Xuất bản thông tin

null Triển khai chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi

Trang chủ Tab Thông tin

Triển khai chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi. Theo đó, Kế hoạch sẽ được triển khai thực hiện từ tháng 4/2022 và hoàn thành trong Quý II/2022. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Kế hoạch đề ra mục tiêu 100% chính quyền các cấp thực hiện rà soát, sắp xếp lại hệ thống y tế trường học trong các cơ sở giáo dục, xây dựng cơ chế quản lý và phương thức hoạt động y tế trường học phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương; 100% cơ sở giáo dục có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế ở địa phương; 100% trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã có phân công cán bộ phụ trách công tác y tế trường học...

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu trên, Kế hoạch đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó đối với cơ sở giáo dục công lập, căn cứ số nhân viên y tế chuyên trách tại các trường học đã được tuyển dụng trên địa bàn Tỉnh, tổ chức sắp xếp lại theo hướng ưu tiên bố trí nhân viên chuyên trách y tế trường học đối với các trường chuyên biệt; cơ sở giáo dục phổ thông có nhiều cấp học; cơ sở giáo dục có vị trí xa trạm y tế cấp xã, cơ sở khám chữa bệnh.

Đối với cơ sở giáo dục không sắp xếp, bố trí được nhân viên chuyên trách y tế trường học, thực hiện phân công nhân viên kiêm nhiệm làm đầu mối theo dõi công tác y tế trường học và ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để triển khai công tác y tế trường học.

Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, chủ động bố trí nhân viên chuyên trách y tế trường học hoặc ký hợp đồng với cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để triển khai công tác y tế trường học theo quy định.

Các cơ sở giáo dục có cơ chế khuyến khích hệ thống y tế ngoài công lập tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh trong các cơ sở giáo dục; huy động đầu tư của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cho công tác y tế trường học, tập trung vào một số lĩnh vực: Dinh dưỡng học đường, công trình nước sạch, nhà vệ sinh, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế trường học...

2. Triển khai chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi. Theo đó, Kế hoạch sẽ được triển khai thực hiện từ tháng 4/2022 và hoàn thành trong Quý II/2022.

Đối tượng tiêm là tất cả trẻ từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đang sinh sống hoặc học tập trên địa bàn Tỉnh. Dự kiến 95% trẻ từ đủ 5 đến dưới 12 tuổi (178.061 người) được tiêm là 169.158 người. Dự kiến số lượng vắc xin tiêm đủ 02 mũi: 338.316 liều.

Về hình thức triển khai: Tổ chức tiêm theo chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học.

Cụ thể, đối với trẻ đi học: Tiêm tại trường học hoặc điểm tiêm được cơ sở giáo dục lựa chọn phù hợp đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch; triển khai trước cho nhóm tuổi học sinh trung học cơ sở và nhóm học sinh tiểu học, lần lượt từ khối lớp 6 đến khối tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5), sau đó sẽ triển khai đến học sinh trường mầm non (khối lớp lá).

Đối với trẻ không đi học: Tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND huyện, thành phố lựa chọn.

Đối với trẻ có bệnh nền, trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện và các trường hợp vượt khả năng khác: Trung tâm Y tế huyện, thành phố lập danh sách trẻ từ đủ 5 đến dưới 12 tuổi để tiêm tại điểm tiêm bệnh viện đa khoa tuyến Tỉnh.

Loại vắc xin sử dụng: Vắc xin được sử dụng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

UBND Tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổ chức tiêm vắc xin kịp thời, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả, không để vắc xin hết hạn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xin cho, lựa chọn vắc xin, lợi dụng chức trách để tiêm cho người không đúng đối tượng và các tiêu cực khác trong việc tiêm vắc xin; theo dõi, báo cáo UBND Tỉnh xử lý nghiêm, kịp thời theo pháp luật các trường hợp vi phạm.

3. Tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

UBND Tỉnh vừa yêu cầu các sở, ngành Tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường tổ chức, tham gia các hoạt động liên quan đến bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; tổ chức các lớp dạy kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ và trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

UBND Tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở LĐ - TB và XH cùng các đơn vị có liên quan đề xuất UBND Tỉnh các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng gây ảnh hưởng xấu đến trẻ em. Cung cấp thông tin đầu mối phối hợp trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng về Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 30/4/2022.

UBND Tỉnh cũng đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của trẻ em và cộng đồng về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trên môi trường mạng.

4. Đến năm 2030: 70% người cao tuổi tham gia luyện tập thể dục, thể thao

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch này là đến năm 2030 có 70% người cao tuổi tham gia luyện tập thể dục, thể thao. Cùng với đó là 70% người cao tuổi có nhu cầu, khả năng lao động có việc làm, được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; 90% xã, phường, thị trấn có các loại hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của người cao tuổi; 90% bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi tại khoa khám bệnh, bố trí giường bệnh điều trị nội trú cho người cao tuổi ...

Kế hoạch đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó triển khai hệ thống chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và các chính sách khám chữa bệnh BHYT cho người cao tuổi; kịp thời chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, lập sổ quản lý theo dõi sức khỏe người cao tuổi ở y tế tuyến xã, ưu tiên nhóm người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên và từng bước mở rộng đến nhóm từ 65 tuổi trở lên; thực hiện khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi không có điều kiện đến cơ sở khám chữa bệnh.

Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn theo hướng phổ cập theo độ tuổi, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội theo khả năng ngân sách, giá tiêu dùng và tương quan chính sách đối với các nhóm đối tượng khác...

5. Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động từ ngày 01 - 31/5/2022

Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2022 được phát động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp từ ngày 01 - 31/5, với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở thông qua hoạt động thông tin, tuyên truyền, chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động, hạn chế thấp nhất tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Một số hoạt động chuyên đề trong Tháng hành động về ATVSLĐ: đổi mới và tăng cường đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ tới doanh nghiệp, người lao động phù hợp trên nhiều kênh, phương tiện truyền thông đại chúng; treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ; phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tổ chức tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động nhận diện, đánh giá nguy cơ, rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc ATVSLĐ trong các doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, công trình xây dựng…

6. Thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch, vệ sinh nông thôn

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp để triển khai thực hiện đạt các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn.

Về cấp nước tập trung nông thôn, sẽ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ theo quy hoạch (Kế hoạch) được duyệt, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu. Tăng cường duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch, ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt cho cấp nước sinh hoạt; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung cho vùng sâu, khu vực biên giới.

Đối với cấp nước quy mô hộ gia đình, thực hiện các giải pháp cấp nước quy mô hộ gia đình đối với những khu vực khó khăn, không thể đầu tư tuyến ống truyền tải từ các công trình cấp nước tập trung. Hướng dẫn kiểm tra, giám sát chất lượng nước quy mô hộ gia đình; sử dụng vật liệu thu, xử lý, trữ nước an toàn hộ gia đình.

Tỉnh sẽ xây dựng hướng dẫn và triển khai kế hoạch cấp nước an toàn đảm bảo ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường công tác giám sát đánh giá thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn...

Về vệ sinh nông thôn, Đồng Tháp xây dựng lộ trình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư tập trung, đảm bảo phù hợp với quy hoạch và đồng bộ với kết cấu hạ tầng nông thôn. Thí điểm áp dụng các mô hình công nghệ thu gom và xử lý nước thải chi phí thấp, hạn chế hóa chất. Hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích áp dụng các giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi thân thiện với môi trường. Hộ chăn nuôi, chủ trang trại chăn nuôi chịu trách nhiệm xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo đúng quy định...

7. Thực hiện Chương trình an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021 - 2025

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021 - 2025 nhằm chăm lo cải thiện điều kiện làm việc; phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe người lao động; bảm bảo an toàn tính mạng cho người lao động...

Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trung bình mỗi năm, giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người; tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp, 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động; trên 85% số người lao động làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; 100% số người lao động có quan hệ lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật.

Kế hoạch đề ra nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện như: Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động cho người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động các cấp, Ban quản lý khu kinh tế và người sử dụng lao động, người lao động ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, ưu tiên các doanh nghiệp, cơ sở có nguy cơ cao về an toàn, vệ sinh lao động.

Kịp thời điều tra, xử lý các vụ tai nạn lao động, nhất là lao động làm chết người, tai nạn lao động nghiêm trọng làm bị thương từ 02 người trở lên xảy ra trên địa bàn Tỉnh, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra tai nạn lao động.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong Tỉnh; tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, người quản lý; xây dựng và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh nghề nghiệp phổ biến trong các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ về bệnh nghề nghiệp...

8. Triển khai hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai hoạt động khoa học và công nghệ thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Tỉnh uỷ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025.

Theo kế hoạch, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 là triển khai ít nhất 15 nhiệm vụ khoa học công nghệ thực hiện nội dung thuộc Nghị quyết, Kết luận của Tỉnh uỷ; tổ chức chuyển giao ít nhất 20 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ (bao gồm chuyển giao công nghệ, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học) phục vụ các đề án của Tỉnh.

Đến năm 2025, hỗ trợ phát triển ít nhất 20 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý) ra nước ngoài cho ít nhất một sản phẩm nông sản chủ lực, đặc thù của Tỉnh. Tổ chức đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp chủ lực.

9. Hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền hội viên, phụ nữ giữ gìn vệ sinh môi trường

Thực hiện công tác phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 - 2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ Tỉnh đã triển khai đến hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, thành phố những phần việc trọng tâm gắn với các phong trào thi đua; củng cố, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường phù hợp tại địa phương, mang lại hiệu quả tích cực thông qua các kênh tuyên truyền: các nhóm zalo, các buổi sinh hoạt tổ, nhóm từ tỉnh đến cơ sở. Với nội dung phụ nữ tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp; xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, “tuyến đường 3 sạch”, tuyến đường nông thôn mới... Bên cạnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Tỉnh đã phối hợp với cá ngành liên quan tổ chức hướng dẫn gia đình có hội viên, phụ nữ thực hiện phân loại rác tại nguồn; hướng dẫn hội viên, phụ nữ nắm quy trình xử lý rác thải, làm phân hữu cơ, hạn chế gây ô nhiễm môi trường...

Tại các huyện, thành phố trong Tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thường xuyên tổ chức, phối hợp ra quân bảo vệ môi trường trên các tuyến đường như: phát quang, chặt mé cây xanh che khuất tầm nhìn, dọn rác thải. Phối hợp vận động hội viên, phụ nữ, người dân quét dọn, thu gom rác sinh hoạt, khơi thông cống rãnh khu vực xung quanh nhà; khuyến khích người dân tự làm hàng rào, trồng cây xanh, trồng hoa kiểng tạo cảnh quang xanh - sạch - đẹp... Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thành phố đã thành lập mô hình “biến rác thải nhựa thành tiền”. Đến nay, các mô hình đã góp phần chuyển đổi tích cực hành vi của hội viên, phụ nữ và người dân trong việc tự phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế thải rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN

1. Chính phủ chọn ngày 10/10 hàng năm là ngày chuyển đổi số quốc gia

Ngày 22/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số: 505/QĐ-TTg về Ngày Chuyển đổi số quốc gia lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể; hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông Ngày Chuyển đổi số quốc gia hằng năm bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và điều kiện thực tế của từng bộ, ngành, địa phương để tổ chức thực hiện các hoạt động phù hợp truyền thông Ngày Chuyển đổi số quốc gia hằng năm tại bộ, ngành, địa phương.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hội, hiệp hội trong lĩnh vực thông tin và truyền thông chỉ đạo các tổ chức thành viên trực thuộc tham gia và tổ chức các hoạt động truyền thông Ngày Chuyển đổi số quốc gia hằng năm.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên các kênh về chuyển đổi số và Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương thực hiện đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá về Ngày Chuyển đổi số quốc gia; xây dựng các chương trình giới thiệu và tuyên dương các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp điển hình đã đi đầu trong việc áp dụng các công nghệ và mô hình mới; tổ chức truyền thông đối ngoại, quảng bá Ngày Chuyển đổi số quốc gia ra nước ngoài.

2. Đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Công điện số: 365/CĐ-TTg ngày 21/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác xác định tình trạng nghiện ma túy (MT) và cai nghiện MT theo Luật Phòng, chống MT năm 2021.

Theo đó, để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, xác định tình trạng nghiện, quản lý sau cai, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất MT theo quy định của Luật Phòng, chống MT năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương công bố danh sách cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện MT thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức tập huấn chuyên môn về xác định tình trạng nghiện MT theo quy định. Phối hợp với Bộ LĐ - TB và XH nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách bảo đảm 100% phòng y tế tại các cơ sở cai nghiện công lập đủ điều kiện là cơ sở xác định tình trạng nghiện.

Bộ LĐ - TB và XH chỉ đạo tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên sâu đến Phòng LĐ - TB và XH cấp huyện việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống MT và Nghị định số: 116/2021/NĐ-CP để kịp thời khắc phục tình trạng tạm dừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc chậm thẩm định hồ sơ để chờ hướng dẫn gây khó khăn cho việc đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện MT đáp ứng yêu cầu. Phối hợp với Bộ Y tế có phương án bổ sung đội ngũ bác sĩ cho các phòng y tế thuộc cơ sở cai nghiện công lập đủ điều kiện thực hiện xác định tình trạng nghiện theo quy định. Hướng dẫn các địa phương tổ chức cai nghiện MT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo các quy định mới.

Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế, Bộ LĐ - TB và XH chỉ đạo thực hiện các biện pháp cai nghiện và xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định; làm tốt công tác quản lý sau cai, quản lý, giáo dục người nghiện tại địa bàn cơ sở, nhất là các đối tượng có biểu hiện “ngáo đá”, “loạn thần” không để xảy ra các vụ việc gây mất an ninh trật tự xã hội.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức tập huấn cấp chứng nhận về xác định tình trạng nghiện MT cho đội ngũ cán bộ y tế công tác tại cơ sở y tế tuyến Tỉnh trở xuống theo quy định. Tổ chức sử dụng có hiệu quả số cán bộ y tế đã được cấp chứng nhận về xác định tình trạng nghiện MT; ưu tiên bố trí bảo đảm nguồn nhân lực xác định tình trạng nghiện MT cho tuyến cơ sở, cấp xã; chỉ đạo các cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện đăng ký cung cấp dịch vụ điều trị, cắt cơn nghiện MT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Chỉ đạo UBND cấp huyện giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền cung cấp dịch vụ cai nghiện MT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và thực hiện đầy đủ các quy định theo Luật Phòng, chống MT. Ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương cho công tác cai nghiện MT, xác định tình trạng nghiện MT, lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện, tổ chức cai nghiện MT và quản lý sau cai nghiện.

Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất MT và quản lý sau cai, không để phát sinh phức tạp về an ninh trật tự do người nghiện MT, người sử dụng trái phép chất MT gây ra trên địa bàn.

3. Các nội dung, mức chi đối với các kỳ thi giáo dục phổ thông

HĐND Tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định nội dung, mức chi đối với các kỳ thi giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Nghị quyết áp dụng cho các cơ quan quản lý Nhà nước về GD và ĐT, cơ sở giáo dục công lập, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trên địa bàn Tỉnh được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi, hội thi, cuộc thi theo quy định.

Nghị quyết quy định cụ thể về nội dung và mức chi đối với các kỳ thi giáo dục phổ thông trên địa bàn Tỉnh gồm: tổ chức thi tốt nghiệp THPT; thi học sinh giỏi các môn văn hóa; xét tuyển tốt nghiệp THCS; tuyển sinh lớp 6, lớp 10; các kỳ thi, hội thi và các hoạt động của ngành giáo dục.

Trong đó, mức chi phụ cấp trách nhiệm Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT: Trưởng Ban 350.000 đồng; Phó trưởng Ban 280.000 đồng; Uỷ viên, thư ký 230.000 đồng (người/ngày); thời gian làm việc tối đa là 20 ngày. Mức chi phụ cấp trách nhiệm Hội đồng thi: Chủ tịch 350.000 đồng, Phó Chủ tịch 280.000 đồng, Uỷ viên 230.000 đồng (người/ngày).

Đối với thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi học sinh giỏi các môn văn hóa, về xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm, soạn thảo câu trắc nghiệm đưa vào biên tập 40.000 đồng/câu, thẩm định và biên tập câu trắc nghiệm 35.000 đồng/câu, đánh máy và nhập vào ngân hàng câu trắc nghiệm 230.000 đồng/người/ngày; cấp huyện mức chi bằng 70% mức chi cấp tỉnh, cấp trường mức chi bằng 50% mức chi cấp tỉnh. Về đề thi đề xuất môn tự luận, đối với thi học sinh giỏi 600.000 đồng/đề/môn, thi chọn học sinh vào đội tuyển dự thi cấp Quốc gia 800.000 đồng/đề/môn.

Mức chi chấm bài thi tự luận; chấm kiểm tra môn tự luận (chấm ít nhất 5% số lượng bài thi), đối với lớp 10 chuyên 350.000 đồng/người/ngày; lớp 10 không chuyên 250.000 đồng/người/ngày; chi cho cán bộ thuộc Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm 240.000 đồng/người/ngày. Chế độ ra đề, đối với đề tự luận 350.000 đồng/đề; đề trắc nghiệm (gồm soạn thảo trắc nghiệm và biên tập, thẩm định và đánh máy nhập vào câu hỏi trắc nghiệm) 40.000 đồng/câu...

Kinh phí thực hiện từ nguồn sự nghiệp giáo dục phân bổ hàng năm theo phân cấp ngân sách; nguồn tài chính của các cơ quan, đơn vị; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn huy động hợp pháp, nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 04/4/2022.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Ngày 14/4/2022, UBND Phường 1, thành phố Cao Lãnh khai giảng lớp phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn. Đây là lớp phòng, chống đuối nước đầu tiên của năm 2022 được khai giảng. Lớp được tổ chức tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám với 30 em trong độ tuổi từ 8 đến 9 tuổi. Trong 12 buổi học, các em được 3 giáo viên hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cơ bản về bơi lội, một số kiểu bơi thông dụng và cách xử lý các tình huống nguy hiểm có thể gặp trong khi bơi. Sau đó, các em sẽ được kiểm tra sát hạch, đối với những em chưa đạt yêu cầu, UBND xã, phường sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các em học ở những lớp tiếp theo. Năm 2022, thành phố Cao Lãnh đề ra chỉ tiêu mở 89 lớp phổ cập bơi cho 2.225 em trong độ tuổi từ 7 đến 15 tuổi; tham dự 01 lớp hướng dẫn viên Bơi an toàn do Tỉnh tổ chức vào tháng 5/2022; tổ chức hội thi bơi cho các em cấp thành phố trong tháng 10/2022; phấn đấu 100% các trường đã có hồ bơi đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy ngoại khóa và chính khóa cho học sinh; các trường tiểu học và THCS có hồ bơi thực hiện chương trình phổ cập bơi cho học sinh trong năm đảm bảo tỷ lệ học sinh biết bơi của trường đạt tỷ lệ 80% trở lên.

Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Sa Đéc vừa triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2022 với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”. Tháng hành động vì ATTP năm 2022 diễn ra từ ngày 14/4 - 15/5 trên địa bàn Tỉnh. Hưởng ứng Tháng hành động, thành phố Sa Đéc đã tổ chức đoàn liên ngành về ATTP kiểm tra việc chấp hành các quy định tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, quảng cáo thực phẩm và các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Khi phát hiện vi phạm tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không để thực phẩm không bảo đảm an toàn được phát hiện lưu thông trên thị trường. Đồng thời tăng cường tuyên truyền đến các tổ, hội, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường sự phối hợp các ban, ngành, thường xuyên kiểm tra các bếp ăn bán trú trường học, cương quyết xử lý những hành vi vi phạm các quy định về ATTP. Dịp này, cơ sở thực phẩm và nhà quản lý về đảm bảo vệ sinh ATTP thành phố Sa Đéc cũng đã tiến hành ký kết giao ước đảm bảo các quy định về ATTP trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022.

Ngày 21/4/2022, tại trung tâm Văn hoá Học tập Cộng đồng thị trấn Thường Thới Tiền, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp phối hợp Phòng LĐ - TB và XH huyện Hồng Ngự tổ chức phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 20 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh tham gia tư vấn, tuyển dụng trực tiếp người lao động. Tại đây hơn 450 lao động, học sinh đến tìm kiếm việc làm và cơ hội đi thực tập sinh, lao động ở nước ngoài có thời hạn. Nhu cầu tuyển dụng lao động tại phiên giao dịch việc làm lần này là rất lớn với hơn 10.000 lao động làm việc các lĩnh vực may công nghiệp, chế biến thuỷ sản, cơ khí, thực phẩm, điện tử,… Các lao động sau khi được tuyển dụng sẽ được làm việc ngay tại các công ty ở huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh... Mức lương giao động từ 5 đến 12 triệu đồng tuỳ vị trí. Đối với lao động, học sinh có nhu cầu thực tập sinh và lao động tại thị trường Nhật Bản, các công ty xuất khẩu lao động đã nhiệt tình tư vấn về điều kiện sinh hoạt, môi trường làm việc cũng như thông tin về mức lương từ 28 đến 35 triệu đồng/tháng khi lao động tại Nhật Bản. Tại phiên giao dịch này, nhiều lao động trên địa bàn huyện Hồng Ngự đã tìm được việc làm phù hợp tại các công ty trong Tỉnh.

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), ngày 24/4/2022 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, UBND huyện Hồng Ngự tổ chức khai mạc Đại hội thể dục thể thao huyện Hồng Ngự lần thứ IX nhằm thúc đẩy phong trào luyện tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe trong toàn thể cán bộ, công nhân viên chức và Nhân dân. Đây là Đại hội có số lượng vận động viên tham gia đông nhất từ trước đến nay với hơn 600 vận động viên tham gia tranh tài. Đại hội lần này có 16 đơn vị tham dự gồm 10 xã, thị trấn; quân sự; công an; Liên đoàn lao động Huyện; Trường THPT Hồng Ngự 2; Trường THPT Hồng Ngự 3 và Trường THPT Long Khánh. Các vận động viên tranh tài ở các môn thi đấu như: nhảy bao bố, vác vật nặng, kéo co, đua thuyền rồng, bóng chuyền nam, nữ, bóng đá nam, điền kinh,  bơi lội,  cờ vua, cầu lông, việt dã, đá cầu, cờ tướng, billiards. Đại hội diễn ra từ ngày 24/4 đến hết ngày 28/4/2022. Đây là sân chơi lành mạnh, bổ ích, là dịp để các vận động viên có điều kiện học hỏi, nâng cao kinh nghiệm thi đấu, nhằm tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Thông qua đó tuyển chọn những vận đông viên xuất sắc tham gia Đại hội thể dục thể thao tỉnh Đồng Tháp năm 2022.

Ngày 26/4/2022, tại huyện Thanh Bình, Trường Trung cấp Thanh Bình phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tổ chức phiên Giao dịch việc làm (GDVL). Tại phiên GDVL, 50 em học sinh, sinh viên đã được tiếp cận với thông tin tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng. Hơn 200 người lao động được đại diện các đơn vị, nghiệp đoàn, công ty tuyển dụng lao động trong và ngoài Tỉnh tư vấn các thông tin liên quan đến việc làm và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể, như: các ngành nghề tuyển dụng, nơi làm việc, chế độ ưu đãi, thu nhập… Phiên GDVL được tổ chức tại huyện Thanh Bình mang đến cơ hội việc làm, học nghề cho học sinh và người lao động. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh, sinh viên đăng ký học nghề và người lao động tìm được việc làm trong và ngoài Tỉnh.

Sáng ngày 20/4/2022, đồng loạt 13 xã, thị trấn của huyện Tháp Mười tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong đợt đầu tiên này, huyện Tháp Mười có 1.280 trẻ dưới 12 tuổi được tiên vắc xin phòng COVID-19. Đây là số trẻ đủ điều kiện, được gia đình tự nguyện đăng ký. Do số lượng vắc xin được phân bổ trong đợt đầu không nhiều nên Trung tâm Y tế Huyện phân bổ cho các xã, thị trấn số lượng khác nhau từ 40 đến 200 liều. Trung tâm Y tế Huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, tinh thần tốt nhất có thể. Trước khi tiêm thực hiện chặt chẽ các bước từ khâu như: tiếp nhận thông tin, khám sàng lọc đến tiêm chủng và theo dõi sức khỏe sau tiêm đúng quy trình và đảm bảo an toàn.

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Cao Lãnh phối hợp với Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Cần Thơ tổ chức hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2022 với sự tham gia của cán bộ, đoàn viên, thanh niên và học sinh ở 12 xã, thị trấn, 4 trường THPT và các ngành huyện. Những người tham gia hiến máu được các kỹ thuật viên Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe trước khi hiến máu; hướng dẫn làm thủ tục cho 400 người đăng ký hiến máu. Qua khám sàng lọc có 392 người hiến máu và đã thu được 292 đơn vị máu đảm bảo an toàn, chất lượng. Theo kế hoạch năm 2022, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Cao Lãnh tổ chức 3 đợt hiến máu tình nguyện, với chỉ tiêu 2.945 người đăng ký hiến máu; tổ chức tiếp nhận 2.244 đơn vị máu.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ