Xuất bản thông tin

null Rà soát, bổ sung các nhóm đối tượng lao động tự do được hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19

Trang chủ Tab Thông tin

Rà soát, bổ sung các nhóm đối tượng lao động tự do được hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có hướng dẫn các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp bổ sung đối tượng lao động tự do theo Quyết định số 964/QĐ-UBND-HC ngày 26/7/2021 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Đồng Tháp: Không tổ chức đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, Đồng Tháp không tổ chức đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đồng thời giao Sở GD&ĐT tổ chức công nhận đặc cách cho tất cả thí sinh đủ điều kiện theo quy định tại Quyết định số 2507/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.

Thực  hiện  chỉ  đạo  trên, Sở GD&ĐT đề nghị các sở, ngành thành viên của Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Đồng Tháp dừng các công việc chuẩn bị tổ chức đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo phân công của Trưởng ban Ban Chỉ đạo Kỳ thi.

Sở GD&ĐT yêu cầu hiệu trưởng các trường THPT và thủ trưởng các cơ sở giáo dục thường xuyên thông báo cho học sinh, học viên có đăng ký dự thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT biết việc không tổ chức thi; hướng dẫn học sinh, học viên thực hiện hồ sơ, thủ tục đề nghị đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT đúng theo quy định; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin có liên quan đến việc điều chỉnh thời gian, phương thức xét tuyển đại học năm 2021 - nhất là đối với đối tượng được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đại học để thông tin đến học sinh, học viên biết, đăng ký tham dự xét tuyển.

Đối với các trường THPT nơi dự kiến đặt các điểm thi, hiệu trưởng nhà trường tổ chức niêm phong toàn bộ tài liệu, văn phòng phẩm, thiết bị v.v… có liên quan đến việc tổ chức thi, bảo quản chờ chỉ đạo xử lý tiếp theo của Sở GD&ĐT.

2. Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các sở, ban, ngành Tỉnh

Nhằm tầm soát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại các sở, ban, ngành Tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tỉnh có Kế hoạch thực hiện xét nghiệm cho các cán bộ, công chức, người lao động tại các sở, ban, ngành tỉnh Đồng Tháp trên địa bàn Thành phố Cao Lãnh từ ngày 06/8/2021.

Theo đó, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CB, CC, VC NLĐ) dự kiến lấy mẫu xét nghiệm là 1.092 người, bằng phương pháp RT-PCR (mẫu gộp 10) và thực hiện định kỳ 7 ngày/lần (số lần lấy mẫu tùy thuộc tình hình dịch tễ). Công tác lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh hoặc tại nơi làm việc của CB, CC, VC, NLĐ. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tỉnh yêu cầu Sở Y tế lập dự trù sinh phẩm, vật tư tiêu hao, quần áo bảo hộ chống dịch để thực hiện xét nghiệm theo kế hoạch. Bố trí, sắp xếp thời gian và cử lực lượng thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho CB, CC, VC, NLĐ của các đơn vị theo đúng mục đích, yêu cầu và tiến độ.

Đồng thời, đề nghị các sở, ban, ngành Tỉnh lập danh sách tất cả CB, CC, VC, NLĐ làm việc tại đơn vị gửi về Sở Y tế (qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh); thông báo thời gian (theo kế hoạch của ngành Y tế) cho CB, CC, VC, NLĐ của đơn vị để công tác tổ chức lấy mẫu được tiến hành đúng tiến độ quy định.

3. Rà soát, bổ sung các nhóm đối tượng lao động tự do được hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19

Sở LĐ-TB&XH vừa có hướng dẫn các Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp bổ sung đối tượng lao động tự do theo Quyết định số 964/QĐ-UBND-HC ngày 26/7/2021 của UBND Tỉnh về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, qua rà soát thực tế còn nhiều đối tượng người lao động tự do các nhóm công việc khác (ngoài đối tượng tại Quyết định số 964 ngày 26/7/2021 của UBND Tỉnh) bị mất việc làm, không có thu nhập, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 chưa được hỗ trợ. Để có cơ sở trình UBND Tỉnh xem xét, quyết định bổ sung đối tượng, Sở LĐ-TB&XH đề nghị Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố phối hợp với các xã, phường, thị trấn rà soát, tổng hợp danh sách người lao động tự do làm một trong các nhóm công việc.

Cụ thể, thợ hồ, phụ hồ; người làm công trong các công việc như thợ mộc, thợ sơn P, nhôm, kiếng, sắt, hàn, đóng trần, sửa chữa lắp đặt điện, nước nhà riêng và các công trình. Người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy. Người làm công cho các cơ sở sửa xe mô tô (honda); thợ sửa xe đạp; người tự làm hoặc làm việc tại các cơ sở làm đẹp (cắt tóc, uốn tóc, làm móng, trang điểm); người làm công trong các cơ sở may gia công. Người mua bán nhỏ trong các chợ (không thuộc các hộ có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế) bị tạm dừng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, nếu còn lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch ngoài ra các nhóm nêu trên thì các huyện, thành phố đề xuất thêm. Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố thực hiện rà soát, tổng hợp danh sách gửi về Sở LĐ-TB&XH trước ngày 10/8/2021.

Đến nay, Tỉnh đã hỗ trợ cho gần 160.000 người, với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng gồm người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, người bán vé số dạo, lao động tự do, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

BHXH Tỉnh cũng thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.126 đơn vị, doanh nghiệp với số tiền trên 01 tỷ đồng. Dự kiến từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 sẽ có khoảng 1.176 đơn vị, doanh nghiệp được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền tạm tính là 15 tỷ đồng…

UBND Tỉnh yêu cầu các ngành liên quan và địa phương phải thực hiện công tác hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 một cách nhanh chóng, kịp thời và đúng đối tượng. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH khẩn trương rà soát, tổng hợp danh sách người lao động cần hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 964/QĐ-UBND-HC của UBND Tỉnh và đối tượng là lao động tự do ngoài các nhóm nêu trên để trình UBND Tỉnh xem xét, hỗ trợ.

4. Tiếp nhận 125 mô hình sản phẩm tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2021

Nhằm chủ động triển khai các hoạt động Hội thi sáng tạo kỹ thuật (Hội thi), Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng (Cuộc thi) tỉnh Đồng Tháp trong tình hình dịch bệnh Covid-19, Thường trực Ban tổ chức Hội thi và Cuộc thi đã tổ chức họp trực tuyến báo cáo kết quả triển khai Hội thi và Cuộc thi năm 2021, danh sách các mô hình giải pháp tham gia dự thi...Tại buổi họp, ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Hội thi và Cuộc thi thông tin đến các thành viên Ban tổ chức những điểm mới trong tiêu chí chấm thi và đặc biệt là nội dung chấm thi năm nay đều được thực hiện trên phần mềm.

Theo số liệu thống kê của Ban thư ký, Hội thi tiếp nhận 24 giải pháp và Cuộc thi tiếp nhận 125 mô hình sản phẩm tham gia trong năm 2021. Các lĩnh vực ở Hội thi và Cuộc thi đều có các mô hình, giải pháp tham gia.

5. Thu hẹp khoảng cách giới, tiến tới bình đẳng giới

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng tiến tới bình đẳng giới và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống gia đình, xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân và phát triển, tăng cường khả năng đáp ứng của các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Kế hoạch đề ra 5 mục tiêu cụ thể trong các lĩnh vực.

Trong lĩnh vực chính trị, đến năm 2025 phấn đấu đạt 60% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025; giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025.

Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 so với nam giới. Đến năm 2025, 80% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; đến năm 2025 đạt 50% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn.

Đối với lĩnh vực y tế, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025; tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm còn 42/100.000 trẻ sinh sống vào năm 2025; phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất một cơ sở y tế tuyến tỉnh cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm từ năm 2025 trở đi. Tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt trên 30% vào năm 2025. Tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt không dưới 50% từ năm 2025 trở đi. Tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025.

Về lĩnh vực thông tin, truyền thông, phấn đấu đạt 60% vào năm 2025 dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới. Từ năm 2025 trở đi, 100% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới...

UBND Tỉnh đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Kế hoạch. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của UBND các cấp trong việc hoạch định chính sách nhằm phát huy tiềm năng, sáng tạo của phụ nữ. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới. Truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, tổ chức và cá nhân trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới với các hình thức đa dạng, phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng. Triển khai chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan; thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội...

6. Cơ sở điều trị nghiện Đồng Tháp chủ động các biện pháp phòng dịch Covid-19

Cơ sở điều trị nghiện Đồng Tháp (xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh) đã thực hiện test nhanh kháng nguyên (2 lần) cho 39/39 viên chức (VC), người lao động (NLĐ); test nhanh kháng nguyên (1 lần) cho 83/348 học viên cai nghiện để tầm soát dịch Covid-19 và chưa phát hiện ca nghi nhiễm. Để chủ động phòng ngừa dịch Covid-19, Cơ sở điều trị nghiện đã tạm dừng tiếp nhận đối tượng mới và thân nhân đến thăm, gặp học viên. Đồng thời triển khai đến toàn thể VC, NLĐ thực hiện nguyên tắc “3 tại chỗ”; VC, NLĐ và học viên thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Sẵn sàng đáp ứng nhanh yêu cầu phòng dịch tại chỗ, Cơ sở điều trị nghiện đã cử viên chức tham gia tập huấn lấy mẫu test do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh hướng dẫn; mua dự phòng 625 kit test nhanh kháng nguyên, 1.000 ve gòn lấy tụy hầu và 100 bộ đồ bảo hộ phòng, chống dịch Covid-19. Có 38/39 VC, NLĐ được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi 1 (1 trường hợp do dị ứng thuốc nên chưa tiêm)...

7. Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin cho các đối tượng có nguy cơ cao tại các cơ sở giết mổ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa ban hành công văn về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin cho các đối tượng có nguy cơ cao tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, Sở NN&PTNT đề nghị UBND huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng có nguy cơ cao là công nhân giết mổ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Tỉnh.

Chỉ đạo cơ sở giết mổ thực hiện hiện nghiêm công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng cơ sở

hàng ngày, áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định; thực hiện nghiêm 5K, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế.

Yêu cầu người lao động bắt buộc khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch khi tiếp xúc, giao tiếp, ghi chép nhật ký theo dõi quản lý thương lái, công nhân... ra vào hằng ngày cơ sở giết mổ.

Chỉ đạo ngành chuyên môn, UBND cấp xã tăng cường công tác kiểm tra hoạt động giết mổ, đặt biệt là các điểm giết mổ nhỏ lẻ theo quy định; vận chuyển mua bán heo và sản phẩm heo; kiên quyết không để tình trạng heo bệnh giết mổ mang ra bán, tiêu thụ làm lây lan dịch bệnh; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác heo bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan.

Tính đến ngày 02/8/2021, qua thống kê, rà soát số lượng công nhân, thương lái tại các cơ sở giết mổ đã được tiêm phòng vắc-xin Covid-19 là 317/1.041 người, chiếm 30,4% trên tổng số danh sách đăng ký. Ngoài ra trên địa bàn Tỉnh đã có 7/25 cơ sở giết mổ heo tạm thời ngưng hoạt động do không đảm bảo các yêu cầu của công tác phòng, chống dịch.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN MỚI

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”

Ngày 30/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1373/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”. Theo Đề án, mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực.

Phổ cập mẫu giáo 100%

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 90% số tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 100% số tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em mẫu giáo; 70% số tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 40% số tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân, Đề án phấn đấu 70% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin, kỹ năng sống; 60% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, 15% dân số có trình độ đại học trở lên.

90% các trường đại học triển khai đại học số

Đề án phấn đấu đến năm 2030 có 90% số trường đại học triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 80% số cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số.

60% công dân đạt danh hiệu công dân học tập; 50% số huyện được công nhận danh hiệu huyện học tập; 35% số tỉnh được công nhận danh hiệu tỉnh học tập.

Xây dựng dự án Luật Học tập suốt đời

Nhiệm vụ và giải pháp Đề án đặt ra là tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong điều kiện phát triển nền kinh tế số, xã hội số thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, hệ thống thông tin cơ sở, các cơ sở giáo dục và các phương thức khác.

Nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật Học tập suốt đời; rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng, nhất là các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiêu số và miền núi.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; hỗ trợ những người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời.

Đề án đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời. Cụ thể, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên, các thiết chế văn hóa; xây dựng kho học liệu mở phục vụ việc tự học và học tập suốt đời trên các kênh truyền hình giáo dục…

2. Quy định mới về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 77/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Nghị định quy định rõ thời gian tính hưởng và thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên. Cụ thể, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau: Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập. Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập). Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên. Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên gồm: Thời gian tập sự. Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên. Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Thời gian không làm việc khác ngoài quy định tại các điểm a, b, c, d, đ nêu trên.

Nghị định cũng quy định cụ thể mức phụ cấp thâm niên. Theo đó, nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành (ngày 01/8/2021).

3. Những đối tượng được miễn đóng Quỹ phòng, chống thiên tai

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 về việc thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.

Trong đó, quy định về đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp. Cụ thể, đối tượng được miễn đóng góp gồm: Đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02 ngày 09/12/2020; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang đang hưởng phụ cấp sinh hoạt phí.

Các đối tượng là sinh viên, học sinh đang theo học tập trung, dài hạn tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề; người khuyết tật hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên, người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc mắc bệnh tâm thần có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên; người đang trong giai đoạn thất nghiệp hoặc không có việc làm từ 6 tháng trong 1 năm trở lên; phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được miễn đóng góp.

Ngoài ra, thành viên hộ gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo; thành viên hộ gia đình ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật khác có liên quan; thành viên hộ gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, tai nạn cũng thuộc đối tượng miễn đóng góp.

Ngoài ra, đối tượng miễn đóng góp còn có hợp tác xã không có nguồn thu; tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn trong năm bị thiệt hại do thiên tai gây ra về tài sản, nhà xưởng, thiết bị khi phải tu sửa, mua sắm với giá trị lớn hơn hai phần vạn (0,02%) tổng giá trị tài sản của tổ chức hoặc phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 5 ngày liên tục trở lên có xác nhận của UBND cấp huyện hoặc được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối tượng được giảm, tạm hoãn đóng góp gồm: tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì được xem xét giảm, tạm hoãn đóng góp Quỹ cấp tỉnh. Mức giảm đóng góp quỹ tương ứng mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp do cơ quan Thuế công bố hàng năm. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/9/2021.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Từ tháng 7/2021, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Cao Lãnh đã triển khai tiêm vaccine cho các nhóm đối tượng theo kế hoạch của UBND Tỉnh. Tiến độ thực hiện đảm bảo theo quy định nhằm sớm tạo miễn dịch trong cộng đồng. Các xã, phường trên địa bàn Thành phố đã tập trung tiêm vaccine từ ngày 07-10/8/2021 theo số lượng vaccine của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh cấp. Để đảm bảo tiến độ, 15 xã, phường trên địa bàn Thành phố đã tăng cường công tác tiêm ngừa ngay trong tối ngày 09/8/2021. Từng xã, phường đã huy động lực lượng y tế tổ chức tiêm vaccine cố định và lưu động tại Ban nhân dân các khóm, ấp, trụ sở UBND... một cách khẩn trương. Đến thời điểm này, Thành phố đã hoàn thành việc tiêm vaccine theo số lượng của Tỉnh đã phân bổ trong đợt này là 16.000 liều.

Trước tình hình ca mắc Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng ngày càng tăng, thành phố Sa Đéc đã huy động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Thành phố tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đợt huy động lần này có trên 200 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc khối hành chính và khối Đảng, nhân viên y tế học đường, giáo viên các trường học trên địa bàn tham gia hỗ trợ lực lượng y tế trong công tác truy vết, nhập dữ liệu truy vết F0, F1, F2, lấy mẫu để xét nghiệm, hỗ trợ lực lượng làm công tác kiểm soát tại các chốt phong tỏa và các tuyến đường trên địa bàn Thành phố. Lực lượng hỗ trợ đã chi viện ngay cho các chốt kiểm soát, riêng lực lượng tham gia vào công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm đã được Trung tâm y tế thành phố tập huấn để bắt tay ngay vào việc hỗ trợ lấy mẫu test nhanh, RT-PCR cho người dân khu vực cách ly y tế, phong toả, chợ và ổ dịch mới phát sinh.

Nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời sự lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, những ngày qua, Trung tâm y tế thành phố Hồng Ngự tiến hành lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR tầm soát trên diện rộng để thanh lọc và phát hiện dịch Covid-19 trong cộng đồng. Theo đó, đối tượng được lấy mẫu xét nghiệm là cán bộ công nhân viên chức Thành phố, xã, phường; lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch và nhân dân trên địa bàn Thành phố. Qua 03 ngày thực hiện, kết quả đã lấy gần 5.000 mẫu xét nghiệm, tất cả đều cho kết quả âm tính với dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, việc lấy mẫu được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, nhằm phát hiện các trường hợp F0, để đưa đi điều trị kịp thời và khoanh vùng dập dịch; đồng thời, truy vết đưa cách ly các trường hợp F1 theo quy định.

Trong 02 ngày 07 - 08/8/2021, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông và Trạm Y tế các xã, thị trấn trong Huyện đã đồng loạt triển khai tiêm vắc-xin AstraZeneca và Moderna phòng Covid-19 đợt 5 năm 2021. Trong đợt 5, huyện Tam Nông được Tỉnh phân bổ 8.150 liều vắc-xin AstraZeneca và Moderna phòng Covid-19, đến nay đã nhận 5.961 liều để tiêm cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy phát triển kinh tế. Công tác triển khai tiêm vắc-xin đợt 5 đã và đang được Huyện gấp rút đẩy nhanh tiến độ, huy động sự tham gia phối hợp chặt chẽ, tích cực của các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đảm bảo an toàn, đúng đối tượng và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế trong suốt quá trình tiêm. Kết quả, trong 02 ngày, toàn Huyện đã tiêm 5.961/5.961 liều cho các đối tượng thuộc diện ưu tiên, đạt tỷ lệ 100%. Đến nay, sau 5 đợt tiêm huyện Tam Nông có trên 17.366 lượt người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Vừa qua, Trung tâm Văn hoá Thể thao và Truyền thanh huyện Lai Vung tổ chức chương trình phát thanh trực tiếp “Diễn đàn chính quyền huyện Lai Vung đối thoại với nhân dân qua sóng phát thanh kỳ 80” với chủ đề phòng, chống dịch Covid-19. Tham gia chương trình gồm lãnh đạo Uỷ ban nhân dân Huyện và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Huyện, tại đây các diễn giả đã cung cấp thông tin về diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn Huyện, đồng thời, mong muốn người dân tiếp tục chia sẻ với lãnh đạo Huyện một số thuận lợi, khó khăn, bất tiện trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Để công tác phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục mang lại hiệu quả, dịch bệnh sớm được kiểm soát để người dân có cuộc sống bình thường, thông qua buổi đối thoại, Lãnh đạo Huyện đề nghị người dân tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Tuyệt đối không ra đường khi không cần thiết, không tập trung quá 02 người nơi cộng cộng; thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế cùng những khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế.

Đến nay, 18 xã, thị trấn của huyện Cao Lãnh đã thành lập được 70 Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân trong mùa dịch bệnh với hàng trăm thành viên. Các thành viên tham gia tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản được ưu tiên khám sàng lọc, tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Các Tổ đã tích cực hỗ trợ người dân trong các khâu sản xuất nông nghiệp, nhất là kết nối tiêu thụ nông sản khi đến thời điểm thu hoạch. Kết quả, tính đến ngày 08/8/2021, toàn huyện Cao Lãnh đã tiêu thụ được 332 tấn nhãn, 330 tấn ổi, 145 tấn chanh, 775 tấn ếch, 620 tấn cá điêu hồng, gần 10 tấn tôm càng xanh, 60 tấn cá rô đồng và 50 tấn cá sặc. Đặc biệt chỉ riêng trong ngày 10/8/2021, các Tổ đã hỗ trợ tiêu thụ tổng cộng gần 2.534 tấn nông sản các loại, góp phần chia sẻ khó khăn về đầu ra của các mặt hàng nông sản của địa phương trong mùa dịch bệnh.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ