Xuất bản thông tin

null Ngành Triết học Việt Nam sẽ có những bước phát triển vượt bậc, cống hiến cho Tổ quốc nhiều thành tựu hơn nữa

Chi tiết bài viết Nghiên cứu

Ngành Triết học Việt Nam sẽ có những bước phát triển vượt bậc, cống hiến cho Tổ quốc nhiều thành tựu hơn nữa

 Đại hội đại biểu thành lập Hội Triết học Việt Nam diễn ra ngày 20/9, tại Hà Nội; Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã có bài phát biểu tại Đại hội. Sau đây là toàn văn bài phát biểu.

Hôm nay, tôi rất vui mừng được tham dự Đại hội thành lập Hội Triết học và cũng là Lễ ra mắt của Hội Triết học nước nhà.

Trong niềm vui này, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và với tư cách cá nhân của một người học triết học, tôi xin nồng nhiệt chúc mừng các đồng chí - những người đang nghiên cứu, giảng dạy triết học có mặt tại Đại hội hôm nay và tất cả những người đang hoạt động trong lĩnh vực này trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Xin chúc giới triết học Việt Nam mạnh khỏe, hạnh phúc, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!

Kính thưa Đại hội,

Việc thành lập Hội Triết học là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự tập hợp những người làm công tác triết học trong một tổ chức xã hội- nghề nghiệp, nhằm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác nghiên cứu, giảng dạy Triết học, góp phần vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Ở nước ta, hơn 70 năm trước, vào năm 1949, khi trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương ra đời, Tổ Triết học, tổ chức tiền thân của Viện Triết học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện nay, đã hình thành. Sau đó, năm 1959, Tổ Triết học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước, tiền thân của Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam được thành lập. Đây là những tổ chức triết học đầu tiên ở nước ta.

Tuy nhiên, từ rất sớm, dân tộc ta đã phần nào tiếp cận được tinh hoa triết học của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở phương Đông. Khi một số Trung tâm khoa học châu Âu có mặt tại Hà Nội, thông qua quan hệ với các Trung tâm này, chúng ta không chỉ tiếp nhận được nội dung của nhiều học thuyết, nhiều khuynh hướng triết học mà còn tiếp nhận được cả phương pháp tư duy triết học ở trình độ cao của nhân loại. Những yếu tố trên góp phần không nhỏ vào sự phát triển tư tưởng triết học Việt Nam, song, về cơ bản, sự phát triển tư tưởng triết học Việt Nam là kết quả sự kế thừa và phát triển trí tuệ uyên bác của cha ông ta từ thực tiễn hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Thưa các đồng chí,

Tôi bày tỏ sự tán đồng và chia sẻ ý tưởng của Hội ta. Việt Nam chưa có nền triết học sánh ngang với triết học Hy Lạp - La Mã bề thế, với triết học Ấn Độ sâu sắc, với triết học Trung Hoa thâm thúy, hay với triết học duy lý của Tây Âu; nhưng Việt Nam, bên cạnh nền văn hóa vật thể ẩn chứa vô vàn những triết lý hành động, còn có nền văn hóa Văn - Sử - Triết bất phân, có sự kết hợp tinh tế giữa các loại hình văn hóa với tư duy tín ngưỡng dân tộc… Sự kết hợp có phần độc đáo này cùng quá trình lao động sản xuất, chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm đã sản sinh ra nhiều tư tưởng triết học Việt Nam mang tính chân lý bền vững như: “Khoan thư sức dân là kế dài lâu, sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước” của Trần Hưng Đạo, “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” của Nguyễn Trãi, “Giữ gìn đất nước, không để kẻ nào lấy được mất một thước núi, một tấc sông” của Lê Thánh Tông, “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Phan Châu Trinh, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”  của Hồ Chí Minh…  

Gần một thế kỷ qua, kể từ khi triết học Mác - Lênin được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam truyền bá ở Việt Nam, tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn của nó đã được giới lý luận và các nhà hoạt động xã hội Việt Nam nhanh chóng tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo. Sự tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo này đã góp phần làm cho triết học Mác – Lênin trở thành thế giới quan, phương pháp luận định hướng cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của dân tộc, kể cả thực tiễn lao động xây dựng đất nước, xây dựng phát triển văn hóa, con người, tiến hành và kết thúc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đưa đất nước vững bước vươn tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhìn lại gần 35 năm qua, khi chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, đã đem lại cho chúng ta  nhận thức đầy đủ hơn, đúng đắn hơn về chủ nghĩa tư bản, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, về thời kỳ quá độ và những đặc trưng của xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, về thực chất của bóc lột và kinh tế tư nhân, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về vai trò của văn hóa, con người đối với tiến bộ xã hội, v.v…

Có thể khẳng định rằng, sự nhận thức đầy đủ hơn, đúng đắn hơn này trước hết là nhờ tư duy triết học. Tư duy biện chứng duy vật đã cung cấp cơ sở lý luận làm thay đổi phương thức phát triển đất nước - từ chỗ cứng nhắc, chủ quan, giáo điều sang phương thức mềm dẻo hơn, thực tế hơn, năng động hơn, sáng tạo hơn. Tư duy này đã định hướng đưa nước ta ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, ra khỏi tình trạng một nước nghèo và từng bước vững chắc đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tầm quan trọng của tư duy triết học và thành tựu của ngành Triết học Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là rất lớn và rất đáng trân trọng, song trước nhu cầu phát triển của xã hội, nhiều vấn đề trong lĩnh vực này còn làm cho chúng ta phải suy nghĩ và nỗ lực nhiều hơn. Chẳng hạn, hiện nay ở nước ta, ngoài triết học Mác - Lênin, các triết học khác ít được nghiên cứu sâu, thậm chí ít được biết đến; trong hệ thống giáo dục quốc dân, việc giảng dạy và nghiên cứu triết học nhiều năm gần đây chưa đạt chất lượng cao; hiện nay chưa có nhà triết học Việt Nam nào đủ nổi tiếng hoặc đạt đến trình độ chuyên gia, trong sự so sánh với các nhà triết học thế giới và khu vực, mặc dù Việt Nam đã có đại diện trong Ủy ban điều hành Liên đoàn các Hội triết học thế giới; sự gắn kết giữa triết học với chính trị và với thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết…

Kính thưa Đại hội,

Từ nhu cầu phát triển của xã hội, từ thực trạng các mặt của ngành Triết học Việt Nam, được dự Đại hội quan trọng này, tôi xin nêu một vài suy nghĩ có tính gợi mở về vai trò, trách nhiệm của Hội Triết học để các đồng chí tham khảo:

Trước hết, với tinh thần kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hội Triết học có nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền và chức năng để đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực có tri thức và tư duy triết học cao, đồng thời góp phần nâng cao hiểu biết của nhân dân về triết học, cung cấp cơ sở lý luận triết học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, Hội Triết học đẩy mạnh nghiên cứu tinh hoa triết học thế giới, nghiên cứu tư tưởng triết học Việt Nam, nghiên cứu và phát triển Triết học Mác - Lênin, tư tưởng triết học Hồ Chí Minh nhằm cung cấp cơ sở lý luận triết học cho đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt với các mục tiêu cụ thể và to lớn mà Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” là: Phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thứ ba, Hội Triết học có nhiệm vụ góp phần làm sáng tỏ vai trò của triết học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với tính cách là bộ phận cấu thành quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta, là ngọn cờ tư tưởng và là hạt nhân lý luận của thế giới quan và phương pháp luận cho mọi hoạt động lý luận và thực tiễn. Từ góc độ lý luận triết học, Hội triết học cần đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm triết học sai trái, thù địch, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, đất nước.

Thứ tư, Hội Triết học phải trở thành mái nhà chung của các thế hệ những nhà nghiên cứu, giảng dạy triết học của cả nước; cái nôi vun đắp, bồi dưỡng, để Việt Nam có những triết gia, chuyên gia nghiên cứu triết học tầm cỡ khu vực và thế giới; là nơi tham gia tổ chức các diễn đàn học thuật uy tín về triết học cả trong và ngoài nước.

Với bề dày tri thức và kinh nghiệm, với lòng nhiệt huyết của các đồng chí, tôi  hy vọng và tin tưởng rằng, tới đây, sau khi Hội Triết học đi vào hoạt động, ngành Triết học Việt Nam sẽ có những bước phát triển vượt bậc, cống hiến cho Tổ quốc nhiều thành tựu hơn, để lại nhiều dấu ấn tích cực hơn, đậm nét hơn trong thực tiễn và trong nhận thức của xã hội.

Xin chúc các đồng chí sức khỏe, thành đạt; luôn tư duy sắc bén và sáng tạo!

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cám ơn các đồng chí!

Võ Văn Thưởng

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương