Xuất bản thông tin

null Trạm y tế tuyến xã được phép thu tiền dịch vụ xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Trạm y tế tuyến xã được phép thu tiền dịch vụ xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2

Uỷ ban nhân dân Tỉnh có văn bản gửi Sở Tài chính và Sở Y tế thống nhất chủ trương, đồng ý cho trạm y tế tuyến xã được phép thu tiền dịch vụ xét nghiệm khi thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đối với người dân có nhu cầu, trừ các đối tượng được miễn chi phí xét nghiệm theo hướng dẫn của trung ương và địa phương theo nội dung đề nghị của Sở Tài chính. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Trạm y tế tuyến xã được phép thu tiền dịch vụ xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2

Ngày 30/9/2021, UBND Tỉnh có văn bản gửi Sở Tài chính và Sở Y tế về việc Trạm Y tế xã thực hiện dịch vụ test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Theo đó, UBND Tỉnh thống nhất chủ trương, đồng ý cho trạm y tế tuyến xã được phép thu tiền dịch vụ xét nghiệm khi thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đối với người dân có nhu cầu, trừ các đối tượng được miễn chi phí xét nghiệm theo hướng dẫn của trung ương và địa phương theo nội dung đề nghị của Sở Tài chính tại văn bản nêu trên.

UBND Tỉnh giao Sở Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị thực hiện và phê duyệt danh mục kỹ thuật trong khám, chữa bệnh theo đúng quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế để làm cơ sở các đơn vị triển khai thực hiện; đồng thời phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các cơ sở y tế áp dụng mức thu, quản lý, sử dụng nguồn thu xét nghiệm theo quy định hiện hành.

2. Tổ chức trực và chuẩn bị điều kiện đón người dân ngoài Tỉnh về địa phương

Ngày 01/10/2021, UBND Tỉnh có Công điện khẩn cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố về tổ chức trực và chuẩn bị điều kiện đón người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trở về địa phương.

Theo nội dung Công điện, hiện người dân Đồng Tháp từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh tự phát trở về địa phương ngày càng nhiều, tạo áp lực lớn trong việc giữ vững các kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua.

Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin đón người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh về địa phương từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Chủ động chuẩn bị các điều kiện (phương tiện, cơ sở cách ly, hậu cần...) để đón người dân về địa phương thực hiện các biện pháp cách ly phòng, chống dịch theo quy định..

3. Huy động nguồn lực cùng chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19

Văn phòng UBND Tỉnh vừa có văn bản về việc tuyên truyền, vận động huy động nguồn lực cùng chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố triển khai hưởng ứng, tuyên truyền, giới thiệu Trang thông tin điện tử của Tiểu ban Vận động và huy động xã hội, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (địa chỉ: http://vandongxahoi.mattran.org.vn) tới đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân; đồng thời kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ kinh phí, nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền, đăng tải thông tin giới thiệu về việc ra mắt và hoạt động thường xuyên của Tiểu ban Vận động và huy động xã hội, đưa banner có đường link của Trang thông tin điện tử của Tiểu ban trên wesite của đơn vị và cơ quan báo chí.

4. Hướng dẫn thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 về từ vùng dịch

Để thống nhất việc thực hiện thu dung, điều trị, bảo đảm sức khoẻ cho người dân là trên hết, ngày 07/10/2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tỉnh có văn bản yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện, thành phố thực hiện một số nội dung.

Đối với công dân đã điều trị Covid-19 và có giấy chứng nhận: Nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2, phối hợp với Tiểu ban Điều trị chuyển về Khu điều trị F0 tại Khu du lịch Mỹ Trà hoặc cơ sở khác tùy theo tình trạng người bệnh. Thực hiện xét nghiệm để theo dõi (02 ngày xét nghiệm/lần, nếu âm tính cho xuất viện).

Đối với công dân đã điều trị Covid-19 nhưng không có giấy chứng nhận, nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2:

- Có chỉ số CT < 30: Chuyển vào cơ sở điều trị F0 của địa phương để điều trị như ca dương tính mới. Trường hợp địa phương không còn chỗ bố trí, phối hợp với Tiểu ban Điều trị để điều chuyển qua cơ sở điều trị khác; thực hiện quy trình cấp mã số và công bố ca bệnh theo quy định.

- Có chỉ số CT ≥ 30: Phối hợp với Tiểu ban Điều trị chuyển về Khu điều trị F0 tại Khu du lịch Mỹ Trà hoặc cơ sở khác tùy theo tình trạng người bệnh. Thực hiện xét nghiệm để theo dõi (02 ngày xét nghiệm/lần, nếu âm tính cho xuất viện).

5. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19

Sở Y tế vừa có văn bản về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị các đơn vị trực thuộc, Bệnh viện Quân Dân Y tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế. Cùng với đó, các đơn vị thực hiện xét nghiệm bảo đảm khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở từng nơi, tránh lạm dụng, lãng phí; triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 kịp thời, an toàn, hiệu quả; kiểm tra, giám sát khắc phục ngay những tồn tại liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói chung, nhất là việc tổ chức xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Phòng Y tế huyện, thành phố phối hợp liên ngành tham mưu UBND cùng cấp về công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn và trong từng đơn vị; việc thực hiện tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống Covid-19 và chi phí khám, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19; việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm RT-PCR; việc sản xuất, kinh doanh sinh phẩm, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 nhằm phòng tránh việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; việc thực hiện các gói thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch tránh tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm.

Thanh tra Sở Y tế tùy trường hợp, nội dung, đối tượng cụ thể phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra các cơ sở đang hoạt động hành nghề kinh doanh có liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp phòng y tế huyện, thành phố để tránh trùng lặp nội dung, đối tượng cần thanh tra, kiểm tra.

Các đơn vị nêu trên kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng; trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

6. Khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021

Ngày 01/10/2021, Sở GD và ĐT, Hội Khuyến học Tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời (HTSĐ) năm 2021. Buổi lễ diễn ra bằng hình thức trực tuyến và kết nối đến điểm cầu các trường THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên trong toàn Tỉnh.

Với chủ đề “Chuyển đổi số và cơ hội HTSĐ cho tất cả mọi người trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, Tuần lễ hưởng ứng HTSĐ năm 2021 diễn ra từ ngày 01 - 07/10/2021, tập trung vào các nội dung: đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, giúp nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của chuyển đổi số đối với việc HTSĐ. Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động dạy, học và các hoạt động thư viện trong các cơ sở giáo dục, huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tận dụng các nền tảng công nghệ, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp...

7. Phấn đấu giảm 30% thiệt hại về người do thiên tai gây ra

Kế hoạch Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu giảm 30% thiệt hại về người đối với thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015 - 2020.

100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai. 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là thiên tai có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh Đồng Tháp như: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nắng nóng, hạn hán. 100% số hộ dân thuộc khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi ở đảm bảo an toàn …

Kế hoạch đã xác định các giải pháp phi công trình và giải pháp công trình. Trong đó, các chỉ đạo của các cấp chính quyền về ứng phó với biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được tuyên truyền kịp thời đến người dân. Đầu tư trang thiết bị cho công tác phòng, chống thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, theo dõi giám sát thiên tai chuyên dùng.

Vận động và hỗ trợ di dời các hộ dân nằm trong vành đai sạt lở, vùng ngập sâu vào các cụm, tuyến dân cư đã hoàn thành. Tổ chức mở các lớp dạy bơi cho trẻ em từ 7 - 15 tuổi. Bố trí các chốt cứu hộ, cứu nạn tại các nơi xung yếu có khả năng xảy ra thiệt hại thiên tai...

Về giải pháp công trình, đó là xây dựng và nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt các công trình về giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, nước sạch nông thôn. Nạo vét các công trình thủy lợi bị cạn kiệt chống hạn kết hợp gia cố bờ bao chống lũ và nâng cấp đường giao thông nông thôn, phục vụ xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Chương trình cụm tuyến dân cư để bố trí tái định cư cho các hộ dân khu vực bị sạt lở và vùng ngập lũ. Nâng cấp các trạm thủy văn nội đồng và xây dựng các tiêu báo lũ. Các ngành, các cấp đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng đã có quyết định đầu tư..

8. Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em

Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 - 2030 vừa được ban hành nhằm kiểm soát, giảm thiểu tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước.

Phấn đấu đến năm 2025, giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 1.500/100.000 trẻ em và 1.000/100.000 trẻ em vào năm 2030; giảm tỷ suất trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 16/100.000 trẻ em và 15/100.000 trẻ em vào năm 2030; hằng năm giảm 5% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ; giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước vào năm 2025 và giảm 20% vào năm 2030…

Để thực hiện các mục tiêu trên, kế hoạch đưa ra 09 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó tăng cường công tác truyền thông giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp, các ngành và toàn xã hội; hướng dẫn, tư vấn, giáo dục cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, sơ cấp cứu cơ bản. Thí điểm và nhân rộng các mô hình về tư vấn, giáo dục kiến thức, thực hành kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, thành lập các câu lạc bộ, các đường dây nóng... hỗ trợ trẻ vị thành niên.

9. Chủ động trong phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue

Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đang vào mùa mưa, nguy cơ gia tăng các bệnh về truyền nhiễm đang có xu hướng gia tăng đặc biệt là dịch sốt xuất huyết (SXH) Dengue, để chủ động trong việc phòng, chống dịch và tăng cường công tác điều trị bệnh nhân SXH Dengue nhằm giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh, Sở Y tế đề nghị các bệnh viện, Trung tâm y tế trên địa bàn Tỉnh tiếp tục thực hiện công tác khám, chữa bệnh thông thường đặc biệt là công tác điều trị bệnh nhân SXH theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH Dengue ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22/8/2019 của Bộ Y tế; thực hiện phân luồng người bệnh, sàng lọc Covid-19 đối với tất cả bệnh nhân, thân nhân theo nuôi, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Các đơn vị cần tích cực, chủ động, theo dõi sát diễn tiến người bệnh SXH Dengue đang nằm nội trú kể cả ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần và xử trí kịp thời các ca bệnh có diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết. Thực hiện tham vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ từ tuyến trên khi cần thiết. Đồng thời bảo đảm đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tỉnh tăng cường giám sát dịch SXH Dengue, triển khai các hoạt động phù hợp trong tình hình dịch Covid-19 nhằm làm giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong do SXH Dengue trong cộng đồng; chỉ đạo, hướng dẫn về công tác chuyên môn cho Trung tâm y tế huyện, thành phố tăng cường thực hiện các hoạt động phòng, chống SXH. Tăng cường phát hiện, triển khai ngay các biện pháp xử lý, khống chế ổ dịch SXH không để dịch lan rộng trong cộng đồng; thực hiện thống kê, báo cáo tình hình dịch SXH định kỳ theo quy định về Sở Y tế.

Trung tâm y tế huyện, thành phố phối hợp cùng chính quyền địa phương tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức người dân về các biện pháp phòng, chống SXH bằng nhiều hình thức; đáp ứng xử lý ngay, kịp thời ổ dịch SXH trên địa bàn, không để dịch lan rộng trong cộng đồng; thực hiện giám sát ổ dịch và báo cáo định kỳ công tác phòng, chống SXH về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh theo quy định.

10. Một số đơn vị tuyển dụng tham gia phiên Giao dịch việc làm lần 10 năm 2021

Ngày 12/10/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức phiên Giao dịch việc làm (GDVL) lần 10 năm 2021. Phiên GDVL lần này có 12 công ty, doanh nghiệp, trường trung cấp, cao đẳng tham gia tuyển dụng; trong đó, có 3 đơn vị ngoài Tỉnh và 2 công ty xuất khẩu lao động (LĐ). Hàng trăm người LĐ đã đến tham gia phiên GDVL tìm kiếm cơ hội việc làm và học nghề.

Trong phiên GDVL, các đơn vị đã thông tin nhu cầu tuyển dụng, tư vấn môi trường làm việc và các chế độ ưu đãi đối với người LĐ. Đồng thời hướng dẫn người LĐ cách ghi thông tin, tham dự phỏng vấn với các đơn vị tuyển dụng. Điểm nổi bật của phiên GDVL lần thứ 10 là có 7/12 đơn vị tham gia tư vấn, phỏng vấn bằng hình thức trực tuyến. Đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, các hoạt động của phiên GDVL được yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.

Phiên GDVL lần 10 có gần 200 người LĐ trực tiếp tham gia tìm cơ hội việc làm, học nghề và 27 người LĐ dự phỏng vấn trực tuyến với đơn vị tuyển dụng. Thông qua phiên GDVL nhằm kết nối cơ hội học nghề, việc làm cho người LĐ trên địa bàn Tỉnh sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19...

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN MỚI

1. Hướng dẫn mới về chẩn đoán và điều trị Covid-19

Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn mới về chẩn đoán và điều trị Covid-19. Hướng dẫn mới này sẽ thay thế hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 3416/QĐ-BYT ngày 14/7/2021. Đáng chú ý, trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế cho biết, người nhiễm vi rút có thời gian ủ bệnh từ 02 - 14 ngày, trung bình từ 05 - 07 ngày. Với biến thể Delta, thời gian ủ bệnh ngắn hơn.

Triệu chứng lâm sàng của người mắc Covid-19

Ở giai đoạn khởi phát, chủng Alpha có các biểu hiện sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng, đau đầu. Một số trường hợp bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất vị giác và khứu giác, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng... Chủng mới Delta có triệu chứng đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, ho, sốt, tiêu chảy, khó thở, đau cơ.

Diễn biến bệnh đối với thể Alpha là 80% bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ, 20% bệnh nhân diễn biến nặng và diễn biến nặng thường khoảng 5-10 ngày và 5% cần phải điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với biểu hiện suy hô hấp cấp, tổn thương phổi do Covid-19, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng cơ quan, bao gồm tổn thương thận cấp, tổn thương não, tổn thương tim và dẫn đến tử vong.

Đối với thể Delta, tỷ lệ nhập viện cấp cứu 5,7% (cao hơn 4.2% Alpha), tỷ lệ nhập viện, nhập ICU và tử vong tăng hơn trước. Ngoài ra, chủng Delta liên quan đến tăng mức độ nặng của bệnh, biểu hiện bởi tăng nhu cầu oxy, nhập ICU, hoặc tử vong so với những chủng khác. Ngoài ra, chủng Delta có tải lượng vi rút cao hơn 1.260 lần so với 19A/19B và khả năng lây cao hơn 15-20% so với chủng khác.

Giai đoạn hồi phục của bệnh nhân Covid-19

Đối với trường hợp nhẹ và trung bình: Sau 07 - 10 ngày, bệnh nhân hết sốt, toàn trạng khá lên, tổn thương phổi tự hồi phục, có thể gặp mệt mỏi kéo dài.

Những trường hợp nặng: Biểu hiện lâm sàng kéo dài, hồi phục từ 02 - 03 tuần, mệt mỏi kéo dài đến hàng tháng.

Những trường hợp nguy kịch có thể phải nằm hồi sức kéo dài nhiều tháng, có thể tiến triển xơ phổi, ảnh hưởng tâm lý, yếu cơ kéo dài.

Một số trường hợp sau nhiễm SARS-CoV-2 sẽ gặp các rối loạn kéo dài như bệnh lý tự miễn, hội chứng thực bào... 

Về thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19

Hướng dẫn phiên bản mới nêu rõ, nếu là thuốc chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới, việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

Nếu là thuốc đã được WHO khuyến cáo sử dụng, hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới, thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh (ví dụ, thuốc Remdesivir, Favipiravir, thuốc Casirivimab 600 mg + imdevimab 600 mg, bamlanivimab + etesevimab, thuốc Tocilizumab...).

Tiêu chuẩn xuất viện của bệnh nhân Covid-19

Đối với các trường hợp không có triệu chứng lâm sàng trong suốt thời gian điều trị: Được ra viện khi đã được cách ly điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tối thiểu 10 ngày và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2, hoặc nồng độ virus thấp (CT ≥ 30) vào ngày thứ 9.

Đối với các trường hợp có triệu chứng lâm sàng sẽ được ra viện khi đủ các điều kiện sau: Được cách ly điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tối thiểu 14 ngày; các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (CT ≥ 30) vào trước ngày ra viện.

Đối với các trường hợp cách ly điều trị trên 10 ngày và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Real-time RT-PCR nhiều lần có nồng độ vi rút CT< 30, được ra viện khi đủ các điều kiện sau: Đã được cách ly điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 đủ 21 ngày, tính từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2; các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên.

Người được ra viện sẽ được giám sát tại nhà bởi y tế cơ sở và trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương. Người bệnh sau khi ra viện cần ở tại nhà và tự theo dõi trong 7 ngày (hướng dẫn trước là cách ly 14 ngày). Đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 380C ở 2 lần đo liên tiếp, hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào, thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời. Tuân thủ thông điệp 5K.

Đối với người bệnh ra viện thuộc trường hợp cách ly điều trị trên 10 ngày và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR nhiều lần có nồng độ virus CT < 30, sau khi ra viện yêu cầu người bệnh thực hiện cách ly y tế tại nhà trong 07 ngày. Đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 380C ở 2 lần đo liên tiếp, hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời.

2. Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, hỗ trợ bằng tiền cho người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đối tượng áp dụng là NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).

NLĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến hết 30/9/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hằng tháng.

Nguồn kinh phí: khoảng 30.000 tỉ đồng từ kết dư Quỹ BHTN đến hết năm 2020. Thời gian thực hiện việc hỗ trợ NLĐ từ ngày 01/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.

Ngoài ra, giảm mức đóng vào Quỹ BHTN cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đối tượng áp dụng là NSDLĐ quy định tại điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia BHTN trước ngày 01/10/2021. NSDLĐ được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN. Thời gian thực hiện giảm mức đóng từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.

3. Thêm nhiều học sinh, sinh viên được miễn học phí

Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.

Điều 15 Nghị định này đã bổ sung nhiều học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được miễn học phí so với quy định trước đây, như: Người học chương trình trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; học sinh THCS ở thôn/bản đặc biệt khó khăn; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù…

Ngoài ra, mức hỗ trợ chi phí học tập tại khoản 10 điều 20 Nghị định này cũng tăng thêm 50.000 đồng/tháng so với quy định trước đây (từ ngày 15/10/2021, mức hỗ trợ chi phí học tập là 150.000 đồng/tháng/học sinh).

Nghị định này cũng quy định cụ thể về lộ trình tăng học phí với tất cả cấp học từ mầm non, phổ thông, đại học….

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

UBND huyện Hồng Ngự vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác dạy học trực tuyến trên địa bàn Huyện nhằm đánh giá công tác giảng dạy trực tuyến từ lớp 5 đến lớp 12 với sự tham dự của lãnh đạo Huyện cùng lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn ở 10 điểm cầu. Tại hội nghị, đại biểu được nghe báo cáo kết quả thực hiện công tác dạy và học trực tuyến từ lớp 5 đến lớp 12. Qua nội dung báo cáo, các trường từ tiểu học đến THPT trên địa bàn Huyện đều triển khai thực hiện việc dạy học trực tuyến với số lượng học sinh tham gia cao tỉ lệ toàn huyện lớp 5 gần 80%, cấp THCS gần 96% và cấp THPT gần 98%. Số học sinh chưa thể tham gia học tập do thiếu thiết bị học trực tuyến được giáo viên giao bài cho học sinh ôn và thực hành. Chất lượng, hiệu quả các tiết dạy có nâng lên qua từng ngày, số học sinh được hỗ trợ thiết bị ngày càng tăng qua chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Hiện nay, toàn Huyện được hỗ trợ và vận động hỗ trợ được 121 máy cho học sinh khó khăn được học trực tuyến. Thời gian tới, Huyện sẽ tiếp tục vận động và hỗ trợ các em để 100% học sinh được tham gia học trực tuyến. Phòng GD và ĐT và Hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn Huyện tiếp tục triển khai tốt công tác dạy học trực tuyến theo hướng dẫn, chỉ đạo của Sở GD và ĐT. UBND các xã, thị trấn trên địa bàn Huyện tiếp tục vận động hỗ trợ thiết bị học trực tuyến học sinh khó khăn từ các kênh, nguồn khác nhau và phải chủ động kịp thời. Với sự chủ động vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội chăm lo cho giáo dục trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành GD và ĐT huyện Hồng Ngự sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là công tác tổ chức dạy và học trực tuyến đạt chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Từ ngày 01 đến ngày 05/10/2021, huyện Tam Nông đã tiếp nhận hơn 3.260 người từ các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Công tác tiếp nhận được thực hiện chu đáo, việc phân loại, đưa người dân về các khu lưu trú tập trung được thực hiện theo đúng quy định của Tỉnh. Các địa phương kích hoạt và vận hành lại toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch; chủ động các phương án trong mọi tình huống đặt ở mức độ cao nhất, tận dụng tất cả các cơ sở trường học làm khu lưu trú tập trung; giám sát, quản lý chặt chẽ tình hình dân cư trên địa bàn Huyện; tiếp tục tầm soát nhanh, hiệu quả, không để phát sinh ca mắc trong cộng đồng. Các địa phương bên cạnh việc chuẩn bị đón rước bà con an toàn, chu đáo còn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện thông điệp 5K, các quy định và biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 11/10/2021, ngành Y tế huyện Thanh Bình tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của Sinopharm mũi 1 cho người dân từ đủ 18 tuổi trở lên. Đây là đợt tiêm vắc xin lần thứ 15 của huyện, với 44.000 liều được tỉnh phân bổ. Cụ thể, đã có hơn 2.980 người từ 18 tuổi trở lên, lực lượng tham gia chống dịch, người trên 60 tuổi, người trong vùng dịch, sinh viên chuẩn bị nhập học... được tiêm vắc xin Covid-19 trong 2 ngày 10 và 11/10/2021. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, tại các điểm tiêm đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, Công tác tiêm chủng được bố trí chặt chẽ từ khâu: tiếp đón, hướng dẫn khai báo y tế; bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng; khu vực tiêm chủng. Tất cả đều được thực hiện đúng quy trình, mọi người sau khi tiêm đều được ở lại tại điểm tiêm theo dõi sức khỏe 30 phút. Dự kiến trong 6 ngày, huyện Thanh Bình sẽ triển khai và hoàn thành đợt tiêm vắc xin lần thứ 15 của huyện.

UBND huyện Tháp Mười đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn thực hiện cài đặt, khai báo y tế và tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân sử dụng phần mềm. Theo đó, 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (có sử dụng smartphone) tải ứng dụng VNEID phiên bản mới nhất (qua CHPlay hoặc App store) để thực hiện việc khai báo y tế khi ra/vào tại các chốt, điểm, trạm kiểm soát dịch, các cơ quan, tổ chức, các khu, cụm công nghiệp, công ty, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, ngân hàng, siêu thị, cơ sở kinh doanh, chợ... trên địa bàn Huyện. Tại trụ sở các cơ quan, công ty, doanh nghiệp, ngân hàng, siêu thị, cơ sở kinh doanh, chợ… trên địa bàn huyện triển khai “tạo điểm QR CheckPoint” để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên, công dân tiến hành quét mã QR khi ra/vào cổng và nhập đầy đủ, chính xác các thông tin cá nhân vào ứng dụng VNEID (đặc biệt là thông tin về số mũi tiêm vắc xin ngừa Covid-19) để quản lý, truy vết kịp thời khi phát hiện ca nhiễm Covid-19.

UBND huyện Tháp Mười có công văn về việc tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được vay vốn. Theo đó, để tạo điều kiện cho HSSV thuộc đối tượng theo Quyết định số 157/2007/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được vay vốn để đóng học phí, mua sắm sách vở, phương tiện học tập, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn thực hiện rà soát, lập danh sách học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do các nguyên nhân khách quan theo quy định, đồng thời kịp thời xác nhận danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) để làm căn cứ cho vay. Đối với Phòng Giao dịch NHCSXH Huyện, phối hợp với các Tổ chức chính trị - xã hội các cấp, Tổ Tiết kiệm và vay vốn thực hiện công khai hòm thư điện tử, tuyên truyền, hướng dẫn việc tiếp nhận giấy xác nhận của Nhà trường, cơ sở đào tạo; đôn đốc Tổ Tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay kịp thời, đúng đối tượng theo quy định để hoàn thiện hồ sơ. Trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, để tránh nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp, các đơn vị cần tuyên truyền, khuyến khích người dân nhận tiền vay bằng hình thức chuyển khoản qua tài khoản thẻ, tài khoản thanh toán của cá nhân người vay hoặc tài khoản của Nhà trường, cơ sở đào tạo để đóng tiền học phí.

Sau 13 lần tiêm ngừa vắc xin các loại cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau, huyện Cao Lãnh luôn thực hiện đúng chủ trương, hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong lần phân bổ thứ 14 này, Tổ Điều phối vắc xin Tỉnh phân bổ cho huyện Cao Lãnh với số lượng 16.000 liều vắc xin Vero Cell - Sinopharm (cấp lần 1 là 8.000 lọ) nhằm từng bước tăng độ bao phủ vắc xin cho người dân và được triển khai tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn Huyện. Theo đó, đến ngày 04/10/2021, Trung tâm Y tế Huyện đã tích cực phối hợp UBND các xã, thị trấn khẩn trương triển khai thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 14 (Vero Cell - mũi 1) đảm bảo 100% theo kế hoạch cho các đối tượng: Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp...), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu (các cơ sở lưu trú, ăn uống), ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, cửa hàng dược, vật tư y tế... cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở làng nghề, điểm du lịch. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu; tài xế, tiểu thương, nhân viên bán hàng, giao hàng, lao động tự do làm thuê. Trong đợt này, Đội thanh niên tình nguyện cũng hỗ trợ tại các điểm tiêm chủng về: hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, đo thân nhiệt, sát khuẩn, ghi thông tin, nhập dữ liệu sau tiêm... đặc biệt cử các bạn tình nguyện viên hỗ trợ người lớn tuổi ghi thông tin, hỗ trợ trong di chuyển đến điểm tiêm đối với những người gặp khó khăn trong việc đi lại.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ