Xuất bản thông tin

null Hưởng ứng Chương trình “Sóng và Máy tính cho em”

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Hưởng ứng Chương trình “Sóng và Máy tính cho em”

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa ban hành kế hoạch hưởng ứng Chương trình “Sóng và Máy tính cho em” nhằm mục đích kêu gọi các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài Tỉnh hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho các HS, HV có hoàn cảnh khó khăn, với phương châm “Các em tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, “Đồng hành cùng các em vượt qua đại dịch Covid-19”. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Chấp thuận chủ trương xây dựng cơ chế hỗ trợ học phí cho học sinh

UBND Tỉnh vừa có Công văn về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ 100% học phí học kỳ I năm 2021-2022 đối với các học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập. Theo đó, chấp thuận chủ trương xây dựng cơ chế hỗ trợ 100% học phí học kỳ I năm học 2021 - 2022 đối với toàn bộ trẻ mầm non đang học thực tế tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập; học sinh (HS), học viên (HV) (trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên) đang học thực tế tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Tỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trừ các cơ sở giáo dục ngoài công lập, theo đề xuất của Sở GD&ĐT.

UBND Tỉnh yêu cầu Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ban, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ 100% học phí học kỳ I năm học 2021 - 2022 theo đúng quy định pháp luật, tham mưu UBND Tỉnh trình HĐND Tỉnh thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Tỉnh, tạm thời chưa thực hiện thu học phí học kỳ I cho đến khi có hướng dẫn mới; vận động các cơ sở giáo dục ngoài công lập miễn, giảm học phí cho trẻ mầm non và HS nhằm chia sẻ khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

2. Đảm bảo đầy đủ sách giáo khoa và dụng cụ học tập cho học sinh, học viên

Sở GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu Trưởng phòng các Phòng GD&ĐT và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT triển khai thực hiện việc cung ứng sách giáo khoa (SGK), dụng cụ học tập HS, HV năm học 2021 - 2022.

Đối với SGK các khối lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 1, 2 và 6), Trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo Hiệu trưởng các cơ sở có lớp Tiểu học, THCS tiếp nhận sách (nhà trường đăng ký) do đơn vị có chức năng cung ứng bàn giao và chuyển đến HS bằng hình thức phù hợp và trong thời gian sớm nhất. Trường hợp HS đang cư ngụ tại các địa bàn phong tỏa, cách ly để phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu hiệu trưởng nhà trường báo cáo với ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương, đề nghị hỗ trợ để chuyển sách đến HS.

Các khối lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006 (lớp 3, 4, 5; 7, 8, 9 và 10, 11, 12), trưởng phòng GD&ĐT, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT yêu cầu giáo viên chủ nhiệm liên hệ với HS, HV và cha mẹ các em bằng hình thức phù hợp (email, điện thoại, tin nhắn, Zalo, Viber,...) để nắm tình hình chuẩn bị SGK của HS, HV. Trường hợp HS, HV và cha mẹ các em có nhu cầu đề nghị hỗ trợ mua hộ, các cơ sở giáo dục tổng hợp số lượng và liên hệ với các đơn vị có chức năng cung ứng sách để đặt hàng, tiếp nhận và chuyển đến HS, HV bằng hình thức phù hợp và trong thời gian sớm nhất ngay sau khi đơn vị cung ứng giao sách.

HS, HV thuộc diện gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vận động tại chỗ để mua sách hỗ trợ; kiểm kê sách trong thư viện nhà trường, cho các em mượn (nếu có), vận động HS, HV lớp trước tặng lại sách còn sử dụng được cho các bạn lớp dưới.

Đối với dụng cụ học tập, các cơ sở giáo dục liên hệ với các đơn vị, cơ sở có chức năng cung ứng, lấy báo giá và chuyển thông tin đến HS, HV biết. Trường hợp HS, HV và cha mẹ các em có nhu cầu đề nghị hỗ trợ mua hộ, các cơ sở giáo dục tổng hợp số lượng và liên hệ với các đơn vị có chức năng cung ứng để đặt hàng, giao hàng.

Việc đảm bảo đầy đủ SGK và dụng cụ học tập cho HS, HV là một trong những công việc cần thiết để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục ứng phó với đại dịch Covid-19.

3. Hưởng ứng Chương trình “Sóng và Máy tính cho em”

UBND Tỉnh vừa ban hành kế hoạch hưởng ứng Chương trình “Sóng và Máy tính cho em” nhằm mục đích kêu gọi các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài Tỉnh hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho các HS, HV có hoàn cảnh khó khăn, với phương châm “Các em tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, “Đồng hành cùng các em vượt qua đại dịch Covid-19”. Theo đó, đối tượng vận động là các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài Tỉnh; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Tỉnh.

Về hình thức vận động, đối với các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, tùy vào điều kiện có thể ủng hộ tiền mặt, máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh mới hoặc đã qua sử dụng (còn dùng được). Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Tỉnh: khuyến khích ủng hộ từ 1 - 3 ngày lương. Ngoài ra, các cá nhân có điều kiện hoặc dư thiết bị như: máy vi tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh mới hoặc đã qua sử dụng (còn dùng được). Thời gian vận động đến hết ngày 20/10/2021.

Các khoản ủng hộ bằng tiền thì chuyển vào tài khoản Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp số 691 100 006 926 53 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp. Các khoản ủng hộ bằng hiện vật thì liên hệ ông Nguyễn Văn Ngợi - Trưởng phòng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp; số điện thoại 0949.354959.

4. Phát động Tháng khuyến học và vận động hỗ trợ thiết bị cho học sinh

Sáng 18/9/2021, tại xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, Hội Khuyến học Tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND thành phố Cao Lãnh tổ chức Lễ phát động Tháng khuyến học và vận động hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho HS khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm học 2021 - 2022. Tại buổi lễ, 04 doanh nghiệp trong Tỉnh ủng hộ tiền và máy tính sớm nhất đã trao bảng tượng trưng cho lãnh đạo Sở GD&ĐT để kịp thời mua máy tính cho HS dịp khai giảng năm học mới 2021 - 2022. Ngoài ra, có 02 tổ chức từ Hà Nội là Quỹ Khuyến học Việt Nam tặng 200 triệu đồng và Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên tặng 100 máy tính bảng. Công ty Xổ số Kiến thiết Đồng Tháp tặng xã Hòa An 60 triệu đồng để hỗ trợ hoạt động khuyến học tại địa phương. Dịp này, các đơn vị đã đến lắp đặt máy vi tính cho em Nguyễn Minh Trí, ngụ ấp Hòa Long, xã Hòa An, học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu. Em Trí thuộc gia đình hộ nghèo, mẹ bỏ đi, hiện đang ở cùng bà nội, cha thì làm thuê nên không có điều kiện sắm thiết bị học trực tuyến đầu năm học 2021 - 2022.

Hưởng ứng lời kêu gọi của UBND Tỉnh về việc vận động ủng hộ thiết bị học trực tuyến, sau 01 tuần đã có 02 tổ chức, 05 doanh nghiệp và nhiều cá nhân ủng hộ gần 01 tỷ đồng và 450 máy tính bảng cho các em HS. Thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, năm 2021, Hội đồng quản lý Quỹ Khuyến học Nguyễn Sinh Sắc đã quyết định xuất 2,5 tỷ đồng để trao trên 3.000 phần học bổng, quà cho HS, SV có hoàn cảnh khó khăn.

5. Nghiêm cấm việc thu tiền tiêm vắc-xin phòng Covid-19

Ngày 27/9, Chủ tịch UBND Tỉnh đã ký văn bản gửi Sở Y tế, UBND các huyện và thành phố về việc chấn chỉnh công tác tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, ngày 05/8/2021, UBND Tỉnh ban hành Kế hoạch số 238/KH-UBND về tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021 - 2022. Trong đó, nêu rõ các đối tượng ưu tiên khi triển khai tiêm vắc xin không thu bất cứ khoản tiền nào từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, qua phản ánh của các đường dây nóng, một số cơ sở tiêm chủng vẫn có hiện tượng tiêm vắc xin không đúng đối tượng theo chỉ đạo của Tỉnh.

Do đó, UBND Tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 đúng đối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả và miễn phí cho đối tượng tiêm chủng, nghiêm cấm việc thu tiền từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng (với bất kỳ hình thức nào). Đơn vị nào để xảy ra tiêu cực trong việc tiêm chủng vắc xin sẽ xử lý theo quy định.

UBND Tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn Tỉnh thực hiện nghiêm việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tăng diện bao phủ, ưu tiên các đối tượng theo hướng dẫn của Trung ương và kế hoạch của UBND Tỉnh.

6. Phân bổ vắc xin Vero Cell cho các huyện, thành phố trên địa bàn Tỉnh

 Tổ Điều phối vắc xin, UBND Tỉnh vừa có Công văn về việc điều chỉnh số lượng phân bổ vắc xin Vero Cell đợt 14 với 200.000 liều.

Theo đó, Trung tâm Y tế huyện, thành phố tiếp nhận vắc xin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp; rà soát, cập nhật thông tin, tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người từ đủ 18 tuổi trở lên, quan tâm ưu tiên cho các nhóm đối tượng sau: Người dân trong vùng có dịch; công nhân lao động tại các doanh nghiệp, công ty đạt tiêu chí “4 tại chỗ”, công ty tái lập sản xuất; công nhân thi công các công trình; nông dân lao động sản xuất, người điều khiển phương tiện vận chuyển đường bộ và đường thuỷ.

Trung tâm Y tế huyện, thành phố tiếp nhận vắc xin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp, bảo quản vắc xin và tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19; chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn quản lý, thực hiện tiếp nhận, bảo quản vắc xin, tổ chức tiêm mũi 1 và mũi 2 khi đủ thời gian theo khuyến cáo của nhà sản xuất (từ 21 - 28 ngày) cho đối tượng nêu trên; cập nhật, củng cố thông tin các đối tượng được tiêm trên Nền tảng tiêm chủng Covid-19 tại địa chỉ: https://tiemchungcovid19.moh.gov.vn và thực hiện báo cáo kết quả tiêm theo quy định.

Các đơn vị phối hợp triển khai thực hiện tốt các hoạt động tiêm vắc xin phòng Covid-19 an toàn, hiệu quả, hạn chế hao phí và hoàn thành hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đợt 14 trong 03 ngày kể từ ngày đơn vị nhận vắc xin.

Tính đến ngày 26/9/2021, tỉnh Đồng Tháp đã tiêm được 422.474 liều (tiêm mũi 1: 326.397 liều, đạt 27,63% dân số Tỉnh; tiêm mũi 2: 96.077 liều, đạt 8,13% dân số Tỉnh).

7. Nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhằm đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống cho công nhân lao động trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp.

UBND Tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bảo đảm việc làm bền vững; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình việc làm, nâng cao chất lượng lao động, phối hợp với công đoàn cơ sở các cấp đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp mới, hiệu quả, khả thi bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống và cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn cho công nhân lao động.

Các đơn vị tham mưu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động nhằm chia sẻ khó khăn, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, giúp công nhân lao động và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm; tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện nghiêm, hiệu quả yêu cầu “5K, 5T”; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, nhất là tại các khu công nghiệp, nơi tập trung đông lao động làm ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của công nhân lao động.

Chủ động xây dựng, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định, đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở, thiết chế văn hóa - thể thao cho công nhân tại các khu công nghiệp, vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Tỉnh. Tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp...

8. Tăng cường quản lý lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên thế giới còn diễn biến phức tạp, UBND Tỉnh có Công văn về việc tăng cường giải pháp quản lý lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện các giải pháp, nhằm bảo đảm sức khỏe cho người lao động tại các nước sở tại.

Theo đó, UBND Tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố thực hiện các giải pháp để người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài thực hiện đúng hợp đồng lao động đã ký kết; tuyệt đối không để lao động bỏ trốn ở lại cư trú bất hợp pháp và vi phạm pháp luật nước sở tại, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay; kịp thời nắm thông tin để hỗ trợ các lao động sắp hết thời hạn đã ký kết trong hợp đồng lao động.

UBND Tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tích cực tuyên truyền cho người lao động và gia đình người lao động thực hiện đúng hợp đồng lao động, nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm pháp luật và biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nước sở tại; những rủi ro do bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội Tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tuyên truyền, vận động lao động đang cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài kịp thời liên hệ ngành chức năng để được tư vấn, hỗ trợ.

Từ năm 2014 đến nay, Đồng Tháp đã đưa 9.000 lao động xuất cảnh đi làm việc tại các nước, hiện còn khoảng 6.300 lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

9. Thu 700.000 đồng/giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp

HĐND Tỉnh vừa ban hành Nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2021.

Tổ chức, cá nhân hoạt động thể thao khi làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là đối tượng nộp phí. Mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là 700.000 đồng/giấy chứng nhận.

Cơ quan thu phí được trích lại 90% trên tổng số tiền phí thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để trang trải cho các nội dung chi theo quy định của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP, nộp 10% tiền phí còn lại nộp vào ngân sách nhà nước.

Các nội dung khác liên quan đến chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp không đề cập tại Nghị quyết này được thực hiện theo Luật phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 85/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính.

10. Thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Chủ tịch UBND Tỉnh vừa ký quyết định ủy quyền phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1277/QĐ-UBDN-HC ngày 29/8/2021 của UBND Tỉnh.

Theo đó, Sở LĐ-TB&XH; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Sở Y tế; UBND các huyện, thành phố phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với các trường hợp sau: người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch; trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế tại các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly y tế do Sở Y tế quản lý; các đối tượng là người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương; người lao động ngừng việc; trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế tại cơ sở điều trị, cơ sở cách ly do Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các huyện, thành phố quản lý; trẻ em và người đã kết thúc điều trị Covid-19, kết thúc cách ly y tế hoặc cách ly tại nhà; hộ kinh doanh; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) có hoàn cảnh thật sự khó khăn do đại dịch Covid-19 quy định tại điểm d, khoản 4, Điều 1 của Quyết định số 1277/QĐ-UBDN-HC ngày 29/8/2021 của UBND Tỉnh.

UBND Tỉnh giao Sở Tài chính theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ, thủ tục chi trả, thanh quyết toán theo đúng quy định.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN MỚI

1. Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và tác động nặng nề lên nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Đối tượng áp dụng là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).

Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.

Mức hỗ trợ trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, cụ thể như sau:

- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng: hỗ trợ 1.800.000 đồng/người.

- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: hỗ trợ 2.100.000 đồng/người.

- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: hỗ trợ 2.400.000 đồng/người.

- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: hỗ trợ 2.650.000 đồng/người.

- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: hỗ trợ 2.900.000 đồng/người.

- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 132 tháng trở lên: hỗ trợ 3.300.000 đồng/người.

Nguồn kinh phí: khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020.

Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 01/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.

Giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

Đối tượng áp dụng là người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 01/10/2021.

Mức giảm đóng: Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Thời gian thực hiện giảm mức đóng: 12 tháng, kể từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.

Thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả

Nghị quyết nêu rõ, việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và công bằng đối với người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Việc thực hiện chính sách đặt trong cân đối tổng thể chung các nguồn lực của Nhà nước, các quỹ, các nguồn hỗ trợ khác. Có tính tới sự khác biệt và ưu tiên một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Việc thực hiện hỗ trợ đối với người lao động, người sử dụng lao động phải đơn giản, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả; không áp dụng đối với đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ.

2. Bảo đảm thực hiện Kế hoạch năm học 2021 - 2022 hiệu quả, chất lượng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 1190/CĐ-TTg ngày 20/9/2021 về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện Kế hoạch năm học mới 2021 - 2022 hiệu quả, chất lượng.

Công điện nêu rõ: Trong thời gian qua, ngành Giáo dục và các địa phương đã rất tích cực chuẩn bị các điều kiện, ưu tiên, huy động các nguồn lực để đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là các thiết bị máy tính, đường truyền internet tốc độ cao để triển khai việc dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, nhiều gia đình, HS không có đủ điều kiện để mua sắm trang thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh để thực hiện việc học trực tuyến theo Kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Ngân hàng chính sách xã hội, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Bộ GD&ĐT rà soát chương trình giáo dục các cấp học, xác định các nội dung cốt lõi của chương trình; hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh, xây dựng các bài giảng chất lượng tốt để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi HS không thể đến trường phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội. Đồng thời chú trọng hơn nữa trong bảo đảm công bằng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, giữa nơi có dịch và không có dịch. Đặc biệt lưu ý đối tượng là HS nghèo trong vùng có dịch.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp Công nghiệp ICT (công nghệ thông tin, điện tử viễn thông) tổ chức chương trình hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ giá cước viễn thông, internet cho HS, SV vùng khó khăn để tham gia học trực tuyến trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền gói tín dụng hỗ trợ HS, SV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ưu tiên thời lượng và khung giờ phát sóng các bài giảng để HS, SV các cấp học có thể được học tập đầy đủ các môn học theo chương trình giáo dục, đào tạo; phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng kế hoạch phát sóng các bài giảng qua đài phát thanh, truyền hình cụ thể, chi tiết từng môn học, lớp học, cấp học bảo đảm diện bao phủ tốt nhất.

Thủ tướng đề nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các tổ chức thành viên kêu gọi quyền góp, ủng hộ và huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tặng, hỗ trợ HS, SV có hoàn cảnh gia đình khó khăn trang thiết bị phục vụ việc học trực tuyến.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát danh sách HS, SV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để xây dựng phương án hỗ trợ máy tính, thiết bị phục vụ việc học tập trực tuyến, trong đó huy động các nguồn lực xã hội để cùng tham gia; chỉ đạo các nhà trường xây dựng các bài giảng để phát sóng trên các kênh truyền hình địa phương, nhất là đối với lớp 1, lớp 2.

Các địa phương phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam chỉ đạo các đài phát thanh, truyền hình địa phương để có phương án tiếp sóng, phát lại các bài giảng bảo đảm một môn học, lớp học phải có ít nhất 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình trong một ngày. Đồng thời tăng cường công tác giám sát y tế trong trường học, không để dịch bệnh lây lan. Đối với các địa phương phải giãn cách xã hội dài ngày cần chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học; có phương án đặc cách kết thúc năm học, thi cuối cấp, tuyển sinh nếu cần thiết.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Ngày 24/9/2021, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã ký ban hành Công văn số 4192/BGDĐT-CSVC gửi Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Trong đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện các nội dung sau:

- Tổ chức rà soát, thống kê số học sinh theo đúng nội dung biểu mẫu kèm theo Công văn số 3988/BGDĐT-CSVC ngày 14/9/2021 của Bộ GD&ĐT, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác, minh bạch, đúng đối tượng. Trong đó, xác định rõ các đối tượng HS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và HS có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (là con trong gia đình có bố hoặc mẹ tử vong do dịch Covid-19 và chưa có máy tính để học trực tuyến) (sau đây gọi chung là đối tượng khó khăn). Tiếp nhận máy tính bảng thuộc phạm vi của Kế hoạch số 3667/KH-BTTTTBGDĐT được hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT trên cơ sở danh sách đề nghị của các địa phương, tổ chức cấp phát cho các đối tượng khó khăn theo thứ tự ưu tiên: (i) HS hộ gia đình nghèo; (ii) HS hộ gia đình cận nghèo; (iii) HS gia đình có hoàn cảnh khó khăn do bị tác động bởi dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục thuộc các quận/huyện đang thực hiện giãn cách xã hội và phải học trực tuyến. Hồ sơ tiếp nhận máy tính bảng được ký xác nhận bởi đại điện: Sở/Phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục có đối tượng khó khăn được thụ hưởng (kèm danh sách HS) và nhà cung cấp máy tính bảng.

- Tổ chức phát động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Giáo dục hưởng ứng tích cực tinh thần nội dung Công văn số 3961/BGDĐT-CĐN. Kinh phí huy động được chuyển vào tài khoản của Công đoàn Giáo dục tỉnh hoặc Sở GD&ĐT theo quy định; đồng thời thường xuyên thông báo số liệu cho Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Rà soát các đối tượng khó khăn theo quy định nhưng chưa được hỗ trợ máy tính bảng; báo cáo Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam về các đối tượng còn thiếu để sử dụng nguồn huy động ở địa phương và nguồn điều phối từ Bộ GD&ĐT nhằm kịp thời mua bổ sung máy tính bảng và cấp cho đối tượng khó khăn còn thiếu. Máy tính bảng được mua bổ sung tại địa phương phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tối thiểu do Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị và theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

- Ngoài việc thực hiện kêu gọi hỗ trợ theo Công văn số 3961/BGDĐT-CĐN, Sở GD&ĐT tham mưu với UBND cấp tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ nhà trường, HS về thiết bị dạy học trực tuyến; phối hợp với Công đoàn Giáo dục tỉnh/thành phố kêu gọi các tổ chức, cá nhân tài trợ thiết bị dạy và học trực tuyến cho nhà trường, giáo viên và HS; kịp thời cung cấp thiết bị học trực tuyến cho HS (bảo đảm mỗi HS chỉ nhận một thiết bị học trực tuyến bất kể từ nguồn tài trợ nào).

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Quyết định số 2915/QĐ-BGDĐT về việc ban hành Thể lệ cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử. Cuộc thi là một hoạt động thiết thực góp phần xây dựng kho học liệu số ngành Giáo dục có chất lượng phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá; nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học cho nhà giáo và học sinh; tôn vinh trí tuệ, sức sáng tạo của các nhà giáo trong đổi mới nội dung và đổi mới phương pháp dạy học. Cuộc thi được tổ chức trên phạm vi toàn quốc; đối tượng dự thi là các nhà giáo đã và đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Theo đó, thời gian bắt đầu tiếp nhận sản phẩm dự thi từ ngày 30/9/2021 đến hết ngày 30/10/2021.

Sản phẩm bài giảng điện tử dự thi gồm: Bài giảng e-Learning (là sản phẩm được tạo ra từ các phần mềm thiết kế bài giảng e-learning); Video bài giảng (là bài giảng được giáo viên thiết kế và ghi hình dưới dạng video). Mỗi sản phẩm kèm theo Kế hoạch bài dạy (giáo án).

Nội dung bài giảng điện tử là toàn bộ quá trình (các hoạt động) dạy và học (tối thiểu cho một tiết học) thuộc chương trình giáo dục phổ thông (đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các lớp còn lại theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006). Bài giảng giúp học sinh tự học, học trực tuyến hoặc sử dụng dạy học kết hợp (giữa tự học, học trực tuyến và dạy học trên lớp); phù hợp với các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về mục tiêu, yêu cầu, nội dung và phương pháp dạy học của bài học.

Bộ GD&ĐT khuyến khích xây dựng các bài giảng điện tử cho nhóm các lớp 1, lớp 2 và lớp 6 thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để sớm có những bài giảng chất lượng, bổ sung vào kho học liệu số dùng chung trên Hệ tri thức Việt số hóa, sử dụng trong việc tổ chức dạy học trực tuyến ngay trong năm học 2021 - 2022.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Đến ngày 22/9/2021, thông qua Chương trình “Tiếp sức đến trường”, Liên đoàn Lao động Thành phố Cao Lãnh và Phòng GD&ĐT Thành phố đã phối hợp hoàn tất việc bàn giao 508 bộ SGK cho các trường Tiểu học, THCS để tặng cho HS có hoàn cảnh khó khăn trong năm học 2021 - 2022 trên địa bàn Thành phố. Chương trình “Tiếp sức đến trường” được phát động từ ngày 23/8/2021 nhằm kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí trao tặng SGK cho HS nghèo trên địa bàn Thành phố. Qua 3 tuần triển khai, chương trình đã tiếp nhận từ các doanh nghiệp, tập thể và cá nhân số tiền hơn 101,6 triệu đồng, tương đương 508 bộ SGK (bình quân mỗi bộ sách trị giá 200 ngàn đồng). Liên đoàn Lao động Thành phố và Phòng GD&ĐT Thành phố rà soát trường hợp HS (từ lớp 1 - lớp 9) thật sự khó khăn để hỗ trợ kịp thời. Đảm bảo các quy định phòng, chống dịch Covid-19, những bộ SGK được các trường tiếp nhận và phân công giáo viên chủ nhiệm trao tận gia đình các em HS, qua đó tiếp thêm động lực để HS nỗ lực hơn trong năm học mới.

Ngày 23/9/2021, Thành phố Cao Lãnh tổ chức tiêm vắc xin AstraZeneca phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân trên địa bàn Thành phố theo sự phân bổ vắc xin AstraZeneca đợt 13 của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, Thành phố thành lập 16 đội tiêm ở xã, phường. Đối tượng được tiêm đợt này là tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 bằng Astrazeneca đủ thời gian từ 8-12 tuần (ưu tiên cho người đã tiêm mũi 1 từ 12 tuần trở lên), ưu tiên cho công nhân các công ty thực hiện 4 tại chỗ, thi công công trình. Tiêm mũi 1 cho người bệnh lý nền, người trên 65 tuổi. Tổng số liều được tiêm là 3.300. Trong quá trình tiêm, Thành phố đảm bảo các qui định phòng chống dịch, tiêm đúng đối tượng và đúng số liều đã được phân bổ. Từ tháng 4/2021 đến ngày 21/9/2021, thành phố Cao Lãnh đã triển khai tiêm 12 đợt. Tổng số vắc-xin đã tiêm là 40.969 liều, trong đó mũi 1 là 35.491 liều; mũi 2 là 5.205 liều.

Từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, huyện Tháp Mười đã trao tặng 215 thiết bị học tập với tổng trị giá trên 300 triệu đồng cho những HS có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời hỗ trợ thêm sim 4G để các em truy cập internet, đảm bảo việc học trực tuyến trong thời điểm dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến. Phòng LĐ-TB&XH Huyện cũng trao tặng 390 cặp HS trị giá trên 58 triệu đồng và hỗ trợ hơn 1.000 phần quà là bánh trung thu cho trẻ em. Các xã, thị trấn cũng vận động tặng thêm gạo, đèn trung thu cho những HS có hoàn cảnh khó khăn.

Hội Khuyến học và Khoa học Lịch sử (KH&KHLS) huyện Tháp Mười phối hợp với UBND thị trấn Mỹ An tổ chức lễ phát động Tháng khuyến học và trao học bổng cho HS có hoàn cảnh khó khăn. Thực hiện Tháng khuyến học năm 2021, thị trấn Mỹ An được hỗ trợ trao 1 tủ sách khuyến học, 20 góc học tập, 10 xe đạp, 40 suất học bổng, 12 phần quà với tổng trị giá 60 triệu đồng và 1.000 quyển tập cho HS. Năm học mới 2021 - 2022, Huyện được phân bổ quà, học bổng từ Quỹ khuyến học Nguyễn Sinh Sắc với nguồn tài trợ chính từ Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Đồng Tháp trị giá 120 triệu đồng gồm 80 suất học bổng, 20 xe đạp, 40 góc học tập, 2 tủ sách khuyến học và 15.000 quyển tập. Số học bổng, quà, Hội KH&KHLS Huyện đã phân bổ về cho 2 đơn vị: thị trấn Mỹ An và xã Thạnh Lợi; 15 ngàn quyển tập phân bổ cho 13 xã, thị trấn trong huyện để trao cho HS nhân dịp năm học 2021 - 2022.

Nhằm đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, huyện Tháp Mười thành lập 05 Trạm Y tế lưu động để phòng, chống dịch trên địa bàn Huyện. Các Trạm Y tế lưu động được đặt tại điểm phụ trường tiểu học, nhà văn hóa ấp, ban nhân dân ấp... Trạm Y tế lưu động là một tổ chức thuộc Trung tâm Y tế Huyện, chịu sự quản lý, điều hành của Giám đốc Trung tâm Y tế Huyện, có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng, quản lý, theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn. Việc vận hành của các Trạm Y tế lưu động được thực hiện theo Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21/08/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời mô hình Trạm Y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Tam Nông vừa ban hành Kế hoạch tổ chức xét nghiệm, sàng lọc SARS-CoV-2 cho đại diện hộ gia đình tại các xã, thị trấn và lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch tại các Chốt kiểm soát trên địa bàn Huyện. Thời gian tổ chức lấy mẫu là 05 ngày, bắt đầu từ ngày 20/9/2021 đến ngày 25/9/2021. Quy trình thực hiện hiệu quả, thiết thực, nhanh chóng; đảm bảo 100% hộ gia đình được tầm soát, xét nghiệm đại diện. Cán bộ, nhân viên y tế tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định về lấy mẫu để đảm bảo an toàn cho bản thân và người được lấy mẫu. Các xã, thị trấn phân công cán bộ phối hợp và bố trí địa điểm, đảm bảo nguyên tắc 5K trong quá trình lấy mẫu.

Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, UBND huyện Thanh Bình vừa có văn bản hướng dẫn mở lại chợ sau thời gian tạm thời đóng cửa để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. UBND Huyện yêu cầu các ngành, địa phương tổ chức đánh giá các điểm chợ đang bị đóng cửa trên địa bàn; tổ chức thực hiện đánh giá các nội dung theo hướng dẫn tại Công văn số 4728/BCT-TTTN ngày 05/8/2021 của Bộ Công thương về việc hướng dẫn bố trí địa điểm tạm thời và mở lại chợ sau thời gian tạm thời đóng cửa để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Các chợ hoạt động trở lại phải thực hiện các yêu cầu như: chỉ bán mặt hàng thiết yếu; 100% tổ chức, cá nhân quản lý chợ, người bán hàng, người lao động tại chợ (người làm việc tại chợ) đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin. Trước khi quay trở lại làm việc, người làm việc tại chợ, hộ kinh doanh tại chợ, người phụ bán tại chợ phải được xét nghiệm (bằng phương pháp PCR) có kết quả âm tính còn hiệu lực; chợ phải được vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ và xung quanh theo quy định, tổ chức kiểm soát người mua bán tại chợ, người ra vào chợ phải khai báo y tế trước khi vào chợ (bằng thẻ QR Code hoặc thẻ ra vào chợ...);...UBND Huyện cũng yêu cầu UBND các xã, thị trấn nơi dự kiến mở lại chợ chủ động phối hợp với các ngành liên quan thực hiện các nội dung bắt buộc khi thực hiện mở lại chợ; phân công và công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại chợ để người lao động, làm việc, người bán hàng và khách hàng biết, liên hệ khi cần thiết.

UBND huyện Lai Vung vừa xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống huyện Lai Vung giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, huyện phát triển sản phẩm du lịch gắn với các làng nghề truyền thống nhằm quảng bá hình ảnh làng nghề: đan lờ lọp; đóng xuồng ghe, đan bội, đan cần xé, nem Lai Vung; phát huy các sản phẩm làm quà tặng thủ công mỹ nghệ: đan lờ lọp, đóng xuồng ghe; rà soát, đề nghị công nhận các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đủ điều kiện;... Riêng năm 2021, Huyện tập trung tuyên truyền, quảng bá giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đối với Làng nghề truyền thống đóng xuồng ghe xã Long Hậu. Bảo tồn và phát triển các làng nghề đan lờ, lọp, đan bội (xã Hòa Long), đan cần xé (xã Tân Thành). Trong đó, huyện chú trọng phát triển các sản phẩm làm quà tặng thủ công mỹ nghệ (lờ, lọp, xuồng ghe thu nhỏ); các sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện: tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; ưu tiên phát triển, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại các địa phương và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn nguyên liệu thế mạnh của huyện; tập trung đổi mới công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật theo hướng chính là hiện đại hóa từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm, đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp trong nước và nước ngoài. Đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện cho cơ sở xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh để nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ