Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp: Khai giảng năm học mới vào 20/9/2021

Trang chủ Tab Thông tin

Đồng Tháp: Khai giảng năm học mới vào 20/9/2021

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa ban hành Quyết định về thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, thống nhất chung các trường khai giảng năm học vào ngày 20/9/2021. Các hoạt động tựu trường chỉ bắt đầu kể từ 15/9/2021. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Đồng Tháp: Khai giảng năm học mới vào 20/9/2021

UBND Tỉnh vừa ban hành Quyết định về thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn Tỉnh.

Theo đó, thống nhất chung các trường khai giảng năm học vào ngày 20/9/2021. Các hoạt động tựu trường chỉ bắt đầu kể từ 15/9/2021. Tùy theo diễn biến tình hình dịch Covid-19, Giám đốc Sở GD&ĐT, chủ tịch UBND các huyện, thành phố quyết định hình thức khai giảng đối với các trường trực thuộc. Tinh thần chung là đảm bảo an toàn, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Riêng đối với học sinh cuối cấp khối THCS, THPT, Sở GD&ĐT tham mưu UBND Tỉnh cho phép các trường ứng dụng công nghệ thông tin hoặc linh hoạt tổ chức dạy học từ ngày 06/9/2021. Việc giảng dạy trực tuyến sẽ áp dụng đối với các cơ sở giáo dục có điều kiện. Đối với học sinh, học viên chưa có máy tính, linh hoạt bố trí học online theo nhóm (không quá 3 học sinh/nhóm) trên địa bàn cư trú và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

2. Một số điểm nổi bật của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT

Ngày 20/8/2021, Sở GD&ĐT đã ban hành Công văn số 1157/SGDĐT-GDTrH-TX&CN về việc triển khai, thực hiện Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ GD&ĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 05/9/2021 và áp dụng cho học sinh lớp 6 trong năm học 2021 - 2022. Những năm tiếp theo, Thông tư áp dụng theo lộ trình năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7, lớp 10; năm học 2023 - 2024 đối với lớp 8, lớp 11; năm học 2024 - 2025 áp dụng đối với lớp 9, lớp 12. Thông tư có một số điểm nổi bật như sau:

Nhiều môn học chỉ đánh giá bằng nhận xét, sẽ không cho điểm.

Thông tư mới quy định hai hình thức đánh giá gồm nhận xét và kết hợp giữa nhận xét với điểm số, cụ thể:

- Đánh giá bằng nhận xét đối với các môn học: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng nhận xét theo 02 (hai) mức: Đạt, Chưa đạt.

- Đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số đối với các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông, trừ các môn học nói trên; kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.

Không tính điểm trung bình tất cả môn: Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT chỉ tính điểm trung bình theo từng môn chứ không yêu cầu cộng điểm trung bình tất cả môn học để cho ra một mức điểm xếp loại học lực như trước, mà để nguyên bảng điểm có đủ các môn học. Cùng với thay đổi trên, kết quả học tập của học sinh trong một học kỳ hay cả năm học sẽ theo một trong bốn mức, gồm: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt thay vì 5 mức: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém như lâu nay.

Quy định về thời gian làm bài kiểm tra: Theo đó, thời gian làm bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đối với môn học (không tính số tiết của cụm chuyên đề học tập): Từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút; Trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút; Môn chuyên tối đa 120 phút.

Thay đổi về quy định điều kiện được lên lớp của học sinh: Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định, học sinh có đủ các điều kiện sau đây thì được lên lớp hoặc được công nhận hoàn thành chương trình THCS, THPT gồm: Kết quả học tập và rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Đạt trở lên; nghỉ không quá 45 buổi trong một năm học (tính theo kế hoạch giáo dục 01 buổi/ngày được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm nghỉ có phép và không phép, nghỉ liên tục hoặc không liên tục). Trước đây, theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT chỉ quy định về điều kiện học sinh được lên lớp như sau: Hạnh kiểm và học lực từ trung bình trở lên; nghỉ không quá 45 buổi học trong một năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại).

3. Không tăng học phí năm học 2021 - 2022

Hội đồng nhân dân Tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 73/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 về việc kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết số 334/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của Hội đồng nhân dân Tỉnh quy định mức thu học phí đối với cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm học 2020 - 2021 đến khi Hội đồng nhân dân Tỉnh ban hành Nghị quyết thay thế. Đồng thời giao cho UBND Tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này. 

Theo đó, các mức thu học phí cụ thể như sau: Đối với trường mầm non khu vực thành thị (phường, thị trấn) là 70.000 đồng/tháng; nông thôn (xã) là 35.000 đồng/tháng. THCS khu vực thành thị là 65.000 đồng/tháng; nông thôn là 35.000 đồng/tháng.

Đối với THPT, các lớp phổ thông dạy chương trình đại trà ở khu vực thành thị là 80.000 đồng/tháng; nông thôn là 40.000 đồng/tháng. Đối với trường chuyên, các lớp phổ thông dạy theo chương trình chuyên không phân biệt khu vực thành thị hay nông thôn mức thu 90.000 đồng/tháng. Đối với Trung tâm giáo dục thường xuyên áp dụng học phí tương đương với mức học phí của các trường phổ thông công lập cùng cấp học trên địa bàn Tỉnh.

4. Chấn chỉnh công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19

Sở Y tế đã có văn bản về việc chấn chỉnh công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 gửi lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các cơ sở thực hiện tiêm chủng trên địa bàn Tỉnh. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị nêu trên khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 đúng đối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả và miễn phí cho đối tượng tiêm chủng, nghiêm cấm việc thu tiền từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng (với bất kỳ hình thức nào). Sở Y tế nhấn mạnh, đơn vị nào để xảy ra tiêu cực trong việc tiêm chủng vắc xin sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 Các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế, của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tỉnh, của Sở Y tế về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tăng diện bao phủ.

5. Hỗ trợ công tác y tế cho các doanh nghiệp thực hiện “4 tại chỗ”

Thực hiện Phương án số 247/PA-UBND của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tỉnh về việc tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Sở Y tế vừa có văn bản về việc hỗ trợ thực hiện công tác y tế cho các doanh nghiệp thực hiện “4 tại chỗ” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hướng dẫn các đơn vị thực hiện hỗ trợ công tác y tế cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, thành phố (đối với các doanh nghiệp chưa có bố trí y tế cơ quan hoặc khi các doanh nghiệp có nhu cầu).

Sở Y tế  giao trung tâm y tế huyện, thành phố tổ chức phổ biến triển khai thực hiện Hướng dẫn này cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tập huấn triển khai hướng dẫn cho người làm công tác y tế tại cơ sở lao động, người lao động và người sử dụng lao động tại các cơ sở lao động, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, làng nghề và các khu công nghiệp trên địa bàn.

Việc ban hành Hướng dẫn nhằm thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Tỉnh chủ động phòng, chống dịch Covid-19 và có phương án ứng phó trong mọi tình huống phát sinh dịch Covid-19 tại doanh nghiệp; ngăn chặn, không để dịch tiếp tục lan rộng, bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm thiểu tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị liên hệ Sở Y tế qua số điện thoại: 02773.855.307 để được hướng dẫn.

6. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79%

Đây là một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra trong Kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vừa được UBND Tỉnh ban hành. Cùng với mục tiêu trên, Tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm từ 30.000 lao động trở lên/năm (trong đó, phấn đấu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài từ 1.500 người trở lên/năm); tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức dưới 1%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 2,8% ...

Kế hoạch cũng đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó có việc cung cấp các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề trước khi đi làm cho sinh viên mới tốt nghiệp; các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động trong quá trình làm việc phù hợp với tính chất đặc thù của từng đối tượng lao động; triển khai giải pháp để số hóa, cập nhật thông tin dữ liệu về người lao động; lưu trữ và quản lý dữ liệu tập trung theo cấp tỉnh; có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, Tỉnh cũng sẽ duy trì và nâng cao hiệu quả việc làm hiện có, hỗ trợ tạo việc làm mới thông qua hoạt động vay vốn giải quyết việc làm để hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng theo quy định của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP...

7. Xây dựng tuyến đường “xanh – sạch – đẹp”

Ngày 17/8/2021, UBND Tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 nhằm duy trì công tác thực hiện, đảm bảo cảnh quan môi trường các xã nông thôn luôn được chỉnh trang. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, về xã nông thôn mới có ít nhất 01 tuyến đường (liên xã, liên ấp, đường ngõ xóm) “xanh - sạch - đẹp” và mỗi huyện/thành phố có ít nhất trên 70% tuyến đường liên xã “xanh - sạch - đẹp”.

Đối với xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phải có ít nhất 70% tuyến đường (liên xã, liên ấp, đường ngõ xóm) “xanh - sạch - đẹp”.

Trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa ấp, trung tâm văn hóa học tập cộng đồng… trên địa bàn xã đạt chuẩn nông thôn mới phải được chỉnh trang cảnh quan “xanh – sạch – đẹp”.

Xây dựng cảnh quan môi trường được thực hiện tại tất cả xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tỉnh.

Các tuyến đường “xanh – sạch – đẹp” phải đảm bảo các tiêu chí sau: (1) Xanh: trồng cây xanh, cây cảnh, hoa, thảm cỏ; cây xanh cảnh quan nông thôn phải gắn kết, liên tục trên tuyến đường giao thông. (2) Sạch: sạch đường, sạch ngõ (không có hiện tượng xả nước thải, chất thải rắn không đúng quy định, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường); có hoạt động tổ chức thu gom chất thải rắn sinh hoạt. (3) Đẹp: Nhân dân treo cờ Tổ quốc đúng quy định; không lấn chiếm hành lang đường bộ; không treo băng rôn, pano trái phép; không có quảng cáo, rao vặt dán trên trụ đèn, trụ điện; bảng nội quy, quy ước ấp, khu dân cư văn hóa đẹp, được lắp đặt an toàn, ngăn nắp.

8. Ưu tiên hỗ trợ gạo cho đối tượng thuộc hộ gia đình đang thật sự khó khăn

Sở LĐ-TB&XH vừa có văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc về việc tiếp nhận và phân bổ gạo từ nguồn dự trữ Quốc gia hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, các đối tượng được hỗ trợ gồm: người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ giúp xã hội (tính đến tháng 7/2021); người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) đã được các huyện, thành phố rà soát thật sự khó khăn (không bao gồm người lao động trong hộ gia đình đã được hỗ trợ theo Quyết định số 964/QĐ-UBND-HC ngày 16/7/2021 của UBND Tỉnh; người thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo hướng dẫn, mỗi đối tượng được hỗ trợ 15kg gạo/người; một người thuộc nhiều diện đối tượng được hỗ trợ thì chỉ được hỗ trợ theo một đối tượng và hỗ trợ theo đợt. Đợt 1: ưu tiên hỗ trợ cho đối tượng thuộc hộ gia đình đang thật sự khó khăn (do khóm, ấp, xã, phường, thị trấn lựa chọn), mỗi hộ gia đình chỉ được hỗ trợ 1 đối tượng (15kg gạo). Đợt 2: hỗ trợ cho các đối tượng còn lại chưa được nhận hỗ trợ, theo thứ tự ưu tiên cho đối tượng thuộc hộ gia đình đang gặp khó khăn trước, rồi đến các đối tượng còn lại, cho đến khi hết đối tượng thuộc diện hỗ trợ.

Sở LĐ-TB&XH đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo xã, phường, thị trấn thực hiện việc phân bổ và hỗ trợ gạo đợt 1 bảo đảm chính xác, đúng đối tượng đang cần được hỗ trợ trước tiên; việc rà soát, đối chiếu phải khách quan, có sự tham gia của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội...

9. Hơn 115 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19

Sở LĐ,TB&XH vừa có báo cáo tình hình thực hiện các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo đó, đến nay Tỉnh đã hỗ trợ cho trên 170.000 người, với tổng kinh phí hơn 115 tỷ đồng. Cụ thể, hỗ trợ gạo cho 108.745 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với số tiền gần 24,5 tỷ đồng. Hỗ trợ 9.932 người bán vé số dạo với số tiền gần 15 tỷ đồng. Hỗ trợ 50.200 người lao động tự do với số tiền 75,3 tỷ đồng. Hỗ trợ 1.800 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 540 triệu đồng. Ngoài ra, Sở LĐ,TB&XH cũng đã phối hợp với Sở Tài chính đang tham mưu UBND Tỉnh xem xét trình cấp có thẩm quyền cho chủ trương bổ sung một số nhóm đối tượng là lao động tự do được hỗ trợ.

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Tỉnh đã thống nhất cho 1.126 đơn vị, doanh nghiệp (gồm 43.927 lao động) giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp với số tiền giảm trên 1 tỷ đồng. Dự kiến trong 12 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) sẽ có khoảng 1.176 đơn vị, doanh nghiệp, với 53.669 lao động được giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với số tiền giảm tạm tính gần 15 tỷ đồng.

Đối với người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng, đã hỗ trợ cho trên 1.500 trường hợp (trong đó 129 lao động mang thai hoặc nuôi con nhỏ) với số tiền gần 6 tỷ đồng. Hỗ trợ cho 585 hộ kinh doanh với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng…

Về hỗ trợ gạo cho người dân từ nguồn gạo dự trữ quốc gia theo Quyết định số 1415/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đồng Tháp được cấp hơn 5.883 tấn). Đến nay, Tỉnh đã tiếp nhận và phân bổ hỗ trợ đợt 1 với 1.000 tấn. Đã có 9 huyện/thành phố tiếp nhận 840 tấn và giao cho cấp xã xong, các địa phương còn lại đang khẩn trương thực hiện.

Liên quan đến hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn của người dân, UBND Tỉnh tiếp tục yêu cầu các địa phương phải tăng cường nắm bắt thông tin dư luận thông qua các kênh tiếp nhận, đường dây nóng; phải sẵn sàng hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn của nhân dân. Gần đây đã có tình trạng ở cơ sở công bố số điện thoại đường dây nóng nhưng khi người dân gọi tới thì không ai nghe. Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh ngay việc này. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, người dân rất cần chia sẻ, giải đáp thông tin, nhất là giải quyết những trường hợp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, yêu cầu cán bộ lãnh đạo, công chức làm nhiệm vụ phải đặt mình vào hoàn cảnh của người dân và giải quyết kịp thời cho người dân.

Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương kiểm soát chặt các khu cách ly, khu phong tỏa, khu nguy cơ cao, không để tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”; đồng thời quản lý chặt “vùng xanh”…

10. Tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND huyện, thành phố thực hiện một số nội dung về việc giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản tại các chợ trên địa bàn Tỉnh.

Theo đó, ngành nông nghiệp đề nghị UBND huyện, thành phố chỉ đạo đơn vị chuyên môn, UBND cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về ATTP cho Ban Quản lý chợ, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh và khai thác chợ; các cơ sở sản xuất, chế biến, các hộ tiểu thương kinh doanh trong chợ và người tiêu dùng. Chủ động phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, các đơn vị thuộc Sở NN và PTNT thực hiện giám sát và lấy mẫu định kỳ theo kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản... Đề nghị UBND huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý chợ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hóa trước khi đưa vào chợ, các ngành hàng có nguy cơ cao. Cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định; thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, tổ chức phun thuốc khử trùng, tiêu độc tại chợ định kỳ và đột xuất; phối hợp với cơ quan chức năng có kế hoạch kiểm tra chất lượng nông sản (rau, củ, quả, thịt, cá...) trước khi vào chợ.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN MỚI

1. Học sinh không kịp trở lại trường học vì giãn cách sẽ học tại nơi cư trú

Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị việc tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh không thể quay lại trường cũ do dịch Covid-19 được học tập tại nơi cư trú.

Bộ GD&ĐT cho biết, trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương, nhiều học sinh đã phải di chuyển về các địa phương cư trú mà không kịp trở lại trường học để bắt đầu năm học 2021-2022.

Nhằm bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh, Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GD&ĐT và các trường học thực hiện việc tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường.

Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương, nhà trường nơi học sinh có nguyện vọng chuyển đi và chuyển đến (bằng văn bản gửi qua email hoặc hệ thống quản lý văn bản điện tử e-office) để tiếp nhận và bố trí, xếp lớp cho học sinh học tập theo đúng đối tượng.

Phải quan tâm hỗ trợ học sinh được tiếp nhận về các điều kiện học tập cần thiết như sách giáo khoa, tài liệu học tập; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh học tập theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Chuyển giao, tiếp nhận lại học sinh kèm theo kết quả rèn luyện và học tập của học sinh (đã học tập tại trường học nơi cư trú) khi học sinh quay trở lại trường cũ học tập; quan tâm hỗ trợ học sinh và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh khi quay trở lại trường cũ học tập theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Ngoài ra, xác nhận kết quả rèn luyện và học tập của học sinh được tiếp nhận để học sinh quay trở lại trường cũ học tập sau thời gian phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm chính xác, công bằng, minh bạch, đúng quy định.

Đối với học sinh có nguyện vọng xin chuyển trường (hoặc xin chuyển trường sau khi đã được tiếp nhận học tập một thời gian tại trường nơi cư trú), tạo thuận lợi cho học sinh thực hiện việc chuyển trường theo phương thức phù hợp trên cơ sở bảo đảm quy định về hồ sơ học sinh khi chuyển trường, đồng thời bảo đảm thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid -19.

2. Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022

Ngày 24/8/2021, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký ban hành Chỉ thị 800/CT-BGDĐT về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo.

Chỉ thị 800/CT-BGDĐT nêu rõ: Năm học 2021 - 2022 cũng là năm học toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bảo đảm an toàn trường học, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương.

Trong đó, triển khai có hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp với ngành Y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp.

Tổ chức khai giảng năm học mới linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương, bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực, thể hiện tinh thần chia sẻ, động viên học sinh, sinh viên, giáo viên vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.

Tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục. Không tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục mầm non, tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp.

Quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa. Rà soát cắt giảm và tiết kiệm tối đa các chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí so với năm học 2020 – 2021...

Thứ hai, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Căn cứ hướng dẫn nhiệm vụ năm học của các cấp học, các Sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai kế hoạch chi tiết, cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trong đó:

Triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 51/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 và chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025” theo Kế hoạch số 626/KH-BGDĐT; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025.

Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1; khuyến khích các địa phương có điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo...

Tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021 - 2022; chuẩn bị các điều kiện thực hiện dạy học môn Tin học và môn Ngoại ngữ bắt đầu triển khai đối với lớp 3 từ năm học 2022 - 2023; tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 3, lớp 7, lớp 10 và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình quy định.

Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục bắt buộc đối với cấp tiểu học; hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động giáo dục của trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học. Bảo đảm cung cấp kịp thời sách giáo khoa cho học sinh, kể cả học sinh khuyết tật thực hiện giáo dục hòa nhập.

Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”. Xây dựng kế hoạch về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở.

Thứ ba, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 17/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện và áp dụng các quy định của pháp luật về tự chủ đại học, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường; kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý và hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nội bộ, phát huy dân chủ và nâng cao năng lực quản trị nhà trường.

Tổ thức thực hiện có hiệu quả các quy định về tuyển sinh và đào tạo, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo các nhóm ngành, các lĩnh vực đào tạo thuộc các trình độ của giáo dục đại học.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thúc đẩy công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng chuyển giao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, gắn với đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm và đào tạo sau đại học. Tăng cường kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và hợp tác quốc tế, ưu tiên phát triển các chương trình đào tạo chất lượng quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh.

Thứ tư, triển khai thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Xây dựng các chỉ số để đánh giá chuẩn đầu ra cho học sinh, sinh viên về đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và phát triển thể chất đối với từng cấp học. Đặc biệt quan tâm và có giải pháp để ổn định tâm lý, tư tưởng của học sinh, sinh viên bị tác động do tình hình dịch bệnh covid-19 kéo dài; tăng cường phối hợp giữa nhà trường - gia đình trong việc quản lý, hỗ trợ học sinh, nhất là học sinh tiểu học, trong việc học trực tuyến tại nhà.

Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học; xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh.

Thứ năm, triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ.

Triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế và tuyển dụng giáo viên, bảo đảm “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.

Có giải pháp phù hợp để hỗ trợ giáo viên, người lao động trong ngành Giáo dục bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là giáo viên, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Thứ sáu, ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tiếp tục thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025; thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục.

Huy động các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục và thực hiện hỗ trợ học sinh, sinh viên có cha mẹ thuộc đối tượng là người lao động bị tạm hoãn họp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động tự do, không để học sinh, sinh viên nào vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường.

Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không còn phù hợp, chồng chéo; tăng cường phân cấp cho cơ sở, đi đôi với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, gắn với đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành và kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;

Tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị; kịp thời khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, giải pháp, mô hình sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn có thể kéo dài.

3. Chế độ hỗ trợ đối với người làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

HĐND Tỉnh khoá X đã thông qua Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 ban hành quy định chế độ hỗ trợ đối với người làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Cụ thể, hỗ trợ cấp bách một lần cho lực lượng tham gia liên tục công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh, với mức khoán cụ thể từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng.

Hỗ trợ đối tượng làm nhiệm vụ tại tổ, chốt, tuần tra, kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Tỉnh ngoài quy định Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ với mức  hỗ trợ 150.000 đồng/người/ngày và tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày.

Hỗ trợ người bị nhiễm Covid-19 khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch 5 triệu đồng/người. Hỗ trợ gia đình có người tử vong do nhiễm Covid-19 khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch 10 triệu đồng/gia đình.

Nghị quyết này còn quy định hỗ trợ thêm bằng 50% mức phụ cấp chống dịch quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/2/2021 của Chính phủ cho các đối tượng sau: Người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch. Người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc Covid-19, nghi mắc Covid-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SASR-CoV-2 tại cơ sở y tế. Người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh tại khu điều trị người mắc Covid-19; Người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sỹ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hoá chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước. Người làm công việc súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường tại cơ sở y tế để phục vụ cho phòng xét nghiệm SASR-CoV-2; Người làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại tổ, chốt, đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới của Tỉnh.

Các chính sách hỗ trợ trên có hiệu lực từ ngày 17/8/2021.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Theo Kế hoạch tầm soát diện rộng SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (lần 2) của UBND Tỉnh, ngày 28/8/2021, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Cao Lãnh thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 quy mô toàn Thành phố. Đối tượng được lấy mẫu là người đại diện hộ gia đình trên địa bàn Thành phố; không lấy mẫu người đại diện hộ gia đình đã được lấy mẫu đại diện trước đó. Lấy mẫu bằng phương pháp RT-PCR (mẫu gộp), bảo đảm 100% đại diện hộ gia đình ngoài cộng đồng được tầm soát SARS-CoV-2. Kế hoạch tầm soát diện rộng trên địa bàn Thành phố sẽ kết thúc vào ngày 31/8/2021, số hộ được lấy mẫu lần này là 45.435 hộ. Tại các điểm lấy mẫu, được bố trí giãn cách, hạn chế việc tập trung đông người, thành lập các Đội lấy mẫu theo cụm 10 - 20 hộ gia đình/lần. Hoạt động này nhằm tầm soát dịch bệnh, là cơ sở để xây dựng và bảo vệ các “vùng xanh” trên địa bàn Thành phố.

Để nhanh chóng tầm soát, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, sáng ngày 27/8/2021, thành phố Sa Đéc bắt đầu thực hiện xét nghiệm tầm soát diện rộng lần 2 trên phạm vi toàn thành phố trong 3 ngày. Trong ngày đầu tiên, thành phố thực hiện tại 03 địa phương là xã Tân Phú Đông, Tân Khánh Đông và Tân Quy Tây theo hình thức lấy mẫu xét nghiệm PCR gộp 10 đại diện hộ gia đình của 9.916 hộ với 1.173 mẫu gộp. Đồng thời, cũng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm PCR gộp 10 cho 04 khu vực phong tỏa thuộc xã Tân Phú Đông và Tân Khánh Đông với tổng số 336 người gồm 35 mẫu; song song đó, thực hiện test nhanh kết hợp với PCR mẫu đơn cho 50 người tại tất cả các vựa rau củ nằm trên QL80, thuộc địa bàn xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc. Lực lượng lấy mẫu được chia thành các đội nhỏ, phân bổ xuống từng địa bàn và khu vực được phân công để thực hiện việc lấy mẫu tầm soát. Theo kế hoạch, việc xét nghiệm tầm soát diện rộng lần 02 trên toàn thành phố Sa Đéc sẽ được thực hiện từ ngày 27/8/2021 đến ngày 29/8/2021 với khoảng 26.000 hộ theo hình thức lấy mẫu xét nghiệp PCR gộp 10 đại diện hộ gia đình tại các khu vực ngoài phong tỏa.

Nhằm đảm bảo các hoạt động quản lý tình hình dịch Covid19, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồng Ngự chính thức công bố và đưa vào hoạt động Bản đồ Covid-19 thành phố Hồng Ngự tại địa chỉ: https://dtp-hongngu.cosoyte.com/. Bản đồ Covid-19 thành phố Hồng Ngự cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố, được trình bày trực quan và cập nhật liên tục mỗi ngày trên các phân hệ được thiết lập; thông qua bản đồ này, người dùng có thể theo dõi thông tin tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố được dễ dàng, nhanh chóng và chính xác. Đặc biệt, người dân có thể xem được thông tin các vùng xanh, chốt kiểm dịch, địa điểm xét nghiệm, điểm tiêm chủng… Trong thời gian tới, bản đồ này sẽ tiếp tục được cải tiến và bổ sung thêm các chức năng cần thiết, giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Từ ngày 19 - 23/8/2021, Trung tâm Y tế huyện Tân Hồng thành lập 10 Tổ lấy mẫu, đã tiến hành tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SAR-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR và test nhanh tầm soát dịch Covid-19 diện rộng trên địa bàn Huyện nhằm chủ động sàng lọc phát hiện nhanh các trường hợp mắc bệnh, nghi nhiễm Covid-19 để cách ly điều trị, khoanh vùng, dập dịch kịp thời hạn chế tình hình lây lan dịch Covid-19 trên địa bàn Huyện. Phương pháp xét nghiệm PCR mẫu gộp 10 và test nhanh mẫu gộp 2- 3, hình thức lấy mẫu cho 22.384 người đại diện cho 22.384 hộ gia đình ở các xã, thị trấn trong Huyện. Thông qua việc lấy mẫu xét nghiệm này, giúp cho huyện Tân Hồng chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh, tránh nguy cơ lấy nhiễm chéo trong cộng đồng. Bên cạnh đó, còn test nhanh cho 21 nhân viên cửa hàng Bách hóa xanh tại Thị trấn Sa Rài và thực hiện test nhanh ngoài cộng đồng cho 229 người, kết quả đều âm tính.

Sau hơn 01 tuần không xuất hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, huyện Hồng Ngự quyết tâm tận dụng triệt để những ngày giãn cách xã hội còn lại để triển khai nhiều giải pháp phòng dịch và xây dựng vùng xanh biên giới. Qua khẩn trương tầm soát, truy vết, Huyện đã xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 diện rộng được trên 37.000 hộ dân. Hiện Huyện đã có 33 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh. Huyện quyết tâm xây dựng và bảo vệ vùng xanh phòng dịch 06 xã biên giới, gồm Thường Thới Hậu A, Thường Lạc, Long Khánh A, Long Khánh B, Long Thuận, Phú Thuận B với 25 ấp, 733 tổ, trên 22.000 hộ đăng ký vùng xanh toàn xã. 04 xã, thị trấn còn lại thực hiện một phần vùng xanh với 448/534 tổ nhân dân tự quản. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn sẽ triển khai từng giải pháp cụ thể giữ địa bàn quản lý.

Ngày 29/8/2021, huyện Tam Nông tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tầm soát diện rộng Covid-19 (lần 2) cho đại diện hộ gia đình và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các ban, ngành Huyện nhằm tiếp tục đánh giá tình hình dịch tễ ở mức độ tầm soát cao hơn và đẩy nhanh sàng lọc các đối tượng có yếu tố nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng để khẩn trương khoanh vùng, truy vết, khống chế không để dịch Covid-19 có điều kiện lan rộng trong cộng đồng. Trong đợt này, Huyện tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đối với đại diện hộ gia đình là người mới, không lấy mẫu với người đại diện hộ đã được lấy mẫu lần 1. Trường hợp trong hộ chỉ có 01 người duy nhất và đã được lấy mẫu lần 1 thì không lấy mẫu lần này. Theo đó, huyện Tam Nông có 23.864 người được lấy mẫu PCR xét nghiệm tầm soát Covid-19. Trong đó, có 697 người là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các ban, ngành huyện và 23.167 người đại diện hộ gia đình trên địa bàn 12 xã, thị trấn trong Huyện.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện Tháp Mười xuất hiện nhiều ổ dịch chưa rõ nguồn lây và có khả năng lây nhiễm nhanh trong cộng đồng, đặc biệt nhiều ổ dịch mới trên địa bàn thị trấn Mỹ An. Để chủ động sàng lọc, phát hiện nhanh các trường hợp mắc và nghi ngờ mắc Covid-19, trong ngày 20/8/2021, Trung tâm Y tế Huyện đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tầm soát Covid-19 trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc việc thuộc 38 đơn vị là các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp và các cơ quan khác đóng trên địa bàn thị trấn Mỹ An nhằm khoanh vùng, dập dịch kịp thời.

Nhằm tiếp tục sàng lọc, phát hiện nhanh các trường hợp mắc và nghi ngờ mắc Covid-19, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Tháp Mười (Ban Chỉ đạo Huyện) triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tầm soát Covid-19 diện rộng trên địa bàn Huyện lần 2. Đây cũng là hành động quyết liệt của Huyện nhằm củng cố, mở rộng và giữ vững “vùng xanh”, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Thời gian tiến hành lấy mẫu xét nghiệm realtime RT-PCR từ ngày 28/8/2021 đến 31/8/2021 với tổng cộng 32.956 hộ, tương đương 3.296 mẫu gộp 10. Mỗi hộ sẽ cử đại diện 01 người để lấy mẫu, tuy nhiên không phải là người đã lấy mẫu lần 1. Đối với các trường hợp đang theo dõi cách ly tại nhà sẽ được lấy mẫu theo quy trình riêng. Để đảm bảo công tác lấy mẫu đạt hiệu quả cao, Ban Chỉ đạo Huyện yêu cầu các xã, thị trấn thông báo thời gian và bố trí địa điểm lấy mẫu phải có không gian rộng, giữ khoảng cách, tránh tình trạng tập trung đông. Ngoài ra, các Tổ lấy mẫu phải thật sự an toàn trong quá trình thực hiện, sát khuẩn tay mỗi lần lấy mẫu, 5 người thay đổi găng tay 1 lần, mặc đồ bảo hộ đúng quy định.

Huyện Cao Lãnh hiện có 936 hộ nghèo với 3.269 nhân khẩu, hộ cận nghèo 2.823 hộ với 11.243 nhân khẩu, đã cấp 216.300 ký gạo; hỗ trợ cho 881 người bán vé số với số tiền 01 tỷ 321,5 triệu đồng; có 374 doanh nghiệp với 3.350 lao động, trong đó có 1.471 lao động có hợp đồng lao động và tham gia BHXH, đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 125 đơn vị với 1.512 lao động; có 3.502 hộ kinh doanh có giấy phép kinh doanh và đăng ký thuế, có 6.898 hộ sản xuất kinh doanh cá thể; lao động không có giao kết hợp đồng lao động “lao động tự do” theo Quyết định số 964/QĐ-UBND-HC ngày 16/7/2021 của UBND Tỉnh, xác định đến thời điểm hiện tại là 5.698 lao động và đã được hỗ trợ 100%. Đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế đã hỗ trợ cho 1.641 người, trong đó có 262 trẻ em. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Huyện đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các ngành phải thông tin đến xã, thị trấn, người dân nắm rõ hơn về các chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 964/QĐ-UBND-HC ngày 16/7/2021 của UBND Tỉnh; đề nghị doanh nghiệp hoàn chỉnh thủ tục đủ điều kiện để hưởng chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động; thông tin đến người dân biết những trường hợp đã thực hiện cách ly y tế tập trung trước ngày 10/7/2021 để được hưởng chính sách hỗ trợ; đề nghị về Tỉnh xem xét hỗ trợ cho các đối tượng lao động tự do đang gặp khó khăn không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 964/QĐ-UBND-HC của UBND Tỉnh…

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ