Contentverzamelaar

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 5 năm 2024

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 5 năm 2024

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: "Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn "xâm lăng văn hóa" của các thế lực thù địch trong tình hình mới" của TS Đỗ Đức Giang - Đặng Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 3, Quân khu I - Học viện Quốc phòng đăng trên Tạp chí Cộng sản, mục Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch.

"Xâm lăng văn hóa" thực chất là một hình thức, thủ đoạn trong chiến lược "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; hòng làm lệch chuẩn hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam, dẫn tới nguy cơ làm thay đổi bản chất chế độ, làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Hiện nay, âm mưu, thủ đoạn "xâm lăng văn hóa" ngày càng tinh vi, xảo quyệt và rất nguy hại, đòi hỏi chúng ta phải luôn nêu cao cảnh giác và tích cực, chủ động đấu tranh phòng, chống.

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn "xâm lăng văn hóa" của các thế lực thù địch hiện nay

Thời gian qua, các thế lực thù địch mở rộng, đẩy mạnh "xâm lăng văn hóa", tập trung vào công kích, xuyên tạc, bôi nhọ, tạo ra sự mâu thuẫn về nhận thức tư tưởng của nhân dân đối với quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; phủ nhận đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng, thâm độc hơn là nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó, ra sức truyền bá các sản phẩm văn hóa ngoại lai, phản nhân văn, phi văn hóa nhằm kích thích tâm lý, lối sống thực dụng, sa đọa...; làm lệch chuẩn các giá trị văn hóa, đạo đức nhân ái, nhân văn trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ… Có thể khái quát một số phương thức, thủ đoạn "xâm lăng văn hóa" của các thế lực thù địch trong tình hình hiện nay:

Ở trong nước, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng Internet, các phương tiện truyền thông xã hội để kích động tư tưởng chống đối, lối sống thực dụng, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy; núp dưới chiêu bài tự do ngôn luận, tự do sáng tác, quyền thông tin để chống phá; khuếch trương quá khích các quyền tự do, dân chủ trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ; móc nối với những phần tử bất mãn, chống đối trong nước, lợi dụng những sơ hở, những điểm còn hạn chế trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, tung ra các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, nói xấu, vu cáo chế độ... Thông qua việc phát tán những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, lối sống lai căng vào xã hội, vào cán bộ, đảng viên và nhân dân, các thế lực thù địch âm mưu từng bước tạo sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ta.

Ở nước ngoài, các thế lực thù địch ra sức lôi kéo, thành lập các hội, nhóm văn hóa, văn nghệ phản động để tiến hành tuyên truyền, bôi nhọ quan điểm, đường lối của Đảng; dùng mọi biện pháp để công kích chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; phủ nhận những giá trị văn hóa dựng nước và giữ nước Việt Nam, nhất là hệ giá trị văn hóa giữ nước trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc; đánh đồng giá trị nhân văn, chính nghĩa với phi nghĩa, phản động, làm lẫn lộn giá trị yêu nước của những chiến sĩ cách mạng với những kẻ phản bội, cướp nước, bán nước…

Các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn để kích động, lôi kéo, lung lạc một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ trong nước; hướng lái họ đi theo các trào lưu tư tưởng văn hóa phương Tây, đào sâu "tự do, dân chủ" trong sáng tác, thành lập cái gọi là "Văn đoàn độc lập" để đối trọng với Hội Nhà văn Việt Nam... Họ còn dùng những tác phẩm văn học, nghệ thuật để tạo cớ gây áp lực đòi "nhân quyền", kích động bạo lực và lối sống thực dụng, dung tục, hòng làm phai mờ những giá trị đạo đức tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch dùng thủ đoạn cử người trực tiếp tiếp cận các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trí thức, sinh viên và một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện tha hóa, biến chất để tuyên truyền, lôi kéo tham gia các hoạt động chống đối trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Với mưu đồ phủ nhận tính giai cấp, tính Đảng của văn hóa - văn nghệ, các thế lực thù địch cổ súy chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội trong văn hóa - văn nghệ; hạ bệ những tác phẩm đỉnh cao chứa đựng sâu sắc tính nhân văn, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng... Một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân đã có biểu hiện nhận thức lệch lạc về các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chạy theo lối sống phương Tây; thương mại hóa các hoạt động văn hóa một cách thái quá, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc...

Một số giải pháp phòng, chống âm mưu, thủ đoạn "xâm lăng văn hóa"

Một là, tăng cường giáo dục, bồi đắp hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: "Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên". Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp hết sức quan trọng để ngăn ngừa tác động của những âm mưu, thủ đoạn "xâm lăng văn hóa"; tạo "sức đề kháng", sự "miễn dịch" trong các tầng lớp nhân dân trước mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch. Cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân ái, nhân văn trong truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới, đó chính là sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống với giá trị hiện đại; tích cực gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực, tệ nạn xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay.

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp uỷ, chính quyền; phát huy tốt vai trò nêu gương về văn hóa của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt ở địa phương, cơ sở

Trước hết, cấp uỷ, chính quyền ở các địa phương, cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới; tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với xây dựng, phát triển văn hóa, con người.

Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; chăm lo đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; có cơ chế khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo trong hoạt động văn học, nghệ thuật, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin, nhất là trên Internet, các phương tiện truyền thông xã hội. Kiên quyết ngăn ngừa, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến sự ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục…

Ba là, đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở các địa phương, cơ sở

Xây dựng môi trường văn hóa ở địa phương, cơ quan, đơn vị hiện nay cần phải đồng bộ, toàn diện, bao gồm hệ thống các giá trị văn hóa, các quan hệ văn hóa, hoạt động văn hóa và thiết chế, cảnh quan văn hóa. Chăm lo xây dựng văn hóa từ trong các tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đến văn hóa, nhân cách của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tập trung xây dựng đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân, "cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân…; bảo đảm công bằng về cơ hội và thụ hưởng văn hóa. Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp…". Chăm lo xây dựng các quan hệ văn hóa lành mạnh, văn minh, tiến bộ trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp và trong mỗi gia đình…; khắc phục sự xuống cấp về đạo đức trong các quan hệ văn hóa, nhất là trong giới trẻ hiện nay. Xây dựng cảnh quan văn hóa hài hòa, thân thiện, văn minh; tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú, tạo ra ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị một không gian văn hóa lành mạnh, tiến bộ, để ngăn chặn sự nảy sinh những biểu hiện phản văn hóa.

Bốn là, gắn kết chặt chẽ giữa "xây""chống"; giữa gìn giữ, bồi đắp hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người thời kỳ mới với kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa, lọc bỏ những biểu hiện phản giá trị văn hóa

Kết hợp chặt chẽ giữa "xây""chống" vừa là yêu cầu khách quan, vừa là giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống âm mưu, thủ đoạn "xâm lăng văn hóa" của các thế lực thù địch hiện nay. Những tác động tiêu cực từ mặt trái nền kinh tế thị trường, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và mưu đồ chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch đã và đang làm nảy sinh ngày càng gia tăng những biểu hiện phi văn hóa, phản giá trị, suy thoái, tệ nạn, tiêu cực... Kết hợp chặt chẽ giữa "xây""chống" nhằm lấy "xây" để "chống", lấy "cái đẹp" để "dẹp cái xấu" và lấy "chống" để "xây", kiên quyết "nhổ cỏ dại" để "hái mùa vàng".

Trong tình hình mới, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần coi trọng giáo dục, gìn giữ, bồi đắp và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện bản sắc giá trị của mình; đồng thời, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, để có những giá trị văn hóa mới, mang tính tiên tiến, văn minh, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa, lọc bỏ những biểu hiện phản giá trị văn hóa, nhất là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng; các hành vi vi phạm pháp luật ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, nhất là vai trò của cơ quan chức năng, các ban chỉ đạo 35, lực lượng nòng cốt đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Đây là việc làm thường xuyên, lâu dài, được tiến hành một cách bền bỉ, kiên trì trên mọi lĩnh vực, hoạt động, tổ chức, lực lượng và trong mỗi con người. Trong đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa khơi dậy và phát huy vai trò nêu gương về văn hóa của cán bộ, đảng viên với tăng cường quản lý, điều hành, thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm.

PHẦN B: THÔNG TIN THỜI SỰ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2024

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 11.954 tỷ đồng, tăng 2,59% so với tháng trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 209.615 ngàn USD, tăng 1,32% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 59.843 ngàn USD, tăng 1,82% so với tháng trước. Ngành giáo dục tập trung hoàn thành chương trình giảng dạy năm học 2023 - 2024. Tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối năm; ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và kỹ năng cơ bản cho học sinh lớp 12 để chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT theo lịch thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngành y tế tập trung nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Hiện nay trên địa bàn Tỉnh xuất hiện nắng nóng, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, điều kiện thuận lợi các loại bệnh dịch bùng phát như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật bản, đậu mùa khỉ, bệnh dại (ở chó, mèo), vi-rút cúm gia gầm H5N1... Từ đầu năm đến nay đã tổ chức 06 phiên giao dịch việc làm, có 91 đơn vị trực tiếp tham gia tuyển dụng tuyển sinh; có 1.703 lao động đến tham dự. Tính từ đầu năm đến nay toàn Tỉnh có 15.475 lao động được giải quyết việc làm; trong đó có 708 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, lao động đang học ngoại ngữ - giáo dục định hướng là 1.131 người. Ra quyết định cho 2.216 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, với số tiền là 38.048,510 triệu đồng.

2. Quy định về đánh giá, công nhận "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập"

Ngày 14/4/2024, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND thực hiện quy định về đánh giá, công nhận "Cộng đồng học tập" cấp xã, huyện, tỉnh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và Kế hoạch số 130/KH-UBND về triển khai thực hiện quy định về đánh giá, công nhận "Đơn vị học tập" cấp huyện, tỉnh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Trong đó, đối với triển khai thực hiện quy trình đánh giá, công nhận "Cộng đồng học tập" cấp xã, huyện, tỉnh yêu cầu bảng tổng hợp kết quả đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu; thông tin, số liệu của báo cáo tự đánh giá và bảng tổng hợp kết quả các tiêu chí, chỉ tiêu được tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm đánh giá. Đơn vị được công nhận "Cộng đồng học tập" Mức độ 1 sau ít nhất 01 năm (12 tháng) kể từ ngày ra Quyết định công nhận có thể đề nghị đánh giá, công nhận "Cộng đồng học tập" Mức độ 2. Kết quả công nhận được bảo lưu trong thời hạn 03 năm (36 tháng) tiếp theo năm được công nhận là "Cộng đồng học tập" cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh.

Đối với việc đánh giá, công nhận "Đơn vị học tập" cấp huyện, tỉnh yêu cầu đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh được công nhận "Đơn vị học tập" Mức độ 1 sau ít nhất 01 năm (12 tháng) kể từ ngày ra Quyết định công nhận có thể đề nghị đánh giá, công nhận "Đơn vị học tập" nâng mức độ 2. Kết quả công nhận được bảo lưu trong thời hạn 03 năm (36 tháng) tiếp theo năm được công nhận là "Đơn vị học tập" cấp huyện, cấp tỉnh.

Thời gian thực hiện năm 2024, năm 2025, năm 2026 và các năm tiếp theo.

3. Đồng Tháp dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long  Chỉ số SIPAS

Kết quả này được công bố tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức vào sáng ngày 17/4/2024, tại Hà Nội.

Theo đó, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) tỉnh Đồng Tháp đạt 84,90% (tăng 4,37% so với năm 2022), xếp hạng 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, xếp nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long (tăng 04 hạng so với năm 2022). Trong đó, mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách đạt 84,88% (xếp hạng 14/63 tỉnh, thành), mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công đạt 84,94% (xếp hạng 15/63 tỉnh, thành).

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Một số giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

Do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước bị thiếu hụt, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở một số địa phương, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên. Để hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Theo dõi chặt diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt.

Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác; vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Chủ động nạo vét các kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước, kết hợp tận thu vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật. Bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; ưu tiên bố trí kinh phí để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình phục vụ cấp nước, kiểm soát nguồn nước, đặc biệt công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, công trình lấy nước ven sông và hồ chứa nước ngọt.

2. Nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới

Ngày 05/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 281/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 25-CT/TW và các văn bản hướng dẫn thực hiện bằng nhiều hình phù hợp. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chính quyền, cơ quan chuyên môn trong thực hiện trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động và tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ sở, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu bảo đảm công bằng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở, phấn đấu đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo hoặc tập huấn về chuyên môn. Phát triển mô hình bác sĩ gia đình, thiết lập hệ thống chuyển tuyến chuyên môn linh hoạt. Xây dựng quy định việc chuyển tuyến chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Bộ Nội vụ Anh khởi động chiến dịch truyền thông về di cư bất hợp pháp tại Việt Nam

Chương trình truyền thông tại Việt Nam là bước đi mới nhất của Anh trong chiến dịch hợp tác quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu. Thông qua chương trình này, Anh muốn cảnh báo những nguy cơ khi nhập cảnh trái phép vào Anh, đồng thời vạch trần thủ đoạn của các đường dây buôn người. Các chiến dịch tương tự đang được Chính phủ Anh xem xét thực hiện tại các quốc gia ưu tiên khác. Chương trình sẽ thông qua mạng xã hội Facebook và YouTube để tuyên truyền về những nguy hiểm mà người di cư phải đối mặt trong hành trình di cư bất hợp pháp đến Anh. Theo Bộ Nội vụ Anh, hằng năm, các băng nhóm tội phạm có tổ chức đưa hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, sang Anh bằng cách vượt Eo biển Manche bằng thuyền nhỏ. Số người tử vong trên hành trình vượt biển này trong năm 2023 tăng gấp 3 lần so với năm trước đó.

2. Khoá họp thường kỳ lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Khóa họp thường kỳ lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã bế mạc vào ngày 05/4/2024, với 32 nghị quyết và 02 quyết định được thông qua. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã tham dự Khóa họp trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã tổ chức thành công phiên họp cấp cao; 07 phiên thảo luận chuyên đề - về phổ cập quyền con người, chống hận thù tôn giáo dẫn đến kích động phân biệt, thù địch, bạo lực, các thách thức và thực tiễn để bảo đảm quyền an sinh xã hội và cung cấp dịch vụ công chất lượng, quyền người khuyết tật; 02 phiên thảo luận về quyền trẻ em; kỷ niệm Ngày quốc tế chống phân biệt chủng tộc; những phiên thảo luận, đối thoại về tình hình nhân quyền tại các nước trên thế giới…

Phát biểu tại phiên khai mạc Khóa họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định lại các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người. Đồng thời, tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026 - 2028.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp