Sa Đéc đẩy mạnh công tác dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân
Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh, giáo viên và cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Phát huy kết quả đạt được, thành phố Sa Đéc tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt việc nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc trong thời kỳ hội nhập, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trường Tiểu học Vĩnh Phước, thành phố Sa Đéc tổ chức Hội thi Hùng biện tiếng Anh năm học 2023 - 2024 tại sân cờ
Trước yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề dạy, học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã có nhiều nghị quyết,chỉ thị chỉ đạo thực hiện. Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước và tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với học sinh, giáo viên và cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Thành phố, những năm qua, Ban Thường vụ Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân Thành phố Sa Đéc đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Thành phố. Cụ thể hằng năm, căn cứ tình hình thực tế, Thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Với quyết tâm, trách nhiệm, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản của Uỷ ban nhân dân Thành phố. Mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng công tác dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đã đạt được những kết quả tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa từ nhà trường đến các cơ quan, đơn vị. Nổi bật là, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cấp uỷ và cán bộ, công chức, viên chức đối với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, học ngoại ngữ được nâng cao. Các đơn vị đã xây dựng và tích cực thực hiện các kế hoạch, đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chứcvới lộ trình, biện pháp thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Đội ngũ giáo viên ngoại ngữ được kiện toàn, phát triển về cả số lượng, chất lượng. Nội dung, chương trình dạy, học ngoại ngữ cho các đối tượng đáp ứngđược yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Công tác bảo đảm cơ sở vật chất được quan tâm, nhất là đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng giáo án, tài liệu... Trong 05 năm thực hiện Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 26/02/2019 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2019-2025, Thành phố đã đạt các mục tiêu cụ thể như:
Đối với giáo dục mầm non: Duy trì và mở rộng tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài hoặc giáo viên người Việt tại ít nhất 01 trường mầm non thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
Đối với giáo dục phổ thông: Triển khai Chương trình môn tiếng Anh tự chọn lớp 1, 2; tổ chức giảng dạy tiếng Anh bắt buộc lớp 3, 4 tại cơ sở giáo dục theo quy định; triển khai Chương trình thí điểm tiếng Anh cấp Tiểu học đối với học sinh lớp 5. Tổ chức dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần cho học sinh lớp 5 ở những trường đảm bảo điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Triển khai tổ chức giảng dạy Chương trình Tiếng Anh tăng cường theo các chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế…
Đối với giáo viên và cán bộ, công chức, viên chức: Phân công nhân sự tham gia bồi dưỡng năng lực sư phạm và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ngoại ngữ cho giáo viên tiếng Anh phổ thông đã đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ; 100% giáo viên tiếng Anh phổ thông đạt chuẩn về năng lực ngôn ngữ.
Có thể khẳng định, công tác dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dânnhững năm qua đã có sự chuyển biến rõ nét. Trình độ, kỹ năng ngoại ngữ của học sinh, giáo viên và cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên, góp phần vào chuẩn hóa nguồn nhân lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, kết quả đó mới là bước đầu; quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, kết quả chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Các cơ quan, đơn vị và cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục kịp thời.
Trường Tiểu học Trưng Vương, thành phố Sa Đéc tổ chức Hội thi Hùng biện tiếng Anh năm học 2023 - 2024
Thực hiện Đề án "Chuyển đổi số ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp" gắn với công tác dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân cho học sinh, giáo viên và cán bộ, công chức, viên chức càng trở nên cấp thiết và phải được đẩy mạnh hơn nữa, nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển quê hương Sa Đéc. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, Sa Đéc đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế; tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu ra cho học sinh cuối cấp. Việc đánh giá hoạt động học tập của học sinh phải bám sát mục tiêu và nội dung dạy học của Chương trình, dựa trên yêu cầu cần đạt đối với các kỹ năng giao tiếp ở từng cấp lớp, hướng tới việc giúp học sinh đạt được các bậc quy địnhvề năng lực giao tiếp. Tiếp tục duy trì kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực ngôn ngữ người học, tập trung phát triển 04 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết trong quá trình giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp và tuyển sinh vào lớp 10 chuyên tiếng Anh.
Hai là, đẩy mạnh công tác truyền thông về việc dạy và học ngoại ngữ; đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ. Tăng cường công tác truyền thông về việc dạy và học ngoại ngữ nhằm cung cấp thông tin kịp thời đến toàn xã hội, đặc biệt là giáo viên, học sinh vàcán bộ quản lý giáo dục về lợi ích của việc dạy và học ngoại ngữ phục vụ chocông việc trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra. Phát huy vai trò của các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn; tạo điều kiện và khuyến khích các đơn vị phối hợp, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trong việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ.
Ba là, xây dựng nguồn học liệu mở hỗ trợ công tác dạy và học ngoại ngữ. Các cơ sở giáo dục xây dựng nguồn học liệu mở trên Website, các trang Website lưu trữ dữ liệu miễn phí như: Đề kiểm tra, đề thi, tài liệu tham khảo chuyên môn, tài liệu ôn tập, bồi dưỡng học sinh… để tạo nguồn tài liệu mở giúp giáo viên và học sinh có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi trên các thiết bị điện tử.
Bốn là, nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực tiễn tại địa phương. Tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chỉ đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý; tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ và đột xuất việc triển khai thực hiện tại các đơn vị.
Năm là, phát triển đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng. Đảm bảo số lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ thực hiện chương trìnhgiáo dục phổ thông 2018 và bảo đảm chất lượng đầu vào khi tuyển dụng.
Sáu là, đầu tư các trang thiết bị, phần mềm, tài liệu, sách tham khảo phục vụ dạy và học ngoại ngữ. Cải tạo, sửa chữa, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị hỗ trợ tổ chức dạy học ngoại ngữ ở các trường tiểu học và trung học cơ sở.
Bảy là, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác tổ chức dạy tiếng Anh tăng cường với giáo viên nước ngoài và giáo viên người Việt. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện thành lập Trung tâm ngoại ngữ hoặc các đơn vị đủ điều kiện pháp lý phối hợp liên kết đào tạo ngoại ngữ như tiếng Anh, Nhật, Hàn, Hoa, Đức... đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ của người học.
Tám là, xây dựng các đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ, có môi trường dạy và học ngoại ngữ, mô hình tự học. Lựa chọn các đơn vị trong lộ trình đạt chuẩn quốc gia để xây dựng mới 01 đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ, có môi trường dạy và học ngoại ngữ, mô hình tự học. Tổ chức giao lưu học tập kinh nghiệm giữa các trường điển hình trong, ngoài tỉnh; tăng cường mở rộng xây dựng trường điển hình về đổi mới toàn diện dạy và học ngoại ngữ ở cả 3 cấp học.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân sẽ góp phần nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh, giáo viên và cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Thành phố, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Trương Bá Ý (Ban Tuyên giáo Thành uỷ Sa Đéc)