Xuất bản thông tin

null Bản tinh sinh hoạt chi bộ tháng 9 năm 2021

Trang chủ Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tinh sinh hoạt chi bộ tháng 9 năm 2021

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập gửi toàn văn bài viết: Khắc phục tình trạng ngại khó của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”[1] của tác giả TS.Trương Thị Bạch Yến.

“Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch là nhiệm vụ trọng yếu, có ý nghĩa sống còn trong bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ Nhân dân và chế độ XHCN (Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII).

1. Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, ở mọi cấp, mọi ngành. Song, đây luôn là vấn đề khó, khiến không ít cán bộ, đảng viên đứng trước nhiệm vụ này có tâm lý “ngại”, rồi tránh né, lơ là, đứng ngoài cuộc...

Nói là khó, bởi Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của tư duy khoa học, phản ánh các mối quan hệ bản chất của cuộc cách mạng XHCN, thông qua quá trình khái quát hóa, trừu tượng hóa... Nếu không có năng lực tư duy khoa học, rất khó để mà nghiên cứu, phản ánh, truyền bá các vấn đề lý luận khái quát, trừu tượng đó. Không phải ai và lúc nào, khi đối diện với một vấn đề chính trị - xã hội, cũng có thể làm chủ được quá trình tư duy lý luận về nó. Nếu nhiệt tình nhưng thiếu thông tin, thiếu phương pháp, không có khả năng phân tích, chứng minh cái đúng, phản bác cái sai, mắc bệnh giáo điều, chủ quan, phiến diện trong tư duy... khó mà không dẫn đến nhầm lẫn, phán đoán sai, “phản tác dụng”, gây hại cho Đảng, và bản thân còn có thể trở thành vi phạm kỷ luật đảng. Nên đã có sự “né”, “tránh” tham gia đấu tranh tư tưởng. Trên thực tế đó là một biểu hiện của suy giảm sức chiến đấu ở một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Có một thực tế là, khi mà giao tiếp trên mạng xã hội đã trở nên phổ biến, đã trở thành nhu cầu của đông đảo người dân và bị các thế lực thù địch lợi dụng để gieo rắc các quan điểm sai trái, chống phá Đảng, Nhà nước, thì một số cán bộ, đảng viên tỏ ra e ngại, né tránh mạng xã hội, thậm chí phê phán việc sử dụng, có người còn cấm nhân viên của mình dùng Facebook, viết Blog, đăng Youtube, hoặc nếu phải chấp nhận thì cấm tuyệt đối đăng tải, bình luận các vấn đề chính trị... Nhưng rồi tư tưởng cực đoan đó đã buộc phải thay đổi, khi những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 đã mở ra phương thức nhanh chóng hiện thực hóa nhiều mục tiêu xã hội, đem lại nhiều tiện ích trong thông tin và truyền thông khiến cho không ai có thể phủ nhận, đứng ngoài. Trong đó, có cơ hội thông qua hệ thống thông tin và truyền thông để tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, để nền tảng tư tưởng này thực sự là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng và của Nhân dân. Trong bối cảnh đó, như một lẽ tự nhiên, mỗi cán bộ, đảng viên phải trở thành một chiến sĩ trên mặt trận truyền thông, để đưa tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân, lan tỏa những giá trị tích cực, tốt đẹp của chế độ XHCN mà Nhân dân ta đang xây dựng.

2. Tuy nhiên hiện nay, trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhiều cán bộ, đảng viên đang gặp phải những khó khăn, thách thức, là lực cản cho việc hoàn thành trách nhiệm của mình: 

Về phía chủ quan, năng lực nghiên cứu, vận dụng lý luận vào thực tiễn để triển khai truyền bá các nội dung trong nền tảng tư tưởng của Đảng ở một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Kinh nghiệm thực tiễn, sự trải nghiệm, vốn sống có hạn nên khả năng xác định nội dung, kỹ năng thu thập tài liệu, phân tích hiện tượng, đánh giá bản chất về một vấn đề tư tưởng cần bảo vệ, đấu tranh... thông qua các bài nói, bài viết đã không đạt được sức hấp dẫn, thuyết phục cần phải có. Khả năng sử dụng những tiện ích, lợi thế của in-tơ-nét, mạng xã hội của nhiều cán bộ, đảng viên (nhất là người ít sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, người lớn tuổi, ở nông thôn) khá hạn chế, nên khó truy cập sâu rộng để tiếp cận và phát hiện ra các vấn đề được truyền tải có dụng ý xấu, bị che đậy, làm giả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng có lúc rất thụ động, vô hình trung đưa lực lượng đấu tranh vào thế bị động, đấu tranh “chạy theo” các bài viết, bài nói sai trái mà các thế lực thù địch tung ra. 

Về phía khách quan, các thế lực thù địch ngày càng có nhiều chiêu thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn để chủ động chống phá, tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Chúng đầu tư tài chính, sử dụng những kẻ có nghề, thông qua các đài phát thanh, truyền hình tiếng Việt, báo, tạp chí, bản tin, nhà xuất bản tiếng Việt ở nước ngoài và hàng trăm website, blog, fanpage phát tán các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch. Đặc biệt, chúng lợi dụng những hiện tượng, việc làm sai trái, những hạn chế, khuyết điểm, sơ hở của các tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý xã hội, rồi nâng thành vấn đề có tính phổ biến, quy thành bản chất của Đảng, Nhà nước, của chế độ để tung tin gây nghi ngờ, làm mất niềm tin của Nhân dân. Khi các sự việc, hiện tượng đó chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thì rất khó cho cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền cho Nhân dân thấy được thực chất của vấn đề và chấp hành tốt chủ trương, chính sách. Nguồn tư liệu, tài liệu, thông tin liên quan đến các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin về các tổ chức, các nhóm, các cá nhân thực hiện việc truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch không dễ tiếp cận. Ở chiều cạnh khác, nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên là rất khác nhau, ngày càng đa dạng; khả năng nhận thức của từng nhóm đối tượng cũng không đồng đều. Do vậy, để tạo nên nhận thức sâu sắc về nền tảng tư tưởng của Đảng thì việc vận dụng các phương pháp truyền bá, cách thức đấu tranh tư tưởng phải rất linh hoạt, khéo léo, song không phải cán bộ, đảng viên nào cũng đáp ứng được. Đời sống quốc tế và trong nước, những thuận lợi, thời cơ, triển vọng và cả những khó khăn, thách thức mới của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước… diễn biến phức tạp, khó lường luôn có thể trở thành nguyên cớ đối với những kẻ ác ý, chống đối, thâm thù và nhiều đối tượng khác cho ra đời những quan điểm sai trái, thù địch với nhiều cấp độ và hình thức biểu hiện khác nhau. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự phát triển bùng nổ của in-tơ-nét, mạng xã hội toàn cầu và những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của nền kinh tế thị trường luôn là môi trường cho các lực lượng chống phá có thể lợi dụng cho mục đích xấu mọi lúc, mọi nơi... Tất cả đang khiến cho không ít cán bộ, đảng viên, khi đối mặt với những khó khăn, cản trở đó đã tỏ ra “e ngại”, thiếu tự tin, không dám đối diện để thực hiện nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng. 

3. Cần khắc phục tình trạng đó sớm nhất, bằng các biện pháp sau:

Một là, xác định rõ trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên để có quyết tâm và nỗ lực hơn trong công tác đấu tranh tư tưởng. Đại hội XIII của Đảng xác định “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng”, trong đó yêu cầu “các tổ chức của Đảng và đảng viên, nhất là tổ chức, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước vừa phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị xác định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, là công việc phải thực hiện tự giác, thường xuyên của của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng. Vì vậy, thông qua phương thức công tác tư tưởng, cán bộ, đảng viên phát huy vai trò của mình trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống; coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng theo tinh thần mới của Nghị quyết Đại hội XIII, với biện pháp “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Hai là, biết quan sát, phát hiện và xử lý vấn đề. Chủ động, trách nhiệm và thường xuyên sử dụng mạng xã hội, trực tiếp tham gia làm thành viên am hiểu và tỉnh táo của hệ thống mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam hiện nay như Facebook, Zalo, Youtube. Trước tiên, đóng vai “người quan sát” để đọc, xem, tìm hiểu về những gì liên quan đến lĩnh vực tư tưởng hiển thị trên đó. Khi phát hiện một tình huống có vấn đề, một nội dung được cộng đồng mạng quan tâm, chia sẻ, bàn luận nhiều thì mở rộng phạm vi đọc, xem ở các bình luận (comment), các bài chia sẻ, đường dẫn liên quan, tự mình đánh giá, nhận xét và dự kiến phương án xử lý (ủng hộ hay phản bác). Tiếp tục mở các trang thông tin, báo, tạp chí chính thống (của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các trang thông tin phục vụ công tác đấu tranh tư tưởng...), tìm các bài viết, đối chiếu cách tiếp cận và hướng xử lý, so sánh với đánh giá, xử lý của mình, rút ra những kết luận và kinh nghiệm cần thiết. Đây là phương thức tự học, tự vũ trang kiến thức thiết thực trên môi trường mạng. Thực tiễn cho thấy, dù đã nắm vững lý luận của Đảng, thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh còn phải gắn mình với thực tiễn, làm chủ thông tin mới đủ năng lực để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mới đủ sức thuyết phục cư dân mạng, mới đủ trí tuệ, bản lĩnh để phê phán các quan điểm và hành vi sai trái, thù địch.

Ba là, nghiên cứu để kế thừa các bài học kinh nghiệm của các lực lượng chuyên nghiệp trong đấu tranh tư tưởng, lý luận nhiều năm qua. Đó là bài học về sự kiên định, kiên trì thực hiện nguyên tắc tính đảng trong công tác tư tưởng; bài học về mở rộng, phát huy vai trò của nhiều lực lượng cùng đồng loạt đấu tranh; bài học về sử dụng nhiều hình thức, biện pháp đấu tranh trên khắp các mặt trận tư tưởng, từ lý luận đến tuyên truyền, cổ động, văn hóa - văn nghệ... Trong đó, việc giữ vững nguyên tắc tính đảng là bài học quan trọng nhất. Dù bất cứ khó khăn, phức tạp, dù chịu tác động tiêu cực cả về tinh thần lẫn vật chất do điều kiện khách quan, chủ quan và sự chống phá của các thế lực thù địch, thì vẫn phải luôn kiên trì với mục tiêu đấu tranh để xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN. Luôn bám sát phương châm phải gắn “xây” với “chống”, trong đó “xây” là quan trọng, là đích cuối cùng, “chống” phải trên cơ sở khoa học - gắn lý luận với thực tiễn. Những tấm gương tử tế, những hành động hy sinh, những nỗ lực vượt khó, những chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để bảo vệ Nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng khi được cán bộ, đảng viên lan tỏa đúng lúc, đúng thời điểm sẽ là vũ khí sắc bén nhất để chống lại sự xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Bốn là, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ, chỉ đạo của cấp ủy, các cơ quan tham mưu của cấp ủy cấp trên. Tích cực tìm kiếm, đề xuất để được tham gia các chương trình đào tạo (cả trực tiếp và trực tuyến), nâng cao năng lực nghiên cứu và truyền bá lý luận; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tư tưởng, công tác dân vận; bồi dưỡng kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, kỹ năng viết báo, tuyên truyền miệng... Xây dựng kế hoạch công tác từ sớm, trình cấp có thẩm quyền để được tạo điều kiện tham gia các diễn đàn đấu tranh tư tưởng. Phối hợp, tạo mối quan hệ gắn bó với các cơ quan chức năng, với hệ thống ban chỉ đạo 35 ở các cấp để được cung cấp đầy đủ, kịp thời, cập nhật các thông tin, tư liệu, tài liệu phục vụ cho công tác đấu tranh tư tưởng.

Chỉ khi có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về trách nhiệm của người đảng viên, có trình độ lý luận chính trị cao, có kỹ năng nắm bắt, sàng lọc, xử lý thông tin tốt, có tâm huyết và bản lĩnh chiến đấu của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, thì mỗi cán bộ, đảng viên sẽ không còn phải e ngại, mà luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước sự chống phá của các thế lực thù địch”.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I. TIN TRONG TỈNH

1. Một số kết quả nổi bật tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh tháng 8 năm 2021

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã quyết định áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Toàn hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn Tỉnh đã chung sức, đồng lòng với quyết tâm sớm đẩy lùi dịch bệnh; tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong tháng 8 năm 2021, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 271 triệu USD, đạt 104,3% so với kế hoạch, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước đạt 6.695 tỷ đồng, bằng 95,25% so tháng trước và tăng 17,78% so cùng kỳ năm 2020. Môi trường đầu tư, kinh doanh của Tỉnh tiếp tục được quan tâm, đến ngày 20/8/2021, có 12 dự án được chấp thuận chủ trương và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký là 849 tỷ đồng, tăng 01 dự án so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.210 tỷ đồng, bằng 64% so với dự toán.

Tỉnh thống nhất thời gian khai giảng năm học mới 2021 - 2022 vào ngày 20/9/2021, đối với các hoạt động tựu trường (vệ sinh trường lớp, phổ biến nội quy…) chỉ được phép bắt đầu kể từ ngày 15/9/2021. Số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 797 lao động, lao động trúng tuyển đang học ngoại ngữ - giáo dục định hướng và chờ xuất cảnh là 1.345 người. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn Tỉnh, hỗ trợ cho 44.835 lao động tự do với số tiền 67,2 tỷ đồng.

2. Quy định khung giá dịch vụ sử dụng đò

Ngày 06/8/2021, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số: 17/2021/QĐ-UBND về việc quy định khung giá dịch vụ sử dụng đò trên địa bàn Tỉnh và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2021.

Theo đó, mức giá áp dụng từ 06 giờ sáng đến 22 giờ tối đối với đò được đầu từ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước từ 500 - 1.000 đồng/người đối với hành khách đi bộ và từ 1.000 - 1.500 đồng/người + xe đối với hành khách đi xe đạp, xe đạp điện, các loại xe tương tự. Đối với các phương tiện khác, tuỳ theo khoảng cách áp dụng mức giá khác nhau, cao nhất là 30.000 đồng/lượt. Ngoài ra, không thu dịch vụ sử dụng đò đối với xe cứu thương; cứu hỏa; xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp; xe hộ đê; xe làm nhiệm vụ khẩn cấp về chống lụt bão; xe chuyên dùng phục vụ cho quốc phòng, an ninh; đoàn xe đưa tang; đoàn xe hộ tống, dẫn đường; xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc vùng có dịch bệnh; người và phương tiện đi lại của học sinh đi học hàng ngày; trẻ em dưới 10 tuổi; người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng có giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

3. Chế độ hỗ trợ đối với người làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 17/8/2021, Hội đồng nhân dân Tỉnh khoá X ban hành Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND quy định chế độ hỗ trợ đối với người làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ đối với người làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp ngoài quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, hỗ trợ cấp bách một lần cho lực lượng tham gia liên tục công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Tỉnh, với mức khoán cụ thể từ 500 nghìn đồng đến 05 triệu đồng/người.

Hỗ trợ thêm bằng 50% mức phụ cấp chống dịch quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP cho các đối tượng:

- Người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch.

- Người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc Covid-19, nghi mắc Covid-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SASR-CoV-2 tại cơ sở y tế.

- Người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh tại khu điều trị người mắc Covid-19.

- Người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sỹ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hoá chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước.

- Người làm công việc súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường tại cơ sở y tế để phục vụ cho phòng xét nghiệm SASR-CoV-2.

- Người làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại tổ, chốt, đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới của Tỉnh.

Đối tượng làm nhiệm vụ tại tổ, chốt, tuần tra, kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Tỉnh ngoài quy định Nghị quyết số 16/NQ-CP được hỗ trợ 150 nghìn đồng/người/ngày và tiền ăn 80 nghìn đồng/người/ngày.

Người bị nhiễm Covid-19 khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch được hỗ trợ 05 triệu đồng/người. Gia đình có người tử vong do nhiễm Covid-19 khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch được hỗ trợ 10 triệu đồng/gia đình.

Các nội dung khác thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số: 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.

4. Xây dựng và phát triển thương hiệu các nông sản chủ lực tỉnh Đồng Tháp

Ngày 18/8/2021, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số: 250/KH-UBND ngày 18/8/2021 về xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, phát huy sự chủ động của các thành phần kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác...) trên địa bàn Tỉnh xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với nông sản chủ lực.

Giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 sản phẩm được xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với tên địa danh; có ít nhất 05 vùng sản xuất nông sản chủ lực được phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, bao gồm: Vùng sản xuất xoài xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh; vùng sản xuất trọng điểm cây có múi 03 xã: Tân Thành, Long Hậu, Tân Phước (huyện Lai Vung); vùng sản xuất màu trọng điểm, xã Mỹ An Hưng A (huyện Lấp Vò); vùng nuôi cá sặc rằn xã Láng Biển (huyện Tháp Mười); vùng trồng khoai lang xã Hòa Tân (huyện Châu Thành).

Cùng với đó là triển khai thực hiện quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài, chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen trở thành thương hiệu quan trọng của Tỉnh, hướng tới xây dựng thương hiệu tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng như EU, Trung Quốc, Nhật Bản; xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản chủ lực tỉnh Đồng Tháp...

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Quy định mới về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo

Ngày 01/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số: 77/2021/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo và có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành từ ngày 01/8/2021.

Theo đó, Nghị định bổ sung thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên, gồm: Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định và thời gian không làm việc khác ngoài các trường hợp quy định. Thêm đó, theo quy định mới, thời gian thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu không còn là thời gian hợp đồng không tính hưởng phụ cấp thâm niên.

Bên cạnh đó, nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%. Quy định cũ không nêu điều kiện nhà giáo có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ngoài ra, nhà giáo đang giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập vẫn giữ ngạch viên chức ngành giáo dục, đào tạo (có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) mà chưa được chuyển xếp sang chức danh nghề nghiệp viên chức mã số V07 và V09 thì vẫn được hưởng chế độ quy định tại Nghị định này.

2. Một số tác động của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm ở nước ta thời gian gần đây

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình lao động, việc làm trong cả nước thời gian qua. Lao động có việc làm giảm, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng. Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động quý II/2021 là 51,1 triệu người, tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020 và cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19[2]. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường lao động ngoài nước chịu tác động tiêu cực khi nhiều quốc gia đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội và không tiếp nhận lao động Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2021, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 40.603 người, chỉ đạt 45,11% kế hoạch năm 2021

Trước tình hình trên, Chính phủ đã ban hành các văn bản[3] hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Từ thực trạng lao động, việc làm nước ta 6 tháng đầu năm 2021, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương, đơn vị quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để Nhân dân đồng cảm, chia sẻ những khó khăn do dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người lao động; Tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, chính quyền các địa phương trong việc hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, mất thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó, tập trung tuyên truyền quá trình tổ chức triển khai Nghị quyết số: 68/NQ-CP của Chính phủ để hỗ trợ kịp thời cho người dân gặp khó khăn; sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc chủ động, linh hoạt tháo gỡ các khó khăn để duy trì sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đồng thời duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động trong mùa dịch.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Kết quả chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Từ ngày 09-10/8/2021, nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Hai bên đã nhấn mạnh, nhất trí một số vấn đề sau: (1)- Tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, nhất trí lấy năm 2022 là “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022”; (2)- Đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ nhau giải quyết các khó khăn do dịch Covid-19 gây ra đối với mỗi nước và đối với quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào; (3)- Tiếp tục thực hiện tốt các Thỏa thuận cấp cao và kết quả đạt được tại Kỳ họp lần thứ 43 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào; (4)- Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có hơn 10 hoạt động hội đàm, hội kiến, tiếp xúc cấp cao. Các thành viên trong đoàn đã có 15 hoạt động tiếp xúc, trao đổi với các ban, bộ, ngành, địa phương của Lào; đã có 14 văn kiện hợp tác được ký kết, trao đổi giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương hai nước. Đây là những kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo dấu mốc mới trong việc vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Thành công của chuyến thăm không chỉ góp phần quan trọng vào việc giữ gìn truyền thống tốt đẹp và sự sinh động của quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, mà còn mở ra giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai dân tộc; qua đó, tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước ngày càng đơm hoa kết trái và mãi mãi trường tồn.

2. Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 54

Ngày 02/8/2021, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM -54) đã khai mạc trực tuyến. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị.

Các Bộ trưởng cam kết, nhất trí một số vấn đề sau: (1)- Triển khai các kết quả hợp tác năm 2020; (2)- Đẩy mạnh hợp tác ứng phó, đặc biệt là về vắc-xin phòng, chống Covid-19; (3)- Nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại với Anh và quan hệ Đối tác theo lĩnh vực với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và chấp thuận đề nghị tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của Hà Lan, Hy Lạp, Qatar, Oman và Đan Mạch, tiếp tục khẳng định các nguyên tắc và giá trị của Hiệp ước trong duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực; (4)- Lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, kêu gọi kiềm chế, không quân sự hóa, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; (5)- Triển khai toàn diện và kịp thời đồng thuận 5 điểm tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN tháng 4/2021 và mong muốn của ASEAN; hỗ trợ Myanmar, thành viên trong gia đình ASEAN vượt qua khó khăn, tìm kiếm giải pháp cho những phức tạp hiện nay vì lợi ích của người dân./.

                                                                           Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp

 

[1] http://www.xaydungdang.org.vn/Home/nghiquyet/2021/15579/Khac-phuc-tinh-trang-ngai-kho-cua-can-bo-dang-vien-trong.aspx

[2] Trong đó, có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.

[3] Nghị quyết số: 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số: 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.