Xuất bản thông tin

null Triển khai Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Triển khai Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhằm duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trường chuyên biệt; bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Tiêm vắc xin cho bệnh nhân và thân nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế

Ngày 26/11, Văn phòng UBND Tỉnh có công văn về việc tăng cường tiêm vắc xin cho bệnh nhân điều trị nội trú và thân nhân truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Đoàn Tấn Bửu. Theo đó, yêu cầu Sở Y tế khẩn trương rà soát số lượng, tổ chức tiêm ngay cho các bệnh nhân và thân nhân người bệnh đang điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Covid-19.

Phó Chủ tịch UBND Tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên rà soát, cập nhật số lượng bệnh nhân, thân nhân người bệnh chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Covid-19, đề xuất số lượng vắc xin về Sở Y tế tổng hợp, phân bổ theo quy định.

Trước đó, Tỉnh đã tiếp nhận thông tin phản ánh về một số trường hợp bệnh nhân và thân nhân người bệnh đang điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

2. Chấn chỉnh công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19

Ngày 19/11/2021, UBND Tỉnh có công văn về việc chấn chỉnh công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn khẩn trương triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Trong đó, huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng (bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành); bố trí thêm các điểm tiêm cố định và lưu động, tăng số lượng bàn khám sàng lọc, bàn tiêm để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên theo quy định; bảo đảm 95% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 trước ngày 25/11, 95% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 trước ngày 30/11 (trừ các trường hợp chống chỉ định tiêm chủng).

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm cá nhân trước UBND Tỉnh khi không bảo đảm mục tiêu trên, đặc biệt đối với các huyện hiện có tỉ lệ tiêm còn thấp như: Châu Thành: 52,23%, Lai Vung: 72,03%, Hồng Ngự: 78,11%, Thanh Bình: 78,51%.

Cùng với đó, tổ chức buổi tiêm chủng theo đúng quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 về việc ban hành Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và đảm bảo an toàn tiêm chủng theo hướng dẫn tại Công văn số 5488/BYT-KCB ngày 09/7/2021 của Bộ Y tế.

Ngoài ra, thực hiện ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong triển khai tiêm chủng; nhập bổ sung đối tượng đã tiêm chủng nhưng chưa được cập nhật thông tin và nhập mới đối tượng tiêm chủng hằng ngày lên Hệ thống tiêm chủng vắc xin Covid-19 theo đúng tiến độ tiêm chủng trên địa bàn.

UBND Tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích tiêm vắc xin phòng Covid-19; vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc tiêm vắc xin phòng Covid-19.

3. Tiếp tục tham gia Chương trình thí điểm điều trị thuốc Molnupiravir

 Ngày 20/11/2021, UBND Tỉnh có công văn đề nghị Bộ Y tế, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo xem xét, hỗ trợ cho Đồng Tháp tiếp tục tham gia Chương trình thí điểm điều trị thuốc Molnupiravir. Cụ thể, Đồng Tháp đề nghị cấp 200.000 viên Molnupiravir 200mg để điều trị cho dự kiến khoảng 5.000 bệnh nhân.

Trong thời gian qua, Đồng Tháp luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát và kịp thời của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ đó, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, tạo niềm tin và động lực quan trọng để tiếp tục nỗ lực cao độ cho giai đoạn tiếp theo.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại Đồng Tháp đang diễn biến phức tạp và có nhiều ca nhiễm ngoài cộng đồng với số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị trên 4.300 trường hợp.

Kết quả triển khai Chương trình thí điểm điều trị thuốc Molnupiravir giai đoạn đầu tại địa phương cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân sử dụng thuốc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 ngày thứ 5 đạt trên 68%, tỷ lệ âm tính ngày thứ 14 đạt trên 91%.

4. Triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh trung học cơ sở

Sở Y tế vừa có văn bản về việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh trường trung học cơ sở, đề nghị các đơn vị phối hợp triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh trường trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên chưa tiêm trong đợt tiêm trước và học sinh trung học cơ sở từ ngày 26 - 28/11/2021.

Theo đó, Sở GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ, học sinh đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, vận động phụ huynh cho trẻ, học sinh tiêm vắc xin phòng Covid-19; rà soát hiện trạng sử dụng của các trường học, đảm bảo đủ điều kiện để bố trí điểm tiêm phù hợp theo quy định; huy động giáo viên, nhân viên ngành giáo dục tham gia hỗ trợ công tác tổ chức tiêm chủng tại trường học.

UBND huyện, thành phố chủ trì, chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với ngành y tế rà soát trẻ là học sinh lớp 10, 11, 12 chưa tiêm trong đợt tiêm trước, học sinh đang học cấp Trung học cơ sở (lớp 6, 7, 8, 9) đủ 12 tuổi trở lên (tính theo giấy khai sinh, sinh vào tháng 10 năm 2009 trở về trước) theo trường trên địa bàn và tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo quy định.

Cùng với đó, huy động nhân lực của các đơn vị trực thuộc, trang thiết bị và phương tiện tham gia phục vụ công tác hậu cần, an ninh, tổ chức chiến dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và an toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

5. Tăng cường triển khai các hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 

Sở Y tế vừa có văn bản về việc tăng cường triển khai các hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đề nghị các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai có hiệu quả các hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian tới, đảm bảo hoàn thành mục tiêu bao phủ đủ mũi cho người dân từ 18 tuổi trở lên và trẻ em từ 12 - 17 tuổi trên phạm vi toàn Tỉnh.

Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh tổ chức theo dõi sát tình hình tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong toàn Tỉnh, tổng hợp, báo cáo số liệu về kết quả tiêm chủng trên số vắc xin đã được phân bổ; thường xuyên theo dõi cập nhật số lượng vắc xin hiện đang còn tồn tại các đơn vị và nhu cầu vắc xin trong thời gian tới; kịp thời tham mưu công tác tiếp nhận, bảo quản, phân phối, sử dụng vắc xin để Sở Y tế có ý kiến chỉ đạo kịp thời sử dụng vắc xin một cách có hiệu quả, tránh hao phí.

Trung tâm Y tế huyện, thành phố tăng cường truyền thông, rà soát đối tượng và tổ chức tiêm chủng cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi có mặt tại địa phương nhưng chưa được tiêm chủng, phải đặc biệt quan tâm ưu tiên bao phủ đủ mũi vắc xin cho nhóm người từ 50 tuổi trở lên theo hướng dẫn của Bộ Y tế và khuyến cáo của nhà sản xuất.

Cùng với đó, theo dõi sát tình hình tiêm vắc xin tại đơn vị, số lượng vắc xin còn tồn tại kho của Trung tâm và các cơ sở tiêm chủng, phải có kế hoạch sử dụng vắc xin hợp lý trong thời gian tới và ưu tiên triển khai tiêm vắc xin cận hạn sử dụng trước.

Trong trường hợp địa phương còn tồn nhiều vắc xin không kịp sử dụng hoặc không có nhu cầu sử dụng cần báo cáo kịp thời về Tổ điều phối vắc xin để điều phối, đảm bảo sử dụng vắc xin hiệu quả; không tự ý vận chuyển vắc xin về kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh cũng như không tự ý điều chuyển vắc xin giữa các huyện, thành phố khi chưa có ý kiến của Tổ điều phối.

6. Cập nhật số liệu tiêm vắc xin phòng Covid-19

Sở Y tế vừa có văn bản khẩn gửi UBND huyện, thành phố về cập nhật số liệu tiêm vắc xin phòng Covid-19. Theo đó, để thống nhất nguồn số liệu và có cơ sở cho việc điều phối và phân bổ vắc xin hợp lý trong thời gian tới nhằm mục đích sử dụng hiệu quả, kịp thời, tránh hao phí nguồn vắc xin, Tổ điều phối vắc xin đề nghị UBND huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã, phường tổ chức rà soát lại số lượng tất cả đối tượng đang sinh sống và làm việc trên địa bàn quản lý và tình trạng tiêm chủng của các đối tượng này. Thực hiện cập nhật thường xuyên và quản lý số liệu dân cư theo từng phân nhóm tuổi để kịp thời tham mưu đề xuất nhu cầu vắc xin cho nhóm đối tượng phù hợp. Đồng thời khẩn trương tổng hợp số liệu dân cư, thống nhất số liệu trên toàn địa bàn.

UBND huyện, thành phố chỉ đạo trung tâm y tế huyện, thành phố lên phương án thành lập các tổ tiêm chủng lưu động tổ chức thực hiện tiêm vét cho tất cả đối tượng thuộc diện tiêm chủng trong địa bàn quản lý. Đảm bảo không bỏ sót đối tượng tiêm chủng, thực hiện tiêm chủng an toàn và giám sát chặt chẽ các phản ứng sau tiêm.

Trung tâm Y tế huyện, thành phố căn cứ vào nguồn số liệu do UBND huyện, thành phố cung cấp thực hiện thống kê báo cáo kết quả tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 theo quy định. Kịp thời tham mưu cho UBND huyện, thành phố về nhu cầu vắc xin cho các đối tượng cần tiêm chủng (mũi 1 và mũi 2) trong thời gian tới. Tổ chức thực hiện các tổ tiêm chủng lưu động với trang thiết bị cần thiết trực tiếp xuống địa bàn và thực hiện tiêm vét cho tất cả các đối tượng còn lại thuộc diện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn. Đảm bảo an toàn tiêm chủng và theo dõi, xử trí kịp thời các trường hợp xảy ra phản ứng nặng sau tiêm và không bỏ sót đối tượng. Thường xuyên cập nhật kết quả công tác tiêm chủng và thực hiện chế độ thống kê báo cáo theo đúng quy định.

7. Triển khai Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhằm duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trường chuyên biệt; bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh.

Mục tiêu đến năm 2025, có 90% trường học bảo đảm các điều kiện thực hiện công tác y tế trường học, chăm sóc sức khoẻ học sinh; 100% học sinh tham gia Bảo hiểm y tế; 85% trường học bố trí ít nhất 01 khu vực bảo đảm các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết dành cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao; 100% trường học tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh thông qua các giờ học chính khoá, hoạt động ngoại khoá..

Để thực hiện được các mục tiêu trên, kế hoạch đề ra 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó sẽ tập trung bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư y tế, bảo đảm đủ điều kiện triển khai hiệu quả công tác sức khoẻ học đường, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh theo quy định; khuyến khích các trường học ngoài công lập chủ động bố trí nhân lực phục vụ y tế trường học, bữa ăn học đường, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động; triển khai hiệu quả hoạt động thể thao trường học phù hợp với năng khiếu, sở thích, lứa tuổi học sinh với hình thức đa dạng...

8. Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo phát triển kinh tế - xã hội

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030 nhằm thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi số, kinh tế số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu đã được số hóa theo Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Việc đầu tư ứng dụng trí tuệ nhân tạo có trọng điểm ở một số lĩnh vực như: nông nghiệp, quản lý đô thị, quản lý xã hội và hành chính; phát triển mạnh các doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo.

Đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng cho ít nhất 100 cán bộ, công chức thuộc các sở, ban, ngành; UBND huyện, thành phố về trí tuệ nhân tạo; có ít nhất 01 cơ sở giáo dục, đào tạo của Tỉnh có hoạt động đào tạo hoặc liên kết đào tạo về trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, đến năm 2025 sẽ triển khai ít nhất 05 nhiệm vụ, dự án, mô hình ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo vào một số lĩnh vực góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh trong đó chú trọng các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý đô thị, quản lý xã hội và hành chính công.

Định hướng đến năm 2030 sẽ đào tạo, bồi dưỡng cho ít nhất 300 cán bộ, công chức thuộc các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố về trí tuệ nhân tạo. Tỉnh đặt mục tiêu có ít nhất 03 cơ sở giáo dục, đào tạo của Tỉnh có hoạt động đào tạo hoặc liên kết đào tạo về trí tuệ nhân tạo; triển khai ít nhất 10 nhiệm vụ, dự án, mô hình ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo...

9. Phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất nông sản thực phẩm chất lượng

Ngày 24/11/2021, UBND Tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, các cấp Hội và Hội viên Hội Nông dân Tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Tỉnh thực hiện tốt vai trò trung tâm, nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, thực hiện và giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm.

Nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành, các cơ quan liên quan và các huyện, thành phố trong việc phối hợp, tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện tuyên truyền, vận động, thực hiện và giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm. Việc phối hợp đảm bảo đồng bộ, kịp thời, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phát huy sức mạnh tổng hợp để đạt được mục tiêu, nội dung của Chương trình phối hợp số 01/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN.

Một số nội dung của kế hoạch sẽ triển khai gồm: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thuỷ sản thực phẩm chất lượng, an toàn; vận động các cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ nông - lâm - thuỷ sản ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn, không phân biệt sản xuất để ăn với để bán; vận động, hướng dẫn, tập huấn áp dụng xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; sơ chế, chế biến sản phẩm đặc trưng của địa phương theo Chương trình OCOP…

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN

1. Tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, nhi đồng

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 phê duyệt Chương trình Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030 .

Chương trình đề ra mục tiêu chung là tiếp tục tăng cường, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng góp phần xây dựng thế hệ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng; có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề cao.

Đồng thời, khơi dậy trong thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tinh thần tích cực thi đua học tập, rèn luyện; có ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Với mục tiêu chung như trên, Chương trình cũng xây dựng các tiêu chí cụ thể dựa trên hai nội dung chính:

1. Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, gồm các chỉ tiêu:

Hằng năm, phấn đấu 100% thanh niên trong lực lượng vũ trang, thanh niên công chức, viên chức, thanh niên học sinh, sinh viên và ít nhất 75% tổng số thanh niên Việt Nam còn lại ở trong nước và nước ngoài được tham gia vào các hoạt động do cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến, học tập nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hằng năm, phấn đấu 100% thanh niên là học sinh, sinh viên được tham gia các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng sống và kỹ năng mềm.

Hằng năm, phấn đấu 100% thanh niên học sinh, sinh viên và ít nhất 80% thiếu niên, nhi đồng tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động lao động tập thể trong và ngoài nhà trường.

Giới thiệu trên 2 triệu đoàn viên ưu tú cho Đảng, trong đó đến năm 2025 ít nhất 850 nghìn và đến năm 2030 ít nhất 1 triệu đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng.

Đến năm 2025 đạt trên 80% thanh niên học sinh, sinh viên ở đô thị, trên 70% thanh niên học sinh, sinh viên ở nông thôn, 60% thanh niên học sinh, sinh viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, hoạt động sinh hoạt cộng đồng tại nơi học tập, làm việc và cư trú; đến năm 2030 đạt trên 85%, trên 75% và 65% các chỉ tiêu tương ứng.

Đến năm 2025 đạt 70% và đến năm 2030 đạt 90% trở lên hộ gia đình được cung cấp kiến thức, kỹ năng về giáo dục đời sống gia đình, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo đảm quyền tham gia của trẻ em trong gia đình; phụng dưỡng và phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình. Đến năm 2030 đạt 90% trở lên hộ gia đình cam kết thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

2. Khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên học sinh, sinh viên, gồm các chỉ tiêu:

Hằng năm, phấn đấu 100% thanh niên học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giáo dục hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; 100% sinh viên các trường đại học, cao đẳng được trang bị kiến thức về hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.

Hằng năm, 30% ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên học sinh, sinh viên được kết nối với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp.

Phấn đấu 100% thanh niên học sinh, sinh viên hưởng ứng, xung kích, tình nguyện tham gia các hoạt động vì cộng đồng, xã hội; phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

Phấn đấu đến năm 2025 đạt 25% thanh niên học sinh, sinh viên được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống, 25% công trình khoa học và công nghệ do thanh niên chủ trì, 20% thanh niên làm việc trong các tổ chức khoa học, công nghệ; phấn đấu đến năm 2030 đạt 30%, 30% và 25% các chỉ tiêu tương ứng.

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đề ra các nhiệm vụ và giải pháp như: Đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến; Tổ chức hiệu quả các phong trào hành động cách mạng của Đoàn, Hội, Đội trong và ngoài nhà trường để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng...

2. Tiêu chuẩn đối với người ra nước ngoài học tập bằng nguồn ngân sách nhà nước

Nội dung này được quy định tại Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật. Theo đó, công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

- Không trong thời gian bị kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng quy định của chương trình học bổng và đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của chương trình học bổng;

- Được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý đi học (đối với trường hợp có cơ quan công tác);

- Đáp ứng các quy định hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và quy định của Đảng (đối với trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên).

Nghị định số 86/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2021 và bãi bỏ Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg ngày 15/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Vừa qua, tại thành phố Sa Đéc, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp chức phiên Giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến chuyên đề đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Gần 100 lao động đã tham gia phiên giao dịch việc làm để tìm kiếm cơ hội việc làm và học nghề sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Phiên giao dịch việc làm lần này có 14 công ty, doanh nghiệp, trường cao đẳng trong và ngoài Tỉnh tham gia tuyển dụng; trong đó, có 05 đơn vị tham gia phỏng vấn trực tiếp, 09 đơn vị phỏng vấn trực tuyến qua mạng. Các đơn vị có nhu cầu tuyển 7.500 lao động, 600 thực tập sinh Nhật Bản với các ngành nghề: chế biến thực phẩm, may mặc, giày da, gia công linh kiện điện tử, sản xuất nội thất... Ngoài ra, Trung Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp và trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Việt Xô cũng có nhu cầu tuyển 700 học viên trung cấp, Cao đẳng các ngành điện dân dụng, công nghệ ô tô, hàn, công nghệ thông tin....Tại phiên giao dịch việc làm lần này có 42 lao động trúng tuyển và 02 lao động đăng ký tham gia thị trường lao động Nhật Bản.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, huyện Hồng Ngự đã kích hoạt lại 10 trạm y tế lưu động tại các xã, thị trấn. Các trạm y tế này đều được đầu tư trang thiết bị đẩy đủ để phục vụ công tác phòng chống dịch tại địa phương. Ngày 18/11/2021 lãnh đạo huyện Hồng Ngự đã đến kiểm tra thực tế về hoạt động của các trạm y tế lưu động trên địa bàn. Cụ thể, đoàn đã đến kiểm tra tại trạm y tế lưu động của xã Thường Phước 1 và Thường Phước 2. Các trạm y tế này đã được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết trong công tác phòng dịch, mỗi trạm được bố trí 5 nhân sự túc trực để thực hiện công tác khám chữa bệnh lưu động cũng như các biện pháp phòng dịch khi được huy động. Tại buổi kiểm tra, các trạm y tế kiến nghị bổ sung thêm thuốc đặc trị bệnh Covid-19 nhằm phục vụ tốt hơn trong công tác chăm sóc bệnh nhận F0 cũng như F1 khi cách ly tại nhà. Qua kiểm tra, lãnh đạo huyện Hồng Ngự chỉ đạo các trạm y tế duy trì hoạt động, luôn sẵn sàng, phục vụ tốt trong công tác khám và chữa bệnh. Riêng kiến nghị bổ sung thêm thuốc đặc trị cho người mắc bệnh Covid-19, Huyện sẽ kiến nghị về tỉnh để xin hỗ trợ.

Vừa qua, BHXH huyện Thanh Bình phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Huyện tổ chức Hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho Hội viên phụ nữ nhằm kịp thời tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho Hội viên phụ nữ trên địa bàn Huyện. Tại Hội nghị, các Hội viên phụ nữ được tuyên truyền về đối tượng, địa điểm, thủ tục, mức đóng, phương thức đóng, quyền lợi, mục đích và các mức hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội quy định khi tham gia BHXH tự nguyện. Qua đó, giúp Hội viên phụ nữ hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm và quyền lợi để tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, góp phần tăng tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn Huyện, tiến tới “BHYT toàn dân” và “BHXH cho mọi người lao động”. Đồng thời, để mỗi hội viên phụ nữ là một tuyên truyền viên đắc lực tại gia đình và địa phương về BHXH tự nguyện vì đây là chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước, đảm bảo mọi công dân đều có quyền hưởng an sinh xã hội. Để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, các hội viên phụ nữ tham dự hội nghị đều đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 và thực hiện các biện pháp như: giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn.

Phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Bình phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Huyện tổ chức Hội thi tìm hiểu về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ em đến 8 tuổi năm 2021 với sự tham dự của 20 thí sinh đại diện cho 4 đội thi đến từ thị trấn Thanh Bình và các xã Bình Thành, Tân Phú, Tân Bình. Theo đó, Hội thi được chia thành 3 vòng, gồm: Tự giới thiệu về đội, Trắc nghiệm kiến thức và Gia đình hiểu ý. Nội dung các vòng thi xoay quanh chủ đề tìm hiểu kiến thức về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ và tạo môi trường phát triển toàn diện cho trẻ em từ 0 đến 8 tuổi. Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức trao Giải nhất cho đội Bình Thành, Giải nhì cho đội Tân Phú, Giải ba cho đội Tân Bình và đội thị trấn Thanh Bình đạt Giải khuyến khích. Hội thi nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng và cung cấp các kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ em đến 8 tuổi về quyền lợi và sức khỏe của các em. Qua đó, mong muốn mỗi thí sinh là một tuyên truyền viên đắc lực tại địa phương, đơn vị và gia đình về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ vì sự phát triển toàn diện của trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ tham gia BHYT ở huyện Cao Lãnh đạt thấp so với chỉ tiêu hàng năm, đến tháng 11/2021, tỷ lệ tham gia BHYT học sinh chỉ đạt 49,5%; hộ cận nghèo chỉ đạt 91,02%, còn lại 843 người chưa tham gia BHYT hộ cận nghèo; BHYT hộ gia đình đạt 90,24% còn phải vận động 9.492 người tham gia mới đạt chỉ tiêu năm; đến hết ngày 31/10/2021 toàn huyện có 2.895 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 84,6% kế hoạch, giảm 394 người so với 6 tháng đầu năm. UBND Huyện chỉ đạo xã, thị trấn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tham gia BHYT theo hộ gia đình tự nguyện tham gia đáo hạn và tham gia mới BHXH đạt chỉ tiêu; Phòng GD&ĐT Huyện chỉ đạo các đơn vị trường học tăng cường vận động 100% học sinh trên địa bàn Huyện tham gia BHYT; ngành BHXH tăng cường giao dịch điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia; vận động xã hội hoá mua BHYT cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình cận nghèo…

Thực hiện công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng từ 12 đến 17 tuổi, huyện Tháp Mười đã tổ chức tiêm được trên 4.770 liều vắc xin phòng Covid-19, đạt trên 35% so với tổng dân số trong nhóm tuổi, đa số các em là học sinh đang học tập ở các trường THPT trên địa bàn Huyện. Để công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 an toàn, hiệu quả, trước khi tiêm, các cơ sở y tế tiến hành kiểm tra, tư vấn khám sàng lọc kỹ lưỡng, công tác tiêm ngừa được đảm bảo về quy định phòng chống dịch. Sau tiêm người dân được theo dõi tại điểm tiêm theo quy định, đồng thời được hướng dẫn, tư vấn về việc tự theo dõi tại nhà, hướng dẫn khai báo y tế điện tử. Được biết đến nay huyện Tháp Mười đã tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho các đối tượng được trên 139.000 liều. Trong đó mũi 1 tiêm được trên 86.000 liều, đạt tỷ lệ trên 62% so với dân số từ 12 tuổi trở lên. Nhằm chủ động cho các đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt tiếp theo được thuận lợi. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 huyện Tháp Mười yêu cầu các địa phương phối hợp với ngành y tế huyện chủ động lập danh sách các đối tượng tiêm theo quy định, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự sẵn sàng triển khai ngay khi có vắc xin phân bổ về địa phương, đảm bảo nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, nhằm tạo miễn dịch trong cộng đồng.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ