Xuất bản thông tin

null Khi toàn dân chung sức đồng lòng

Chi tiết bài viết Học tập và làm theo lời Bác (Tư tưởng HCM)

Khi toàn dân chung sức đồng lòng

Khác với những khoảnh khắc bình yên, giờ đây mỗi khi hiện diện ở cộng đồng ai cũng e dè dường như né tránh nhau. Không sánh vai chung bước trên đường, kể cả những khi tản bộ rèn luyện sức khỏe; ra vào các chợ, cơ quan, công sở… Không ai bảo ai, cứ cách xa hai mét, không bắt tay hay cầm tay nhau trong giao tiếp; đó cũng là cách ứng xử văn hóa trong mùa dịch.

Tổ nấu ăn ấp Đông Thạnh xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh phục vụ lực lượng phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Hành động của bác nông dân, người làm thuê, anh chở hàng mướn đều hiểu biết và chấp hành nghiêm Thông điệp “5K” trong gia đình và ngoài cộng đồng. Mọi người không thể thiếu khẩu trang khi ra đường và những khi tiếp xúc với người khác; dường như đã trở thành thói quen mà ai ai cũng thực hiện một cách tuyệt đối. Những lúc cam go như thế, thì tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương giữa con người và con người ngày càng thể hiện rõ qua từng câu chuyện diễn ra trong cuộc sống. Thông qua các mô hình hay, cách làm sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; là cầu nối tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19; đã bừng sáng tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân trong cộng đồng xã hội.

Lại một lần nữa toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Đồng Tháp lại gồng mình quyết chiến, quyết thắng chống dịch Covid-19. Có thể nói, không khác gì cuộc chiến chống giặc ngoại xâm để giành lại độc lập cho nước nhà. Giờ đây, tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã được kế thừa và phát huy trong mọi tình huống, bất kể hiểm nguy; miễn sao cùng chung tay đóng góp để đem lại sự bình yên của nhân dân là họ không chùn bước. Những chiếc bánh bì, hộp cơm, mớ rau, con cá, năm mười ký gạo và một số nhu yếu phẩm thiết yếu vẫn tiếp tục trao cho nhau dù đó là những người nông dân chân lấm tay bùn; những chủ tiệm tạp hóa xa gần cũng không đứng ngoài cuộc. Đây được coi là nguồn thu nhập hàng ngày để nuôi sống cả gia đình; nhưng khi đất nước lâm nguy họ sẵn sàng cho đi những thứ gì mình đang có; tuy không đắt giá, nhưng đó còn là tình yêu thương, thắp sáng lên niềm tin trong cuộc sống, siết chặt tay nhau đẩy lùi dịch bệnh.

Trong cái nắng gay gắt của thành phố vùng biên, từng thao tác nhanh nhẹn của cán bộ hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Thạnh thành phố Hồng Ngự đã gửi tình cảm yêu thương, ngọt ngào vào hàng trăm ly cà phê vận chuyển đến các chốt trực phòng, chống dịch trên địa bàn xã. Trong chuỗi ngày dịch bệnh hoành hành khốc liệt, ấy vậy mà ý chí và lòng can đảm của những người phụ nữ lại càng nâng lên hơn bao giờ hết. Các chị luôn “Kề vai sát cùng nhau vượt qua bao khó khăn trước mắt”. Nắng của thành phố vùng biên như rát da, rát thịt; bao giọt mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm trên khuôn mặt những người phụ nữ nhân hậu, thân thương; từng hạt mưa rơi khi thì lất phất xuyên qua; cũng có khi cơn mưa nổi giận ùn ùn kéo đến bất chợt như trút nước đổ xuống ngập cả lối đi, cũng không thể nào cản trở được ý chí quyết tâm của các chị.

Chỉ riêng phường An Thạnh có đến hơn mười chốt trực, suốt hơn hai tháng qua tất cả các thành viên trong Ban Chấp hành Hội phụ nữ Phường bàn giao việc bếp núc, nội trợ, đồng áng cho chồng con cáng đáng. Các chị còn thay phiên nhau đến từng hộ gia đình ghi đơn đặt hàng, đi chợ hộ giúp bà con, nhưng không phải thiếu thốn thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu trong những ngày giãn cách xã hội.

Mỗi ngày hai buổi, các chị len lỏi trên các con đường, ngõ hẻm trao từng hộp cơm, ổ bánh mì, ly cà phê, chai nước suối, như tiếp thêm sức mạnh để các anh, em ấm lòng an tâm làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch. Tính đi, tính lại suốt hơn hai tháng ròng rã làm nhiệm vụ hậu cần, hơn 500 ngàn đồng mỗi ngày tuy không nhiều, nhưng đối với hoạt động đoàn thể nếu như không có sự tiếp sức của các nhà Mạnh thường quân, Ban Chấp hành Hội không thể nào thực hiện được. Nhiều bàn tay vỗ sẽ kêu to, thấu hiểu với sự hy sinh thầm lặng của lực lượng làm nhiệm vụ rất cần những bữa ăn no đủ chất mới có sức chống chọi với dịch bệnh. Đều đặn mỗi ngày, chị Trần Thị Diễm, Hội viên phụ nữ phường trích một phần thu nhập từ việc mua bán hải sản vừa tranh thủ dậy sớm nấu bữa ăn sáng để Hội phụ nữ phường kịp thời mang đến cho anh em trực tại các chốt. Bữa thì cơm, hôm thì bánh mì để mọi người ngon miệng có đủ sức khỏe thêm động lực để làm nhiệm vụ.

Cuộc chiến chống dịch hãy còn dài, không phải ngày một, ngày hai kết thúc. Dịch bệnh luôn là mối hiểm họa có thể rình rập, bủa vây, không chừa bất cứ ai, nhất là tại các chốt trực. Hàng ngày anh em tiếp xúc nhiều người qua lại lây nhiễm là điều không tránh khỏi. Biết là vậy, nhưng chú Trần Văn Học, Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản phường An Thạnh vẫn luôn canh cánh trong suy nghĩ: “Nếu ai cũng lo sợ thì lấy đâu ra lực lượng tại chỗ để chung tay cùng chính quyền địa phương khống chế dịch bệnh, biết bao giờ mới trở lại trạng thái bình thường đây?” May nhờ vợ con quan tâm ủng hộ, tuy đã ngoài sáu mươi nhưng chú luôn tích cực tham gia trực tại chốt gần nhà, thậm chí có những đêm tận khuya chú vẫn thức cùng anh em động viên tinh thần xiết tay nhau làm tốt nhiệm vụ được phân công. Chú rất tinh tế trong việc quan sát và nhận diện người qua lại mỗi ngày để tìm nguyên nhân. Vậy mà cũng không tránh khỏi lời ra tiếng vào của một số đối tượng thiếu hiểu biết. Phát hiện chị N.T.V trong khu nhà trọ thuộc phường quản lý chưa tiêm vắc xin; cả ngày hôm đó chị tới lui nhiều lần, thậm chí đã hơn 22 giờ đêm vẫn còn ra ngoài không lý do. Chú cùng một số anh em trong ca trực giữ lại không cho qua nhưng, chị V dùng lời lẽ rất khó nghe xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ. Kịp thời báo chính quyền địa phương mời về trụ sở làm việc, phân tích đúng sai nên chị đã hiểu ra vấn đề, là phải chấp hành nghiêm việc phòng, chống dịch bệnh và không tái phạm.

Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 tạm lắng xuống, người dân từ các thành phố lớn đổ xô về quê; riêng xã Phú Cường huyện Tam Nông có gần 600 lao động, con số không hề nhỏ nhất là trong tình hình phức tạp như thế này; nếu không quản lý tốt thì địa phương được xem là “Vùng xanh” của tỉnh sẽ rất có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Không quản nắng mưa, cán bộ tổ, ấp cùng các tổ chức chính trị - xã hội lặn lội đến từng hộ gia đình nhắc nhở bà con nên ở yên trong nhà để an toàn cho gia đình và cộng đồng. Cảm kích vô cùng hình ảnh chú Lê Văn Kịch, suốt mấy tháng qua chú không nghỉ ngày nào; mỗi ngày qua lại thăm hỏi tình hình bà con trong tổ nào là nhắc nhở bà con vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, bỏ rác đúng nơi quy định… nhưng đó cũng là một trong những cách để chú nắm tình hình người lạ mặt đến địa phương. Dần bà con cũng hiểu ra, khi có người thân lao động làm việc từ nơi khác về gia đình, mọi người báo ngay với chú nên tình hình dịch bệnh Tổ 2, ấp A do chú làm tổ trưởng được kiểm soát chặt chẽ, bà con rất yên tâm.

Sự đồng thuận của người dân, cũng như tinh thần đoàn kết một lòng của hệ thống chính trị xã Phú Cường là một trong những cách làm hiệu quả. Mặc dù các anh, các chú tổ trưởng Tổ Nhân dân tự quản đa số lớn tuổi, sử dụng công nghệ đôi khi còn hạn chế, nhưng hiểu được ý nghĩa của việc tương tác và đưa nhận thông tin, các chú chịu khó học hỏi từ các bạn trẻ, con cháu trong gia đình, giờ đây ai cũng rành mạch biết nhắn, gửi để trao đổi và phản hồi thông tin kịp thời, nên lãnh đạo địa phương xử lý nhanh khi có tình huống xảy ra.

Không ai đứng ngoài cuộc, một hành động nhỏ đều thắp sáng lên niềm tin yêu, tinh thần “nhường cơm xẻ áo” một lần nữa được bùng cháy mãnh liệt. Những lúc khó khăn nhất, cũng là lúc bà con nghèo được dang tay giúp đỡ từ nhiều nguồn lực khác nhau. Trước khó khăn chung này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn Lấp Vò kết nối và nhờ sự giúp đỡ của thầy Thích Minh Chánh, Trụ trì Chùa Linh Thứu tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ kịp thời trên 300 hộ già yếu neo đơn địa phương nào gạo, nhu yếu phẩm; dù ít, dù nhiều các cụ cũng ấm lòng để sống vui, sống khỏe trong thời điểm dịch bệnh hoành hành khốc liệt. Tính riêng trong mùa dịch này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn Lấp Vò đã tranh thủ các nhà Mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh chia sẻ khó khăn với trên 7 ngàn hộ nghèo, với số tiền gần 2 tỷ đồng giúp mọi người ổn định cuộc sống, không bỏ ai ở lại phía sau.

Cùng chung thời điểm đó, toàn tỉnh thực hiện nghiêm giãn cách xã hội; chị Huỳnh Thị Nở, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Đông Thạnh, xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh cùng trực chốt với một số anh em trong đội. Đã hơn 11 giờ trưa anh em bụng đói cồn cào, thấy anh em đói mệt lã người, chị chạy vội về nhà nấu nồi cơm và một ít thức ăn của gia đình chuẩn bị trước hôm đó, mang ra cho mọi người lót dạ nên cũng vui trong bụng. Thấy việc làm ý nghĩa của chị, nên chồng con và anh chị em trong gia đình đều động viên ủng hộ. Vậy là mỗi ngày chị dậy sớm xách giỏ ra chợ mua thịt, cá và một số nhu yếu phẩm cần thiết; tiền ít chị phải gói gém hết cỡ, nói mua chứ bà con tiểu thương và người nông dân bán hàng ở chợ bán nới nới một chút; của ít lòng nhiều khi thì cho thêm một chục trứng, bữa thì vài chục kí rau củ quả… góp gió thành bão cũng xong một bữa ăn tươm tất, đủ dinh dưỡng để mọi người có sức khỏe chiến đấu lâu dài với dịch bệnh.

Ban đầu, chị bàn tính với các chị em phụ nữ trong tổ, mỗi người bỏ ra một ít, dần dần tiền quỹ tổ cũng cạn nguồn. Hội phụ nữ xã và chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện về kinh phí và tranh thủ các hộ nông dân hỗ trợ nông sản, gạo nên các suất ăn tăng dần lên, trung bình mỗi ngày hơn 200 suất ăn trong suốt thời gian giãn cách xã hội với số tiền hàng trăm triệu đồng. Nhờ vậy mà lực lượng công an, y tế và cán bộ địa phương tập trung tuyệt đối tại chỗ khi có phát sinh tình huống.

Rõ ràng tính hào sảng, truyền thống đoàn kết tương thân tương ái của toàn dân là một trong những yếu tố không kém phần quan trọng trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Cuộc chiến chống Covid-19 chưa đến hồi kết thúc, vẫn còn đó nhiều khó khăn trước mắt; tình hình an ninh trật tự, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh là nỗi lo lắng của từng địa phương. Hơn lúc nào hết, sự sáng tạo, linh hoạt mọi lúc mọi nơi là yếu tố tiên quyết, rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, cần lắm những cán bộ địa phương có tầm, có tâm biết huy động sức mạnh của toàn dân kết thành khối đoàn kết thống nhất; cùng đồng tâm, hiệp lực để vượt qua thời khắc khó khăn chung của cả nước trong phòng, chống dịch bệnh. Và “Khi toàn dân chung sức đồng lòng” thì mọi việc sẽ thành công.

KC.CT