Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp: Tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT đợt 1 đạt 99,25%

Trang chủ Tab Thông tin

Đồng Tháp: Tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT đợt 1 đạt 99,25%

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đợt 1, Đồng Tháp có 99,25% thí sinh thi đỗ, trong đó hệ giáo dục trung học phổ thông đạt 99,7%, hệ giáo dục thường xuyên đạt 93,31%, thí sinh tự do đạt 52,63%. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Đồng Tháp: Tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT đợt 1 đạt 99,25%

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1, Đồng Tháp có 99,25% thí sinh thi đỗ, trong đó hệ giáo dục THPT đạt 99,7%, hệ giáo dục thường xuyên đạt 93,31%, thí sinh tự do đạt 52,63%.

Thời gian nhận phúc khảo bài thi đến ngày 05/8/2021, chậm nhất ngày 16/8/2021 tổ chức phúc khảo bài thi và chậm nhất ngày 20/8/2021 xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Đồng Tháp còn 4.684 thí sinh không tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 và đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2.

Ngày 28/7/2021, Bộ GD&ĐT có Quyết định số 2507/QĐ-BGDĐT về việc bổ sung đối tượng được đặt cách xét công nhận tốt nghiệp THPT 2021. Theo đó, các thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và có nguyện vọng được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT, đang ở nơi thực hiện giản cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 21/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ hoặc nơi bị phong tỏa hoặc thuộc đối tượng phải cách ly y tế theo yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19. Và nếu thi sinh được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp theo quy định trên thì không được dự thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

2. Chuẩn bị phương án thực hiện hoạt động thể dục thể thao phù hợp tình hình thực tế

Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch tổ chức các hoạt động thể dục thể thao (TDTT) của tỉnh Đồng Tháp cũng như công tác triển khai Đại hội TDTT cấp xã ở các huyện, thành phố trên địa bàn Tỉnh. Đảm bảo thực hiện các kế hoạch đề ra, Sở VH,TT&DL đã xây dựng phương án điều chỉnh thời gian tổ chức các hoạt động thể thao và thời gian tổ chức Đại hội TDTT cấp xã cho phù hợp với điều kiện tình hình thực tế. Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, những tháng cuối năm 2021, Sở VH, TT và DL tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng phong trào TDTT quần chúng. Bên cạnh đó, đôn đốc các huyện, thành phố thực hiện Đại hội TDTT cấp cơ sở theo kế hoạch đề ra; chuẩn bị lực lượng tham dự Hội khỏe Phù Đổng khu vực và toàn quốc. Từ đầu năm đến nay, toàn Tỉnh tổ chức được 47 giải thể thao, hội thao với 7.400 lượt vận động viên tham dự. Có 11/12 huyện, thành phố (trừ huyện Thanh Bình) tổ chức Đại hội TDTT điểm cấp xã, với hơn 3.300 vận động viên tranh tài. Trong thời điểm chưa bùng phát dịch, thể thao thành tích cao của Tỉnh tham gia thi đấu 22 giải toàn quốc, giải mở rộng, đạt 14 HCV, 9 HCB, 19 HCĐ...

3. Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai của đại đa số người dân nhằm góp phần thực hiện tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai.

Trong giai đoạn 2021-2025, Tỉnh xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn liên quan tới các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Đội ngũ giảng viên, tập huấn viên các cấp được trang bị đầy đủ kiến thức về thiên tai và năng lực để tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức về thiên tai, kỹ năng ứng phó thiên tai tại cộng đồng. Người dân ở các khu vực thường xuyên xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở đất, giông, lốc, ngập lụt được phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, tránh, ứng phó thiên tai.

Định hướng đến năm 2030, phấn đấu đạt 100% cán bộ, viên chức, cá nhân khi tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh thuộc đối tượng 4 và đối tượng là cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư được phổ biến về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong phòng, chống thiên tai. 100% hộ dân ở các xã thường xuyên xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở đất, giông, lốc, ngập lụt, hạn hán và ít nhất 50% hộ dân ở các khu vực khác được phổ biến kiến thức về thiên tai và kỹ năng phòng tránh thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn. 100% các bậc đào tạo phổ thông đưa nội dung phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào một số môn học để giảng dạy. 100% số xã xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai phải có sự tham gia của cộng đồng. Đồng thời phấn đấu 100% hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai và thông tin chỉ đạo phòng, tránh thiên tai.

Phạm vi triển khai thực hiện ở các xã trên toàn Tỉnh, trước hết tập trung tại các khu vực nguy cơ rủi ro cao thuộc các xã thường xuyên chịu tác động của thiên tai.

4. Tăng cường công tác quản lý đất đai, chấn chỉnh tình trạng khai thác đất mặt

Thời gian vừa qua, trên địa bàn Tỉnh phát sinh thực trạng người sử dụng đất nông nghiệp tự ý khai thác lớp đất mặt để bán cho các cá nhân, tổ chức khác; làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tác động xấu đến môi trường, gây thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp ở các địa phương. Đây là hành vi vi phạm pháp luật đất đai (hủy hoại đất, sử dụng đất không đúng mục đích) cần phải được phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý nghiêm minh.Để lập lại trật tự trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về đất đai ở các địa phương, Chủ tịch UBND Tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, chấn chỉnh tình trạng khai thác đất mặt trên địa bàn Tỉnh.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN MỚI

Quy định mới về chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi người có công với cách mạng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.Nghị định gồm 4 chương, 16 điều và 6 phụ lục quy định về mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước chi thường xuyên hằng năm của Bộ LĐ-TB&XH.

Nghị định nêu rõ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng (mức chuẩn). Mức chuẩn này làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh.

Theo đó, mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là 4,872 triệu đồng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1,361 triệu đồng; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 là 1,679 triệu đồng; Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày là 974.000 đồng.

Ngoài quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp, Nghị định cũng quy định cụ thể các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Nghị định cũng bổ sung quy định người bị thương thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 23 Pháp lệnhsố 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV ưu đãi người có công với cách mạng mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 5% - 20% thì được hưởng trợ cấp ưu đãi một lần theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/9/2021.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Thành phố Cao Lãnh đang tiến hành test nhanh kháng nguyên Sars-CoV-2 trong cộng đồng dân cư, nhằm sớm phát hiện ca nhiễm. Cụ thể, 115 người là tổ trưởng, tổ phó tổ nhân dân tự quản, dân quân tự vệ ở phường 3,thành phố Cao Lãnh vừa được test nhanh Covid-19. Dự kiến đến ngày 01/8/2021, phường 3 sẽ lấy mẫu test nhanh đến các đối tượng, gồm: Ban chỉ đạo, các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, các tổ tuần tra, kiểm soát, các chốt kiểm soát, hộ gia đình, tài xế xe tải, các cơ sở kinh doanh còn hoạt động trên địa bàn phường…Hiện nay, Trung tâm Y tế Thành phố Cao Lãnh đang tiếp tục phối hợp với trạm y tế xã, phường thực hiện xét nghiệm sàng lọc Sars-CoV-2, phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi ngày dự kiển xét nghiệm 1.200 mẫu gộp (10 người).Đây là một trong những biện pháp nhằm phát hiện sớm và loại F0 ra khỏi cộng đồng.

Trong 2 ngày 25 - 26/7/2021, Trung tâm Y tế huyện Hồng Ngự tổ chức tiêm 1.750 liều vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZaneca (mũi 1) cho các đối tượng ưu tiên trên địa bàn Huyện. Đây là số vắc-xin mà huyện Hồng Ngự được Tỉnh phân bổ trong đợt 4. Theo đó, Trung tâm Y tế Huyện đã tiến hành tiêm cho 528 đối tượng là lực lượng kiểm soát tại các chốt phòng, chống dịch; 1.167 tiểu thương tại các chợ truyền thống, phụ nữ tham gia Quầy hàng lưu động, đội hình “Shipper áo xanh”; 55 công nhân, lao động làm việc tại các doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhằm góp phần phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện biên giới Hồng Ngự.

Chủ tịch UBND huyện Tân Hồngvừa chỉ đạo các xã: Bình Phú, Tân Thành A, Tân Thành B và Tân Công Chí thành lập thêm 4 Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện biên giới Tân Hồng. Cụ thể: 1 Chốt trên Quốc lộ 30 giáp ranh với thị trấn Sa Rài (gần dốc cầu Đúc) thuộc địa bàn xã Bình Phú; 1 Chốt trên đường tỉnh lộ 843, phía ngoài cầu Việt Thược hướng về thị trấn Sa Rài thuộc địa bàn xã Tân Thành B; 1 Chốt trên đường Tân Phước - Tân Thành A, giáp với xã Tân Phước thuộc địa bàn xã Tân Thành A; 1 Chốt trên đường tỉnh lộ 843, giáp với xã An Phước, gần dốc cầu Giồng Găng thuộc địa bàn xã Tân Công Chí.Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng giao Chủ tịch UBND các xã nói trên ban hành quyết định thành lập các Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19; số lượng thành viên của mỗi Chốt có ít nhất là 4 người; cơ sở vật chất của các Chốt do các xã tự đảm bảo. Thời gian hoàn thành và đưa các Chốt vào hoạt động từ 16 giờ, ngày 21/7/2021. Như vậy, đến nay toàn huyện Tân Hồng đã thành lập được 19 Chốt, tổ kiểm soát phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn 9 xã, thị trấn.Nhìn chung, qua những ngày thực hiện cách ly xã hội cho thấy, đa số người dân trên địa bàn huyện Tân Hồng chấp hành nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tụ tập đông người, không mang khẩu trang nơi công cộng, đi ra đường nhưng không có lý do chính đáng…

Huyện Tam Nông vừa ban hành quyết định thành lập 3 chốt kiểm soát phòng, chống dịch địa bàn giáp ranh huyện Tam Nông - thành phố Hồng Ngự (chốt An Hòa - phường An Bình B; chốt Phú Thành B- phường An Bình B) và Tam Nông - Tân Hồng (chốt Phú Thành B - An Phước).Trước đó, địa phương đã thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh: Hòa Bình - Tân Phước, Phú Hiệp - An Phước, Phú Cường - Gáo Giồng - Hưng Thạnh tổ chức trực 24/24 để quản lý người ra, vào địa phương. Các Đội kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 của Huyện và Công an các xã, thị trấn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục trên toàn địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thời gian thực hiện giãn các xã hội.

Để tránh nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm có thể xảy ra trong Khu công nghiệp, Phòng LĐ, TB và XH huyện Lai Vung phối hợp với Trung tâm Y tế Huyện, Ban quản lý khu kinh tế cùng với lãnh đạo 6 công ty trong Khu công nghiệp gồm: Công ty TNHH XNK Cỏ May, Công ty TNHH Cỏ May Lai Vung, Công ty CP Thủy sản Ngư Long, Công ty TNHH May mặc Lai Vung, Công ty CP thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, Công ty TNHH Khải Phát Việt Nam tiến hành tiêm vắc-xin ngừa dịch bệnh Covid-19 cho 1.224 cán bộ, công nhân viên và người lao động đang làm việc trong công ty.Những người được tiêm vắc-xin ngừa dịch bệnh Covid-19 tại 6 công ty trên là số cán bộ, công nhân viên và người lao động đang áp dụng thực hiện quy định “3 tại chỗ” phòng, chống dịch: sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại công ty.

Đến tháng 7/2021, huyện Tháp Mười có 62 Câu lạc bộ (CLB) Gia đình phát triển bền vững. Các CLB đều có Ban Chủ nhiệm, ban hành Quy chế hoạt động theo đúng quy định, sinh hoạt thường xuyên trong năm, nội dung sinh hoạt phong phú, thu hút nhiều người tham gia. Thông qua các CLB phát triển bền vững ở các ấp, khóm đã đưa nhiều nội dung thiết thực trong xây dựng gia đình, các kỹ năng nuôi dạy con, cháu, kỹ năng quản lý và làm kinh tế gia đình, kỹ năng tự hòa giải khi có mâu thuẫn nhỏ xảy ra trong gia đình, kịp thời ngăn chặn các vụ bạo lực gia đình, các thành viên gia đình thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh, góp phần phòng ngừa  tệ nạn xã hội...

UBND huyện Tháp Mười vừa ban hành quyết định thành lập tổ xét nghiệm Sars-CoV-2 trên địa bàn Huyện. Tổ gồm 17 thành viên, là viên chức Trung tâm Y tế Huyện, bí thư chi đoàn ngành huyện và bí thư đoàn các trường THPT. Tổ có trách nhiệm triển khai các hoạt động lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, truy vết khi có các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 và lấy mẫu lưu động trên địa bàn Huyện nhằm tránh tập trung đông người để lấy mẫu. Ngoài ra, tổ xét nghiệm có nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo hoạt động về UBND Huyện về kết quả thực hiện công tác lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ