Sisältöjulkaisija

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 8 năm 2024

Trang chủ Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 8 năm 2024

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: "Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng" của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đăng trên Tạp chí Tuyên giáo.

57 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đồng chí để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần hoạch định chủ trương, đường lối ở tầm chiến lược; xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng; đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành sự quan tâm lớn đối với công tác tư tưởng của Đảng. Trải qua các cương vị quan trọng, Đồng chí đã chứng tỏ là một nhà chính trị, nhà tư tưởng đặc biệt xuất sắc. Trong mọi hoàn cảnh, Đồng chí luôn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của người cộng sản có tầm nhìn chiến lược; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc, các nguyên tắc của Đảng; giữ gìn, nêu cao và lan tỏa phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, tiền phong, gương mẫu, khiêm tốn, bình dị, gần gũi nhân dân.

Trên cương vị là một nhà lý luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều đóng góp, cống hiến đặc biệt, với nhiều công trình, tác phẩm, sách, bài viết mang tầm lý luận, có giá trị cao. Trong các công trình của mình, Đồng chí đã tổng kết sâu sắc thực tiễn, nâng lên thành lý luận đường lối đổi mới. Bằng bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy lý luận sắc bén và tinh thần cách mạng tiến công, Đồng chí đã có nhiều công trình hết sức sâu sắc, có giá trị lý luận, thực tiễn và hành động cao về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tiêu biểu như các tác phẩm: "Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã"; "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam"; "Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng"; "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"; "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh"; "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam";… Các tác phẩm của Đồng chí đã tác động lớn đến nhận thức chính trị tư tưởng trong Đảng và xã hội, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam  trên cả phương diện khách quan và chủ quan; củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vào đường lối, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, của dân tộc và nhân dân ta vào con đường đã chọn, với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.

Trên lĩnh vực công tác tuyên truyền, cổ động, báo chí, truyền thông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người làm báo thực thụ, rất sắc bén, trở thành cây đại thụ trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Điểm đặc biệt nổi bật trong các bài viết của Đồng chí là mang tầm chiến lược, nhìn xa trông rộng, nhưng vô cùng gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, mang tính chiến đấu cao và có sức lan tỏa, tác động, cảm hóa sâu sắc. Nhiều câu thơ, ca dao, tục ngữ, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Tổng Bí thư vận dụng trong lối viết báo, vừa thể hiện tính sắc sảo, tầm vóc trí tuệ chứa đựng tư tưởng chỉ đạo lớn lao của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa thể hiện bút pháp phong phú, đa dạng của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Những bài viết, bài nói của Đồng chí góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; định hướng dư luận tích cực, chủ động, kịp thời, dự báo đúng và trúng, nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng, xử lý thông tin từ khi mới manh nha, không để tích tụ thành vấn đề lớn. Những bài viết, bài nói của Đồng chí góp phần vào việc tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhanh chóng đưa các quyết sách của Đảng vào cuộc sống, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Trên lĩnh vực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm, coi trọng, quyết tâm rất cao, kiên quyết, kiên trì  mục tiêu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, thể hiện rõ nét qua các điểm nổi bật sau:

(1) Nhiều chủ trương, quyết sách, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định... quan trọng đã được Tổng Bí thư cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành, bám sát yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đặt ra, lần sau sâu sắc hơn lần trước, tạo bước phát triển mới về lý luận, nhận thức và hành động của Đảng trong xây dựng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tạo ra được sự chuyển biến rất tích cực trong việc kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn hơn giữa "xây" và "chống", toàn diện hơn trên các mặt công tác xây dựng Đảng. 

(2) Tinh thần tiến công, kiên quyết, quyết liệt trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", "bất kể người đó là ai","không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", "có vào, có ra; có lên, có xuống", thể hiện tính nghiêm minh, kỷ luật, kỷ cương của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, tính nhân văn, tính giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần kiềm chế, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; tình trạng tham nhũng, "lợi ích nhóm", "tư duy nhiệm kỳ"; "chủ nghĩa cá nhân", "tha hóa quyền lực" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

(3) Đề cao đạo đức cách mạng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các quy định về nêu gương và những điều đảng viên không được làm; tập trung làm tốt nội dung: học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên bằng những việc làm, hành động cụ thể với phương châm "trên trước, dưới sau", "trong trước, ngoài sau", "học tập đi đôi với làm theo" theo tinh thần của Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh, phẩm chất chính trị vững vàng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách được giao, góp phần cùng toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội kiến tạo những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(4) Đề cao hệ giá trị cốt lõi văn hóa quốc gia - dân tộc, "sức mạnh mềm" của văn hóa trong các phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại theo phương châm: "Văn hoá là hồn cốt của dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn".

Trên lĩnh vực thực hành tư tưởng, đạo đức, lối sống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, sáng ngời về tự học, tự rèn luyện, tự soi, tự sửa và nêu gương trên các lĩnh vực công tác Đảng, nhất là trong học tập, làm theo và nêu gương thực hành đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đấu tranh tự phê bình và phê bình, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng chí có phương pháp làm việc dân chủ, lắng nghe, khoa học, khách quan, thận trọng, sâu sát và rất quyết đoán. Trong công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, Đồng chí nhấn mạnh đặc trưng trường phái "cây tre Việt Nam" gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển: mềm mại, linh hoạt, khôn khéo, nhân văn, nhân ái nhưng cũng rất kiên cường, kiên quyết, ứng vạn biến trước mọi khó khăn, thử thách.

Cán bộ, đảng viên, nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đều bày tỏ sự yêu mến, kính trọng tài năng, đạo đức cách mạng, lối sống thanh bạch, chân tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, Tổng Bí thư luôn dành những tình cảm ấm áp, thủy chung, bao dung, nhân hậu, giúp đỡ, chia sẻ. Đối với đồng bào cả nước, các tầng lớp nhân dân từ các giới đến các lĩnh vực nghề nghiệp, tôn giáo, dân tộc, từ cụ già đến em nhỏ. Đối với bạn bè quốc tế, Đồng chí luôn dành tình cảm chân thành, tinh thần quốc tế trong sáng, tin cậy, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ trên tinh thần bảo đảm các nguyên tắc đối ngoại và đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong cuộc sống đời thường, Đồng chí và gia đình luôn khiêm tốn, mẫu mực, giản dị, hòa đồng… 

Cuộc đời và sự nghiệp của Đồng chí là một tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư", nhất quán giữa nói và làm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đúng như tâm nguyện của Đồng chí: "Tôi xin nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện; cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, như lời của một bài hát: "Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản!".

Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện vai trò hạt nhân lãnh đạo, cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng sự đoàn kết, thống nhất tư tưởng, ý chí, hành động trong Đảng, đồng thuận trong xã hội.

Đồng chí thường nhắc nhở: "Công tác tư tưởng - văn hóa phải bảo đảm tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới trên cơ sở giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm tăng cường sự thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân (thống nhất nhận thức, thống nhất ý chí, thống nhất hành động), tạo ra một không khí phấn chấn đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước, thực hiện thắng lợi Cương lĩnh và đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước". Đồng thời, Đồng chí cũng chỉ rõ: "Công tác tư tưởng là công tác quan trọng hàng đầu, nhưng khó ở chỗ tư tưởng rất trừu tượng... Điều đáng sợ nhất bây giờ là trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân, kể cả trong cán bộ tuyên giáo là sự mơ hồ, không phân biệt đúng sai, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, mất hết nhuệ khí đấu tranh... Chính vì vậy, tôi mong muốn toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là ngành tuyên giáo và đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn ý nghĩa, vai trò, vị trò quan trọng của công tác tư tưởng. Ngành tuyên giáo phải làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Đấy chính là nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường đã đi, tuyệt đối không dao động, mơ hồ... Đó là để tất cả chúng ta phải kiên định con đường đi lên dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh bốn nhiệm vụ cần tập trung thực hiện: (1) Làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng; kiên định chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyệt đối không được dao động, mơ hồ, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. (2) Công tác thông tin, tuyên truyền phải tập trung vào việc xây dựng cho được sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. (3) Đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh tư tưởng, phản bác các luận điệu thù địch, sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng. (4) Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường, trí tuệ, tâm huyết với công việc, có dũng khí đấu tranh, có trình độ chuyên môn, nói được, làm được, không bị cám dỗ, không bị mua chuộc bởi các thế lực thù địch.

Những tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo và nguyên tắc hành động trong công tác tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sợi chỉ đỏ, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng làm công tác tư tưởng.

PHẦN B: THÔNG TIN THỜI SỰ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2024

Trong tháng 7/2024: Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong tỉnh ước đạt 11.885 tỷ đồng, tăng 2,16% so với tháng trước; kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là mặt hàng gạo, cụ thể đạt 179.384 ngàn USD, tăng 1,99% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 54.905 ngàn USD, tăng 2,61% so với tháng trước. Đến nay toàn Tỉnh đã giải quyết việc làm cho 30.955 lao động, trong đó có 1.405 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; lao động trúng tuyển đang học ngoại ngữ - giáo dục định hướng và chờ xuất cảnh 802 người; đã ký quyết định cho 7.128 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền trên 124.426,37 triệu đồng. Ngành Y tế Tỉnh chủ động tăng cường giám sát, đẩy mạnh triển khai các biện pháp tuyên truyền, phòng, chống các bệnh truyền nhiễm như: Sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, cúm mùa, sởi... Số ca mắc bệnh truyền nhiễm tính từ đầu năm đến thời điểm 30/6/2024 như sau: Sốt xuất huyết: 735 cas; Bệnh tiêu chảy 7.281 ca; Bệnh viêm gan do virus 1.239 ca; Hội chứng tay, chân, miệng 1.129 ca; Bệnh cúm 4.034 ca; Lao phổi 388 ca; Bệnh sởi 16 ca.

2. Đồng Tháp: Cải thiện Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương

Ngày 08/7/2024, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch số: 232/KH-UBND về cải thiện Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương tỉnh Đồng Tháp (PII tỉnh Đồng Tháp) từ năm 2024. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tiếp tục duy trì điểm số, thứ hạng của các chỉ số được đánh ở mức cao, khá và cải thiện, nâng cao điểm số, thứ hạng của các chỉ số được đánh mức trung bình, thấp; phấn đấu từ năm 2024, PII tỉnh Đồng Tháp đạt từ 40 điểm trở lên và duy trì thứ hạng thuộc một trong 03 tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, mục tiêu phấn đấu các chỉ số trụ cột như sau: Trụ cột "Vốn con người và nghiên cứu và phát triển" đạt 30 điểm; trụ cột "Trình độ phát triển của thị trường" đạt 40 điểm; trụ cột "Trình độ phát triển của doanh nghiệp" đạt 40 điểm; trụ cột "Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ" đạt 50 điểm.

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cho từng nhóm trụ cột, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao tỉ lệ học sinh phổ thông tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo thông qua tăng cường cải cách hành chính; thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách để phát triển Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

3. Đưa AI vào giảng dạy học sinh trung học phổ thông

UBND Tỉnh ký ban hành Quyết định số 562/QĐ-UBND-HC ngày 03/7/2024   Phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án chuyển đổi số ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp năm 2024. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai giáo dục STEM đến các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT); triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong 80% cơ sở GDPT, giáo dục thường xuyên (GDTX). Ngành phấn đấu có 80% các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông (THPT) hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hoá dữ liệu số, kho học liệu số mở, đẩy mạnh tăng cường đưa nội dung trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy học sinh THPT.

Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao nhân thức về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo đến toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ quán lý giáo dục, nhân viên và người học trong ngành giáo dục và xã hội. Ngành Giáo dục triển khai, thí điểm triển khai các mô hình hay - học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy tốt kết hợp (lớp học thông minh, nhóm học tương tác, tự học với trợ lý ảo) phù hợp với điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế của GDPT và GDTX. Phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung; ứng dụng các nền tảng số phục vụ dạy - học; triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý giáo dục và đào tạo và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục... được ngành triển khai trong năm 2024.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Thực hiện liên thông điện tử 02 nhóm thủ tục hành chính

Ngày 10/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2024/NĐ-CP quy định việc thực hiện liên thông điện tử 02 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất. Cụ thể:

Hồ sơ thực hiện liên thông điện tử các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi bao gồm các thành phần hồ sơ sau: Tờ khai điện tử (Mẫu số 01 kèm theo Nghị định 63/2024/NĐ-CP). Dữ liệu điện tử có ký số của Giấy chứng sinh được liên thông từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với Phần mềm dịch vụ công liên thông. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì đính kèm các thành phần hồ sơ thay thế theo quy định pháp luật về Hộ tịch. Trường hợp đăng ký thường trú cho trẻ em khác nơi thường trú của cha, mẹ (nếu được cha, mẹ đồng ý) thì đính kèm các thành phần hồ sơ theo quy định pháp luật về cư trú. Các thành phần hồ sơ trên là bản giấy thì phải thực hiện số hóa theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Hồ sơ thực hiện liên thông các thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí bao gồm các thành phần: Tờ khai điện tử (theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 63/2024/NĐ-CP). Dữ liệu điện tử có ký số của Giấy báo tử được chia sẻ tự động từ cơ sở khám chữa bệnh với Phần mềm dịch vụ công liên thông. Trường hợp không có Giấy báo tử thì nộp các giấy tờ thay thế theo quy định pháp luật về hộ tịch.

Nghị định quy định người nộp hồ sơ truy cập vào cổng Dịch vụ công quốc gia (tại địa chỉ dichvucong.gov.vn) hoặc trên ứng dụng VNelD, lựa chọn mục dịch vụ để thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và lệ phí theo quy định. Kể từ ngày 01/7/2024, hồ sơ 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử được tiếp nhận, giải quyết theo quy định tại Nghị định 63/2024/NĐ-CP.

2. Cụ thể hoá các nhiệm vụ để phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc

Ngày 19/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP năm 2024 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW năm 2023 tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, trong đó nêu một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ cùng cấp kịp thời nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý. Tiếp tục quán triệt quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, về vị trí, tầm quan trọng phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ...

Nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Phối hợp đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực sự là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân;... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chính quyền đề xuất, triển khai, duy trì các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng các mô hình, phong trào tự quản của nhân dân, nhất là lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm, lao động, sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống; đổi mới việc tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở để người dân tham gia...

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Một số kết quả nổi bật trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia của Chủ tịch nước Tô Lâm

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith và Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia, từ ngày 11 - 13/7/2024.

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới. Chủ tịch nước Tô Lâm đã có 32 hoạt động, với các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc, gặp gỡ với tất cả lãnh đạo cấp cao hai nước, thăm các cơ sở kinh tế, gặp, nói chuyện với học sinh, sinh viên, cộng đồng bà con kiều bào tại hai nước.

Tại Lào, hai bên nhất trí cao về các biện pháp tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước. Đặc biệt là Thỏa thuận Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2030 và Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2025. Tại Campuchia, hai bên nhất trí triển khai mạnh mẽ hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, quốc phòng - an ninh, hợp tác biên giới, nguồn lao động, giao lưu nhân dân; tích cực hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả...

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia của Chủ tịch nước Tô Lâm đã thành công về mọi mặt, là dấu ấn mới trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trong việc không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào và quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia.

2. Một số nét chính về tình hình thế giới 6 tháng đầu năm 2024; dự báo thời gian tới

Kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu khởi sắc nhưng tốc độ tăng trưởng chậm, không đồng đều và tiếp diễn tình trạng phân mảnh địa kinh tế. Các dấu hiệu phục hồi được thể hiện rõ nét ở từng quốc gia, với tốc độ tăng trưởng sản lượng tăng nhanh ở Mỹ, Trung Quốc và Anh, trong khi mức độ thu hẹp đang giảm bớt ở Nhật Bản và khu vực đồng tiền chung Euro. Tuy nhiên, xu hướng hồi phục tăng trưởng còn mong manh, nhất là khi những trở ngại đối với tăng trưởng toàn cầu vẫn hiện hữu; chính sách tiền tệ đang kéo dài trạng thái thắt chặt và bất ổn kinh tế gia tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.

Nhiều cuộc bầu cử quan trọng trên thế giới đã và đang diễn ra, góp phần định hình cách thức hợp tác quốc tế cũng như xác định lại vai trò lãnh đạo trong cộng đồng quốc tế. Các cuộc xung đột, điểm nóng tiếp tục diễn ra, không loại trừ nguy cơ leo thang, gây bất ổn đối với an ninh thế giới. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục đối đầu, cạnh tranh gay gắt. Các chuyên gia dự báo nửa cuối năm 2024, tình hình thế giới và khu vực vẫn sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Cạnh tranh nước lớn và sự phân tuyến trong quan hệ quốc tế có thể gay gắt hơn. Các điểm nóng và các vấn đề an ninh phi truyền thống (an ninh nguồn nước, lương thực, năng lượng…) tiếp tục diễn tiến. Kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng và điều chỉnh chính sách của các nước lớn sẽ tạo cơ hội cho các nước Đông Nam Á có cơ hội thu hút được nhiều nguồn lực để phát triển. Mặt khác, việc tái định hình các khuôn khổ hợp tác và xu thế bảo hộ thương mại được cho là sẽ gia tăng.

                                                           Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp