Sisältöjulkaisija

null Tiểu học Trưng Vương: Ngôi trường trăm tuổi giữa lòng thành phố Sa Đéc

Trang chủ Tab Thông tin

Tiểu học Trưng Vương: Ngôi trường trăm tuổi giữa lòng thành phố Sa Đéc

Ở giữa lòng thành phố sắc hoa bên dòng Sa Giang hiền hoà, có một ngôi trường cổ kính với bề dày lịch sử mang tên hai vị nữ tướng tài ba của dân tộc ta - Trường Tiểu học Trưng Vương (Trương Trắc, Trưng Nhị). Đây cũng là một “địa chỉ” đã chứng kiến những thăng trầm của lịch sử hình thành và phát triển vùng đất và người Sa Đéc - Đồng Tháp.

Lịch sử từ buổi đầu khai mở, Sa Đéc đã có những ông đồ rèn dạy môn sinh chữ nghĩa thánh hiền và đã không ít người thành đạt. Đến khi người Pháp chiếm Nam Kỳ thì năm 1885 họ cho lập trường Sơ học Pháp Việt ở Sa Đéc. Ngôi trường được xây dựng kiên cố, tường gạch, mái ngói, có lối kiến trúc đơn sơ không hoa mỹ. Giữa trường là nơi làm việc của đốc học, hai bên là hai dãy lớp học, ngay phía sau cánh cửa cổng là nhà mát cho học sinh vui đùa. Trường có rất đông học sinh đến lớp nên trở nên chật chội, sức chứa giới hạn. Vị đốc học đầu tiên là Lablanche. Bước sang niên khóa 1886 - 1887, chính quyền khi ấy cho thành lập trường Nữ Sơ Học, nhằm tách riêng số học sinh nữ, bớt gánh nặng cho trường Sơ Học Pháp Việt. Ông Nguyễn Thành Út, một người giàu có trong vùng đã hiến một sở đất ngay trung tâm tỉnh lỵ Sa Đéc để lập trường, nó có tên tiếng Pháp là “L’Ecole De Jeunes Filles”.

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, bà Espelette - nữ giáo học nhất hạng được bổ làm đốc học của trường. Được một thời gian, bà Marie Donnadieu - một giáo chức người Pháp từng dạy học ở Hà Nội, Sài Gòn… được bổ về đây làm hiệu trưởng. Bà có cô con gái tên là Marguerite Duras, sau này trở thành nhà văn với nhiều tác phẩm, trong đó có Lamant (Người tình) được giải thưởng Goncourt của Pháp.

Thời kỳ bà Marie Donnadieu làm hiệu trưởng, trường có hơn 200 học sinh bao gồm các cấp lớp thuộc hệ tiểu học, với 05 dãy nhà xây được lợp ngói móc. Bình quân mỗi lớp có từ 30 - 32 học sinh, phân bổ cho 07 lớp. Ngoài ra, trường còn có mở lớp dạy nữ công gia chánh; đó là một trong những môn mà bà Marie Donnadieu yêu thích. Về phía học sinh, tuy là nữ lại còn nhỏ tuổi nhưng sớm có tinh thần dân tộc. Khi người Pháp dạy:“Tổ tiên của các em là người Gaulois!” tức thì gặp sự phản kháng ngay trong lớp, “Không, tổ tiên của chúng tôi là người Việt!” câu trả lời đanh thép ấy đã làm người Pháp khâm phục nhưng bên ngoài họ phải đe nẹt, ra oai.

Năm 1930, trường mang tên “L’Ecole Primaire Jeunes Filles De SaDec”. Học sinh hồi ấy rất đông, nhiều học trò lớp lớn đã có chí hướng cách mạng qua sự giáo dục của gia đình, sự tuyên truyền của tổ chức Đảng, đặc biệt là sự xuất hiện của Sa Đéc Học Đường với các thầy giáo như Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm, Châu Văn Liêm (từ 1929) trong Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội.

Trường mang tên Tây nhưng tâm hồn học sinh không Tây, đó là điều làm người Pháp không hài lòng. Nhân cớ học sinh đông, thiếu phòng học, họ tách các lớp lớn gởi sang trường Nam Tiểu Học (nay là trường Kim Đồng). Để mỵ dân, Pháp cho người Việt làm hiệu trưởng, rồi đổi tên trường là “Nữ Học Đường tỉnh lỵ”. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nhân dân Sa Đéc nô nức cho con em đến trường nhiều hơn trước nhưng liền sau đó giặc Pháp quay lại cướp nước ta một lần nữa. Học sinh trường nữ một số lớp phải gởi sang học tạm bên trường Dục Quang (sau là Quang Minh của người Hoa), rồi lại học nhờ dưới mái đình Vĩnh Phước. Đây là giai đoạn ngôi trường đã được đổi tên nhiều lần: Vào năm 1957, là Trường nữ tiểu học Sa Đéc và Trường nữ tiểu học Cộng đồng; năm học 1978 - 1979 trường thuộc hệ thống Trường phổ thông cơ sở cấp I, II Vĩnh Phước; năm học 1980 - 1981, là Trường cấp I, II Vĩnh Phước 1; năm học 1982 - 1983, trường tách ra khỏi cấp 2, mang tên Trường phổ thông cơ sở cấp I Trưng Vương; năm học 1983 - 1984 trường nhận quyết định Trường phổ thông cấp I Trưng Vương; sau nhiều lần tách nhập, đến năm 1994, ngôi trường chính thức mang tên hai vị Nữ Anh hùng dân tộc Việt Nam: Tiểu học Trưng Vương.

Trường tuy đã nhiều lần đổi tên nhưng luôn có nhiều thế hệ thầy giáo, cô giáo nhiệt tình, tâm huyết, tận tâm, tận tuỵ với nghề cùng những người đứng đầu gương mẫu, đặt lợi ích tập thể lên trên trong quản lý, điều hành; để luôn xứng đáng với lời ca ngợi của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Đó là: Thầy Trần Văn Kiết, thầy Nguyễn Văn Lãnh, cô Lê Thị Nữ, cô Lê Thị Ngọc Hạnh; cô Đặng Thị Kim Vân; cô Phạm Thị Đẹt, cô Ngô Thuý Anh, cô Lê Thị Bích Hà; và từ tháng 02/2021, thầy Phùng Phát Đạt giữ cương vị Hiệu trưởng đến nay.

Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Trưng Vương 

Dạy và học trong ngôi trường này, giáo viên, học sinh luôn nỗ lực, phấn đấu, cố gắng rèn đức, luyện tài để xứng đáng với bậc tiền nhân và viết tiếp truyền thống vẻ vang của dân tộc, của đất nước, của địa phương. Nhiều năm liền, trường Tiểu học Trưng Vương được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… Trường có 06 Nhà giáo ưu tú, 01 giáo viên đạt danh hiệu Huân chương Lao động hạng III, nhiều giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh, cấp Quốc gia, nhiều giáo viên đạt danh hiệu Viên phấn vàng… Rất nhiều học sinh của trường này là tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ, luật sư, thành đạt trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ, nhiều nữ học sinh của trường trở thành những chiến sĩ cách mạng, trở thành người chị, người vợ, người mẹ… đã không tiếc máu xương, núm ruột, người thân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, được Đảng và Nhà nước tôn vinh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Ngày nay, trường Tiểu học Trưng Vương không chỉ là niềm tự hào của quê hương Sa Đéc anh hùng; mà còn là “điểm hẹn” của nhiều đoàn du khách nước ngoài, đặc biệt là du khách Pháp; đây cũng là dịp để mỗi thầy giáo, cô giáo, học sinh, nhân viên nhà trường đều là một hướng dẫn viên du lịch đón tiếp du khách bằng trái tim mến khách, chân thành, niềm nở để đem lại cho khách du lịch thêm nhiều hiểu biết thú vị về ngôi trường, về vùng đất và con người nơi đây.

Trần Trung