản xong các mục tiêu chính trong thị xã Cao Lãnh.
Sáng ngày 02/5/1975, hàng chục ngàn người từ các xã, huyện Cao Lãnh và thị xã Cao Lãnh dự míttinh tại sân Tòa hành chánh Kiến Phong (nay là trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp) chào mừng chiến thắng. Ông Nguyễn Thanh Khê - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh Sa Đéc đọc diễn văn ôn lại truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất chống ngoại xâm của nhân dân trong Tỉnh lên án tội ác của đế quốc Mỹ, đối với nhân dân ta, nêu bật ý nghĩa thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và khẳng định đã vĩnh viễn qua rồi đêm dài nô lệ, trang sử mới đang mở ra tương lai xán lạn cho dân tộc ta, nhân dân Tỉnh ta.
Theo chỉ đạo của Trung ương, ngày 15/5/1975 cả nước làm lễ mừng chiến thắng. Thị xã Cao Lãnh tổ chức mittinh tại sân vận động, cả chục ngàn người dự, khi kết thúc, kéo nhiều cánh tuần hành các đường chính trong thị xã, đêm có văn nghệ biểu diễn.
Ngày 19/5/1975, kỷ niệm 85 năm Ngày sinh của Bác Hồ, Tỉnh uỷ chủ trương tổ chức trọng thể tại thị xã Cao Lãnh, sau khi họp míttinh tại trung tâm Thị xã, hàng chục ngàn người thay mặt nhân dân cả nước đã làm lễ rước ảnh Bác Hồ về thăm mộ thân sinh của Người - Cụ phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc để toàn Đảng, toàn quân toàn dân khắc sâu hơn công ơn trời biển của Người, đồng thời thỏa lòng ước mong của nhân dân sớm giải phóng miền Nam để nhân dân Đồng Tháp - Cao Lãnh đón Bác vào viếng mộ thân sinh của Người.
Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, toàn Đảng bộ, quân và dân Cao Lãnh nói riêng, tỉnh Kiến Phong (Đồng Tháp) nói chung đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng tỉnh nhà, góp phần cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30/4/1975.
Tuyết Ngọc
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp (2020), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, tập II (1954 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
2. Thành uỷ Cao Lãnh (2012), Lịch sử truyền thống và cách mạng thị xã Cao Lãnh (1930 - 2005), Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp, Đồng Tháp.