Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 11 năm 2021

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 11 năm 2021

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập giới thiệu nội dung tóm tắt bài viết “Nhận diện tiêu cực trong cán bộ, đảng viên” của tác giả TS. Hà Dũng Hải đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Nghiên cứu[1].

Việc nhận diện các biểu hiện cụ thể của “tiêu cực” là không đơn giản, nhưng có thể khái quát lại, biểu hiện rõ nét nhất của “tiêu cực” là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tiêu cực trong cán bộ, đảng viên là những thói hư, tật xấu, khuyết điểm, là nhận thức, thái độ, hành vi không lành mạnh, có tác dụng xấu của cán bộ, đảng viên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích, uy tín của Đảng, có hại cho Nhân dân, cản trở quá trình phát triển của xã hội.

CÁC BIỂU HIỆN TIÊU CỰC TRONG CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã có chiều hướng thuyên giảm. Đánh giá của đầu nhiệm kỳ “chưa đạt được mục tiêu đề ra”, “chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”, đến cuối nhiệm kỳ được đánh giá “đạt được kết quả toàn diện” tuy “còn diễn biến phức tạp”.

Những hiện tượng tiêu cực đó đã gây bức xúc trong xã hội. Trong các tiêu cực, cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội quan tâm, bức xúc nhiều trước một số tình trạng tiêu cực sau:

Một là, lợi ích nhóm. Đây là biểu hiện có trong tất cả các lĩnh vực; trong đó đáng lo ngại nhất là quản lý nhà nước đối với kinh tế, quản lý con người, công tác cán bộ trong hệ thống chính trị.

Hai là, tiêu cực trong công tác cán bộ. Các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ thường thấy là chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm...

Ba là, tình trạng tham nhũng “vặt”. Tình trạng này xuất hiện ở nhiều nơi, trong nhiều cơ quan, tổ chức và ở những vị trí khác nrhau.

Bốn là, tình trạng lời nói không đi đôi với việc làm, tình trạng hối lộ, đề cao đồng tiền, thực dụng chủ nghĩa. 

Năm là, tình trạng tha hóa đạo đức, lối sống, sống buông thả, hưởng lạc... Những hành vi này tác động không nhỏ đến dư luận xã hội, gây phản cảm trong Nhân dân, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân vào tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên, suy giảm uy tín của Đảng, Nhà nước.

PHÒNG, CHỐNG NHỮNG BIỂU HIỆN TIÊU CỰC TRONG CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

 Trong thời gian tới, để phòng, chống những biểu hiện tiêu cực trong cán bộ đảng viên, cần thực hiện đồng bộ những nhóm giải pháp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị giữ vai trò rất quan trọng.

Thứ hai, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ ba, đổi mới, tăng cường công tác quản lý phát triển đảng viên, bảo đảm chất lượng đảng viên theo yêu cầu của Điều lệ Đảng. Cần xây dựng các tiêu chí, yêu cầu cụ thể về tư tưởng chính trị, trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới để quản lý và giáo dục cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng trong phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Thứ tư, những giải pháp trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đủ về số lượng và đạt về chất lượng để tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đều được điều chỉnh bằng các bộ luật và luật. Xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng và thực hiện các quy phạm pháp luật và quản lý hành chính về văn hóa, xã hội. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về văn hóa, lối sống lành mạnh. Kiên quyết ngăn chặn, khắc phục, xử lý nghiêm mọi biểu hiện của thương mại hóa báo chí, giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, gây hậu quả xấu. Kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi, tiến tới quét sạch các tệ nạn xã hội.

Thứ năm, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.  Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tích cực làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện giám sát, phản biện xã hội hằng năm đối với cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò của dư luận xã hội để giám sát các hoạt động của cán bộ, đảng viên; đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải có những việc làm vì lợi ích chung của cộng đồng, hạn chế những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tiêu cực trong xã hội.

Thứ sáu, hạn chế tối đa những tác động bên ngoài đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về tình hình, nhiệm vụ cách mạng hiện nay và hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị đối với cách mạng nước ta hiện nay để nâng cao sức đề kháng, “miễn dịch” với các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc.

Thứ bảy, phát huy vai trò tự giác, tích cực của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, ý thức trách nhiệm, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của mỗi cán bộ, đảng viên. Nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng. Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với cộng đồng, gia đình và xã hội. Cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm xây dựng cộng đồng, cơ quan trong sạch, vững mạnh.

Xác định rõ trách nhiệm của cá nhân cán bộ, đảng viên trên lĩnh vực công tác. Mọi công việc được làm đến nơi đến chốn, hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10

Trong tháng 10 năm 2021: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng khá cao so với tháng trước nhưng vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, doanh thu ước đạt 7.550 tỷ đồng, tăng 42,08% so với tháng trước và bằng 84,84% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng trị giá hàng xuất khẩu ước đạt 90.869 ngàn USD tăng 1,15% so với tháng trước và bằng 93,01% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 28.447 ngàn USD tăng 0,29% so với tháng trước và bằng 96,92 % so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,33% so với tháng trước; so với tháng 12 năm trước tăng 2,44%; tăng 2,91% so với tháng cùng kỳ năm trước và tăng 2,49% so với bình quân cùng kỳ 10 tháng đầu năm 2020.

Do dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục sẽ tổ chức dạy học theo hình thức không tập trung học sinh/học viên tại trường, tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến và các hình thức dạy học linh hoạt khác.

Triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em: Mở rộng đối tượng tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vắc-xin và tình hình dịch tại địa phương.

2. Đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn Tỉnh

Ngày 21/10/2021, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Chỉ thị số: 08/CT-UBND về việc đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn Tỉnh, theo đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, lấy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá, trọng yếu trong hoạt động điều hành của chính quyền các cấp. Cùng với đó, nghiên cứu, triển khai áp dụng thí điểm các giải pháp, sáng kiến, mô hình mới, có tính đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo chuyển biến nổi bật trong thực hiện cải cách hành chính tại cơ quan, địa phương. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả, duy trì và nâng cao kết quả Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính; gắn kết quả thực hiện vào đánh giá, xét khen thưởng cuối năm đối với các cá nhân, tập thể có liên quan. Các cơ quan, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả và hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng được Ủy ban nhân dân Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt trong thời gian qua. Ngoài ra, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, thống nhất của người dân, tổ chức và xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính…

3. Đồng Tháp có 01 cá nhân vinh dự đạt Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021

Sáng ngày 15/10, Lễ trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021 được tổ chức tại Hà Nội và kết nối với 6 điểm cầu tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2021, Hội đồng quản lý Quỹ Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam đã nhận được 41 hồ sơ, trong đó có 11 hồ sơ tập thể và 30 hồ sơ cá nhân thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Sau quá trình thẩm định, xét duyệt công tâm, kỹ lưỡng, Hội đồng đã lựa chọn được 6 tập thể và 10 cá nhân xuất sắc, tiêu biểu trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa, y học, công tác xã hội, phát triển cộng đồng để trao giải Phụ nữ Việt Nam năm 2021. Theo đó, Đồng Tháp có bà Trần Thị Kim Thia – Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp 4, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp vinh dự nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam. Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam có từ năm 2002, đây là giải thưởng lớn dành cho phụ nữ Việt Nam, góp phần động viên phụ nữ phát huy tài năng, trí tuệ đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Ngoài ra, Đồng Tháp có chị Nguyễn Thúy Kiều - Công ty TNHH Một thành viên Ba Tre (xã Phú Cường, huyện Tam Nông) được vinh danh dự án tiêu biểu với sản phẩm “Bột sữa hạt sen Ba Tre” và chị Ông Thị Dung - xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc được nhận Kỷ niệm chương tại cuộc thi với dự án sản xuất hoa kiểng tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021. Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 được phát động từ tháng 2/2021 đã thu hút 1.549 dự án/ý tưởng tham gia. Qua đó, có 24 dự án khởi nghiệp tiêu biểu được Ban Tổ chức vinh danh, trao thưởng tại buổi lễ với tổng trị giá các giải thưởng 2,5 tỷ đồng và nhiều phần thưởng khác..

II. TIN TRONG NƯỚC

1. Một số tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước 9 tháng năm 2021; giải pháp những tháng cuối năm

1.1- Một số kết quả chủ yếu

Do tác động của dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III giảm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, kéo tăng trưởng kinh tế 9 tháng chỉ đạt 1,42%, nhưng nền kinh tế vẫn có những điểm sáng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Công tác an sinh xã hội định kỳ và công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời đưa ra các phương án ứng phó; chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp để vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa thực hiện kế hoạch năm học…

Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức: Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa bị đình trệ, chi phí tăng cao, một số chuỗi sản xuất bị đứt gãy cục bộ; nguy cơ nợ xấu gia tăng; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Việc làm, sinh kế, đời sống một bộ phận người dân, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là ở những địa bàn có dịch Covid-19 bùng phát...

1.2. Nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, phối hợp linh hoạt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, tạo ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các lĩnh vực kinh tế có rủi ro cao.

Thứ ba, bảo đảm lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân thông suốt nội tỉnh và liên tỉnh; hướng dẫn công khai các yêu cầu trong phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất trên toàn quốc.

Thứ tư, phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất... và hoạt động của các doanh nghiệp trên toàn quốc... Tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để có giải pháp phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, thúc đẩy xuất khẩu.

Thứ năm, bảo đảm an sinh xã hội, an dân, ổn định chính trị, xã hội; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Xây dựng hướng dẫn tổ chức dạy và học phù hợp với tình hình, mức độ nguy cơ dịch bệnh từng địa phương. Thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ học sinh, sinh viên, nhất là các cháu gặp khó khăn, mất cha mẹ, người thân do dịch Covid-19.

Thứ sáu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.

  1. Một số tác động của dịch bệnh Covid-19 đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Trong làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, trẻ em là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, ở nhiều khía cạnh tiêu cực như: Ảnh hưởng đến sự sống còn, sức khỏe, chăm sóc nuôi dưỡng của cha mẹ do nhiều cha mẹ mất nguồn thu nhập không đủ chi phí thường ngày…; gián đoạn việc học tập, hạn chế chất lượng giáo dục, đặc biệt là đối với trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vùng sâu, vùng xa… Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời gian qua, các bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế, chính quyền các địa phương đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và giảm tối đa các nguy cơ gây tổn hại tới trẻ em.

Để góp phần bảo vệ và bảo đảm các quyền của trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Thứ nhất, thông tin, tuyên truyền những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là làn sóng đại dịch lần thứ 4 đến sức khỏe, cuộc sống, sinh hoạt, học tập của trẻ em.

Thứ hai, tuyên truyền các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức trong nước, quốc tế trong việc giảm thiểu tối đa các nguy cơ do dịch bệnh Covid-19 gây tổn hại đến trẻ em; trong đó, tập trung nhấn mạnh vào các giải pháp chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thứ ba, nâng cao nhận thức của các gia đình về trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và đảm bảo các quyền cho trẻ em để trẻ em được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta quý III năm 2021

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và gia tăng những phức tạp trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân đã phát huy vai trò tích cực, chủ động, phi hợp thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phát triển đất nước, vừa phòng, chng dịch Covid-19 và triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII, thể hiện:

Thứ nhất, “Ngoại giao vắc-xin” được triển khai chủ động, tích cực, đa dạng trên cả 3 kênh đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân và đặc biệt là thông qua các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo cấp cao. Cho đến nay, các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác đã cam kết cung ứng cho Việt Nam hơn 150 triệu liều vắc-xin thông qua đàm phán mua và viện trợ, trong đó Việt Nam đã nhận được hơn 50,2 triệu liều vắc-xin Covid-19.

Thứ hai, Việt Nam triển khai linh hoạt nhiều biện pháp đối ngoại trực tuyến, từng bước khôi phục lại các hoạt động đối ngoại trực tiếp, cả đón đoàn và cử đoàn ra, qua đó giúp duy trì, củng cố cục diện quan hệ đối ngoại ổn định với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.

Thứ ba, đối ngoại đa phương tiếp tục được triển khai tích cực, chủ động, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Thứ tư, đối ngoại đảng tiếp được triển khai tích cực, chủ động, linh hoạt với các biện pháp đối ngoại đa dạng, gia tăng tin cậy chính trị, góp phần duy trì và củng cố quan hệ với các đảng, các nước

Thứ năm, công tác đối ngoại nhân dân tiếp tục được triển khai chủ động, linh hoạt với nhiều hình thức phong phú trong bối cảnh đại dịch Covid-19

  1. Một số tình hình thế giới đáng chú ý thời gian gần đây.

3.1- Về việc Trung Quốc công chiếu trailer bộ phim “Quân đội Vương Bài” có nhiều chi tiết xuyên tạc lịch sử về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam giai đoạn thập niên 1980

Ngày 07/10/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nêu rõ quan điểm của Việt Nam về việc này tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, như sau:Chủ trương nhất quán của Việt Nam đối với các vấn đề lịch sử là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhìn nhận lịch sử một cách đúng đắn, khách quan và có việc làm tích cực nhằm tăng cường sự hiểu biết, hữu nghị giữa người dân, đóng góp cho quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia trên thế giới. Chúng tôi đề nghị phía Trung Quốc cùng thực hiện nghiêm nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về tăng cường tuyên truyền hữu nghị, khách quan, củng cố cơ sở xã hội thuận lợi cho phát triển quan hệ hai nước.

3.1- Tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với các thảm họa thiên tai, dịch bệnh

Ngày 29/9/2021, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 26 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đây là sự kiện quan trọng nhất của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trong năm 2021, nhằm xem xét và thông qua các văn kiện, tuyên bố để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung tham dự Hội nghị. Các Bộ trưởng đánh giá cao Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trong việc thực hiện sáng kiến tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN trong ứng phó với các thảm họa thiên tai, y tế cộng đồng, an sinh xã hội, tin giả, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu… Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng ra Tuyên bố chung và thông qua 27 văn kiện, tuyên bố.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp