Xuất bản thông tin

null Lễ giỗ lần thứ 156 Thống Lãnh binh Nguyễn Văn Linh

Trang chủ Lịch sử

Lễ giỗ lần thứ 156 Thống Lãnh binh Nguyễn Văn Linh

Lễ giỗ lần thứ 156 của Thống Lãnh binh Nguyễn Văn Linh diễn ra từ ngày 13 - 14 tháng 8 năm 2021 (nhằm ngày 6 - 7 tháng 7 năm Tân Sửu) trùng với thời gian tỉnh Đồng Tháp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, lễ giỗ Ông được tổ chức theo nghi thức truyền thống của họ tộc, góp phần thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thống Lãnh binh Nguyễn Văn Linh quê ở thôn Mỹ Ngãi, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường (nay thuộc Phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), sinh ra trong một gia đình nông dân, lễ giáo. Ngay từ nhỏ, Ông đã tỏ ra khí phách anh hùng, biểu hiện ở tính kiên cường, chánh trực, hay binh vực kẻ yếu, thế cô. Ông thường nói với bạn hữu: “Thà chết vinh hơn sống nhục”. Năm 22 tuổi Ông lập gia đình, tuy cuộc sống ấm êm nhưng không làm Ông xao lãng việc trau dồi văn chương, võ nghệ, chờ có cơ hội giúp dân, giúp nước.

Sau khi triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất (1862), nhường ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho thực dân Pháp. Năm 1863, chúng kéo quân đến chiếm đóng các vị trí then chốt trong vùng Cao Lãnh, bằng Nghị định ngày 03/6/1865, chúng thành lập Khu thanh tra Cần Lố, dời lỵ sở của huyện Kiến Phong từ chợ Mỹ Trà về Doi Me. Tại đây, chúng xây dựng một khu hành chánh quân sự kiên cố với hệ thống hầm hào, đồn lũy… ngay tại Mõm Doi, khống chế mọi hoạt động của nghĩa quân và tiến hành công việc bình định, thiết lập bộ máy cai trị tay sai ở địa phương để bắt đầu công cuộc vơ vét bóc lột, nô dịch dân ta.

Ngay từ khi hoà ước ký kết, nhân dân trong vùng căm tức nổi dậy tập trung xung quanh các đầu mục ở địa phương. Ở Hoà An có Lê Kim (Trần Trọng Khiêm), ở An Bình có Trương Tấn Minh (Miên), ở Phong Mỹ có Quản Văn Quản Võ, ở Mỹ Ngãi có Nguyễn Văn Linh… Bên kia sông Tiền vùng đất vẫn còn thuộc quyền của triều đình ở Hội An có ông Bình, ông Chiếu cũng đứng lên quy tụ thanh niên trai tráng trong vùng luyện tập võ nghệ, trang bị vũ khí tự tạo… hình thành đội nghĩa dõng bí mật, ngày đêm rình rập theo dõi hành tung của giặc, hễ có cơ hội là diệt chúng, làm cho giặc hoang mang ngay từ buổi đầu mới chiếm đóng.

Đến giữa năm 1863, sau khi Thủ Khoa Huân bị bắt ở Châu Đốc, Trương Định tuẩn tiết ở Gò Công, căn cứ Tân Hoà tan vỡ, thế lực nghĩa quân ngày một suy sụp. Để cứu vãn tình thế, Thiên hộ Võ Duy Dương đang hoạt động ở Ba Giồng (Cai Lậy) dẫn nghĩa quân vào Đồng Tháp Mười với ý định xây dựng đồn lũy, kháng chiến lâu dài. Thiên hộ Dương truyền hịch tập hợp các đầu mục, chiêu mộ nghĩa sĩ, hô hào nhân dân tham gia kháng chiến. Nguyễn Văn Linh cùng các đầu mục khác hưởng ứng lời kêu gọi của Thiên hộ Dương đem lực lượng của mình đặt dưới quyền chỉ huy của Thiên hộ và hiến nhiều kế sách cho việc xây dựng, phát triển lực lượng nghĩa quân. Trong giai đoạn xây dựng căn cứ Đồng Tháp Mười, Nguyễn Văn Linh, Trần Trọng Khiêm và Đốc Binh Kiều là những bộ tướng phụ tá đắc lực của Thiên hộ Dương trong việc chiêu mộ nghĩa quân và vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến. Vùng hoạt động của nghĩa quân Đồng Tháp Mười ngày một mở rộng, nghĩa quân chủ động tiến công địch nhiều nơi. Nguyễn Văn Linh, ông Bình và ông Chiếu được giao thống lãnh một đạo nghĩa quân phụ trách hoạt động vùng Cao Lãnh, nên trong quân cũng như ngoài dân thường gọi các ông là Thống Linh, Thống Bình, Thống Chiếu.

Hoạt động của Ông làm cho giặc Pháp trong vùng mất ăn mất ngủ, nhưng chúng không sao đàn áp nổi. Để đối phó, chúng phải sử dụng hai tên tay sai khét tiếng: Cai Lộc (tức Trần Bá Lộc, sau thăng lên Tổng đốc) và nhứt là Quản bộ Khanh (tức Phạm Văn Khanh), vốn người làng Mỹ Trà, có quen biết với Thống lãnh binh Nguyễn Văn Linh trước đây và có thời gian y tham gia lực lượng nghĩa quân. Bọn này thường xuyên rình rập, theo dõi hoạt động của Ông.

Một hôm trên đường lo việc quân cơ, tiện đường ghé qua thăm gia đình, bị chúng theo dõi, phục kích bắt Ông và hai người bạn chiến đấu là Thống Bình và Thống Chiếu tại thôn Phong Mỹ, đem về chợ ông Chánh (tức chợ Mỹ Ngãi ngày nay giam giữ với thâm ý dùng tình cảm gia đình để lung lạc lòng yêu nước của Ông. Suốt ngày đêm, bọn Lộc - Khanh hết dụ dỗ lại hăm dọa nhưng không lay chuyển được ý chí sắt đá của người anh hùng. Cuối cùng, chúng ra tay hành quyết Ông cùng với Thống Bình, Thống Chiếu tại chợ Mỹ Ngãi ngày 07/7 năm Ất Sửu (nhằm ngày 28/8/1865).

Trước khi đầu lìa khỏi cổ, Ông vẫn bình tĩnh ngâm hai câu thơ:

“Rất tiếc thù chung chưa trả đặng

Sụt sùi chín suối dễ nào nguôi!”.

Khi đầu rời khỏi cổ, mắt Ông vẫn trừng trừng nhìn bọn giặc làm nhiều tên khiếp vía.

Để tưởng nhớ công lao và khí phách của những anh hùng vì nước hy sinh, dân làng lập miếu thờ ba Ông, nhưng để che mắt giặc, ngôi miếu được ngụy tạo dưới hình thức một ngôi chùa thờ Quan Thánh Đế Quân và nhân dân vẫn gọi là chùa Ba Ông.

Hậu thế có bài thơ truyền tụng:

Lịch sử nêu gương cụ Thống Linh,

Trung can vì nước đã quên mình.

Giận người sống mất suy ra nhục,

Thương kẻ thác còn nghĩ lại vinh.

Bao tiếng ngọt ngon lòng chẳng núng,

Lắm lần hăm dọa chí không kinh.

Ngâm câu ly hận cười người phản,

Quốc vận từ đây phú hậu sinh.

Phát huy truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Lễ giỗ Ông hàng năm được UBND thành phố Cao Lãnh tổ chức long trọng, nhưng do năm nay tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên phần Lễ và Hội không tổ chức, thay vào đó là nghi thức truyền thống của họ tộc.

Thành Nguyên