Xuất bản thông tin

null Đảm bảo về an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn Tỉnh

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Đảm bảo về an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn Tỉnh

Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm Tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác đảm bảo về an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2021 nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự

HĐND Tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở vật chất và trang, thiết bị Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự nhằm tạo điều kiện bố trí các khoa khám và điều trị hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân trong khu vực. Tỉnh thực hiện dự án Nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự với tổng vốn thực hiện dự án hơn 59,4 tỷ đồng từ nguồn vốn xổ số kiến thiết. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2024.

Quy mô đầu tư xây dựng mở rộng diện tích sử dụng và mua sắm thiết bị để đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ cho số giường bệnh tăng thêm từ 250 giường lên thành 300 giường. Cụ thể là xây dựng mới Khoa nội thần kinh; Khoa vật lý trị liệu - phục hồi chức năng; xây dựng mở rộng Khoa khám và điều trị bệnh ngoại trú; sửa chữa Khu điều trị nội trú hiện trạng; nâng cấp khu xử lý nước thải để đáp ứng nhu cầu phục vụ bệnh viện 300 giường; trang thiết bị đồng bộ; nâng cấp, cải tạo hệ thống đường nội bộ, cấp - thoát nước, phòng cháy, chữa cháy, hệ thống điện,...

2. Đảm bảo về an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn Tỉnh

 Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) Tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác đảm bảo về ATTP Tết Trung thu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2021 nhằm đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Theo đó, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về các quy định, về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất, kinh doanh. Tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; lưu ý kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng khi mua sản phẩm thực phẩm qua hình thức trực tuyến.

Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động phù hợp tình hình thực tế để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Tăng cường phòng chống dịch và quản lý nhân viên trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Sở Y tế vừa có văn bản về tăng cường phòng, chống dịch và quản lý nhân viên trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, nhằm đảm bảo an toàn cho cơ sở y tế, nhân viên, duy trì nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống dịch nói chung và công tác khám bệnh, chữa bệnh nói riêng, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn tỉnh; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tỉnh; Trung tâm y tế các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm Quyết định số 4158/QĐ-BYT ngày 28/8/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn phòng ngừa và quản lý nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Các đơn vị cần quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống dịch tại cơ sở khám chữa bệnh, không để xảy ra ổ dịch trong cơ sở; xây dựng và triển khai các biện pháp phòng ngừa phù hợp với nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 theo từng khu vực, từng đối tượng nhân viên y tế. Chủ động đánh giá nguy cơ lây nhiễm, phát hiện sớm để quản lý, cách ly kịp thời nhân viên bị nhiễm bệnh. Bảo đảm nhân viên nhận biết chính xác nguy cơ lây nhiễm, tự đánh giá đúng, trung thực nguy cơ lây nhiễm.

Yêu cầu nhân viên y tế, người lao động tuân thủ nghiêm biện pháp phòng, chống dịch, nghiêm cấm việc tổ chức tụ tập, ăn uống chung. Sau giờ làm việc về nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người chung quanh, giảm số lần đi mua lương thực, thực phẩm.

Bên cạnh đó, các cơ sở có tổ chức nấu ăn không trực tiếp đi mua sắm ở chợ, nên có hợp đồng cơ sở cung cấp giao thực phẩm tận nơi, đảm bảo phòng, chống dịch khi giao nhận. Đối với cơ sở đang thực hiện mô hình bệnh viện tách đôi khẩn trương lập vách ngăn che chắn an toàn với khu vực đang điều trị bệnh nhân Covid-19, tạo lối đi riêng biệt. Các đơn vị nghiêm túc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tầm soát định kỳ SARS-CoV-2 đối với nhân viên y tế, người lao động, bệnh nhân theo quy định.

Ngoài ra, đối với các cơ sở khám chữa bệnh đang tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát kiểm khuẩn, bố trí ca trực đảm bảo, không tiếp xúc với người bên ngoài khu vực cách ly điều trị.

4. Giảm tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt do ảnh hưởng dịch Covid-19

UBND Tỉnh vừa thống nhất chủ trương, đồng ý cho Công ty Cổ phần Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Nước sạch nông thôn (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện việc giảm tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Cụ thể:

Giảm 50% tổng số tiền nước sạch sinh hoạt trước thuế và phí bảo vệ môi trường đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Giảm 20% tổng số tiền sử dụng nước sinh hoạt trước thuế và phí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế đang được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19.

Miễn thu tiền sử dụng nước sạch đối với các cơ sở sử dụng để làm khu cách ly tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19.

Giảm 5% tổng số tiền nước trước thuế và phí bảo vệ môi trường đối với tất cả khách hàng sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt (trừ đối tượng nêu tại điểm a và đơn vị lực lượng vũ trang, công an, bệnh viện, trường học; cơ quan, đoàn thể, cơ sở tôn giáo, đơn vị sự nghiệp).

Thời gian thực hiện giảm tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt 3 kỳ hoá đơn gồm tháng 9, 10 và 11/2021.

5. Tiếp tục chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 9, 10 vào 1 kỳ chi trả tháng 9/2021

Để công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hàng tháng đầy đủ, kịp thời và đảm bảo an toàn cho người hưởng trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Tỉnh và Bưu điện Tỉnh xây dựng phương án báo cáo UBND Tỉnh về việc tổ chức hoạt động chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN trong thời gian tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại kỳ chi trả tháng 9, tháng 10/2021. Theo đó, thời gian chi trả bắt đầu từ ngày 02 đến trước ngày 25/9/2021.

Đối với người hưởng nhận lương hưu và trợ cấp BHXH qua ATM: Bưu điện chuyển tiền 2 tháng (tháng 9 và tháng 10) vào tài khoản cá nhân.

Đối với người hưởng nhận tiền mặt: Bưu điện thực hiện chi trả tại các điểm chi trả và phải chấp hành nghiêm các biện pháp an toàn phòng, chống dịch, cụ thể:

Các Bưu điện huyện, thành phố lập danh sách điểm chi trả tại các xã, phường, thời gian tổ chức chi trả và danh sách tên người nhận tại điểm chi trả báo cáo về UBND huyện và UBND xã, phường để hỗ trợ nhân viên chi trả đi đến địa bàn, hỗ trợ người hưởng đi đến điểm chi trả và phối hợp trong suốt quá trình thực hiện chi trả tại các điểm.

Thực hiện đúng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhân viên Bưu điện đeo khẩu trang trong suốt quá trình chi trả, giữ khoảng cách an toàn với người hưởng, trang bị các phương tiện phòng dịch khác nếu cần thiết (găng tay, quần áo bảo hộ...). Trong trường hợp đặc thù, địa bàn xã, phường đang phong tỏa, các Bưu điện huyện, thành phố báo cáo UBND huyện cho phép đặt bàn chi trả tại chốt phong tỏa, đồng thời tổ chức gọi điện thoại mời lần lượt người hưởng theo danh sách đến tại chốt phong tỏa để thực hiện chi trả.

Trước đó, BHXH Tỉnh và Bưu điện Tỉnh thực hiện tuyên truyền nội dung về chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 9, tháng 10 vào 1 kỳ chi trả tháng 9/2021 trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời dán thông báo tại các điểm chi trả để người hưởng lựa chọn, sắp xếp thời gian đến nhận tiền phù hợp và đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi đến các điểm chi trả.

6. Can thiệp, hỗ trợ trẻ em lao động sớm, trái quy định pháp luật

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Phấn đấu đến năm 2025, giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9%; 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi; trên 90% lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.

Đến năm 2030, phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,5%; giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Kế hoạch đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào công tác phòng ngừa, phát hiện và hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em ở các cấp, các ngành đặc biệt là cấp cơ sở, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và trong các chuỗi cung ứng. Phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động. Xây dựng và triển khai quy trình, mạng lưới phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em gắn với hệ thống bảo vệ trẻ em. Cùng với đó là hỗ trợ lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em và gia đình tiếp cận chính sách, chương trình, dịch vụ giảm nghèo, an sinh xã hội, giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp. Triển khai các mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em v.v...

7. Bổ sung đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Sở LĐ-TB&XH đã có hướng dẫn đối với UBND các huyện, thành phố, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố tiếp tục bổ sung đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ người lao động (LĐ) không có giao kết hợp đồng LĐ (LĐ tự do) có hoàn cảnh thật sự khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, đối tượng hỗ trợ là hộ gia đình có người LĐ tự do có hoàn cảnh thật sự khó khăn do đại dịch Covid-19 thuộc 1 trong 4 nhóm đối tượng (kể cả hộ có người đã được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ) gồm: Thợ hồ (không bao gồm người làm cai, thầu; tự nhận thi công, sửa chữa nhà riêng, công trình) và phụ hồ. Người phụ giúp việc nhà (là những người được các hộ gia đình thuê, mướn dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, làm các công việc trong nhà theo giờ, theo ngày, theo tháng). Người tự làm vá vỏ xe mô tô, xe đạp trên các tuyến lộ: là những người thường xuyên hằng ngày chuyên vá vỏ xe mô tô, xe đạp để kiếm sống (không bao gồm những người chủ và người làm công cho các tiệm bảo dưỡng, bảo hành, sửa chữa xe mô tô, xe đạp). Người quanh năm sống từ thu nhập chính là làm thuê, làm mướn, gồm các công việc: trồng lúa, chăm sóc lúa, thu hoạch lúa bằng thủ công; bốc vác tại các cơ sở, cửa hàng vật tư nông nghiệp, cửa hàng vật liệu xây dựng; bốc vác lúa tại các bến bãi lên xuống tàu, ghe, xe tải; gánh cá thuê tại các chợ.

Điều kiện hỗ trợ gồm: hộ gia đình có thu nhập chính từ các công việc theo khoản 1 Điều 1 Quyết định số 1277/QĐ-UBDN-HC của UBND Tỉnh (ngoài ra không còn việc làm nào khác để có thu nhập); địa điểm làm việc tại tỉnh Đồng Tháp trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của UBND Tỉnh và UBND huyện, thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp; hộ gia đình không có đất canh tác (hộ không có đất ruộng, đất vườn, đất nuôi trồng thủy sản); hộ gia đình không có cơ sở sản xuất kinh doanh với điều kiện sinh hoạt thật sự khó khăn; đang thường trú hoặc tạm trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp theo quy định của pháp luật. Mỗi hộ gia đình thuộc đối tượng trên được hỗ trợ 1 suất với mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/hộ, phương thức thực hiện chi hỗ trợ 1 lần cho hộ gia đình.

Tính đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã chi hỗ trợ cho khoảng 60.000 lao động tự do, tổng số tiền trên 88 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác chi hỗ trợ cho nhóm đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bổ sung đợt 2 vẫn đang chậm. Tính đến nay chỉ có 2 đơn vị là huyện Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc lập được danh sách, với hơn 3.500 đối tượng.

8. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Quốc gia Phát triển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Đến năm 2025, Kế hoạch đề ra mục tiêu về nghiên cứu, ứng dụng, phát triển CNC (thuộc Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt đối với các lĩnh vực ưu tiên bao gồm công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin và truyền thông) hỗ trợ ít nhất 2 doanh nghiệp (DN), các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai các dự án ứng dụng CNC trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nghiệm thu theo quy định, các hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc các thỏa thuận hợp tác về khoa học và công nghệ.

Về phát triển công nghiệp CNC, triển khai các hoạt động ứng dụng CNC nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp CNC đạt từ 5 - 10% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm CNC đạt ít nhất 5% trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Có ít nhất 2 dự án ứng dụng/DN được công nhận là dự án ứng dụng/DN CNC.

Đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2025 chiếm 5% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; trên 5% hộ sản xuất, trên 10% DN ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính CNC về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch. Đồng thời, hình thành ít nhất 2 vùng sản xuất nông nghiệp CNC đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh và một số ngành hàng có tiềm năng; có ít nhất 5 DN được công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng CNC; có ít nhất 15 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng CNC. Có ít nhất 2 dự án ứng dụng CNC, sản xuất tiên tiến cơ giới hóa toàn diện, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, bảo quản và chế biến; canh tác hữu cơ, canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất tuần hoàn được đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2030, Kế hoạch đề ra mục tiêu về nghiên cứu, ứng dụng, phát triển CNC hỗ trợ ít nhất 5 DN, các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai các dự án ứng dụng CNC trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu theo quy định, các hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc các thỏa thuận hợp tác về khoa học và công nghệ.

Về phát triển công nghiệp CNC, triển khai các hoạt động ứng dụng CNC nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp CNC đạt từ 10 - 15% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm CNC đạt ít nhất 10% trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Có ít nhất 5 dự án ứng dụng/DN được công nhận là dự án ứng dụng/DN CNC.

Đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2030 chiếm 10% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; trên 10% hộ sản xuất, trên 20% DN ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính CNC về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch. Đồng thời, hình thành ít nhất 5 vùng sản xuất nông nghiệp CNC đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh và một số ngành hàng có tiềm năng (lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra, vịt, cây có múi, nhãn, rau,…); có ít nhất 10 DN được công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng CNC; có ít nhất 30 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng CNC; có ít nhất 5 dự án ứng dụng CNC, sản xuất tiên tiến cơ giới hóa toàn diện, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, bảo quản và chế biến; canh tác hữu cơ, canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất tuần hoàn được đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, hình thành 1 khu nông nghiệp ứng dụng CNC phục vụ chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; phát triển DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển dịch vụ CNC phục vụ nông nghiệp.

9. Đảm bảo 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế năm học 2021 - 2022

UBND Tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện bảo BHYT học sinh (HS), sinh viên (SV) năm học 2021 - 2022. Theo đó, UBND Tỉnh chỉ đạo BHXH Tỉnh tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND Tỉnh thực hiện công tác BHYT HS, SV năm học 2021 - 2022 trên địa bàn Tỉnh, đảm bảo 100% HS, SV tham gia BHYT. BHXH Tỉnh chủ trì, phối hợp Sở GD và ĐT, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn Tỉnh tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác BHYT HS, SV, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác này; tổ chức phổ biến, truyền thông về công tác BHYT HS, SV năm học 2021 - 2022 bằng các hình thức phù hợp đến các cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề, lưu ý bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Phối hợp Sở Tài chính đề xuất UBND Tỉnh hỗ trợ hoặc huy động các nguồn tài trợ hợp pháp khác để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HS, SV trên địa bàn, nhất là HS, SV có hoàn cảnh gia đình khó khăn; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện BHYT HS, SV để kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Sở GD&ĐT chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, Ban Giám hiệu các trường, các cơ sở đào tạo công lập tuyên truyền, vận động HS tham gia BHYT năm học 2021 - 2022, đảm bảo 100% học sinh tham gia BHYT; tổ chức cấp phát thẻ BHYT kịp thời cho học sinh tham gia BHYT và tổ chức tốt công tác y tế học đường để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS. Giao chỉ tiêu 100% HS tham gia BHYT cho các đơn vị trực thuộc. Vận động phụ huynh HS, SV cài đặt ứng dụng BHXH (VssID) nhằm dễ dàng tiếp cận thông tin, theo dõi quá trình tham gia BHYT của HS, SV. Phối hợp với BHXH tỉnh tuyên truyền, vận động HS tham gia BHYT ngay từ đầu năm học và thực hiện trong suốt năm học...

10. Tăng cường kiểm soát giết mổ động vật trong bối cảnh dịch Covid-19

Ngày 09/9/2021, UBND Tỉnh có công văn về việc tăng cường công tác kiểm soát giết mổ động vật trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp UBND huyện, thành phố, các đơn vị liên quan thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, thực hiện tốt chỉ đạo tại Công văn số 453/UBND-KT ngày 23/6/2021 của UBND Tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật; Công văn số 546/UBND-KT ngày 13/7/2021 của UBND Tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; Công văn số 701/UBND-KT ngày 23/8/2021 của UBND Tỉnh về việc tăng cường công tác kiểm soát giết mổ động vật trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. UBND Tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố khẩn trương phối hợp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung nêu trên.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN MỚI

1. Mức thu phí trong công tác an toàn thực phẩm

Thông tư số 67/2021/TT-BTC ngày 05/8/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn thực phẩm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/9/2021.

Thông tư quy định cụ thể các mức phí thẩm định cấp phép lưu hành, nhập khẩu, xác nhận, công bố trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trong đó, phí thẩm định hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, mức phí là 1,5 triệu đồng/lần/sản phẩm.

Phí thẩm định hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh sách mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định, mức thu phí là 500.000 đồng/lần/sản phẩm.

Phí xác nhận lô hàng thực phẩm nhập khẩu (chưa bao gồm chi phí kiểm nghiệm) từ 300.000 đến 10 triệu đồng/lô hàng.

Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu (Giấy chứng nhận lưu hành tự do, giấy chứng nhận xuất khẩu, giấy chứng nhận y tế) là 1 triệu đồng/lần/giấy chứng nhận.

Phí thẩm định điều kiện hành nghề, kinh doanh thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm từ 500.000 đến 28,5 triệu đồng/lần..

2. Quy định mới về chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi người có công với cách mạng

Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/07/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 15/09/2021.

Nghị định nêu rõ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng (mức chuẩn). Mức chuẩn này làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Nghị định quy định cụ thể mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là 4,872 triệu đồng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1,361 triệu đồng; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là 1,679 triệu đồng; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày là 974.000 đồng.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Vừa qua, Phòng GD&ĐT Thành phố Cao Lãnh có văn bản yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trên địa bàn triển khai và thực hiện nghiêm túc văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT về việc tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa (SGK) và tài liệu tham khảo trong trường học. Theo đó, đối với SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 sẽ do Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị Đồng Tháp phân phối cho nhà trường theo số lượng đã đăng ký. Hiện nay công ty đang tổ chức giao SGK đến các nhà trường, Phòng GD&ĐT thành phố Cao Lãnh sẽ thông tin cho các đơn vị lịch giao nhận SGK cụ thể. Hiệu trưởng các trường bố trí tiếp nhận SGK tại đơn vị đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo quy định. Sau khi tiếp nhận SGK, nhà trường kịp thời có kế hoạch cung ứng lại cho phụ huynh học sinh (HS) có nhu cầu đăng ký với nhà trường. Trong trường hợp phụ huynh HS tự trang bị SGK, nhà trường hướng dẫn phụ huynh HS đến các cửa hàng, chi nhánh gần nhất để mua sách đảm bảo chất lượng. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng HS mua nhầm sách khác hoặc chậm, thiếu SGK ngay từ đầu năm học 2021 - 2022. Đối với SGK lớp 3, lớp 7 và các khối lớp khác phục vụ năm học 2021 - 2022 có khả năng sẽ thiếu cục bộ do các Nhà xuất bản giảm số lượng in ấn.

UBND Thành phố Sa Đéc vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Sa Đéc. Theo đó, đến năm 2025, thành phố phấn đấu có 80% học sinh và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện (TV) công cộng, TV của các cơ sở giáo dục và sử dụng hệ thống TV công cộng thường xuyên; 40 - 50% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc; 100% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học có TV với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 85% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có TV đạt chuẩn trở lên (100% TV các trường THCS, THPT đạt chuẩn trở lên, TV tiên tiến và xuất sắc là 20%); 90% TV công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng. Đồng thời khuyến khích phát triển TV tư nhân, tủ sách gia đình, tủ sách khuyến học; phấn đấu mỗi cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư có ít nhất 1 tủ sách...

Sáng ngày 01/9/2021, Trung tâm y tế huyện Tân Hồng tổ chức tiêm trên 300 liều văc xin Astrazeneca và Pfizer cho người nhà của nhân viên y tế và phụ nữ đang mang thai. Quá trình tiêm vắc xin được thực hiện đảm bảo theo đúng quy định. Cũng trong dịp này, Chi nhánh Viettel huyện Tân Hồng còn tổ chức hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng sổ theo dõi sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh. Sổ sức khỏe điện tử là 1 ứng dụng di động dành cho người dân, được kết nối trực tiếp với Hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế. Ứng dụng được xây dựng với mục tiêu giúp người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, chủ động trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe. Ứng dụng này sẽ hỗ trợ người dân chia sẻ và cung cấp thông tin sức khỏe cho bác sĩ hoặc cơ sở khám chữa bệnh ở mọi nơi khi cần thiết. Từ đó, giúp ích rất nhiều cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh một cách tốt nhất, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân. Bên cạnh đó, sổ theo dõi sức khỏe điện tử còn hỗ trợ việc đăng ký tiêm vắc xin Covid-19, người dân còn có thể dễ dàng đặt lịch khám với cơ sở y tế hoặc bác sĩ trước khi đến khám hoặc có thể trao đổi trực tuyến với bác sỹ để được tư vấn - chăm sóc, hỗ trợ thanh toán trực tuyến qua ứng dụng này.

UBND huyện Hồng Ngự ban hành Công văn số 1389/UBND-HC về việc thực hiện hỗ trợ đối với nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động được bổ sung theo Quyết định số 1277/QĐ-UBND-HC ngày 29/8/2021 của UBND Tỉnh. Theo đó, UBND Huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị tùy theo nhiệm vụ chuyên môn khẩn trương tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về các đối tượng được hưởng theo Quyết định số 1277/QĐ-UBND-HC ngày 29/8/2021 của UBND Tỉnh. Đồng thời, UBND các xã, thị trấn trực tiếp hưỡng dẫn người dân đăng ký, tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách và họp tổ thẩm định theo qui định, đảm bảo công khai, minh bạch và công tác chi hỗ trợ phải kịp thời, không để phát sinh các trường hợp phản ánh, khiếu nại về sau.

Ngày 05/9/2021, UBND huyện Lai Vung vừa có văn bản về việc thiết lập các đường dây nóng trên địa bàn huyện. Theo đó Chủ tịch UBND dân Huyện yêu cầu: các cơ quan, đơn vi, ̣ địa phương khẩn trương cung cấp lại số điên thoại đường dây nóng thống nhất và duy nhất của từng cơ quan, đơn vi, địa phương. Sau khi thiết lâp phải nhanh chóng thưc hiện tuyên truyền số điên thoại đường dây nóng đến nguời dân bằng các hình thức phù hơp trong tình hinh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Phối hợp đồng bộ giữa các đơn vi ̣trực thuộc để xử lý phản ánh đươc kịp thời. Tuyệt đối không ̣để người dân phải liên hê ̣nhiều cơ quan, qua nhiều số điên thọai mới đươc hỗ trợ giải quyết. Đồng thời bố trí nhân sự trực đường dây nóng 24/24 giờ, xử lý kịp thời các phản ánh của người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Viêc tiếp nhận, giải quyết phản ánh của người dân phải được ghi chép rõ ràng vào Sổ theo dõi để quản lý thông tin tiếp nhận.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ