Publicador de Conteúdos e Mídias

null Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Tỉnh

Trang chủ Tab Thông tin

Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Tỉnh

Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã ban hành Công văn số: 126/UBND-VX ngày 03/5/2024 về việc quan tâm củng cố, đầu tư, phát huy hiệu quả hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Tỉnh nhằm tiếp tục đảm bảo điều kiện giảng dạy và phát huy tối đa hiệu quả Trung tâm giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Số ca lao tại Đồng Tháp xếp thứ 5 cả nước

 Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức Hội nghị về phương hướng triển khai kế hoạch phòng, chống lao giai đoạn 2024 - 2025, tiến tới chấm dứt bệnh lao tại tỉnh Đồng Tháp.

Qua đánh giá thực tế, công tác phát hiện lao hiện mắc trong cộng đồng tại Đồng Tháp chỉ khoảng 60 - 70%, số ca chưa phát hiện tiếp tục là nguồn lây cho cộng đồng. Hiện tại, Đồng Tháp chưa thực hiện được các chỉ số để đáp ứng được lộ trình thanh toán bệnh lao. Để tham gia chiến lược thanh toán bệnh lao vào năm 2035, Tỉnh phải tăng cường phát hiện ca mắc lao hiện mắc tại cộng đồng hơn 80% và điều trị thành công hơn 85%, thì những năm tiếp theo bệnh nhân lao sẽ giảm 5-10% mỗi năm, từ đó từng bước thực hiện lộ trình thanh toán bệnh lao vào năm 2035.

Số ca lao của tỉnh Đồng Tháp xếp thứ 5 trong số các tỉnh/thành phố có tỷ lệ lao cao nhất cả nước, sau Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Thành phố Hà Nội và Đồng Nai. Năm 2023 là năm phát hiện, thu dung số bệnh nhân lao cao nhất so với 10 năm gần đây ở Đồng Tháp, với 3.691 ca lao, trong đó lao nhạy cảm là 3.338 ca, lao đa kháng thuốc là 87 ca, lao tiềm ẩn là 266 ca. Qua đây cho thấy hiệu quả của việc tầm soát lao chủ động đã triển khai.

Mặc dù đã đạt được một số thành quả, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống lao. “Dịch tễ lao ở Tỉnh còn rất cao. Người dân còn kỳ thị về bệnh lao; sự hiểu biết về bệnh lao trong cộng đồng còn hạn chế, phần lớn các ca phát hiện bệnh lao đến phát hiện bị trễ, bệnh có dấu hiệu nặng và có bệnh lý đi kèm. Việc tư vấn đưa vào điều trị đối với nhóm đối tượng lao tiềm ẩn, đặc biệt là lao ở trẻ em còn thấp so với chẩn đoán (chỉ khoảng 78% số ca được phát hiện được đưa vào điều trị). Kinh phí cho công tác phòng, chống lao còn chưa đầy đủ để tiến tới phát hiện đạt đến 80% số ca lao mắc mới”.

Đối với công tác phòng, chống lao tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2024 - 2025, bác sĩ Trương Thị Thanh Huyền khuyến nghị Tỉnh tiếp tục nghiêm túc thực hiện chỉ đạo theo Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 25/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh Lao.

Tại hội nghị, đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp và các bước tiếp theo nhằm triển khai hiệu quả công tác phòng, chống lao tại tỉnh Đồng tháp, tiến tới chấm dứt bệnh lao, trong đó có thủ tục và lộ trình xây dựng kế hoạch chiến lược phòng, chống lao tại tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2026 - 2030, sự tham gia của cộng đồng và các ban, ngành đảm bảo hỗ trợ hoạt động phòng, chống lao tại cộng đồng…

2. Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Tỉnh

Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Công văn số: 126/UBND-VX ngày 03/5/2024 về việc quan tâm củng cố, đầu tư, phát huy hiệu quả hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Tỉnh, trong đó, Uỷ ban nhân dân Tỉnh chưa chấp thuận chủ trương sáp nhập các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập cấp huyện vào Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp.

Uỷ ban nhân dân các huyện có Trung tâm GDNN trực thuộc tiếp tục quan tâm củng cố, đầu tư, phát huy hiệu quả hoạt động, cụ thể: Rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, mức độ đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định để thực hiện đầu tư, nâng cấp, sửa chữa; bố trí diện tích đất sử dụng đúng theo quy định của Luật GDNN (thời gian hoàn thành trước tháng 12 năm 2025). Kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà giáo GDNN; ưu tiên lựa chọn cán bộ có uy tín và năng lực, có kinh nghiệm trong hoạt động GDNN giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại các Trung tâm GDNN. Chỉ đạo, định hướng Trung tâm GDNN nâng cao năng lực hoạt động; đa dạng hình thức đào tạo, mở rộng quy mô tuyển sinh, đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn; từng bước thực hiện lộ trình tự chủ theo Kế hoạch số: 290/KH-UBND của Uỷ ban nhân dân Tỉnh.

3. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số: 161/KH-UBND ngày 05/5/2024 triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong đó, tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn Tỉnh theo lộ trình quy định, bảo đảm chất lượng; chú trọng việc phát hiện, nhân rộng mô hình hiệu quả, cách làm hay, động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; hoàn thành việc biên soạn, trình phê duyệt Tài liệu Giáo dục địa phương từ lớp 1 đến lớp 12.

Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan nâng cao chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán; phối hợp hướng dẫn cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập...

Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung đầu tư kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm; phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư; bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, ưu tiên ngân sách địa phương cho giáo dục và đào tạo...

4. Chấn chỉnh công tác quản lý về khai thác và bảo vệ khoáng sản

Uỷ ban nhân dân Tỉnh có Công văn số: 129/UBND-ĐTQH ngày 26/4/2024 về việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ khoáng sản trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường liên quan đến hoạt động khoáng sản.

Cùng với đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không phép trên địa bàn (đặc biệt là cát, sỏi lòng sông, đất san lấp); tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác, nhất là các hành vi không lắp đặt camera giám sát, định vị tại phương tiện khai thác.

Các chủ đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn Tỉnh quản lý chặt chẽ việc nghiệm thu, thanh toán, quyết toán các công trình (đặc biệt là công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước), trong đó xem xét nguồn gốc hợp pháp của vật liệu xây dựng đã sử dụng.

Uỷ ban nhân dân Tỉnh nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông dòng chảy, việc san gạt, cải tạo mặt bằng, cải tạo đất, đào ao, hồ để khai thác khoáng sản trái phép; tăng cường công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Tỉnh; xử lý nghiêm các đơn vị có dấu hiệu găm hàng tạo sự khan hiếm vật liệu xây dựng trên thị trường để trục lợi...

5. Thành lập Hội Người cao tuổi tỉnh Đồng Tháp

Ngày 24/4/2024, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định về việc cho phép thành lập Hội Người cao tuổi tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, Hội Người cao tuổi tỉnh Đồng Tháp là tổ chức xã hội, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Hội Người cao tuổi Việt Nam, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về ngành, lĩnh vực hoạt động và các sở, ngành có liên quan theo quy định của pháp luật. Hội Người cao tuổi tỉnh Đồng Tháp có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

Ban đại diện Hội Người cao tuổi Tỉnh có trách nhiệm chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ, tài sản, tài chính, người làm việc của Ban đại diện Hội Người cao tuổi Tỉnh sang Hội Người cao tuổi tỉnh Đồng Tháp để tiếp tục quản lý, thực hiện và sử dụng. Đồng thời chấm dứt hoạt động theo quy định sau khi hoàn thành việc chuyển giao.

6.  Hội thảo quốc tế "Kiến thức về sức khỏe trong cuộc cách mạng của thời đại kỹ thuật số"

Ngày 12/5, Trường Đại học Cửu Long phối hợp với Hiệp hội năng lực sức khỏe Châu Á (AHLA) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Kiến thức về sức khỏe trong cuộc cách mạng của thời đại kỹ thuật số".

Các đại biểu tập trung thảo luận: Kỹ thuật số trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong tương lai, giáo dục đại học cho vấn đề chăm sóc sức khỏe, phát triển thiết bị y tế thông minh, giáo dục và đào tạo tin học y tế cho cán bộ y tế, kiểm soát tương lai cho các bệnh truyền nhiễm mới nổi, Mô hình One - Health và các chủ đề khác có liên quan…

Hội thảo nhận được 68 bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước xoay quanh chủ đề: Kiến thức về sức khỏe trong cuộc cách mạng của thời đại kỹ thuật số; những kiến thức mới trong lĩnh vực sức khỏe trong thời đại công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số… Trong đó, có 9 tác giả trình bày tham luận trực tiếp về kiến thức sức khỏe và AI cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong tương lai; đánh giá chương trình giáo dục sức khỏe toàn diện Quốc gia; suy nghĩ lại về xếp hạng các trường đại học chăm sóc sức khỏe.

Hội thảo nhằm tạo cơ hội để trao đổi, kết nối tri thức giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế giữa Trường Đại học Cửu Long với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực khối sức khỏe.

7. Có 12 tác giả, nhóm tác giả đạt giải Cuộc thi "Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội"

Ban Thường vụ (BTV) Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Tỉnh tổ chức Tổng kết và trao giải Cuộc thi "Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội" cấp tỉnh năm 2024.

Cuộc thi được BTV Hội LHPN Tỉnh phát động từ ngày 05/01 - 15/4/2024 và nhận được 34 sản phẩm dự thi của 42 tác giả, nhóm tác giả là cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp Hội trong Tỉnh. Các sản phẩm dự thi ứng dụng nền tảng số như: Mã QR Code, phần mềm Powerpoint, Canva, Capcut, MobiFone meeting… để xây dựng nội dung sinh hoạt Hội và tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Cuộc thi tiến hành chấm sơ loại và chọn 7 sản phẩm có kết quả cao nhất vào vòng bình chọn trực tuyến trên trang Fanpage của Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp (từ ngày 05 - 12/4/2024). Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba, 6 giải Khuyến khích cho các cá nhân xuất sắc; trong đó, giải Nhất thuộc về tác giả Hồ Thị Chúc - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình.

8. Phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)

BHXH Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch số 1146/KH-BHXH ngày 26/4/2024 phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về chính sách BHXH, BHYT, BHTN của Đảng và Nhà nước, chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập BHXH Việt Nam (16/02/1995 - 16/02/2025).

Các ca khúc được tuyển chọn phải đảm bảo chất lượng về nội dung và nghệ thuật, có tính chuyên nghiệp, sát thực tế, có giá trị sử dụng sâu rộng, lâu dài. Cuộc thi có Chủ đề: "Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Trụ cột an sinh xã hội".

- Nội dung Cuộc thi: Phản ánh được những nét đặc trưng về các chính sách BHXH, BHYT, BHTN mà BHXH Việt Nam đang tổ chức thực hiện; phản ánh được tính nhân văn cao cả về chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; phản ánh, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và những thành tựu to lớn của Ngành BHXH Việt Nam đạt được trên lĩnh vực an sinh xã hội từ khi được thành lập (16/02/1995) đến nay, góp phần đưa toàn Ngành BHXH Việt Nam phát triển vững chắc, hiện đại, chuyên nghiệp và toàn diện trong thời kỳ mới; khuyến khích các nhạc sĩ tìm tòi, sáng tạo những ý tưởng mới trong cấu trúc âm nhạc, ca từ, phương pháp thể hiện và khai thác chất liệu mới, nhất là các ca khúc mang âm hưởng hào hùng.

- Hình thức cuộc thi: Ca khúc dự thi của cá nhân hoặc nhóm tác giả. Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả gửi không quá 03 ca khúc dự thi. Ban Tổ chức sẽ sắp xếp cho các tác giả, nhóm tác giả tham quan, nghiên cứu thực tế tại BHXH Việt Nam hoặc BHXH các tỉnh, thành phố (nếu tác giả, nhóm tác giả có nhu cầu; tiếp nhận (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) các ca khúc tham gia dự thi được đánh máy hoặc chép tay rõ ràng trên khổ giấy A4, 01 bản CD thu thanh ca khúc hoặc USB chứa File chất lượng cao (bao gồm cả âm nhạc và lời).

- Quy mô, đối tượng, số lượng ca khúc dự thi:

+ Quy mô tổ chức: Phát động rộng rãi trong phạm vi cả nước.

+ Đối tượng dự thi: Các nhạc sĩ chuyên nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức trong, ngoài Ngành và người dân trên toàn quốc đều có quyền gửi ca khúc tham gia (Thành viên trong Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ Thư ký không được dự thi).

+ Số lượng ca khúc dự thi: Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả gửi không quá 03 ca khúc dự thi.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN

Vi phạm quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm bị phạt tới 90 triệu đồng

Nghị định số: 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Đối với quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm, Nghị định quy định phạt tiền từ 70 - 90 triệu đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên làm nghề lưới kéo, nghề và ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu mực) khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác thuỷ sản hoặc khu vực cấm khai thác thuỷ sản có thời hạn mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi vi phạm quy định về quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị phạt từ 10 - 200 triệu đồng.

Hành vi vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn biển bị phạt từ 50 - 200 triệu đồng.

Đối với vi phạm quy định về giống thủy sản, Nghị định quy định phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam hoặc chưa được công nhận hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/5/2024.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Trạm Y tế Phường 2, thành phố Cao Lãnh phối hợp các đơn vị liên quan khám bệnh, phát quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Cao Lãnh. Ngoài ra nhân viên y tế tư vấn về chế độ dinh dưỡng, tập luyện cho người đang mắc bệnh tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác... Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực giúp người cao tuổi nâng cao kiến thức trong phòng ngừa bệnh và việc tuân thủ điều trị các bệnh mãn tính, góp phần tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là đối với người cao tuổi ngoài cộng đồng.

 Hưởng ứng Lễ hội Sen Đồng Tháp lần II năm 2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Cao Lãnh triển khai đến tất cả các trường học trên địa bàn Thành phố vẽ bích họa Sen trong và ngoài trường. Hiện tại nhiều trường hưởng ứng tích cực, tùy theo khuôn viên thầy cô giáo dạy môn mỹ thuật hoặc khéo tay về vẽ có thể vẽ hình ảnh hoa sen, các hoạt động sản xuất sen của nông dân,... lên tường lớp học hoặc tường rào nhà trường. Mỗi trường tham gia vẽ 01 tác phẩm có chủ đề theo Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 là "Rạng ngời sắc sen", với diện tích khoảng từ 5 - 10 mét vuông. Ngày 06/5/2024, lãnh đạo phòng chuyên môn Thành phố đến một số trường học chọn tác phẩm dự Hội thi vẽ bích họa Sen do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Việc vẽ bích họa Sen ở các trường học bên cạnh hướng tới nhiều mục tiêu quan trọng của lễ hội Sen Đồng Tháp năm nay còn góp phần tô điểm cho cảnh sắc trường học thành phố Cao Lãnh - Thủ phủ Đất Sen hồng thêm sinh động, tươi đẹp, vừa giúp nâng cao ý thức, bảo vệ môi trường vừa nâng tầm giá trị Sen Đồng Tháp.

Liên đoàn lao động thành phố Sa Đéc vừa phối hợp Trung tâm Văn hóa Thông tin và Truyền thanh Thành phố tổ chức giải bóng đá mini nam và giải bóng chuyền hơi nữ công nhân, viên chức, lao động năm 2024. Giải đấu có 33 đội của 41 đơn vị, với trên 350 vận động viên tham gia. Trong đó, có 11 đội bóng đá mini nam, chia làm 3 bảng thi đấu vòng tròn 01 lượt tính điểm và 22 đội bóng chuyền hơi nữ thi đấu loại trực tiếp. Giải đấu tạo không khí vui tươi, phấn khởi, giúp các đoàn viên, người lao động có sân chơi lành mạnh, rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực để lao động và công tác. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Kết thúc Giải đấu, Ban Tổ chức đã trao các giải: Nhất, Nhì và 2 giải Ba cho các đội có thành tích cao từng bộ môn thi đấu.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lấp Vò tổ chức phát động Hội thi Vẽ bích họa Sen. Đối tượng tham gia bao gồm các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn Huyện. Hội thi được phát động từ ngày 04/4 đến 29/4/2024. Mỗi trường dự thi 01 tác phẩm bích hoạ (tranh tường) theo đúng chủ đề của Lễ hội Sen tại vị trí phù hợp trong không gian của mỗi trường, với diện tích khoảng từ 5 - 10m2, tác phẩm dự thi được chụp ảnh, xây dựng thành video clip. Mỗi video clip thời lượng không quá 01 phút 30 giây. Qua thời gian phát động Hội thi, Ban Tổ chức thu về 48 ảnh và 48 video clip. Ban Tổ chức đã trao 03 giải Nhất, 04 giải Nhì, 07 giải Ba, 10 giải Khuyến khích cho các tác phẩm đạt giải ở mỗi cấp học. Ngoài ra, Ban Tổ chức đã chọn 08 tác phẩm tiêu biểu tham gia Hội thi cấp tỉnh.

Uỷ ban nhân dân huyện Lai Vung, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh Huyện đăng cai tổ chức Giải Việt dã Vô địch tỉnh Đồng Tháp năm 2024 và Giải Việt dã truyền thống huyện Lai Vung lần thứ 32. Giải Việt dã Vô địch tỉnh Đồng Tháp có 70 vận động viên thi đấu, đến từ 9 đơn vị gồm: Huyện Lai Vung, Lấp Vò, Tháp Mười, Tam Nông, Hồng Ngự, thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, Bộ đội Biên phòng Tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, với 2 cự ly: 3.000m nữ và 5.000m nam. Giải Việt dã truyền thống huyện Lai Vung thu hút trên 1.200 vận động viên là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân trong Huyện tham gia thi đấu. Nội dung chạy chia làm 4 đợt, với 14 nhóm tuổi thi đấu ở các cự ly từ 1.000m - 5.000m. Kết thúc giải, huyện Lai Vung đã xuất sắc đạt 2 giải Nhất, 1 giải Ba nội dung cá nhân và 2 giải Nhất nội dung đồng đội ở Giải Việt dã vô địch tỉnh Đồng Tháp; huyện Lấp Vò đạt 2 giải Nhì cá nhân nam và nữ; thành phố Sa Đéc đạt giải Ba cá nhân nữ và 2 giải Nhì ở nội dung đồng đội; huyện Hồng Ngự đạt giải Ba đồng đội nam; huyện Tháp Mười đạt giải Ba đồng đội nữ. Ban Tổ chức đã trao 32 giải Nhất, Nhì, Ba cùng nhiều giải Khuyến khích cho các vận động viên đạt thành tích tốt tại Giải Việt dã truyền thống huyện Lai Vung.

Các trường học trên địa bàn huyện Tháp Mười tích cực tham gia vẽ trên tường một tác phẩm bích hoạ Sen với diện tích khoảng 5 - 10 mét vuông. Chất liệu vẽ bằng sơn nước chống thấm, sơn dầu công nghiệp hoặc chất liệu tương tự có độ bền để sử dụng lâu dài. Tác phẩm thể hiện những nét đẹp về Sen, về cảnh quan thiên nhiên, phong cảnh, đời sống sinh hoạt của người Đồng Tháp, nét đẹp lao động, học tập, các sản phẩm đặc trưng, văn hóa ẩm thực, lễ hội, làng nghề trên địa bàn Tỉnh; đồng thời, đơn vị cũng xây dựng 01 video clip thuyết minh và chụp ảnh tác phẩm để dự thi.

Huyện Cao Lãnh có 25 điểm trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở vẽ các tác phẩm bích hoạ Sen với sự tham gia của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động và học sinh tại các đơn vị. Trong đó, có 8/25 trường tham gia dự thi cấp tỉnh gồm: Mầm non Phong Mỹ, Mầm non Bông sen, Tiểu học Phương Trà, Tiểu học Thị trấn Mỹ Thọ 1, Tiểu học Mỹ Hiệp, Trung học cơ sở Tân Nghĩa, Trung học cơ sở Thị trấn Mỹ Thọ, Trung học cơ sở Nguyễn Minh Trí. Hội thi yêu cầu các bích họa bám sát chủ đề lễ hội "Rạng ngời sắc sen" và thể hiện tác phẩm tại các vị trí phù hợp, với diện tích khoảng từ 5 - 10m2 của mỗi nhà trường và xem đây như hoạt động hướng tới nhiều mục tiêu quan trọng.

Ngày 08/5/2024, Hội Người cao tuổi huyện Cao Lãnh long trọng tổ chức Đại hội đại biểu Hội Người cao tuổi Huyện, nhiệm kỳ 2021 - 2026 và sơ kết giữa nhiệm kỳ. Đại hội đã công bố Quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Huyện cho phép thành lập Hội Người cao tuổi huyện Cao Lãnh từ Ban Đại diện Hội Người cao tuổi Huyện và chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ, tài sản, tài chính, người làm việc của Ban Đại diện Hội Người cao tuổi Huyện sang Hội Người cao tuổi Huyện tiếp tục quản lý, thực hiện. Trên tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, đại biểu đã biểu quyết thống nhất bầu Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi huyện Cao Lãnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 23 vị, ông Nguyễn Đức Thuận giữ chức vụ Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Cao Lãnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ