Asset-Herausgeber

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 10 năm 2024

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 10 năm 2024

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: "Phản bác, phê phán quan điểm sai trái và nhận thức lệch lạc về nguyên tắc tự phê bình và phê bình" của PGS. TS. Nguyễn Minh Tuấn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc tổ chức, hoạt động và là quy luật tồn tại, phát triển của Đảng. Các thế lực thù địch luôn xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc này. Hơn nữa, khi một số cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện không nghiêm, hiệu quả thấp thì ngay trong nội bộ Đảng cũng xuất hiện những nhận thức lệch lạc về nguyên tắc này. Nhận diện đầy đủ để đấu tranh phản bác, phê phán, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nguyên tắc tự phê bình và phê bình là nhiệm vụ quan trọng hiện nay.

Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời đến nay đã khẳng định vai trò quyết định của công tác xây dựng Đảng, trong đó "sự chặt chẽ về nguyên tắc là vấn đề sống còn của Đảng và bảo đảm quan trọng nhất cho sức sống, sự trong sạch và vững mạnh của Đảng". Điều lệ Đảng đã xác định tự phê bình và phê bình trong Đảng là 1 trong 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 các khoá XI, XII và XIII đều xác định 3 nhiệm vụ cấp bách về xây dựng Đảng để tập trung những giải pháp khắc phục, trong đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ là vấn đề cấp bách nhất. Giải pháp đầu tiên được xác định và quán triệt trong cả 3 nghị quyết nêu trên đều nhấn mạnh nhiệm vụ tự phê bình và phê bình.

Trên thực tế, công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng được chú trọng, thực hiện nghiêm túc, bài bản, nền nếp, đem lại những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần khắc phục được những khuyết điểm trong mỗi tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, vẫn còn không ít nơi thực hiện hình thức, đối phó, hiệu quả thấp, từ đó, các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận vai trò của nguyên tắc này; đồng thời xuất hiện những khuynh hướng tư tưởng lệch lạc ngay trong cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên. Cụ thể là:

Thứ nhất, thiếu tin tưởng vào tác dụng của nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

Ở một số cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu độc đoán, gia trưởng, thích xu nịnh, ít lắng nghe phê bình, thậm chí ngấm ngầm trả thù người phê bình mình, làm cho cấp uỷ, tổ chức đảng mất dân chủ, tự phê bình và phê bình trở thành hình thức. Ở những cấp uỷ, tổ chức đảng mắc khuyết điểm kéo dài trong thực hiện nguyên tắc làm cho đảng viên cả cũ và mới thực hiện đối phó, chiếu lệ, hiệu quả thấp, hậu quả là thiếu tin tưởng vào tác dụng của nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Từ đó xuất hiện tư tưởng cho rằng nguyên tắc này thiếu tính khả thi, không có tác dụng cho dù hằng tháng, hằng năm hay mỗi nhiệm kỳ đại hội đều thực hiện nhưng chỉ là đối phó, để báo cáo cấp trên.

Thứ hai, thiếu trung thực trong tự phê bình.

Mặc dù nguyên tắc tự phê bình và phê bình được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau, nhất là dịp sinh hoạt thường kỳ của cấp uỷ, tổ chức đảng nhưng không ít tổ chức đảng coi nhẹ, làm qua loa, cốt cho xong. Không thể phủ nhận thực trạng một bộ phận đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao khi chưa có ai biết hoặc có biết nhưng không dám đấu tranh, phê bình. Đây cũng là cái cớ để các thế lực thù địch khoét sâu, thổi phồng khuyết điểm, chỉ khai thác những mặt trái. Điều đó càng làm cho không ít cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên thiếu tin tưởng vào tác dụng của nguyên tắc này, không tự giác, không thật thà nhận khuyết điểm ngay cả khi mắc khuyết điểm cần phải sửa chữa.

Thứ ba, thiếu bản lĩnh trong phê bình.

Phê bình khuyết điểm của người khác là một việc khó, nhất là phê bình đồng chí nhưng lại là cấp trên trực tiếp quản lý mình thì càng khó hơn. Ngay cả trước những dấu hiệu sai trái nhưng cũng không dám thẳng thắn đấu tranh, không dám thực hiện quyền bảo lưu ý kiến. Viện dẫn vào những hạn chế trong tiến hành tự phê bình và phê bình ở một số cấp uỷ, tổ chức đảng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức rêu rao rằng: Tự phê bình và phê bình trong Đảng không có tác dụng, trái lại còn nuôi dưỡng tư tưởng xu nịnh nhau, nhất là nịnh cấp trên. Thực chất đây là những luận điệu có ý đồ chính trị xấu, xem xét, đánh giá, nhận định phiến diện, cố tình xuyên tạc, phủ nhận mục đích, bản chất nguyên tắc và hoạt động tự phê bình và phê bình của Đảng ta.

Thứ tư, thiếu tin tưởng vào cơ chế bảo vệ người phê bình.

Mặc dù Đảng đã ban hành các quy định nhằm bảo vệ người đấu tranh phê bình, thậm chí tố cáo những vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, nhưng trên thực tế vẫn có rất ít trường hợp được bảo vệ hiệu lực và hiệu quả. Do vị trí công tác, cơ quan, đơn vị, địa phương nơi công tác gắn bó với cấp uỷ, tổ chức đảng nơi sinh hoạt mà đảng viên đó bị chi phối, ngại đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nếu phải chuyển công tác đi nơi khác thì cũng khó có nơi nào chấp nhận người "chuyên đấu đá", đã "gây mất đoàn kết" ở nơi họ công tác. Do đó, hiện tượng tố cáo giấu tên, nặc danh hay gửi thông tin cho các cơ quan kiểm tra đảng, thanh tra nhà nước, báo chí của đảng viên trong nội bộ cấp uỷ, tổ chức đảng khi người có sai phạm khi đương chức, đã chuyển công tác hay đã nghỉ hưu, thậm chí lên chức cao hơn rồi mới bị phát hiện xử lý, làm giảm lòng tin của đảng viên và nhân dân đối với tính khả thi của nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

Vì vậy, một mặt phải tích cực đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và nhận thức lệch lạc ngay trong đội ngũ đảng viên có hiệu quả, mặt khác phải lấy "phòng" là quan trọng, lấy "xây" là chính, vì nội bộ Đảng trong sạch, vững mạnh sẽ là cách tốt nhất để "miễn dịch" với những tư tưởng sai trái, thù địch và phải thực hiện đồng bộ những giải pháp sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò của nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, thì cũng như giấu giếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng, nguy đến tính mệnh: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính".

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhờ tự phê bình và phê bình nghiêm túc, đúng đắn mà những mâu thuẫn, bất đồng, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân được giải quyết có lý, có tình, không để tích tụ lại từ nhỏ thành lớn, phá hoại khối đoàn kết thống nhất của Đảng, không để những người thiếu thiện chí với Đảng lợi dụng những bất đồng, những mâu thuẫn đó gây chia rẽ Đảng. Mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên nhận thức đầy đủ, đúng đắn vai trò của tự phê bình và phê bình trong Đảng thì tự phê bình và phê bình như "rửa mặt hằng ngày", thực sự trở thành quy luật phát triển của Đảng.

Hai là, nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp uỷ, tổ chức đảng, thực hiện đầy đủ, đúng đắn nội dung và hình thức tự phê bình và phê bình.

Hoạt động tự phê bình và phê bình diễn ra chủ yếu trong sinh hoạt đảng. Chỉ trong sinh hoạt đảng thì đảng viên mới được lấy tư cách là đảng viên để phê bình đồng chí của mình và phê bình các tổ chức của Đảng.

Chủ thể của hoạt động tự phê bình và phê bình trong Đảng là mọi đảng viên của Đảng, là tất cả các tổ chức trong Đảng, từ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cho đến các tổ đảng ở các chi bộ của Đảng đều phải tự phê bình và phê bình. Trong quá trình xây dựng Đảng và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn coi trọng tự phê bình và phê bình:

Nội dung tự phê bình và phê bình trong Đảng bao gồm toàn bộ các mặt hoạt động cả Đảng và của mọi cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện hiện nay cần hướng vào việc thực hiện các nghị quyết của Đảng; thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng, thực hiện nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, cần chú trọng phê phán những quan điểm lệch lạc, sai trái, những tệ nạn gia trưởng, độc đoán, quan liêu, hối lộ, tham nhũng, sự vô trách nhiệm, vô tổ chức kỷ luật, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng.

Hình thức tự phê bình và phê bình trong Đảng bao gồm tự phê bình và phê bình của cấp trên đối với cấp dưới, cấp dưới phê bình cấp trên; cán bộ, đảng viên phê bình cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và phê bình cùng cấp... Được thể hiện qua các hình thức như: Hội nghị chi bộ, đảng bộ thường kỳ, các đại hội Đảng các cấp, các đợt sinh hoạt chính trị tập trung, các báo cáo hằng tháng, hằng quý của cấp dưới với cấp trên, báo cáo nhiệm kỳ đại hội của cấp trên trước cấp dưới và qua các phương tiện thông tin đại chúng...

Thứ ba, đảm bảo tính chất của tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Tính đảng là phải trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, trên cơ sở các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng để tự phê bình và phê bình; phải đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng và hành động sai trái; không chấp nhận tính thụ động, bàng quan với những sai lầm, khuyết điểm của bản thân và của đồng chí mình. Tính đảng còn thể hiện ở việc tự phê bình và phê bình ngay khi thấy có những biểu hiện lệch lạc, phải đối chiếu với yêu cầu tư cách, tiêu chuẩn đảng viên, cán bộ và những quy định của Đảng để tự phê bình và phê bình, không đợi đến khi sai lầm, khuyết điểm đã rõ, có bằng chứng pháp lý mới tiến hành tự phê bình và phê bình.

Tính giáo dục là tự phê bình và phê bình của Đảng nếu được hiểu đúng, thực hiện đúng thì tự bản thân nó đã chứa đựng tính giáo dục sâu sắc. Tự phê bình và phê bình của Đảng Cộng sản nhằm mục đích chính là củng cố Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, phong cách công tác, phát triển trí tuệ, nâng cao năng lực của cán bộ, đảng viên... Đây là những điểm thể hiện rõ nhất tính giáo dục sâu sắc của tự phê bình và phê bình của Đảng Cộng sản.

Tính khách quan, trung thực, chân thành và công khai, thể hiện ở sự khoa học, công tâm của cả người tự phê bình và người phê bình. Phê bình như chữa bệnh cứu người, cho nên phải chân thành, phải thân ái, trên tình đồng chí, tránh biến tự phê bình và phê bình thành những cuộc cãi vã, vi phạm nhân phẩm của cán bộ, đảng viên.

Tự phê bình và phê bình công khai có nghĩa là công khai nói rõ những ưu điểm, khuyết điểm của mình và của đồng chí mình; phân tích, xem xét, đánh giá mọi công việc của tổ chức đảng trước mặt cán bộ, đảng viên và tiến hành trong tổ chức đảng. Không phê bình trước mặt mà "nói sau lưng", đó là việc làm không trong sáng.

Tính cụ thể, thiết thực và kịp thời là đòi hỏi tự phê bình và phê bình phải cụ thể, thiết thực, phải có nội dung, có địa chỉ; phải chỉ ra được đúng, sai, nguyên nhân và cách khắc phục; phải gắn với điều kiện cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên.

Tính kịp thời là phải tự phê bình và phê bình ngay lập tức những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên và của tổ chức đảng, không để chúng tích tụ lại, trầm trọng thêm; ngăn chặn không để chúng tái diễn ở cán bộ, đảng viên và cấp uỷ, tổ chức đảng khác.

Thứ tư, thực hiện đúng phương pháp thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Phải cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành, phải thể hiện rõ những đặc tính cơ bản của tự phê bình và phê bình của Đảng. Việc khéo léo sử dụng tự phê bình và phê bình sẽ làm tăng chất lượng. Phê bình người nào, khi nào, nói những gì, bằng cách nào, nói đến mức độ nào... phải biết xử thế một cách tế nhị, khôn khéo thì người nghe mới dễ tiếp thu và sửa chữa khuyết điểm nhanh chóng. Ngược lại, sử dụng không khéo tự phê bình và phê bình thì hiệu quả thu được thấp, thậm chí còn gây tác hại. Tuy nhiên, nếu né tránh lựa chiều khi tự phê bình và phê bình tác hại sẽ lớn hơn.

Yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn được đặt ra cấp bách, nhất là trong bối cảnh, tình hình hiện nay. Vì vậy, mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải luôn kiên định lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng; xa rời, từ bỏ nguyên tắc này là xa rời, từ bỏ Đảng từ bản chất. Đồng thời, đề cao cảnh giác, nhận diện rõ bản chất, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc nguyên tắc này. Mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nêu cao trách nhiệm tự phê bình và phê bình như "rửa mặt hằng ngày" để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên "phải làm cho vũ khí tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên, thật sự trở thành vũ khí sắc bén của toàn Đảng, làm cho tự phê bình và phê bình thật sự là một quy luật phát triển của Đảng", để Đảng ta luôn "là đạo đức, là văn minh".

PHẦN B: THÔNG TIN THỜI SỰ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 104.815 tỷ đồng, tăng 10,62% so với cùng kỳ 2023. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá (không tính hàng hoá tạm nhập, tái xuất) ước đạt 1.267 triệu USD, tăng 32,63% so với cùng kỳ 2023, góp phần nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng thuỷ sản chế biến, lúa gạo và hội nhập quốc tế. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Tỉnh ước đạt 7.323 tỷ đồng, tăng 12,79% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 70,66% dự toán năm. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương đạt 12.941 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 75,92% so với dự toán năm. Kế hoạch dạy và học năm học 2023 - 2024 đã hoàn thành, chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên, toàn Tỉnh có 386 trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học (đạt 65,98%). Thực hiện tốt các chỉ tiêu và hoạt động khám chữa bệnh, số người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh ngày càng tăng, với tỷ lệ bao phủ đạt 93,1%. Đến nay, toàn Tỉnh có 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (01 sản phẩm 5 sao, 86 sản phẩm 4 sao, 366 sản phẩm 3 sao) của 175 chủ thể. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Tỉnh đã công nhận thêm 06 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; huyện Châu Thành, huyện Lai Vung, huyện Lấp Vò được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022 tiếp nhận và xử lý hỏi đáp thông tin kịp thời, đạt tỷ lệ trên 99%. Tình hình an ninh biên giới và an ninh chính trị toàn Tỉnh tiếp tục được giữ vững ổn định. Hoàn thành công tác tuyển chọn, gọi 1.671 công dân nhập ngũ vào công an nhân dân và quân đội nhân dân, đạt 100% chỉ tiêu…

2. Tăng cường công tác đăng ký, quản lý và sử dụng con dấu

Ngày 18/8/2024, UBND Tỉnh ban hành Công văn số 696/UBND-NCPC về việc tăng cường công tác đăng ký, quản lý và sử dụng con dấu. Theo đó, UBND Tỉnh yêu cầu các sở, ngành Tỉnh và UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác đăng ký, quản lý và sử dụng con dấu theo quy định tại Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu.

Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm rà soát, ban hành quy chế về việc quản lý và sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức thuộc quyền quản lý; thường xuyên kiểm tra công tác đăng ký, quản lý và sử dụng con dấu; chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý và sử dụng con dấu; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót và có giải pháp khắc phục, không để tội phạm lợi dụng hoạt động hoặc để xảy ra vi phạm tại cơ quan, tổ chức thuộc quyền quản lý. Trường hợp Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức giao cho cán bộ văn thư quản lý và sử dụng con dấu thì cán bộ văn thư có trách nhiệm bảo đảm an toàn, sử dụng con dấu tại trụ sở cơ quan; nếu đưa con dấu ra khỏi cơ quan, đơn vị phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và chịu trách nhiệm về việc bảo quản, sử dụng con dấu. Công an Tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức trong việc đăng ký và sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành các quy định về quản lý và sử dụng con dấu của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn Tỉnh; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

3. Phát động phong trào thi đua bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (Ban Chỉ đạo 138 Tỉnh) ban hành Kế hoạch số 307/KH-UBND ngày 17/9/2024 về phát động phong trào thi đua đặc biệt trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, với chủ đề "Lực lượng mới, khí thế mới, thi đua bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở trong tình hình mới".

Đối tượng tham gia phong trào thi đua là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Thời gian phong trào thi đua bắt đầu từ ngày 19/8/2024 đến hết ngày 19/8/2025, được chia thành 02 đợt, cụ thể: Đợt 1 từ 19/8/2024 đến 03/2/2025; đợt 2 từ 04/02/2025 đến 19/8/2025. Phong trào thi đua tập trung các nội dung về sự tận tụy, đi sâu sát quần chúng nhân dân để nắm được tâm tư, nguyện vọng và tình hình dư luận trên địa bàn, từ đó kịp thời phát hiện những dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội; thuần thục các kỹ năng thuyết phục, vận động, tuyên truyền để quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cùng với đó, tích cực hỗ trợ lực lượng công an cấp xã, lực lượng dân phòng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn; nắm chắc kiến thức được tập huấn về quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội; tích cực hỗ trợ lực lượng công an cấp xã tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, phòng ngừa phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn...  

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Một số kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công trực tuyến được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở. 63/63 địa phương đã ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa được triển khai tích cực. Hạ tầng số, nền tảng số, thiết bị, công nghệ chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp được quan tâm đầu tư. Tích cực triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia, tạo thuận lợi thương mại sẵn sàng thực hiện hải quan số.

Bên cạnh đó, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn một số tồn tại, hạn chế: Cải cách thủ tục hành chính vẫn còn chậm, thủ tục còn rườm rà. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa chuyển biến rõ nét; kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến không đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị. Tình hình hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền tăng mạnh. Công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội nhằm thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến nhiều lúc, nhiều nơi chưa được coi trọng…

Để nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương  triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau: (1) Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó rà soát, phát hiện, kịp thời sửa đổi, bổ sung những bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống các quy định và văn bản quy phạm pháp luật. (2) Cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các quy định kinh doanh, thủ tục hành chính; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ và chuyển đổi mạnh mẽ sang xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. (3) Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến; rà soát, đánh giá lại, đổi mới cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về mức độ, thuận lợi, đơn giản, thân thiện với người dùng. (4) Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng, hoàn thành, đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. (5) Tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông. (6) Đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

2. Tăng cường triển khai thực hiện công tác dân số trong tình hình mới

Ngày 15/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số trong tình hình mới như sau: (1) Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác dân số, nhất là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số, trọng tâm là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững trên phạm vi cả nước phù hợp giữa các vùng, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Dân số, báo cáo Chính phủ… (2) UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, nhất là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để triển khai đồng bộ, hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác dân số, nhất là các địa phương có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế... (3) Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan báo chí tăng cường thực hiện truyền thông về công tác dân số, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số. Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển tăng cường tham mưu, đề xuất, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền các cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác dân số và phát triển.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Một số kết quả chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ ba Uỷ ban Hợp tác liên Nghị viện Việt Nam - Liên bang Nga của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Từ ngày 08 - 10/9/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Liên bang Nga và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ ba Uỷ ban Hợp tác liên Nghị viện Việt Nam - Liên bang Nga. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của đồng chí Trần Thanh Mẫn đến Liên bang Nga trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và cũng là chuyến thăm Liên bang Nga đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong năm 2024.

Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã hội đàm và cùng Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga chủ trì Phiên họp lần thứ ba của Uỷ ban Hợp tác liên nghị viện; hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga và ký mới Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga; chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Rostov. Tại các cuộc tiếp xúc, làm việc, hai bên nhất trí đẩy mạnh, mở rộng hợp tác tương xứng với truyền thống và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện; phát huy thành quả đạt được dựa trên sự tin cậy và các khuôn khổ hợp tác đã có; phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025; tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp để không ngừng củng cố và thúc đẩy quan hệ, hợp tác thiết thực, hiệu quả thông qua các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân…

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch V.I Matvienko chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Rostov.

2. Một số sự kiện thế giới đáng chú ý

- Quyền lợi mới của Palestine tại Đại hội đồng Liên hợp quốc: Đại hội đồng Liên hợp quốc đã cấp cho phái đoàn Palestine một số quyền mới trong một nghị quyết. Theo đó, bắt đầu từ phiên họp Đại hội đồng lần thứ 79 (ngày 10/9), phái đoàn này có một ghế tại Đại hội đồng; có thể đệ trình các đề xuất và sửa đổi. Tuy nhiên, Đại hội đồng vẫn loại trừ khả năng phái đoàn Palestine được bỏ phiếu hoặc trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an. Phát biểu về sự kiên này, Đại sứ Ai Cập Osama Mahmoud Abdelkhalek Mahmoud nhấn mạnh: "Đây không chỉ là vấn đề thủ tục. Đây là thời khắc lịch sử đối với chúng tôi (Đại hội đồng Liên hợp quốc)".

- Một số tình hình kinh tế thế giới: Đồng USD đã giảm hơn 2% so với các đồng tiền chủ chốt khác vào tháng 8/2024, đánh dấu mức giảm hằng tháng lớn nhất trong năm nay và làm dịu nỗi lo ở các nền kinh tế đang chịu sức ép tiền tệ. Xu hướng giảm của đồng USD đa phần được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế lớn nhất thế giới suy yếu. Mặt khác, Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với tình trạng suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Trong báo cáo dài 400 trang trình bày tại Uỷ ban châu Âu (EC), cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi kêu gọi một khoản đầu tư khổng lồ trị giá 800 tỷ euro (hơn 883 tỷ USD) mỗi năm; nhấn mạnh EU cần phải thực hiện các bước mạnh mẽ để cải thiện năng suất và tăng trưởng kinh tế, điều đang khiến EU tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc.

                                                           Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp