Agrégateur de contenus

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 3 năm 2025

Trang chủ Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 3 năm 2025

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng dưới góc độ chống chủ nghĩa cá nhân nhìn từ cuộc đấu tranh trong chính bản thân mỗi cán bộ, đảng viên" của Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Anh, được đăng trên Tạp chí Cộng sản.

Cá nhân tự giải quyết hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích tổ chức, lợi ích xã hội sẽ góp phần thúc đẩy tổ chức và xã hội phát triển; cá nhân đặt lợi ích bản thân lên trên, lên trước lợi ích tập thể thì tất yếu tập thể, tổ chức không thể phát triển mạnh mẽ, đúng hướng. Do vậy, từng cán bộ, đảng viên phải có ý thức về vai trò, trách nhiệm và thực hiện tốt nhiệm vụ đảng viên mới xây dựng được tổ chức đảng vững mạnh về tư tưởng. Từng tổ chức đảng vững mạnh về tư tưởng đồng nghĩa nền tảng tư tưởng của Đảng được bảo vệ vững chắc ngay từ bên trong.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa cá nhân và liên hệ với bối cảnh hiện nay

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa cá nhân chủ yếu được tập trung dưới góc nhìn đạo đức học, đạo đức cách mạng. Xuyên suốt, nổi bật trong tư tưởng ấy là tinh thần kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân và các "căn bệnh" nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân để bảo vệ Đảng từ gốc, để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh.

Trong tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến vấn đề này. Người chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân là "việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo "mình vì mọi người" mà chỉ muốn "mọi người vì mình". Ngay từ tiêu đề, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh "nâng cao đạo đức cách mạng" đi liền với "quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Làm rõ mối liên hệ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra "Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân". Như vậy, theo Người, chủ nghĩa cá nhân là đi ngược lại phẩm chất tốt đẹp trong truyền thống dân tộc, trái với đạo đức xã hội xã hội chủ nghĩa, và tác hại của chủ nghĩa cá nhân đối với từng cá nhân, đối với tập thể, đối với toàn Đảng, đối với đất nước là rất to lớn.

Trong số căn bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra, có: Bệnh hiếu danh, tham danh, thích địa vị quyền hành; bệnh kéo bè, kéo cánh, thiếu công bằng trong đánh giá; bệnh tham lam,... Người mắc bệnh này đều đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích tập thể, dựa vào trách nhiệm được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó để đạt mục đích cá nhân, sẵn sàng bỏ qua lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân. Đây là nguồn cơn của tình trạng tham ô, tham nhũng, là căn nguyên dẫn đến lối sống trên tiền, xa hoa...

Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới". Từ tinh thần của Nghị quyết, có thể thấy bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân; kết hợp giữa "xây" và "chống", giữa đấu tranh "trong" với "ngoài"; cần tiếp tục nâng cao nhận thức về nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh cá nhân chủ nghĩa; yêu cầu tổ chức đảng và đảng viên xây dựng nhận thức đúng đắn cho mình và cho quần chúng về nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình, phê phán các quan điểm sai trái, chấn chỉnh những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", cá nhân chủ nghĩa,...

Trong bối cảnh mới hiện nay, rất cần thiết làm rõ cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với một số nhận thức mới, đó là đấu tranh tự bảo vệ từ bên trong nội bộ Đảng, từ trong từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với căn bệnh cá nhân chủ nghĩa.

Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới cần được hiểu không chỉ là đấu tranh với bên ngoài, chống lại sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, mà cần mở rộng theo hướng bảo vệ những giá trị tốt đẹp của Đảng, của chế độ, của xã hội xã hội chủ nghĩa. Đảng lãnh đạo đề ra đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, ban hành Điều lệ Đảng, Quy định về Những điều đảng viên không được làm,... và cán bộ, đảng viên có trách nhiệm thi hành Điều lệ Đảng, thực hiện nghiêm Quy định về Những điều đảng viên không được làm,... đó chính là tự bảo vệ bản thân, là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, "Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân". Vì vậy, phải có thái độ "kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt". Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Do đó, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cần được đặt ngang hàng, đồng thời với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Biểu hiện mới của chủ nghĩa cá nhân - qua góc nhìn một số đại án

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, về bản chất chính là cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Trong thời kỳ trước chúng ta đã chứng kiến biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, như một số cá nhân được tin tưởng giao trách nhiệm, nhưng lại ăn bớt, ăn gian, trộm cắp của công,...

Tuy khó có thể nhận diện hết hình thức biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong đời sống xã hội..., nhưng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua được đẩy mạnh đã cho thấy một số biểu hiện mới của chủ nghĩa cá nhân. Đó là là sự suy thoái về đạo đức cách mạng, căn bệnh lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham ô, tham nhũng, "bắt tay" với doanh nghiệp vì lợi ích cá nhân; đó là sự "khiêm nhường" bề ngoài, nhưng bản chất bên trong vẫn là độc đoán, chuyên quyền, vẫn đặt lợi ích cá nhân lên trên, lên trước lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia. Lợi ích cá nhân trong thời kỳ mới không chỉ đơn thuần là lợi ích vật chất trước mắt, mà đó còn là lợi ích trong sự thăng tiến của bản thân, thậm chí còn là lợi ích nhóm trong sự thăng tiến của người thân, gia đình, dòng họ, đồng hương,... Các biểu hiện này trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã và đang được nhận diện, được toàn Đảng đồng tâm khắc phục, cho dù phải trả giá bằng tổn thất không nhỏ về cán bộ.

Đi sâu một số đại án trong thời gian qua ở nhiều tỉnh, thành phố cho thấy rõ chủ nghĩa cá nhân đã và đang xuất hiện với biểu hiện hành vi sai phạm mới. Năm 2017: Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng phải chịu trách nhiệm chính về vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2015 - 2020; một Phó Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh bị khai trừ Đảng, bị khởi tố vì tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí"; năm 2020, có 3 Uỷ viên Bộ Chính trị bị xử lý kỷ luật,...

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến các vi phạm trên, có thể thấy:

Từ góc nhìn đạo đức: Chủ nghĩa cá nhân là nguồn căn dẫn đến sự chuyển hóa con người từ tốt sang xấu, "là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu". Thường có hai trường hợp: (1) Khi nảy sinh tư tưởng vì lợi ích cá nhân, con người sẽ xuất hiện suy nghĩ tìm kiếm cách thức để thu vén lợi ích cho bản thân. Mưu mô, thủ đoạn bắt đầu xuất hiện cộng với thẩm quyền, chức trách được giao sẽ chi phối hành vi con người, biến người tốt thành người xấu. (2) Đứng trước cám dỗ vật chất lớn, lại có thẩm quyền trong tay, khiến cán bộ dễ dàng xuôi chiều, bỏ qua quy định pháp luật, bỏ qua quy tắc đạo đức để hưởng lợi. Do đó, tự tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức người cán bộ, đảng viên là yêu cầu tất yếu đầu tiên. Con người không thường xuyên dưỡng ĐỨC làm gốc rễ thì dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Từ góc nhìn chính trị: Chủ nghĩa cá nhân che lấp, làm cá nhân đi ngược với các giá trị chung. Sự tác động của lợi ích cá nhân khiến cá nhân dễ bị tác động, dễ dẫn đến việc làm không có lợi cho tổ chức, cho Đảng, cho đất nước; có thể vì lợi ích bản thân mà gây mất đoàn kết trong tổ chức, gây chia rẽ trong quần chúng, thậm chí có thể đánh mất lý tưởng, phản bội đất nước. Cá nhân hưởng thụ bất kỳ lợi ích không chính đáng nào cũng là đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Con người phải kiên định và KIÊN ĐỊNH CHÍNH TRỊ giúp con người đứng vững trong mọi hoàn cảnh, tình huống.

Từ góc nhìn kinh tế: Chủ nghĩa cá nhân là nguồn căn của tệ tham nhũng, của việc lợi dụng hạn chế, lỗ hổng trong chính sách. Lợi ích hấp dẫn con người chủ yếu xoay quanh lợi ích về kinh tế, vật chất. Dưới góc nhìn kinh tế, có thể khái quát hai dạng chủ yếu: (1) Chủ nghĩa cá nhân trực tiếp dẫn tới hành vi tham ô, tham nhũng, gây thiệt hại về vật chất. (2) Chủ nghĩa cá nhân gián tiếp tác động đến việc ban hành chính sách. Vì lợi ích cá nhân, chủ thể có trách nhiệm trong quá trình xây dựng, ban hành chính sách có thể chủ ý điều chỉnh chính sách cốt mang lại lợi ích cho bản thân, bất chấp việc điều chỉnh này không mang lại lợi ích cho tập thể, thậm chí gây thiệt hại về kinh tế cho đất nước.

Từ góc nhìn văn hóa - xã hội: Mỗi con người để chủ nghĩa cá nhân lấn át, chi phối không chỉ kéo tụt sự phát triển của cá nhân, mà còn gây tổn hại cho sự lành mạnh của môi trường văn hóa, là lực cản sự phát triển xã hội. Khi bị đồng tiền chi phối, con người có thể vô cảm trước nỗi đau của người khác. Vụ án chuyến bay giải cứu cho thấy sự thật đau lòng này. Vụ án liên quan đến việc quan chức và doanh nghiệp nhận và đưa hối lộ để được cấp phép thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Một số bị can bị truy tố tội "Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"... Từ góc nhìn văn hóa - xã hội, đây không chỉ là lợi dụng chức vụ, quyền hạn, mà ở chỗ các bị can đã bị lợi ích cá nhân làm "mờ mắt", vô cảm, không đồng cảm, bất chấp khó khăn của người gặp hoạn nạn muốn được trở về đất nước trong đại dịch COVID-19. Qua vụ án, có thể thấy, từng cán bộ, đảng viên phải là người có tấm lòng nhân ái, vì cộng đồng; có đạo đức trong thực thi công vụ. Và chống tham nhũng, chống chủ nghĩa cá nhân phải đồng thời với XÂY DỰNG VĂN HÓA, ĐẠO ĐỨC.

Do đó, trong bối cảnh hiện nay, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cam go nhất, gay gắt nhất, khó khăn nhất chính là cuộc tự đấu tranh trong nội bộ Đảng, cuộc đấu tranh trong chính bản thân mỗi cán bộ, đảng viên.

Cách thức, giải pháp đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bảo vệ Đảng thời gian tới

Trong thời gian tới, để cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đạt hiệu quả cao hơn, phải có giải pháp cụ thể trên cơ sở nhận thức mới về cuộc đấu tranh này, bao gồm nhận thức mới về hành vi, biểu hiện mới của chủ nghĩa cá nhân, chủ thể mới được coi là đối tượng đấu tranh, và nội dung, phương thức đấu tranh mới.

Một là, nhận diện chủ thể đấu tranh trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hiện nay.

Đối với chủ thể đấu tranh là tổ chức đảng: phải khai thông nhận thức theo hướng hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa cá nhân; nắm được hình thức biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân; nắm vững nguyên tắc đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân; xử lý nghiêm khắc, nghiêm minh, công bằng, tạo sức răn đe, không tạo tiền lệ, không để ngoại lệ,...

Đối với chủ thể đấu tranh là cán bộ, đảng viên: Xác định cuộc đấu tranh này là "cuộc chiến" lâu dài, thường xuyên, liên tục, không thể hình thức, không theo phong trào, không được nể nang; không có ngoại lệ, phải kiên trì, không nóng vội và phải gắn liền với các nhiệm vụ khác, như phải tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, đề cao ý thức tự giác, nâng cao trình độ hiểu biết, năng lực thực thi công vụ, bồi dưỡng chính trị, xây dựng văn hóa, đạo đức, xây dựng ý thức, trách nhiệm công dân, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của người đảng viên,... tránh tình trạng cả hữu ý và vô tình, cả chủ động và bị lôi kéo, vì cám dỗ mà vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nền tảng cơ sở vững chắc là tiếp tục tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đề cao tinh thần chấp hành kỷ luật Đảng, chấp hành pháp luật của Nhà nước, đề cao đạo đức cách mạng chân chính của người cán bộ, đảng viên,... Với "hành trang" này, đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ nhận thức rõ tác hại của chủ nghĩa cá nhân, tự thân rèn luyện để tự chống chủ nghĩa cá nhân nảy sinh trong bản thân mình, đoàn kết, nhất trí với tổ chức để xây dựng tổ chức trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Hai là, xác định nội dung, phương thức đấu tranh mới.

- Tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", trong từng thời kỳ; đối với từng tổ chức cần xây dựng các tiêu chí phù hợp, cần có chương trình hành động cụ thể để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

- Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là giải pháp then chốt. Bảo đảm tổ chức đảng hoạt động theo đúng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Các nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng, tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, yêu thương đồng chí, củng cố mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân là cơ sở quan trọng để chống chủ nghĩa cá nhân, chống các căn bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân.

- Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân từ gốc. Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" đã chỉ rõ nguyên nhân tình trạng suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên là do bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, biểu hiện cá nhân chủ nghĩa được đề cập là biểu hiện đầu tiên.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát. Đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cấp uỷ, của uỷ ban kiểm tra đảng uỷ. Tuy nhiên, cần xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát chuyên đề về nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Bên cạnh đó, phát huy vai trò giám sát của quần chúng nhân dân để phát hiện từ sớm, từ xa biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân và dấu hiệu của các căn bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân.

PHẦN B: THÔNG TIN THỜI SỰ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Đồng Tháp: Tổ chức các hội nghị công bố quyết định về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của Tỉnh

Ngày 24/02/2025, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp tổ chức Hội nghị công bố các Quyết định về kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng, Đảng bộ khối các cơ quan Tỉnh; thành lập mới Đảng bộ các cơ quan Tỉnh trực thuộc Tỉnh uỷ gồm 20 tổ chức cơ sở đảng và 545 đảng viên; thành lập Đảng bộ Uỷ ban nhân dân Tỉnh trực thuộc Tỉnh uỷ, gồm 53 tổ chức cơ sở đảng và 6.066 đảng viên. Trước đó, ngày 03/02/2025, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh uỷ. Đối với cấp huyện, tính đến ngày 28/02/2025, đã có 12/12 đơn vị thành lập ban tuyên giáo và dân vận. Ngoài ra, một số đơn vị hành chính cấp huyện, đặc biệt ngành công an đã thực hiện công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh.

2. Ngày hội Biên phòng toàn dân năm 2025

Ngày 27/02, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2 xã Thường Thới Hậu A, Thường Lạc và Đồn Biên phòng Cầu Muống phối hợp tổ chức "Ngày Hội Biên phòng toàn dân" năm 2025 gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới".

Phát biểu chỉ đạo tại ngày hội, đồng chí Trần Trí Quang, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, đoàn thể và các lực lượng tiếp tục thực hiện tốt các nội dung "Ngày Biên phòng toàn dân" gắn với thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong quần chúng nhân dân về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ý thức chấp hành các hiệp định, quy chế biên giới, phòng, chống tội phạm; nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

3. Nhiều hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3 và 1985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Hội Liên hiệp Phụ nữ Tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3 và 1985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Theo đó, các hoạt động được tổ chức như: Phát động phụ nữ toàn Tỉnh mặc áo dài trong ngày làm việc phù hợp với điều kiện và đặc thù nghề nghiệp (từ ngày 01/3 - 08/3/2025); mít tinh phát động hưởng ứng "Tuần lễ Áo dài" và đồng diễn múa dân vũ năm 2025; Hội thi biểu diễn áo dài cùng gia đình cán bộ, hội viên năm 2025,…

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị năm 2025

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú ký ban hành Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025. Trong đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng uỷ Quốc hội, Đảng uỷ Chính phủ, Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương, các ban đảng Trung ương, cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp tiếp tục khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cơ chế, chính sách liên quan để có cơ sở pháp lý triển khai hoàn thiện mô hình tổng thể của hệ thống chính trị trong thời gian tới, bảo đảm đồng bộ trong quá trình thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy.

Đảng uỷ Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng uỷ Quốc hội, các cấp uỷ, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã; định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan, báo cáo Bộ Chính trị trong quý III/2025.

2. Quốc hội thông qua nhân sự cấp cao và nhiều chính sách thúc đẩy các dự án lớn

Kỳ họp bất thường lần thứ 09, Quốc hội khoá XV diễn ra từ ngày 12/02 đến ngày 19/02/2025. Tại kỳ họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước; bầu 02 Phó Chủ tịch Quốc hội và 06 Chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội; biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV; Nghị quyết số về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV. Theo đó, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV gồm 14 Bộ, 3 cơ quan ngang Bộ; có 25 thành viên gồm Thủ tướng Chính phủ, 07 Phó Thủ tướng Chính phủ, 14 Bộ trưởng, 03 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

- Chính phủ Mỹ ban hành nhiều chính sách mới về đối nội và đối ngoại. Đáng chú ý là việc áp thuế đối với Canada, Mexico và Trung Quốc; rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu, Tổ chức Y tế thế giới, tạm dừng viện trợ nước ngoài, áp đặt trừng phạt đối với ICC. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục duy trì xu thế cạnh tranh chiến lược và duy trì tiếp xúc cấp cao, hợp tác trên một số lĩnh vực mà hai bên có chung lợi ích.

- Quy mô ngành trí tuệ nhân tạo của thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đạt 55 tỷ USD trong năm 2024: Ông Trương Hồng Đào, Phó Giám đốc Uỷ ban Kinh tế và Công nghệ thông tin Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết, quy mô ngành trí tuệ nhân tạo (AI) của Thượng Hải đạt hơn 400 tỷ Nhân dân tệ (55 tỷ USD) trong năm 2024, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch triển khai AI để định hình Thượng Hải gồm 22 biện pháp, trong đó tập trung vào các ngành như tài chính, sản xuất, giáo dục, y tế, du lịch văn hóa và quản trị đô thị, tạo điều kiện áp dụng rộng rãi công nghệ AI để cải thiện trình độ thông minh hóa và hiệu quả dịch vụ trong các ngành. Thượng Hải có kế hoạch thu hút các nhóm và nhà khoa học đổi mới hàng đầu trong nước và quốc tế để phát triển mô hình lớn; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, tham gia xây dựng các tiêu chuẩn quản trị AI toàn cầu và định vị ngành công nghiệp AI của Thượng Hải trên trường quốc tế.

Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ Đồng Tháp