ناشر الأصول

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 12 năm 2024

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 12 năm 2024

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: "Quyền con người" của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam.

"Quyền con người" là khát vọng của con người, là giá trị phổ quát của nhân loại, là sự kết tinh những giá trị cao đẹp của văn hóa nhân loại, là biểu hiện trình độ của tiến bộ xã hội, vì vậy tất cả các quốc gia, dân tộc, dù có sự khác nhau về chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa đều có quyền thụ hưởng và có nghĩa vụ bảo vệ, phát triển giá trị xã hội cao đẹp này. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, mỗi bước tiến của nhân loại đều đánh dấu nấc thang mới trong nhận thức và hiện thực hóa các quyền con người.

Về vai trò trung tâm, chủ thể của con người và quyền con người

Cùng với sự phát triển của xã hội, các khái niệm về quyền con người dần được hình thành và pháp điển hóa trong luật quốc gia của hầu hết các nước trên thế giới cũng như trong luật pháp quốc tế, đặc biệt qua Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người năm 1948 và các Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về quyền con người.

Ở Việt Nam, xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam đã đấu tranh kiên cường, bất khuất, bền bỉ và sẵn sàng hy sinh xương máu để giành và giữ vững những quyền tự do cơ bản của con người, nhất là quyền độc lập và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam, quyền được sống trong hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân.

Sinh thời, từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cận vấn đề quyền con người xuất phát từ truyền thống dân tộc Việt Nam và bối cảnh thực tiễn cụ thể của đất nước, đồng thời, kế thừa tinh hoa tư tưởng quyền con người trên thế giới, đặc biệt là vận dụng sáng tạo tư tưởng giải phóng con người và xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã đưa ra những luận điểm mới, sâu sắc và toàn diện về quyền con người, rằng quyền con người của mỗi cá nhân luôn gắn với độc lập dân tộc, với quyền dân tộc tự quyết, với tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người; đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, hệ thống pháp luật và của đội ngũ cán bộ, công chức trong tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, đặc biệt là các nhóm yếu thế; thể hiện tính nhân đạo, khoan dung, bình đẳng, đoàn kết, hòa hiếu với các dân tộc, quốc gia trên thế giới,...

Đảng, Nhà nước Việt Nam đã xác định những tư tưởng và đường lối chỉ đạo về quyền con người, không chỉ công nhận, tôn trọng và bảo vệ quyền con người mà còn làm hết sức mình để đảm bảo và thực hiện quyền con người trên thực tế. Từ chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định của Hiến pháp năm 2013, nội dung của công nhận, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, con người là trung tâm trong chiến lược phát triển có thể hiểu như sau:

Công nhận: Các chủ thể trong xã hội có trách nhiệm bảo đảm quyền, trước hết và chủ yếu là Nhà nước. Công nhận nghĩa là phải thừa nhận đồng thời phải ghi nhận ngày càng đầy đủ, cơ bản bằng pháp luật và đặc biệt là đạo đức (đối với các tổ chức xã hội). Đó là sự thừa nhận, ghi nhận đối với các quyền dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa của con người.

Tôn trọng: Các chủ thể trong xã hội có trách nhiệm bảo đảm quyền, trước hết và chủ yếu là Nhà nước. Theo đó, các chủ thể mà đặc biệt là Nhà nước phải kiềm chế không can thiệp, kể cả trực tiếp và gián tiếp vào việc thừa nhận, bảo vệ, bảo đảm thực hiện và thúc đẩy các quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, phải chủ động xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các thể chế, chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển và biện pháp quản lý cụ thể để mọi người được thụ hưởng và phát triển các quyền con người của mình trong thực tế.

Bảo vệ: Nhà nước phải ngăn chặn việc vi phạm quyền con người, quyền công dân đến từ phía các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội và cá nhân; ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử hoặc sự hình thành các thế lực đe dọa quyền con người, quyền công dân trên các lĩnh vực; điều tra, trừng trị và phục hồi các quyền đã bị vi phạm hoặc bồi thường khi có sai phạm từ phía cơ quan, người có thẩm quyền.

Con người là trung tâm trong chiến lược phát triển: Đây là quan điểm mà Đảng ta xác định dựa trên việc nhất quán quan điểm "dân là gốc", giữ vai trò nền tảng. Trong công cuộc Đổi mới, Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định đặt con người vào vị trí trung tâm của các chính sách phát triển; coi con người là vốn quý nhất, chăm lo cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ. Mọi chủ trương, chính sách phát triển đều xuất phát từ con người, lấy con người là trung tâm.

Thành tựu của Việt Nam trên lĩnh vực quyền con người

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viện dẫn một chân lý hiển nhiên, rằng "Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Với truyền thống yêu chuộng hòa bình và công lý, là dân tộc đã phải trải qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam càng hiểu rõ giá trị cao quý của quyền con người và quyền tự quyết dân tộc đã được khẳng định trong Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người.

Quan điểm xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam là "coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền con người và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết".

Với nỗ lực xây dựng và thực thi pháp luật về quyền con người; kiện toàn, đổi mới các thiết chế bảo đảm quyền con người, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong việc bảo đảm quyền con người trên tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội.

Trong lĩnh vực chính trị: Nhà nước Việt Nam đã thừa nhận và bảo đảm thực hiện các quyền con người cơ bản như quyền làm chủ của nhân dân; quyền tham gia quản lý, giám sát hoạt động của Nhà nước, hệ thống chính trị; quyền bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và cùng nhau phát triển của các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam...

Trong lĩnh vực kinh tế: Nhà nước thực hiện một cách tích cực, đồng bộ trong triển khai các chương trình, mục tiêu, chính sách quốc gia như giảm nghèo; việc làm, thu nhập; an sinh xã hội. Nhà nước Việt Nam công nhận và bảo đảm các quyền con người cơ bản như quyền về sở hữu, quyền lao động, quyền có việc làm, quyền được sản xuất - kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tư tưởng: Nhà nước Việt Nam luôn ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm trong thực tế mỗi người dân Việt Nam đều được hưởng các quyền tự do tín ngưỡng, văn hóa; quyền tự do đi lại; quyền được tiếp cận thông tin; quyền được học tập, giáo dục; quyền được chăm sóc về y tế, sức khỏe; quyền được tham gia vào đời sống văn hóa; các quyền về an sinh xã hội;… cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, xét theo các tiêu chí như: Chống phân biệt đối xử; khả năng tiếp cận bình đẳng và chất lượng các dịch vụ, cơ hội.

Trong lĩnh vực đối ngoại và hợp tác quốc tế: Việt Nam là thành viên của Công ước quốc tế về quyền con người và luôn nỗ lực để thực hiện các quy định trong Công ước nhằm bảo vệ quyền con người. Nhiều năm qua, Việt Nam tích cực, chủ động và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong khu vực và thế giới như Hội đồng Nhân quyền, Uỷ ban Xã hội, Nhân đạo và Văn hóa của Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế - Xã hội và các diễn đàn khác của Liên hợp quốc. Điều này thể hiện rõ thông qua mức độ tín nhiệm với tỷ lệ phiếu đồng thuận rất cao những lần Việt Nam gia nhập Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc và uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Bên cạnh những kết quả, thành tựu nêu trên, việc công nhận, tôn trọng và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam hiện nay vẫn còn một số hạn chế như: Hệ thống thể chế pháp lý bảo đảm quyền con người trong một số trường hợp chưa phù hợp và chưa đầy đủ so với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia; hoạt động của một số thiết chế ở Việt Nam chưa thực sự hiệu quả,...

Có thể khẳng định, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế nhất định, những kết quả, thành tựu to lớn trên lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người mà Việt Nam đã đạt được trong nhiều năm qua là minh chứng sinh động cho thấy quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam là đúng đắn, là vì quyền con người.

Một số định hướng, giải pháp để con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của các chủ thể trong xã hội về quyền con người và việc công nhận, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Việc công nhận, tôn trọng và bảo vệ hiệu quả quyền con người có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển con người toàn diện của mỗi cá nhân và sự ổn định, phát triển thịnh vượng chung của cộng đồng, dân tộc; là nguyên tắc, tiêu chí của nhà nước pháp quyền; là một yêu cầu để bảo đảm thành công cho quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ hai, tiếp tục kiện toàn hệ thống pháp luật trên nguyên tắc phát huy nhân tố con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền tự do cơ bản của người dân, hệ thống pháp luật quốc gia hài hòa và phù hợp với các chuẩn mực pháp luật quốc tế. Từ quan điểm "lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân", "hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội", Nhà nước cần đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật về quyền con người, tiếp tục củng cố hệ thống các quyền con người, quyền công dân đã được hiến định.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động các thiết chế hệ thống chính trị, thiết chế xã hội bảo đảm thực hiện quyền con người khả thi và hiệu quả, chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn trong việc ban hành các chủ trương, đường lối của Đảng về quyền con người; cần thiết nhấn mạnh vai trò lập pháp của Quốc hội trong việc ưu tiên xây dựng các đạo luật về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý để tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước và toàn xã hội.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia, các cơ chế và tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc có liên quan đến quyền con người trên tinh thần bình đẳng, tôn trong luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Tăng cường hợp tác, đối thoại với các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc, thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với các Công ước nhân quyền quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, tiếp tục xem xét việc tham gia các công ước quốc tế khác về quyền con người.

Thứ năm, tích cực, chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; thường xuyên nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch trên lĩnh vực quyền con người để đề xuất giải pháp phù hợp. Căn cứ vào nghị quyết và hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng; thực hành phát huy dân chủ và quyền con người; các cấp uỷ, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở cần xác định rõ nội dung, biện pháp, yêu cầu cụ thể trong nhiệm vụ bảo đảm, bảo vệ quyền con người phù hợp với từng giai đoạn, tình hình tại địa phương, đơn vị.

PHẦN B: THÔNG TIN THỜI SỰ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Đồng Tháp

Ngày 14/11/2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1284/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 0,55 km2, quy mô dân số là 10.494 người của Phường 2 vào Phường 1. Sau khi nhập, Phường 1 có diện tích tự nhiên là 2,57 km2 và quy mô dân số là 21.934 người (Phường 1 giáp Phường 3, Phường 4, phường Hòa Thuận, phường Mỹ Phú, xã Mỹ Tân và xã Mỹ Trà). Thành lập phường Mỹ Ngãi trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,19 km2, quy mô dân số là 5.394 người của xã Mỹ Ngãi và toàn bộ diện tích tự nhiên là 8,24 km2, quy mô dân số là 13.833 người của Phường 11. Sau khi thành lập, phường Mỹ Ngãi có diện tích tự nhiên là 14,43 km2 và quy mô dân số là 19.227 người (Phường Mỹ Ngãi giáp các xã Hòa An, Mỹ Tân, Tân Thuận Tây; huyện Cao Lãnh và tỉnh An Giang). Sau khi sắp xếp, thành phố Cao Lãnh có 13 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 07 phường và 06 xã. Tỉnh Đồng Tháp sẽ có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 09 huyện và 03 thành phố; 141 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 114 xã, 18 phường và 09 thị trấn. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

2. Chương trình công bố Đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

Chương trình sẽ diễn ra ngày 11 - 12/12/2024 tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông) nhằm tuyên truyền, quảng bá mục đích, ý nghĩa của Đề án "Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, giai đoạn 2022 - 2032" đến các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Qua  đó, kêu gọi sự hỗ trợ và hợp tác của cộng đồng để thực hiện đạt mục tiêu của Đề án. Đồng thời, nâng cao nhận thức về bảo tồn hệ sinh thái, đặc biệt là loài Sếu đầu đỏ, qua đó quảng bá hình ảnh khu Ramsar Tràm Chim đến cộng đồng trong và ngoài nước.

3. Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, tỉnh Đồng Tháp tổ chức nhiều hoạt động quan trọng: Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân; chương trình biểu diễn nghệ thuật; thắp nến tri ân; triển lãm ảnh nghệ thuật về đề tài người lính, chiến trang, cách mạng thăm hỏi các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; phát động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia Cuộc thi trực tuyến "Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành"… Các hoạt động được triển khai sâu rộng, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thiết thực lập thành tích chào mừng sự kiện và góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống đắc cử Donald Trump Hoa Kỳ Donald Trump

Tối ngày 11/11/2024, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump.

Tổng Bí thư Tô Lâm chúc mừng ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ và đánh giá cao những đóng góp của Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với Tổng thống đắc cử Donald Trump về những kết quả tích cực của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian qua; khẳng định Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lâu dài, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, hợp tác, phát triển bền vững của khu vực và thế giới. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng trao đổi với Tổng thống đắc cử Donald Trump về một số phương hướng lớn nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu.

Dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm mời Tổng thống đắc cử Donald Trump thăm lại Việt Nam. Tổng thống đắc cử Donald Trump vui vẻ nhận lời và mời Tổng Bí thư Tô Lâm sang thăm lại Hoa Kỳ vào thời gian thích hợp.

2. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng

Đây là nhấn mạnh của Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại buổi trao đổi chuyên đề về "Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" vào chiều ngày 25/11/2024 tại Hà Nội.

Nội dung trao đổi của Tổng Bí thư tập trung vào 02 nội dung cốt lõi: (1) Những vấn đề cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; (2) Cơ sở định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo Tổng Bí thư, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã trao đổi về một định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhấn mạnh đến vấn đề cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, bộ "tổng tham mưu", đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước...

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ một số giải pháp, định hướng chiến lược phát triển kinh tế, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình, nêu rõ yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội của đất nước và phát triển nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Một số kết quả chuyến tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 và thăm chính thức Cộng hòa Chi-lê, Cộng hòa Peru của Chủ tịch nước Lương Cường

Từ ngày 09 - 16/11/2024, Chủ tịch nước Lương Cường cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima và thăm chính thức Cộng hòa Chi-lê, Cộng hòa Peru. Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Lương Cường trên cương vị mới, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cả về song phương và đa phương.

Về song phương, chuyến thăm góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, khai thác hiệu quả những dư địa hợp tác và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với Chile, Peru, cũng như toàn khu vực Mỹ La-tinh, khẳng định tâm thế mới, vai trò, vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Về đa phương, việc Chủ tịch nước Lương Cường tham gia Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 tiếp tục khẳng định đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam vào việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế quốc tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng của khu vực, tiếp tục củng cố vai trò của APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu, nơi hội tụ 3/5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

2. Một số sự kiện thế giới đáng chú ý

- Tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng khi Triều Tiên tuyên bố đẩy mạnh năng lực hạt nhân, chuẩn bị cho cuộc chiến tổng lực. Hàn Quốc duy trì lập trường cứng rắn, tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ và Nhật Bản.

- Tổng thống Putin cảnh báo thách thức toàn cầu trong 20 năm tới; cảnh báo việc phương Tây kêu gọi giáng một đòn chiến lược vào Nga và vi phạm các thỏa thuận của mình bằng cách mở rộng sang phía Đông châu Âu có thể dẫn tới một thảm kịch toàn cầu. Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng đề cập đến sự ra đời của một trật tự thế giới mới sau khi quá trình cạnh tranh diễn ra mà không thể hoà giải. Tổng thống Nga cho rằng, một trật tự thế giới đa cực mới nổi phải là trật tự không có bá quyền, không có quốc gia hay dân tộc nào thua thiệt.

                                                           Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp