Agrégateur de contenus

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 11 năm 2024

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 11 năm 2024

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: Sinh hoạt, phổ biến đến cán bộ, đảng viên nội dung bài viết: Phòng, chống "xâm lăng văn hóa" trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đăng trên Tạp chí Cộng sản, mục Văn hoá - xã hội.

Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đã, đang và tiếp tục mở ra nhiều thời cơ cho các quốc gia trong giao lưu, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Song, quá trình này cũng đặt ra không ít thách thức đối với việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là đối với những nền văn hóa giàu truyền thống như Việt Nam. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với nước ta trong bối cảnh mới hiện nay là nhận diện nguy cơ "xâm lăng văn hóa", từ đó đề xuất các giải pháp hiệu quả, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhận diện nguy cơ "xâm lăng văn hóa"

Trong bối cảnh hiện nay, có thể hiểu, "xâm lăng văn hóa" là khái niệm mô tả quá trình một quốc gia dựa vào thực lực nhiều mặt, trong đó có thế mạnh văn hóa để tiến hành lan truyền và áp đặt các quan niệm, giá trị văn hóa đối với các quốc gia khác (nhất là đối với các quốc gia đang phát triển). Trong xã hội truyền thống, khi một nước bị mất độc lập, chủ quyền và bị rơi vào tay ngoại xâm thì đồng thời nước đó sẽ bị áp đặt văn hóa. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, quá trình "xâm lăng văn hóa" diễn ra phức tạp hơn, đa dạng về hình thức và cấp độ. Bối cảnh mở cửa, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại quốc tế cũng thúc đẩy giao lưu văn hóa, là quá trình tiềm ẩn nguy cơ "xâm lăng văn hóa".

Ví dụ, các thương hiệu và sản phẩm quốc tế không chỉ đơn thuần là hàng hóa, mà còn là biểu hiện về lối sống, phong cách sống. Lối sống coi trọng giá trị vật chất, sùng ngoại sẽ dẫn đến tâm lý xem nhẹ hơn giá trị tinh thần, những yếu tố mang tính dân tộc. Những chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, thực phẩm được chế biến sẵn có mặt khắp nơi hình thành thói quen ăn uống mới trong giới trẻ, có thể dẫn đến tình trạng lãng quên văn hóa ẩm thực truyền thống. Ngoài ra, hoạt động du lịch, du học, xuất khẩu lao động… cũng là những cách thức giao lưu văn hóa ít nhiều chứa đựng khả năng bị "xâm lăng văn hóa".

Quá trình "xâm lăng văn hóa" diễn ra ở nhiều cấp độ, hướng tới nhiều mục đích, như sự xuất hiện ồ ạt, tràn lan của các sản phẩm văn hóa có nguồn gốc từ nước ngoài nhằm lũng đoạn thị trường sản phẩm văn hóa trong nước; sự xuyên tạc, hạ thấp những giá trị văn hóa truyền thống nhằm tạo ra tâm lý tự ti, sùng ngoại; tuyên truyền, quảng bá cho những giá trị ngoại lai, những hành động và lối sống không phù hợp với văn hóa truyền thống, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc nhằm cổ xuýtx bạo lực và những ham muốn thấp hèn; bôi nhọ hình tượng lãnh tụ, danh nhân, bịa đặt về những vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, chủ quyền nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; truyền bá những hệ tư tưởng mới nhằm gây phân rã về tư tưởng, bất ổn xã hội. Những mục đích này có thể được bộc lộ công khai bằng các diễn ngôn trực tiếp nhưng cũng có khi được ẩn náu tinh vi trong cái vỏ bọc "hình tượng nghệ thuật", "sản phẩm văn hóa"...

"Xâm lăng văn hóa" gây ra những hệ lụy trên nhiều phương diện, không chỉ tác động đến văn hóa, mà còn tác động đến các lĩnh vực khác của đời sống: (1) Về phương diện kinh tế, có thể làm suy yếu các ngành kinh tế dựa trên việc khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển, nhất là các ngành công nghiệp văn hóa, làm mất đi cơ hội của những lĩnh vực, những hoạt động kinh tế gắn với phát huy giá trị văn hóa địa phương. (2) Về phương diện chính trị, cũng là nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. (3) Về phương diện văn hóa, đặt văn hóa truyền thống trước nhiều nguy cơ, như biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, trở thành bóng mờ của nền văn hóa khác, bản sắc dân tộc bị mai một, thậm chí lụi tàn và biến mất. (4) Về phương diện xã hội, sự biến đổi lối sống, sự đảo lộn giá trị, sự xuất hiện những giá trị mới không phù hợp với văn hóa truyền thống dễ làm rạn nứt các mối quan hệ xã hội, dễ dẫn đến khủng hoảng xã hội. (5) Về phương diện đối ngoại và an ninh, quốc phòng, gây ra sự xung đột văn hóa, xung đột xã hội, từ đó dẫn đến tình trạng mất an ninh, an toàn trong các cộng đồng. Cản trở tiến trình đối thoại hòa bình giữa các quốc gia, giữa các nền văn hóa trên thế giới.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phòng, chống "xâm lăng văn hóa"

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề văn hóa, chú trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và kiên quyết đấu tranh chống lại sự "xâm lăng văn hóa". Ngay từ "Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943, Đảng đã khẳng định rõ một trong ba nguyên tắc để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam là: "Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập)". Như vậy, vấn đề chống xâm lăng văn hóa được Đảng ta đặt ra từ rất sớm.

Bước vào thời kỳ đổi mới, quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng mang lại nhiều thời cơ nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trong xây dựng nền văn hóa dân tộc. Đảng ta nhất quán khẳng định tinh thần bảo vệ bản sắc dân tộc đi đôi với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới; đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện "xâm lăng văn hóa". Cụ thể, Đại hội VII: "Phát triển văn hóa dân tộc đi đôi với mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Kiên quyết chống những hiện tượng và hành vi thô bạo, lai căng phản văn hóa, phi đạo đức và nhân tính"; Đại hội VIII: "Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, phải đặc biệt quan tâm gìn giữ và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc. Tiếp thu tinh hoa của các dân tộc trên thế giới, làm giàu đẹp thêm nền văn hóa Việt Nam; đấu tranh chống lại sự xâm nhập của các loại văn hóa độc hại, những khuynh hướng sùng ngoại, lai căng, mất gốc"; Đại hội IX: "Tiếp thu tinh hoa và góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của nhân loại. Đấu tranh chống sự xâm nhập của văn hóa độc hại"; Đại hội X: "Tích cực mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa, chống sự xâm nhập của các loại văn hóa phẩm độc hại, lai căng"; Đại hội XI: "Đổi mới, tăng cường việc giới thiệu, truyền bá văn hóa, văn học, nghệ thuật, đất nước, con người Việt Nam với thế giới… Tiếp thu những kinh nghiệm tốt về phát triển văn hóa của các nước, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc của nước ngoài với công chúng Việt Nam… Xây dựng cơ chế, chế tài ngăn chặn, đẩy lùi, vô hiệu hóa sự xâm nhập và tác hại của các sản phẩm đồi trụy, phản động; bồi dưỡng và nâng cao sức đề kháng của công chúng, nhất là thế hệ trẻ"; Đại hội XII: "Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa"; Đại hội XIII: "Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại; từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới".

Như vậy, trong quá trình hội nhập quốc tế, Đảng ta luôn nhất quán chủ trương bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc đi đôi với tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu cho nền văn hóa Việt Nam; kiên quyết và kiên trì đấu tranh chống lại các phản văn hóa, phản giá trị, các sản phẩm có nội dung xấu, độc; chú trọng việc chống lại sự "xâm lăng văn hóa" và mối quan hệ biện chứng giữa "xây" và "chống".

Những vấn đề đặt ra và giải pháp phòng, chống "xâm lăng văn hóa"

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu trong sự phát triển của nhân loại. Ngày nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tác động mạnh mẽ tới tất cả các quốc gia. Yêu cầu đặt ra đối với tất cả các quốc gia là phải tính đúng, tính đủ sự tác động (kể cả thời cơ và thách thức) của bối cảnh này. Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế văn hóa nằm trong dòng chảy chung của bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Trong quá trình ấy, việc tiếp nhận những giá trị văn hóa ngoại sinh là lẽ đương nhiên vì giao lưu văn hóa cũng chính là quy luật cơ bản để một nền văn hóa có thể tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, tiếp nhận những giá trị nào và mức độ tiếp nhận, quá trình này cần được xem xét cẩn trọng. Không thể quay lưng, khước từ các giá trị ngoại sinh nhưng đồng thời cũng không được phép tiếp nhận thiếu chọn lọc cả những yếu tố phản văn hóa, không phù hợp với văn hóa dân tộc.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phòng, chống "xâm lăng văn hóa" trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về vai trò của bản sắc văn hóa dân tộc. Phát huy vai trò định hướng, cung cấp thông tin của các cơ quan truyền thông, lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam, đồng thời tích cực tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn "xâm lăng văn hóa".

Thứ hai, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, chống lại sự "xâm lăng văn hóa". Có chế tài xử lý các hành vi "xâm lăng văn hóa", bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh những đối tượng khác.

Thứ ba, làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tiếp tục hoàn thiện Luật Di sản cho phù hợp với bối cảnh thực tế để gia tăng tính hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Có chính sách đãi ngộ hợp lý với những nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể.

Thứ tư, thúc đẩy sáng tạo những giá trị văn hóa mới. Khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, đưa chất liệu văn hóa truyền thống vào trong những sáng tạo văn hóa, nghệ thuật; tìm tòi các phương pháp, hình thức thể hiện mới mẻ, chuyển tải được tinh thần thời đại, những giá trị phổ quát của nhân loại vào trong các sáng tạo văn hóa.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, chống lại sự "xâm lăng văn hóa". Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực văn hóa; khuyến khích sự lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc trên không gian mạng; kịp thời phát hiện các thông tin xấu, độc, các sản phẩm phản văn hóa, phản giá trị để ngăn chặn, gỡ bỏ hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, chủ động giao lưu hợp tác quốc tế về văn hóa. Tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Tham gia các công ước quốc tế về bảo vệ sự đa dạng văn hóa, tôn trọng các quyền văn hóa.

PHẦN B: THÔNG TIN THỜI SỰ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Đồng Tháp khánh thành Nhà trưng bày Xứ uỷ Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo

Ngày 10/10/2024, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười), Uỷ ban nhân dân Tỉnh khánh thành Nhà trưng bày Xứ uỷ Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo. Công trình bao gồm các hạng mục: Sảnh và lễ tân, không gian tưởng niệm, phòng trưng bày chuyên đề Xử uỷ Nam Bộ, phòng trưng bày Văn hoá Óc Eo, phòng thuyết minh, kho hiện vật… Tổng mức vốn đầu tư hơn 55 tỷ đồng.

Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, lịch sử của địa phương; phục vụ lưu trữ, trưng bày hiện vật khảo cổ và là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch và đời sống văn hoá tỉnh nhà.

2. Kỷ niệm 70 năm Ngày Tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh (10/1954 - 10/2024)

Ngày 29/10/1954, tại Bến bắc Cao Lãnh diễn ra cuộc đưa tiễn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Thi hành Hiệp định Genève, địa điểm Tập kết ra Bắc có 13.508 người tập kết tại đây, trong đó có 2.563 người thuộc tỉnh Long Châu Sa - Đồng Tháp ngày nay. 100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh là sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc, tạo tiền đề cho cách mạng Việt Nam bước sang một trang sử mới đầy oanh liệt và hào hùng.

Ngày 01/9/2024, kỷ niêm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024), Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, các Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá, Đồng Tháp phối hợp tổ chức chương trình Cầu Truyền hình với chủ đề "Niềm tin và Khát vọng". Trước đó, ngày 24/02/2023, "Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh" được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử quốc gia.

3. Thông tin, tuyên truyền những sự kiện nổi bật được tổ chức trong tháng 

- Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II năm 2024, diễn ra vào ngày 15 - 16/11/2024 tại Nhà Văn hoá Lao động Đồng Tháp. Diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy khí thế, hành động của hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo nhằm cụ thể hoá chủ trương của Chính phủ về Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, chú trọng mục tiêu tạo dựng Đồng Tháp là "Trung tâm giải pháp chuyển đổi xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long" trong tình hình mới.

- Ngày hội Cá tra Đồng Tháp - năm 2024 diễn ra từ ngày 16 - 17/11/2024 tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Hồng Ngự với chủ đề "Cá tra Đồng Tháp: Hành trình xanh - Giá trị xanh". Ngày hội được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, với sự tham dự của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành có sản xuất cá tra (An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre...), các Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, người nuôi trồng thuỷ sản, nhà cung ứng vật tư đầu vào, chế biến và tiêu thụ ngành hàng cá tra trong tỉnh, khu vực.

- Hội thảo khoa học "Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - tấm gương trọn đời vì nước, vì dân", được tổ chức vào ngày 24 - 25/11/2024, tại 03 hội trường trong khuôn viên Tỉnh uỷ (Số 27, đường Tôn Đức Thắng, Phường 1, thành phố Cao Lãnh). Hội thảo nhằm làm rõ và sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, hoạt động, những đóng góp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với phong trào yêu nước nói chung và phong trào yêu nước tại Đồng Tháp nói riêng; làm sáng tỏ những phẩm chất cao đẹp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (tinh thần hiếu học, cần cù, kiên trì, vượt khó vươn lên, liêm khiết, lòng yêu nước, thương dân,…); khẳng định những ảnh hưởng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Thông qua Hội thảo, phát hiện thêm những tư liệu mới và tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu về thân thế, sự nghiệp, quá trình hoạt động của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; góp phần tuyên truyền, giáo dục tinh thần cần cù, hiếu học, truyền thống yêu nước, thương dân cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Một số nét về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2024

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung GDP 9 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,82%, cao hơn so với mục tiêu và cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 2.417,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đạt kỷ lục, 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khả quan, xuất siêu ở mức cao, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,4%; nhập khẩu tăng 17,3%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước và 2,63% so với cùng kỳ năm trước...

2. Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 8

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 21/10 đến sáng ngày 30/11/2024. Chương trình gồm: Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc Kỳ họp; lãnh đạo Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; lãnh đạo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025… Đồng thời, Quốc hội nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Đặc biệt, Quốc hội tiến hành quy trình nhân sự đối với chức danh Chủ tịch nước ngay trong ngày làm việc đầu tiên. Quy trình này được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Kết quả, với 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu đồng chí Lương Cường, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư giữ chức Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam

Từ ngày 30/9 - 07/10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có các chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ và thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhằm tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đồng thời thể hiện sự coi trọng cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Mông Cổ, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Ireland, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp và mong muốn nâng tầm, làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác phù hợp với tình hình mới và lợi ích của các nước.

Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tạo nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng trong quan hệ với 3 nước. Đặc biệt, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thông báo mở Đại sứ quán Việt Nam tại Ireland sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ song phương.

2. Một số sự kiện thế giới đáng chú ý

- Báo cáo về triển vọng kinh tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tháng 9/2024 nhận định, kinh tế toàn cầu đang bắt đầu ổn định nhờ thương mại mạnh mẽ và thu nhập thực tế được cải thiện. OECD dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu là 3,2% cho cả năm 2024 và 2025, tăng nhẹ so với mức 3,1% vào năm 2023. Lãi suất cao hơn dự kiến và những bất ổn đang diễn ra liên quan đến thị trường năng lượng và chính sách biến đổi khí hậu tiếp tục là những rủi ro lớn đối với triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Theo chỉ số PMI sản xuất toàn cầu tháng 10/2024, lĩnh vực sản xuất tiếp tục gặp khó khăn, tăng trưởng kém vững chắc, nguyên nhân chính do nhu cầu suy yếu và chi phí tăng cao. Những khu vực như châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục chịu sức ép nặng nề, trong khi một số quốc gia ở khu vực châu Á có triển vọng tích cực hơn.

- Đại hội đồng Liên hợp quốc (09/10) bầu 18 thành viên mới tham gia Hội đồng nhân quyền, gồm 47 quốc gia thành viên. Các quốc gia này sẽ có nhiệm kỳ kéo dài 3 năm, kể từ ngày 01/01/2025. Thông qua hình thức bỏ phiếu kín, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Benin, Bolivia, Colombia, Cộng hòa Cyprus, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Gambia, Iceland, Kenya, Quần đảo Marshall, Mexico, Bắc Macedonia, Qatar, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Thái Lan làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2025 - 2027.

                                                           Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp