Xuất bản thông tin

null Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Nhằm bảo đảm trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và địa phương trong thực hiện quyền trẻ em, kịp thời giải quyết các vấn đề về trẻ em trên địa bàn Tỉnh năm 2024, Uỷ ban nhân dân Tỉnh có Công văn số: 93/UBND-VX ngày 26/3/2024 về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác trẻ em năm 2024. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục học sinh

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa có Công văn số: 379/SGDĐT-CTTT ngày 19/3/2024 về việc tăng cường công tác quản lý, giáo dục học sinh yêu cầu các cơ sở giáo dục (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập và ngoài công lập) tổ chức rà soát việc phân công nhiệm vụ của cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên và nhân viên theo đúng quy định hiện hành và phù hợp với thực tế tại đơn vị; tăng cường công tác quản lí của thủ trưởng đơn vị; phối hợp chặt chẽ với ban đại diện cha mẹ học sinh, các ngành chức năng tại địa phương để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh; theo dõi, quản lí, giáo dục học sinh; phòng ngừa các tình huống tiêu cực xảy ra, kịp thời phối hợp giải quyết, xử lí vụ việc kịp thời, dứt điểm (nếu có); phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lí cho học sinh và công tác xã hội trường học; chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thường xuyên theo dõi, quản lí chặt chẽ học sinh của lớp mình phụ trách; tăng cường các kênh thông tin, nắm bắt kịp thời tình hình học sinh trong và ngoài nhà trường để phối hợp với cha mẹ học sinh hỗ trợ, giúp đỡ học sinh gặp khó khăn.

2. Phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục

Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng, chống HIV/AIDS và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Đồng Tháp (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138/ĐP Tỉnh) có Công văn số: 242/UBND-NCPC ngày 19/3/2024 về việc triển khai Chương trình phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 - 2030 yêu cầu Công an Tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình phối hợp số 03/CTrPH-BCA-BGDĐT ngày 22/02/2024 giữa Bộ Công an với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 - 2030, tổ chức ký kết trong tháng 3/2024 và thực hiện từ học kỳ II năm học 2023 - 2024; nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân Tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong Chương trình phối hợp; tiếp tục thực hiện các giải pháp kéo giảm "nguồn cầu" ma túy, tập trung vào công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, hạn chế đến mức thấp nhất số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy phát sinh mới; chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, công an cấp huyện và công an cấp xã phối hợp với các đơn vị của ngành giáo dục cùng cấp xây dựng kế hoạch phối hợp theo phương châm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả"; đồng thời chỉ đạo lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy các cấp tăng cường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thường xuyên trao đổi thông tin, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy tại các cơ sở giáo dục.

3. Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng

Kế hoạch số: 89/KH-UBND ngày 21/3/2024 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về tiếp tục hỗ trợ duy trì bền vững Dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng" tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2024 - 2026 đề ra các nội dung thực hiện chủ yếu như: Phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin Thư viện, luôn hoạt động ổn định, sẵn sàng phục vụ cho việc sử dụng máy tính, truy nhập Internet công cộng của người dân và cho việc tổ chức các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại Thư viện. Bên cạnh đó, duy trì và phát triển việc cung cấp tài liệu số thiết thực, hữu ích, phù hợp trên Website Thư viện, Facebook Thư viện, đáp ứng nhu cầu thông tin, tri thức của cộng đồng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; tổ chức xây dựng và phát triển bộ sưu tập số hóa các tài liệu địa phương tại Thư viện Tỉnh...

4. Năm 2024 dự kiến đào tạo nghề cho khoảng 2.210 lao động

Kế hoạch số: 82/KH-UBND ngày 19/3/2024 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp dự kiến đào tạo nghề cho khoảng 2.210 lao động, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là 2.170 lao động và đào tạo nghề Giám đốc hợp tác xã là 40 lao động. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ tập trung đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm theo hướng an toàn, hữu cơ, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn; sản xuất tuần hoàn; phát triển sản phẩm OCOP. Khuyến khích nhân rộng các mô hình đào tạo nghề gắn với mô hình khuyến nông phục vụ Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; nghề về quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

5. Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng

Kế hoạch số: 103/KH-UBND ngày 26/3/2024 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về triển khai thực hiện công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2024 đề ra 09 nội dung thực hiện, trong đó tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định số: 76/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tiếp tục triển khai các văn bản thuộc lĩnh vực công tác gia đình được Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành.

Bên cạnh đó, đánh giá hoạt động của Ban Chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" liên quan đến nhiệm vụ thực hiện công tác gia đình; công tác phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình; nhân rộng các mô hình hiệu quả, mô hình mới về xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình...

6. Bảo đảm an ninh, an toàn tại cơ sở cai nghiện ma tuý công lập

Công văn số: 88/UBND-VX ngày 22/3/2024 về tăng cường chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại cơ sở cai nghiện ma tuý công lập của Ủy ban nhân dân Tỉnh yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Công an Tỉnh, uỷ ban nhân dân huyện, thành phố tiếp tục triển khai công tác cai nghiện ma túy theo Công điện số: 356/CĐ-TTg ngày 20/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác xác định tình trạng nghiện ma túy và cai nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy; chỉ đạo Cơ sở điều trị nghiện Tỉnh thực hiện nghiêm quy trình cai nghiện ma tuý; tăng cường công tác quản lý học viên cai nghiện thông qua việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm các nội quy, quy chế của Cơ sở cai nghiện theo đúng quy định; kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng học viên.

7. Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Uỷ ban nhân dân Tỉnh có Công văn số: 93/UBND-VX ngày 26/3/2024 về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác trẻ em năm 2024 yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành Tỉnh, uỷ ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện; kiểm tra hoạt động các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, việc sử dụng trẻ em tham gia lao động tại các cơ sở sản xuất kinh doanh...

Yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương triển khai tổ chức dạy bơi trong trường học và tại cộng đồng; Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì triển khai các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác y tế trường học; đẩy mạnh các biện pháp để kiểm soát, kéo giảm tình trạng bạo lực học đường...

8. Tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người

Uỷ ban nhân dân Tỉnh có Công văn số: 95/UBND-VX ngày 27/3/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người, trong đó, đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh, Cục Hải quan Tỉnh, Công an Tỉnh và các địa phương khu vực biên giới tăng cường giám sát người nhập cảnh để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh, nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (bao gồm dịch trên gia cầm và ở người); Sở Y tế tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời người mắc cúm A (H5N1); bảo đảm thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch...

9. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật

Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã có Công văn số: 161/UBND-KT ngày 16/3/2024 về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật , trong đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh các chương trình, kế hoạch phòng, chống bệnh dại để bảo đảm phù hợp, đủ nguồn lực để thực hiện; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật, triển khai xây dựng vùng an toàn bệnh dại trên động vật; tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh dại; chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dại ở chó, mèo; phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh... Đồng thời yêu cầu Sở Y tế xây dựng kế hoạch sử dụng    vắc-xin phòng dại cho người bị chó, mèo cắn, người có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh dại trên địa bàn Tỉnh; kiện toàn, mở rộng số lượng các điểm tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại; đảm bảo đủ trang thiết bị, vắc xin và huyết thanh kháng dại đã được cấp phép sử dụng.

10. Tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm tối thiểu trên 80% tổng đàn

Công văn số: 159/UBND-KT ngày 16/3/2024 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát và hướng dẫn công tác tiêm phòng, trong đó chú trọng đối tượng tiêm phòng mới, tiêm phòng bổ sung vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp uỷ ban nhân dân huyện, thành phố và đơn vị có liên quan thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; trong đó tập trung các biện pháp ngăn chặn, phòng chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật theo quy định.

Uỷ ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ động triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng; Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tỉnh có liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, các biện pháp phòng, chống; về tình hình dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, trong giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

11. Triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại ở người

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa có Công văn số: 89/UBND-VX ngày 22/3/2024 về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại ở người gửi các sở, ban, ngành tỉnh; uỷ ban nhân dân huyện, thành phố. Theo đó, Uỷ ban nhân dân Tỉnh yêu cầu, các đơn vị trên thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch số: 347/KH-UBND của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về việc thực hiện "Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030" trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Sở Y tế tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao; bố trí mỗi huyện có ít nhất 01 điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vắc-xin phòng dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn. Uỷ ban nhân dân Tỉnh cũng chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời; tăng cường công tác phối hợp liên ngành y tế và thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn.

12. Tập huấn nghiệp vụ công tác Hội Chữ thập đỏ, Đông y, Người mù năm 2024

Từ ngày 27 đến ngày 29/3/2024, tại Trung tâm Chính trị huyện Cao Lãnh, Hội Chữ thập đỏ Tỉnh tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội Chữ thập đỏ, Đông y và Người mù, với sự tham gia của trên 150 đại biểu là cán bộ Hội cụm 1 gồm: Huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình và thành phố Cao Lãnh nhằm bồi dưỡng chuyên môn, tạo điều kiện để cán bộ làm công tác Hội Chữ thập đỏ, Đông y và Người mù ở cơ sở nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ góp phần cùng đội ngũ cán bộ Hội các cấp thực hiện hiệu quả công tác hội và phong trào chữ thập đỏ tại địa phương.

Trong thời gian 03 ngày đại biểu được cung cấp các kiến thức cơ bản và kỹ năng về nghiệp vụ công tác Hội Chữ thập đỏ như: Những vấn đề chung về dân vận và công tác dân vận; quan điểm nội dung lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ, Đông y, Người mù trong tình hình mới. Kinh nghiệm và giải pháp thực hiện công tác dân vận, công tác tham mưu, đề xuất và vận động nguồn lực của Hội Chữ thập đỏ hiện nay. Thực trạng và giải pháp xây dựng tổ chức của Hội, quản lý, sử dụng hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ ở tỉnh Đồng Tháp thời gian tới. Thực trạng và nhiệm vụ, giải pháp công tác vận động hiến máu tình nguyện, công tác sơ cấp cứu cộng đồng hiện nay ở tỉnh Đồng Tháp. Thực trạng và nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đông y, hoạt động các phòng Chuẩn trị y học cổ truyền thời gian tới. Thực trạng và nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác người mù hiện nay ở tỉnh Đồng Tháp… Kết thúc khóa tập huấn, học viên được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn nghiệp vụ công tác Hội Chữ thập đỏ cơ sở năm 2024.

13. Tăng cường công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện

Từ tháng 3/2024, thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Công an Tỉnh, uỷ ban nhân dân huyện, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác xác định tình trạng nghiện ma túy (MT) và cai nghiện MT theo Luật Phòng, chống MT; hướng dẫn triển khai công tác cai nghiện MT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định tại Nghị định số: 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ. Đồng thời chỉ đạo Cơ sở điều trị nghiện Tỉnh thực hiện nghiêm quy trình cai nghiện MT.

Tại các địa phương, uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo, bố trí nguồn kinh phí tổ chức thực hiện công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện MT trên địa bàn quản lý. Chú trọng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện và công chức, viên chức, người lao động làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện MT. Cùng với đó, chỉ đạo lực lượng Công an cấp huyện, cấp xã tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự, phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất MT.

14. Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp Hội) phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị chủ đề "Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phat triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay". Tại Hội nghị, các đại biểu được lắng nghe TS. Phan Trần Minh Khuê, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh trình bày khái quát tổng quan về trí tuệ nhân tạo (AI), các ứng dụng thực tế và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay.

Hội nghị là sự tiếp nối chuỗi chủ đề "Chat GPT: Nhận diện và cách ứng xử" được Liên hiệp Hội tổ chức vào tháng 3/2023, cũng như quán triệt thực hiện Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 12/5/2022 về triển khai Bản thỏa thuận hợp tác giữa Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp và Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025. Hội nghị góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Tỉnh về Trí tuệ nhân tạo (AI); cách nhận diện và ứng xử phù hợp với AI.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN

1. Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống bệnh Lao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số: 25/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Lao.

Để kiểm soát, nhằm đạt các mục tiêu của Chiến lược phòng, chống bệnh Lao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai chủ động, hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh Lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 ban hành kèm theo Quyết định số: 374/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác phòng, chống bệnh Lao. Tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh Lao là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó ngành y tế là nòng cốt, lấy y tế cơ sở làm trọng tâm; gánh nặng do bệnh Lao gây ra cho người bệnh, gia đình, cộng đồng và xã hội; bệnh Lao là bệnh chữa khỏi được.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo củng cố năng lực hệ thống khám bệnh, chữa bệnh (công lập và tư nhân), đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở trong việc phát hiện, quản lý, điều trị và phòng bệnh Lao, trong đó có việc gắn kết với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống cơ sở phòng, chống bệnh Lao trên địa bàn. Bám sát tình hình tại địa phương để kịp thời chỉ đạo công tác phát hiện và điều trị bệnh nhân Lao. Triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh trong cộng đồng. Ưu tiên phân bổ nguồn lực từ ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống bệnh Lao trên địa bàn, nhất là các tỉnh có số mắc cao.

2. Tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin, Cục Y tế dự phòng vừa đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh. Thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp, kịp thời.

Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi, nhất là trong thời gian bị gián đoạn cung ứng vắc-xin phòng bệnh.

Đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh ho gà, các bệnh dự phòng bằng vắc xin để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vắc-xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.

Hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.

3. Tăng cường công tác phòng, chống bệnh Sởi

Ngày 19/3/2024, Bộ Y tế ban hành Công văn số: 1276/BYT-DP gửi uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống bệnh Sởi.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh Sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh.

Tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vắc-xin Sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vắc-xin Sởi - Rubella cho trẻ 18 tháng tuổi; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh Sởi và các biện pháp phòng chống, vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng bệnh.

4. Những trường hợp nghỉ hưu sớm không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu

Đầu tiên cần tìm hiểu về tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường hiện nay. Theo đó, khoản 1 Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định: Kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Vì vậy, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường năm 2023 là: 60 tuổi 9 tháng với lao động nam và 56 tuổi với lao động nữ. Sang năm 2024, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là: 61 tuổi với lao động nam và 56 tuổi 4 tháng với lao động nữ.

Nếu người lao động nghỉ hưu trước các mốc tuổi nghỉ hưu theo từng năm nêu trên thì xác định là nghỉ hưu sớm và bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu. Cụ thể, theo Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hầu hết những trường hợp nghỉ trước tuổi sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng với mức 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Ngoại trừ các trường hợp sau:

Cán bộ, công chức, viên chức

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 29/2023/NĐ-CP thì cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu sớm mà không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu khi thuộc 5 trường hợp tinh giản biên chế, bao gồm:

- Đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu thấp nhất theo quy định và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021.

- Đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì được hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019).

- Đối tượng tinh giản biên chế có tuổi tối thiểu thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu thấp nhất và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021.

- Đối tượng tinh giản biên chế có tuổi tối thiểu thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên (riêng nữ cán bộ, công chức cấp xã thì có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên).

- Đối tượng tinh giản biên chế là nữ cán bộ, công chức cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường mà có đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Người lao động

Căn cứ khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì được hưởng lương hưu hằng tháng.

Căn cứ Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019) thì các trường hợp nghỉ hưu sớm mà không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu bao gồm:

- Người lao động có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021.

Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019), người lao động đủ tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021.

- Người lao động có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019.

Trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019).

- Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Người lao động trong trường hợp này sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019). (Nguồn Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Tỉnh)

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ